Tác phẩm Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách được coi là tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của nước nhà, cũng là tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Những người đọc vội cho rằng đây là một tiểu thuyết diễm tình thông thường, nhưng sâu hơn thế, Tố Tâm là một câu chuyện ẩn chứa nhiều giá trị xã hội mới mẻ trong thời đại bấy giờ.
Mục Lục
Tác giả Hoàng Ngọc Phách xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước, cha ông từng tham gia vào phong trào Cần Vương. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán rồi học trường Pháp Việt nên trong những tác phẩm của nhà văn này, chúng ta sẽ thấy tác giả khá chuộng dùng từ Hán Việt.
Ngoài thời gian sáng tác và dạy học, Hoàng Ngọc Phách còn tổ chức những buổi diễn thuyết và tổ chức đội kịch. Một trong những học trò được ông dìu dắt trong ngành nghệ thuật sân khấu chính là tác giả Thế Lữ.
Hoàng Ngọc Phách sáng tác Tố Tâm khi ông còn khá trẻ, mới 23 tuổi, cùng lúc ông hoàn thành năm cuối khóa tại trường Cao đẳng Sư phạm, ban văn chương. Tố Tâm được coi là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, mở đầu cho những tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ.
Sách hay nên đọc: Review truyện ngắn Mắt biếc – vì yêu đơn phương là chết ở trong lòng một chút…
Tố Tâm kể về chuyện tình buồn giữa nhà văn Đạm Thủy và cô gái tên Lan, được Đạm Thủy đặt tên là Tố Tâm. Thông qua những vần thơ, con chữ mà Đạm Thủy viết, Tố Tâm đã dành trọn tình yêu cho chàng dù hai người chưa từng gặp mặt.
Một lần, chú của Tâm nhặt được chiếc ví Đạm Thủy đánh rơi, hai người gặp gỡ nhau theo sự sắp xếp của số phận. Tâm đã khiến cho Đạm Thủy cũng nảy sinh tình cảm với mình. Từ đó, tuy hai người ít gặp nhau nhưng lại thường xuyên gửi cho nhau những bức thư đắm say thương nhớ. Họ đã có lần hẹn nhau cùng đi chơi ở vùng quê và có thêm thật nhiều kỉ niệm đẹp. Đây là một mối tình nồng nàn, trong sáng, không hề pha chút sắc dục.
Dẫu vậy, hai người đều biết đây là tình yêu vô vọng vì Đạm Thủy đã có hôn phối sắp đặt từ trước và Tố Tâm cũng biết rõ điều đó.
Mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình ép buộc nàng phải lấy chồng. Phần vì thương mẹ, phần vì được Đạm Thủy khuyên nhủ, Tâm đồng ý lấy người khác.
Sau khi kết hôn, Tâm mắc tâm bệnh rồi ốm nặng, nàng qua đời chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa. Sau khi đến viếng mộ Tố Tâm, Đạm Thủy nhận được những kỷ vật của nàng. Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều vô cùng thiêng liêng. Đó là công danh sự nghiệp và mối tình cao thượng với Tố Tâm.
Mua sản phẩm tại đây để ủng hộ tác giả và chúng mình nhé
Luôn tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất
Với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã dám cất lên tiếng nói bênh vực cho thứ gọi là “ái tình” – thứ thường bị các nhà Nho xưa khinh miệt, coi thường và không để ý tới. Tác giả đã có cái nhìn mới về tình yêu đôi lứa và sức mạnh của nó, rằng tình yêu là động lực to lớn thúc đẩy người ta dám làm tất cả. Tố Tâm đã dám chống lại những hủ tục, cô đi theo cái chết vì không chấp nhận được thực tại tù túng.
Có người nói rằng Tố Tâm tự tử vì tình nhưng theo tôi thì không. Tâm vốn là một cô gái nhen nhóm trong mình những tư duy hiện đại vì mới được tiếp xúc với lớp trí thức Tây học bấy giờ. Thay vì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, Tâm đã vượt lên những định kiến rằng con gái phải e dè, kín đáo, giữ thế bị động trong tình yêu để chủ động bày tỏ cảm xúc với nửa còn lại của mình. Khi biết Đạm Thủy bị sắp đặt trong một cuộc hôn phối, Tâm vẫn kiên quyết với tình yêu của mình.
Sách hay nên đọc: Review sách: Cánh đồng bất tận – vì đâu một nửa hồn tôi hóa dại khờ
Đọc sách mà ngưỡng mộ thay người con gái Tố Tâm. Nàng hết lòng si mê người ta dù hai người chưa từng gặp mặt. Tình yêu của nàng được xây bằng cầu nối giữa hai trái tim đồng điệu, nó vượt lên những thứ tầm thường như ngoại hình hay gia cảnh tương xứng.
Thứ đầu tiên phải nhắc đến trong tiểu thuyết Tố Tâm là nghệ thuật miêu tả tài tình của tác giả.
Bắt đầu với nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật. Tuy là tiểu thuyết tình yêu nhưng không vì thế mà suy tư của nhân vật mất đi tính hợp lý. Các màn đối thoại giữa các nhân vật, độc thoại nội tâm hay ngôn ngữ người kể chuyện đều được sắp xếp rất đúng lúc.
Thiên nhiên trong tiểu thuyết Tố Tâm cũng được miêu tả rất xứng với tình yêu đẹp của hai người. Thiên nhiên ở đây xuất hiện như một lối thoát cho những tâm hồn lãng mạn. Họ tìm đến nhau, rồi tìm đến thiên nhiên như để cùng giao cảm và tách biệt khỏi ý thức hệ phong kiến cầm tù. Thay vì lối mô tả ước lệ như trong những tác phẩm cũ, thiên nhiên trong văn của Hoàng Ngọc Phách hiện lên phong phú, sống động, rực rỡ và vô cùng chân thật.
Một số nhận xét cho rằng các sự kiện trong truyện còn dài dòng và tương đối dàn trải, nhất là trong các câu đối thoại, trích dẫn hay thư từ. Có những đoạn Tố Tâm và Đạm Thủy trao nhau những câu thơ Đường khuôn sáo, không hợp lý với hình ảnh những thanh niên theo trí thức Tây học thời bấy giờ.
Gần 100 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên tiểu thuyết Tố Tâm ra đời, có người khen thì cũng có kẻ chê. Dẫu vậy, Tố Tâm vẫn là một cái tên sáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Cuốn tiểu thuyết kết hợp nhuần nhuyễn những ý niệm về tình yêu và những giá trị xã hội khiến công chúng bao đời vẫn nhớ tên.
Sách hay nên đọc: Review sách: Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất – cuốn sách làm sống dậy khát vọng sống trẻ, sống tự do
Mua sản phẩm tại đây để ủng hộ tác giả và chúng mình nhé
Luôn tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất
Copyright © 2021 HOCTAPSGK