“Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề nói láo”
Bốn Mươi Năm Nói Láo, hay chính là bốn mươi năm làm báo, là cuốn hồi ký kể lại chặng đường làm nghề đầy vinh dự của tác giả, nhưng được viết lại với giọng điệu hài hước và một chút chua cay.
Mục Lục
Vũ Bằng – tác giả Bốn Mươi Năm Nói Láo là một nhà văn, nhà báo tài năng của nền văn học Việt Nam nhưng cuộc đời và nghiệp viết lại gặp nhiều trắc trở. Trong suốt một thời gian dài, tác giả này phải âm thầm chịu tiếng phản trắc, quay lưng với cách mạng. Dẫu những sáng tác của ông mang nhiều giá trị xã hội và nghệ thuật, cái tên Vũ Bằng vẫn không được xuất hiện trong những cuốn văn học mà học sinh vẫn nghiên cứu hàng ngày.
16 năm sau khi Vũ Bằng qua đời, nước ta mới có văn bản xác nhận ông là một chiến sĩ quân báo. Chính từ năm 2000, những tác phẩm của ông mới được công bố rộng rãi với độc giả.
Những người yêu phong cách văn chương của Vũ Bằng sẽ nhắc ngay tới tác phẩm Thương Nhớ Mười Hai. Hơn cả một ngòi bút lãng mạn, nhà văn này còn là một tay viết báo sắc sảo, nhanh nhạy với những biến chuyển của xã hội Việt Nam.
Sách hay nên đọc: Review sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn nhật ký lưu giữ ngọn lửa không bao giờ tắt của tuổi trẻ
Với vị trí là một cây đại thụ trong làng báo Việt Nam, Vũ Bằng sẽ đưa chúng ta đi khám phá nghề báo từ những ngày đầu xuất hiện. Làm báo có thực là nói láo ăn tiền?
5 phần trong sách Bốn Mươi Năm Nói Láo: Báo Tếu, Báo Đấu Tranh, Báo Xây Dựng, Báo Hại, Báo Là Gì sẽ cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về nghề báo. Nhìn lại 40 năm lăn lộn trong nghề, tác giả ngẫm nghĩ: “Nói láo là một vinh dự, làm nghề nói láo là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang”. Thông qua cuốn hồi ký này, chúng ta sẽ nhìn thấy những chiêm nghiệm của tác giả về sự nghiệp, cuộc đời và đất nước.
Trong cuốn Bốn Mươi Năm Nói Láo, độc giả được nhìn lại hành trình trưởng thành của nhà báo hiệt kiệt Vũ Bằng, ông xuất phát là một chàng trai trẻ, một con ngựa non háu đá đã nếm hết các thú ăn chơi rồi trở thành cây đa cây đề trong làng báo Việt. Không chỉ là một nhà văn, Vũ Bằng còn là một chiến sĩ quân báo, luôn đấu tranh hết mình vì cái trong sạch, cái lương thiện và sự tự do của Tổ quốc.
Bốn Mươi Năm Nói Láo có thể coi là cuốn lược sử của ngành báo Việt, bởi sách đã tóm tắt các giai đoạn phát triển của báo chí Việt Nam qua các giai đoạn: dưới ách đô hộ thực dân Pháp, khi Nhật nhảy vào Việt Nam, khi Việt Minh hoạt động bí mật, Việt Minh nắm chính quyền, hiệp định Geneve chia đôi đất nước, chính quyền Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ đặt ách thống trị.
Bao cái hay dở của mỗi thời đều được vạch ra dưới ngòi bút của tác giả. Bốn Mươi Năm Nói Láo còn thừa nhận quan điểm ban đầu lệch lạc của giới làm báo trong những năm 30 của thế kỷ trước: Làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quăng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong. Những người trẻ đó không có đường lối chính trị, không có quan điểm hay lập trường, vì nghĩ rằng, thời bấy giờ Tây lo cho hết cả rồi, thì quan điểm lập trường làm gì cho vô ích?
Thế là anh em tờ Rạng Đông viết đủ mọi thể loại, và chửi loạn xà ngầu, miễn là đừng chửi Tây, chửi chết thôi, mà nếu chửi tục, chửi dơ dáy, thỉnh thoảng xen vài câu dâm dục thì lại càng được hoan nghênh tệ… Rạng Đông chết, sang tờ Nhựt Tân cũng không khác gì mấy.
Thế rồi, tư tưởng làm báo của Vũ Bằng được Nguyễn Văn Vĩnh khai sáng với mấy lời chí lý: “Do đó, báo chí là tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi cho dân, không thể không nói lên những sai lầm của chính phủ, những sơ hở của chế độ, và đưa ra những khía cạnh bất lợi của chính phủ đối với dân. Nói rút lại, người làm báo không thể để cho ngòi bút của mình tủi hổ.
Cố nhiên, muốn được như thế, báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, mà người làm báo, cũng như các nhà cách mạng, chính trị, thường không tránh được bị vu cáo, bị tù đày hay bị thiếu thốn về vật chất”
Sách hay nên đọc: Review sách: Vang bóng một thời – nơi cây bút tài hoa lưu giữ cái hồn dân tộc
Đọc Bốn Mươi Năm Nói Láo mới biết thêm nhiều bí mật lớn của những cây bút thời đại. Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh hay Nguyễn Tuân đều được Vũ Bằng vẽ lại bằng nhiều câu chuyện. Hài hước có, cảm động có, tất cả đã làm nên một nền văn học Việt Nam rực rỡ sắc màu.
“Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho Hà Nội Báo – tiểu thuyết Giông Tố bắt đầu viết từng kỳ trên báo này – Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước Giông tố đã viết đến đoạn nào rồi không.
Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc Giông tố hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm Hà Nội Báo để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống.”
Khác hẳn với tâm hồn nhạy cảm và dạt dào tình yêu Hà Nội trong Thương Nhớ Mười Hai, Vũ Bằng trong Bốn Mươi Năm Nói Láo kể chuyện với giọng văn sắc sảo, phóng túng và không kém phần hài hước. Nhìn lại thăng trầm của chính mình với nghề báo, Vũ Bằng có những lúc xót xa, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc nhưng lúc nào cũng đề cao nghiệp báo và trân trọng mối quan hệ với anh em đồng nghiệp.
Người ta nói Bốn Mươi Năm Nói Láo xứng đáng trở thành cuốn sách giáo khoa Giáo dục công dân hay bài tập thực hành Đạo đức cho những người làm báo thời nay. Đọc sách để biết lớp người đi trước đã cố gắng thế nào để giữ gìn sự trong sạch và tiến bộ cho nền báo chí nước nhà. Mỗi khi đặt bút xuống trang giấy, người làm báo cần giữ cho mình thái độ khách quan và tình yêu nghề để gửi đến độc giả những trang viết thực sự giá trị.
“Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo.”
Tình yêu với nghề báo chưa bao giờ nguội tắt trong suốt ngần ấy năm cuộc đời của nhà văn Vũ Bằng. Đừng bỏ qua một tác phẩm xuất sắc của tác giả Vũ Bằng nói riêng và của cả nền văn học nước nhà nói chung.
Sách hay nên đọc: Review sách: Con Chim Xanh Biếc Bay Về – tình yêu và ngưỡng cửa trưởng thành
Copyright © 2021 HOCTAPSGK