Từ trước đến nay, con người luôn đề cao tính tích cực, và thường nhận định rằng lối tư duy tiêu cực sẽ đẩy chúng ta đến gần với sự thất bại. Nhưng có phải lúc nào quan điểm đó cũng đúng?
Trước khi bạn vội vã bênh vực cho quan điểm đã ăn sâu vào tiềm thức ấy, hãy phản biện bằng cách thử đặt ra 3 câu hỏi:
– Nếu nó đúng, vậy chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá tư duy (mà biểu hiện là đặc điểm tính cách) tiêu cực hay tích cực?
– Những tiêu chuẩn này có thay đổi khi thời đại thay đổi, hoặc khác biệt giữa các nền văn hoá hay không?
– Nếu nó có thay đổi và không đồng nhất, vậy có chắc nó luôn đúng?
Bài viết này sẽ cho bạn thấy những góc nhìn khác về tư duy tiêu cực.
Mục Lục
Vài thập kỷ qua, chúng ta đã được đóng khung với suy nghĩ rằng con người cần phải loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực và hướng tới một thái độ tích cực thì mới có thể thành công. Tôi không phủ định giá trị của thái độ tích cực, nhưng chắc chắn một điều: Bạn vẫn có thể thành công với tư duy của riêng bạn.
Elizabeth Taylor – Bóng hồng điện ảnh huyền thoại, biểu tượng nhan sắc kinh điển của Hollywood, đồng thời là nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ gốc Anh, không chỉ được biết đến qua tài năng và vẻ đẹp ở các vai diễn, đời tư ồn ào của bà cũng tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Với 2 lần bị gắn mác “kẻ thứ ba”, 8 lần kết hôn, nghiện rượu, dùng ma tuý,… thậm chí, một trong số chồng cũ còn tố bà là bậc thầy trong việc tạo ra bệnh tật cho bản thân.
Tuy nhiên, trước những biểu hiện tiêu cực rõ ràng ấy… cuộc đời của bà vẫn được xem là thành công rực rỡ.
Không chỉ riêng Elizabeth Taylor, Humphrey Bogart, Marilyn Monroe, Ernest Hemingway, và rất nhiều người nổi tiếng khác từng bị công chúng đánh giá là có tư duy tiêu cực thì cuộc đời họ vẫn đầy thành tựu.
Thực tế, trong cuộc sống hằng ngày, bạn vẫn có thể bắt gặp những người đối với bạn là không đủ giỏi, thừa tiêu cực nhưng cuộc sống của họ vẫn làm bạn ngưỡng mộ.
Thành công có rất nhiều phương diện để đánh giá, không nhất định chỉ người có tiền tài hay quyền thế, cũng như Elizabeth Taylor có thể được xem là một người thành công ở sự nghiệp nhưng lại thất bại trong cuộc sống hôn nhân, cuối đời bà cũng sống trong sự cô đơn.
Tóm lại, thành công không có quy luật, nó có thể đến với tất cả mọi người dù là người tiêu cực nhất.
Có một câu nói tôi rất tâm đắc của tác giả Chin-Ning Chu trong quyển sách “Mặt dày, tâm đen”:
“Nỗi ám ảnh về đặc tính tiêu cực không phải là bản thân đặc tính tiêu cực của bạn. Mà chính là việc bạn tuỳ tiện lợi dụng “điểm tiêu cực” của bản thân làm chỗ dựa để bào chữa cho những thất bại của mình.”
Thật vậy, hằng ngày, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp những trường hợp như thế này:
Một chàng trai tâm sự với bạn:
– “Tính tôi hơi nhút nhát nên không dám làm quen với cô ấy.”
Sự thật là anh ta không đủ can đảm để chinh phục người mình thích.
Một ông chồng nói với cô vợ:
– “Xin lỗi em, tại tính anh hơi nóng nên mới lỡ lời làm em buồn.”
Bản chất là ông ta không chịu cố gắng để kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.
Hay một cậu học sinh than phiền:
– “Hôm trước mình lười chép bài quá nên không nhớ gì cả”
Cậu ta chỉ đang cố che đậy sự thiếu nỗ lực của chính mình mà thôi.
Tư duy của một người thể hiện ở đặc điểm tính cách, mà tính cách con người thì không ai là tuyệt đối hoàn hảo hay xấu xa cả. Vì vậy, tư duy cũng không có sự tuyệt đối, mỗi khuynh hướng tư duy đều có mặt phải và mặt trái mà bạn cần phải khám phá.
Ở phần này tôi sẽ cho bạn thấy lợi ích của đặc điểm tính cách bị cho là tiêu cực ở các trường hợp trước.
– Người nhút nhát ít gây thị phi, đáng tin cậy và dễ cảm thông cho người khác.
– Người lười biếng thường giải quyết các vấn đề một cách thông minh, sáng tạo hơn.
Thậm chí có một nghiên cứu còn chỉ ra 6 tác động tích cực của người nóng tính mà bạn khó có thể ngờ đến, bao gồm: Tạo động lực, thắt chặt quan hệ, giảm bạo lực, tăng hiệu quả đàm phán, mang lại tinh thần lạc quan và cái nhìn sâu sắc hơn.
Như tôi có đề cập đến trong câu hỏi đầu bài viết, tư duy tiêu cực được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn không nhất quán giữa các nền văn hoá hoặc giữa các khoảng thời gian. Vì vậy, không có lý nào chúng ta lại mặc định một đặc điểm tính cách là tích cực hay tiêu cực.
Ví dụ:
Ở Châu Âu đề cao quyền tự do cá nhân nên con cái có quyền phản kháng trước sự can thiệp của cha mẹ vào cuộc sống, tuy nhiên, tại đa số các nước Châu Á, hành động đó được xem là bất hiếu, thiếu lễ độ.
Phụ nữ ngày nay ăn mặc hở tí da thịt thì được ca ngợi là thời trang, quyến rũ. Trong khi trước đây, ăn vận kiểu trang phục như vậy sẽ bị đánh giá là thiếu đoan trang, thừa lẳng lơ.
Tổng kết lại, chúng ta nên chấp nhận những tính cách vốn có của bản thân, để tư duy tiêu cực được phát triển theo lẽ tự nhiên và không làm tổn hại đến người khác, hãy khám phá tiềm lực của các đặc tính tiêu cực và vận dụng nó một cách hiệu quả.
Tư duy tiêu cực không xấu nếu bạn có thể dùng nó theo hướng tích cực.
*Đọc thêm các bài suy ngẫm khác tại đây: Góc suy ngẫm – Hoctapsgk
*Xem các bài review sách tại: Hoctapsgk – Youtube
Copyright © 2021 HOCTAPSGK