Để biết được thời điểm nào nên im lặng hay nói ra có lẽ sẽ lấy của bạn rất nhiều thời gian, thậm chí là cả một đời. Bài viết này sẽ là bản tóm tắt giúp bạn bước đầu tìm thấy câu trả lời cho chính mình.
Mục Lục
Có một câu chuyện kể rằng:
Trong thời gian đi truyền bá Phật Pháp tại Trung Quốc, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma có lần định quay về lại Ấn Độ. Trước khi lên đường, ngài gọi các đệ tử lại để khảo sát kiến thức về Đạo Pháp của họ. Đối với câu trả lời từ các đệ tử, ngài lần lượt khen họ đã “đạt được phần da, phần thịt, hay phần xương” của ngài.
Đến lượt Huệ Khả đứng lên, ông chỉ nghiêng mình rồi đứng yên nhưng tổ sư đã phải thốt lên:
– “Ngươi đã đạt được phần tủy của ta rồi.”
Hay như William Arthur Ward – Nhà văn tạo động lực người Mỹ đã từng viết:
“Lone eagles, soaring in the clouds, fly with silent, peaceful poise,
While turkeys, in their earth-bound crowds, fill the atmosphere with noise”
(Tạm dịch:
Những con đại bàng đơn độc sải cánh giữa những đám mây, bay với tư thế yên lặng và bình thản,
Trong khi gà tây, giữa bầy đàn loanh quanh trên mặt đất, làm đầy không gian với những tiếng ồn ào)
Dù là nền văn hoá Phật giáo Phương Đông, hay giáo dục Phương Tây thì sự im lặng không phải là không có ngôn từ để diễn tả, mà là nội hàm không thể dùng ngôn ngữ để lý giải trọn vẹn.
*Sách hay nên đọc: Review sách: Nóng giận là bản năng tĩnh lặng là bản lĩnh
Để giải thích ý này chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hoá của người Nhật. Có 4 hành động im lặng được coi như triết lý sống và hiện hữu trong môn học đạo đức của người Nhật, đó là: Đọc sách trong im lặng; vệ sinh lớp học trong im lặng; suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng.
Các em học sinh được dành riêng 15 phút mỗi sáng để đọc sách trong yên tĩnh. Đó là cách người Nhật luyện tập thói quen đọc sách từ bé và giữ yên lặng ở không gian chung.
Trường học cũng không có lao công, việc này sẽ do chính học sinh đảm nhiệm. Trong quá trình dọn dẹp, các em đều tuân thủ quy định giữ im lặng và tập trung vào công việc được giao. Đó là bài học để trẻ em rèn luyện sự nhẫn nại, tinh ý và tôn trọng sức lao động của người khác.
Di chuyển và suy nghĩ trong im lặng cũng hàm chứa những bài học tương tự như vậy.
Văn hoá im lặng trong giao tiếp ứng xử của người Nhật thể hiện sự tôn trọng trật tự và tính trách nhiệm. Nhờ có im lặng, họ có thể dành thời gian nhanh chóng giải quyết công việc mà không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Sau một ngày dài chạy đua với những áp lực từ công việc, học tập, gia đình,… thì im lặng chính là một giải pháp để nạp lại năng lượng. Đó là lúc chúng ta thấy tâm hồn mình được lắng lại, để bản ngã đủ tỉnh táo trò chuyện với chính mình và tận hưởng những thanh âm giản dị từ cuộc sống.
Giống như Katrina Mayer (nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới, tác giả của cuốn sách “Tầm nhìn Wholarian” và “Con đường của hạt giống cây Mù-tạt”) đã từng nói:
“What is heard in silence is far more powerful than what can be said with any words.”
(Tạm dịch:
Điều nghe được trong im lặng hùng mạnh hơn bất cứ ngôn từ nào có thể nói)
Im lặng mang đến rất nhiều giá trị cho con người nhưng cũng có rất nhiều học giả, triết gia, bậc tu sĩ lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói ra. Vậy điều này có phải là một sự mâu thuẫn lớn?
Tôi đã từng nghe qua một câu danh ngôn khuyết danh: “Im lặng là vàng, nhưng đôi khi nó là tội lỗi.”
Vậy phải chăng có nhiều lúc chúng ta nên đề cao tiếng nói thay vì sự im lặng?
Câu chuyện của Lâm Thanh Huyền – nhà văn người Đài Loan là một ví dụ điển hình về sức mạnh của ngôn từ.
Hồi còn học cấp hai, học lực lẫn hạnh kiểm của ông đều xếp loại kém, thậm chí có lần bị lưu ban và bị đuổi khỏi ký túc xá trường. Nhiều giáo viên khi ấy đã không còn hi vọng gì vào ông, nhưng thầy dạy văn là Vương Vũ Thương vẫn đối tốt với ông, thầy thường hay đưa ông về nhà ăn cơm, tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ mang bài tập lên lớp khi thầy bận việc.
Đặc biệt, có lần thầy đã nói với ông rằng:
– “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.
Chính nhờ lời nói này đã mang đến động lực cho nhà văn Lâm. Để không phụ lòng vị thầy giáo đáng kính, ông đã hết sức nỗ lực học tập, quyết tâm trở thành một người có ích với xã hội.
Quả nhiên, vài năm sau, Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên có tiếng. Trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp, ông cảm thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án rất tỉ mỉ, ông đã viết ra rằng: “Một tên trộm với tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy, nếu hắn làm bất luận việc gì cũng sẽ đều có thành tựu”.
Ông chưa từng nghĩ, một câu nói chỉ thuận tiện mà viết ra như vậy, lại ảnh hưởng đến cuộc đời của một thanh niên. Hai mươi năm sau, tên trộm năm đó đã lột xác, hắn đã làm lại từ đầu, trở thành một vị chủ doanh nghiệp được người đời nể phục.
Trong một lần bất ngờ gặp Lâm Thanh Huyền, ông chủ doanh nghiệp này đã chân thành nói: “Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong cuộc đời tôi, nó khiến tôi nghĩ rằng, ngoài việc làm tên trộm ra, tôi còn có thể làm được việc đúng đắn”
Bạn thấy đó, một lời nói đúng lúc đôi khi lại có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời một con người.
*Sách hay nên đọc: Review sách: Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ – YouTube
Nói ra hay im lặng là lựa chọn được quyết định dựa vào hoàn cảnh, phải đúng lúc, đúng người và đúng mục đích. Thông thường, “con người ta chỉ mất 2 năm để học nói nhưng phải mất đến cả đời để biết mình nên nói những gì”. Lựa chọn sai có thể biến chúng ta thành kẻ đồng lõa với sự tàn nhẫn và thói vô tâm.
Vậy lúc nào nên “nói ra” thay vì “im lặng”?
Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.”
Khi ta nhìn thấy kẻ trộm trên xe bus, kẻ cướp trên đường phố, kẻ xấu trong xã hội,… mà sợ bị liên luỵ nên phớt lờ, thì đó là hành động bao che để tội ác được bành trướng và tự biến mình thành kẻ đồng phạm. Nhìn thấy sự vất vả của người thân, sự khổ cực của người khác mà ngoảnh mặt quay đi thì đó là vô cảm, ích kỷ.
Chịu oan ức mà vẫn im lặng, oán trách thời cuộc nhưng lại không thể tha thứ cho người ta thì là yếu đuối, hèn nhát. Đôi khi, việc nói ra không chỉ giúp chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình mà còn cho người khác cơ hội để hiểu mình hơn, nhờ đó mà các mối quan hệ trở nên gắn kết và nhiều hiểu lầm được tháo gỡ.
Thử tưởng tượng nếu thế giới ai cũng im lặng thì lấy đâu ra người truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau, lấy đâu ra những diễn giả truyền động lực cho hàng triệu người, lấy đâu ra những nhà chính trị tài ba làm thay đổi cả một đất nước?
Nếu lời nói của bạn hướng đến lợi ích cho xã hội thì đừng ngần ngại cất tiếng, những ngôn từ ấy xứng đáng được lắng nghe.
Copyright © 2021 HOCTAPSGK