Trang chủ Lớp 4 Tiếng việt Lớp 4 SGK Cũ Chủ điểm: Trên đôi cánh ước mơ Tuần 7 - Kể chuyện: Lời ước dưới trăng - Tiếng Việt 4

Tuần 7 - Kể chuyện: Lời ước dưới trăng - Tiếng Việt 4

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Hướng dẫn kể chuyện

  • Chú ý giọng kể nhẹ nhàng, rõ ràng.
  • Nhấn giọng những từ ngữ biểu cảm nỗi niềm của chị Ngàn.
  • Đoạn cuối kể với sự ngưỡng mộ tấm lòng nhân ái, bao la, biết cảm thông đối với chị Ngàn.
  • Vừa kể, vừa chỉ vào tranh minh họa trong SGK.

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 69, sgk Tiếng Việt lớp 4): Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, kể lại từng đoạn câu chuyện:

Gợi ý:

 

  • Tranh vẽ 1:
    • Ở quê ngoại tôi có một phong tục thật đáng quý. Tất cả con gái trong làng tròn mười lăm tuổi đều được đến hồ Hàm Nguyệt nằm trong khuôn viên chùa làng để rửa mặt bằng nước hồ và nói lên điều nguyện ước của đời mình dưới ánh trăng vào đêm rằm tháng Giêng. Nghe nói, lời nguyện ước của các cô gái sau này đều ứng nghiệm.
  • Tranh vẽ 2:
    • Năm nay, đúng vào cái đêm thiêng liêng ấy bà tôi gọi chị gái tôi về để thực hiện lời nguyện ước. Sau khi chị tôi đi rồi, tôi tò mò đi theo và gặp chị Ngàn ở ngõ. Chị Ngàn trạc tuổi chị tôi nhưng bị mù từ nhỏ. Chị Ngàn vốn đẹp người đẹp nết. Thấy chị lần mò đi một mình tội nghiệp, tôi dẫn chị đi.
  • Tranh vẽ 3:

Hai chị em tôi đến hồ, không khí ở đây vẫn tĩnh mịch và chứa đầy vẻ thiêng liêng. Tôi đưa chị Ngàn đến mép hồ, và chị quỳ xuống vốc làn nước đầm ánh trăng áp lên mặt chị chấp hai tay lên ngực lầm rầm vái:

- Con ước gì...mẹ chị Yên...bác hàng xóm bên nhà con được khỏi bệnh

Nói xong, chị đứng dậy, gương mặt chị phấn khởi tươi vui và thật hạnh phúc. Còn tôi thì hết sức ngỡ ngàng trước lời cầu nguyện của chị " Cả đời người được ước một lần, sao chị lại dành điều ước ấy cho bác hàng xóm"

  • Tranh vẽ 4:

Tôi đưa chị Ngàn về trong lặng lẽ và phân vân. Đến nhà, chị Ngàn xiết chặt tay tôi nói:

- Em ạ, nhà chị Yên xóm mình nghèo nhất làng. Năm ngoái chị Yên tròn mười lăm tuổi. Đêm rằm tháng Giêng, mẹ chị ấy đổ bệnh, chị ấy phải chăm sóc mẹ suốt đem. Khi trăng lặn, biết mình không có cơ hội nói điều ước thiêng liêng, chị ấy đã khóc như mưa. Nay mẹ chị ấy vẫn bệnh, chị ước thay cho chị Yên. Chị mồ côi mẹ nên chị hiểu nỗi bất hạnh khi không còn mẹ

Tôi đã hiểu ra rồi. Chị Ngàn ơi, khi nào em mười lăm tuổi, em sẽ ...

Câu 2 (trang 69, sgk Tiếng Việt lớp 4): Kể lại toàn bộ câu chuyện.

Gợi ý:

Quê ngoại tôi có một phong tục đáng yêu: Vào đêm rằm tháng Giêng, tất cả các cô gái trong làng tròn mười lăm tuổi đều được đến Hồ Hàm Nguyệt, một hồ nước đẹp và rộng nằm trong khuôn viên chùa làng để rửa mặt bằng nước hồ và nói lên điều nguyện ước của đời mình dưới ánh trăng. Người xưa truyền lại rằng hầu hết lời nguyện ước của các cô gái, sau này đều ứng nghiệm.

Năm nay, chị gái tôi đi học ở xa cũng tròn tuổi trăng rằm. Trước rằm tháng Giêng vài ngày, bà đã cho gọi chị về để hưởng tục lệ linh thiêng này. Đêm thiêng liêng ấy, chị tôi đi rồi, tôi tò mò theo chị để xem. Ra đến cổng, tôi gặp chị Ngàn. Chị Ngàn trạc tuổi như chị tôi. Chị bị mù từ nhỏ nhưng đẹp người đẹp nết. Mái tóc chị dài và óng mượt hiếm thấy. Lúc nào mái tóc ấy cũng thoang thoảng mùi của hoa bưởi, hoa nhài, hoa lan được chị kín đáo gài sau chiếc kẹp tóc. Chị làm bánh, làm mứt ngon nhất làng. Trông thấy chị lần bước ra đường, tôi hiểu chị cũng đi ra hồ như chúng bạn cùng trang lứa. Thương chị, tôi đến bên, dắt chị đi.

Trên đường đi. tôi hỏi chị:

- Chị Ngàn ơi, lát nữa chị định ước điều gì? Chị có thể cho em biết được không?

Chị Ngàn không trả lời tôi. Chị lặng lẽ nghĩ ngợi điều gì đó. Chắc chị cũng sẽ ước như bao cô gái khác: ước sao cho có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị tuy không lành lặn như những người khác nhưng đẹp người và chăm chỉ, khéo léo như vậy, chị đáng được hưởng hạnh phúc lắm chứ!

Ánh trăng bát ngát, dịu dàng đậu xuống trần gian. Mặt đất và mọi vật như được nhuộm một màu vàng trong trẻo. Dưới ánh trăng đẹp, tôi nhìn thấy gương mặt chị Ngàn vừa chứa đựng niềm vui thánh thiện, vừa có vẻ gì bí ẩn.

Chị em tôi ra tới hồ, dù có khá nhiều cô gái cùng tới đây nhưng không khí nơi này vẫn tĩnh mịch và chứa đầy vẻ thiêng liêng. Tôi đưa chị Ngàn đến mép hồ. Chị quỳ xuống. Rồi từ từ đưa hai lòng bàn tay xuống mặt hồ “vốc” làn nước đẫm ánh trăng áp lên mặt. Ánh trăng lung linh hôn lên má, chảy lên tóc chị. Sau đó, chị chắp hai tay trước ngực, nén xúc động nói khẽ lời cầu nguyện linh thiêng của đời mình:

- Con ước gì... mẹ chị Yên.. bác hàng xóm bên nhà con được khỏi bệnh.

Nói xong, chị từ từ đứng dậy, gương mặt rạng rỡ hạnh phúc.

Tôi nhìn chị ngỡ ngàng: “Cả đời người chỉ được ước một lần, sao chị lại dành điều ước tốt lành cho bác hàng xóm?”

Tôi đưa chị Ngàn về trong lặng lẽ và phân vân. Gần đến nhà, chị Ngàn siết chặt tay tôi, nói:

- Em ạ, nhà chị Yên xóm mình nghèo nhất làng. Năm ngoái, chị Yên tròn mười lăm tuổi. Đêm rằm tháng Giêng, mẹ chị ấy đổ bệnh nặng, chị ấy phải chăm sóc mẹ suốt đêm. Khi trăng lặn, biết mình không còn cơ hội nói điều ước thiêng liêng, chị ấy đã khóc như mưa. Nay mẹ chị ấy vẫn bệnh, chị ước thay cho chị Yên. Chị mồ côi mẹ nên chị hiểu nỗi bất hạnh khi không còn mẹ.

Tôi đã hiểu ra rồi. Chị Ngàn ơi, khi nào em mười lăm tuổi, em sẽ...

                                                                                                              Theo Phạm Thị Kim Nhường

Câu 3 (trang 69, sgk Tiếng Việt lớp 4): Trao đổi với các bạn về nội dung câu chuyện.

a) Cô gái mù trong câu chuyện cầu nguyện điều gì?

b) Hành động của cô gái cho thấy cô là người thế nào?

c) Em hãy tìm một kết cục vui cho câu chuyện trên.

Gợi ý:

a) Cô gái mù trong câu chuyện cầu nguyện cho mẹ của chị Yên - hàng xóm của chị Ngàn khỏi bệnh.

b) Hành động của cô gái cho thấy cô là người nhân hậu, giàu tình cảm.

c) Kết cục vui cho câu chuyện: Đến năm 15 tuổi, tôi đã cầu cho đôi mắt của chị Ngàn được sáng lại. Và sau đó, chị Ngàn đã được sáng mắt nhờ một cuộc phẫu thuật miễn phí từ các bác sĩ nhân đạo của nước ngoài thực hiện.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Lời ước dưới trăng, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng, thái độ sống và học tập sau:
    • Kiến thức
      • Hiểu được ý nghĩa của truyện:Ca ngợi lòng nhân ái bao la, biết cảm thông, chia sẻ những đau khổ với những người xung quanh ta.
    • Kĩ năng
      • Rèn kĩ năng nói
        • Dựa vào lời kể của giáo viên và tranh minh họa trong SGK, trả lời được các câu hỏi về nội dung.
        • Kể lại được toàn bộ câu chuyện một cách tự nhiên, phối hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ.
      • Rèn kĩ năng nghe
        • Chăm chú nghe cô và các bạn kể chuyện, nhớ chuyện
        • Theo dõi bạn kể chuyện, nhận xét đúng lời kể của bạn, kể tiếp được lời bạn.
    • Thái độ
      • Giáo dục các em lòng nhân ái, biết yêu thương, san sẻ những nỗi đau với người khác.
      • Rèn luyện đạo đức, tác phong.
  • Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài giảng Tập đọc: Ở Vương quốc Tương Lai để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.

Bạn có biết?

Tiếng Việt, cũng gọi là tiếng Việt Nam Việt ngữ là ngôn ngữ của người Việt và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam cùng với hơn 4 triệu Việt kiều. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và là ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc.

Nguồn : Wikipedia - Bách khoa toàn thư

Tâm sự Lớp 4

Lớp 4 - Năm thứ bốn ở cấp tiểu học, kiến thức ngày một tăng, sắp đến năm cuối cấp nên các em cần chú đến học tập nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK