Trang chủ Lớp 4 Tiếng việt Lớp 4 SGK Cũ Chủ điểm: Tiếng sáo diều Tuần 14 - Luyện từ và câu: Dùng câu hỏi vào mục đích khác - Tiếng Việt 4

Tuần 14 - Luyện từ và câu: Dùng câu hỏi vào mục đích khác - Tiếng Việt 4

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Nhận xét

Câu 1: Đọc lại đoạn đối thoại giữa ông Hòn Rấm với chú bé Đất trong truyện Chú Đất Nung:

Ông Hòn Rấm cười bảo:

- Sao chú mày nhát thế ? Đất có thể nung trong lửa kia mà!

Chú bé Đất ngạc nhiên hỏi lại:

- Nung ấy ạ?

- Chứ sao? Đã là người thì phải dám xông pha, làm được nhiều việc có ích.

Câu 2: Theo em, các câu hỏi của ông Hòn Rấm có dùng để hỏi về điều chưa biết không? Nếu không, chúng được dùng làm gì?

  • Hai câu hỏi cùa ông Hòn Rấm không phải dùng để hỏi. Câu hỏi: Sao chú mày nhát thế? là để chê trách chú Đất Nung. Câu hỏi sau: Chứ sao? là để khẳng định nhấn mạnh là đất có thể nung trong lửa được.

Câu 2: Trong Nhà văn hóa, em và bạn say sưa trao đổi với nhau về bộ phim đang xem. Bỗng có người bên cạnh bảo: "Các cháu có thể nói nhỏ hơn không?". Em hiểu câu hỏi ấy có ý nghĩa gì?

  • Câu hỏi ấy mang ý nghĩa: nhắc nhở bạn và em nên nói nhỏ lại.

1.2. Ghi nhớ

  • Nhiều khi, ta có thể dùng câu hỏi để thể hiện:
    • Thái độ khen, chê.
    • Sự khẳng định, phủ định.
    • Yêu cầu, mong muốn...

1.3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1 (trang 142 sgk Tiếng Việt 4): Các câu hỏi sau được dùng làm gì?

a) Dỗ mãi mà em bé vẫn khóc, mẹ bảo: "Có nín đi không? Các chị ấy cười cho đây này."

b) Ánh mắt các bạn nhìn tôi như trách móc: "Vì sao cậu lại làm phiền lòng cô như vậy?"

c) Chị tôi cười : "Em vẽ thế này mà bảo là con ngựa à?"

d) Bà cụ hỏi một người đang đứng vơ vẩn trước bến xe: "Chú có thể xem giúp tôi mấy giờ có xe đi miền Đông không?"

Gợi ý:

Các câu hỏi đã cho dược dùng để:

a. Mẹ yêu cầu con nín khóc.

b. Thể hiện sự chê trách.

c. Chị chê em vẽ ngựa không giống.

d. Bà cụ yêu cầu, nhờ cậy, giúp đỡ 

Câu 2 (trang 142 sgk Tiếng Việt 4): Đặt câu phù hợp với các tình huống cho sau đây:

a) Trong giờ sinh hoạt đầu tuần của toàn trường, em đang chăm chú nghe cô hiệu trưởng nói thì một bạn ngồi cạnh hỏi chuyện em. Em hãy dùng hình thức câu hỏi để nói với bạn: chờ xong giờ sinh hoạt sẽ nói chuyện.

b) Đến nhà một bạn cùng lớp, em thấy nhà rất sạch sẽ, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Hãy dùng hình thức câu hỏi để khen bạn.

c) Trong giờ kiểm tra, em làm sai một bài tập, mãi đến khi về nhà em mới nghĩ ra. Em có thể tự trách mình bằng câu hỏi như thế nào ?

d) Em và các bạn trao đổi về các trò chơi. Bạn Linh bảo: "Đá cầu là thích nhất " Bạn Nam lại nói: "Chơi bi thích hơn." Em hãy dùng hình thức câu hỏi để nêu ý kiến của mình : chơi diều cũng thú vị.

Gợi ý:

a) Bạn có thể chờ sau giờ sinh hoạt hãy nói chuyện với mình được không?

b) Sao nhà bạn sạch sẽ vậy?

c) Tại sao lúc ấy mình lại không nghĩ ra vậy nhỉ?

d) Trò thả diều thì thế nào? 

Câu 3 (trang 142 sgk Tiếng Việt 4): Hãy nêu một vài tình huống có thể dùng câu hỏi để:

a) Tỏ thái độ khen, chê.

b) Khẳng định, phủ định.

c) Thể hiện yêu cầu, mong muốn.

Gợi ý:

a) Khi được tham gia nhận xét các tiết mục múa của các em nhỏ khối dưới, có một đội múa rất đẹp. Em khen: "Sao các em múa đều và đẹp vậy nhỉ?". Nhưng đến tiết mục khác, các em chểnh mảng trong việc tập luyện nên em đã chê: "Các em không tập trung vào bài múa phải không?".

b) Khi được mẹ đưa đi mua quần áo, em đã chọn được một chiếc áo rất đẹp nhưng mẹ lại bảo: "Cái này có đẹp đâu?", con nhìn cái kia xem: "Nó đẹp hơn đúng không?'.

c) Lúc đang học bài, em bị làm phiền bởi tiếng ồn của em trai, em lên tiếng bảo: "Em im lặng có được không?"

  • Thông qua bài giảng Luyện từ và câu: Dùng câu hỏi vào mục đích khác, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất như:
    • Nắm được những mục đích khác của câu hỏi ngoài việc dùng để hỏi.
    • Bước đầu biết vận dụng kiến thức đã học để đặt câu hỏi trong nhiều tình huống khác nhau.
    • Giáo dục các em có ý thức sử dụng đúng mục đích của câu hỏi.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập làm văn: Cấu tạo bài văn miêu tả đồ vật để chuẩn bị thật tốt cho tiết học sau.

Bạn có biết?

Tiếng Việt, cũng gọi là tiếng Việt Nam Việt ngữ là ngôn ngữ của người Việt và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam cùng với hơn 4 triệu Việt kiều. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và là ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc.

Nguồn : Wikipedia - Bách khoa toàn thư

Tâm sự Lớp 4

Lớp 4 - Năm thứ bốn ở cấp tiểu học, kiến thức ngày một tăng, sắp đến năm cuối cấp nên các em cần chú đến học tập nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK