Cảm nhận về bài thơ "Thu điếu" (Bài 1)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Nói lên cảm nhận của em về bài thơ "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến.

Hướng dẫn giải

   "Thu điếu" cho thấy cái thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Nguyễn Khuyến đã thực sự nắm bắt và thể hiện được một cách tài tình, nên thơ.

   Một không gian êm đềm, tĩnh lặng. Ao thu "lạnh lẽo" bởi khí thu bao trùm. Nước ao thu "trong veo" có thể nhìn thấy tận đáy ao. Chiếc thuyền câu, thuyền nan "bé tẻo teo". Vùng đồng chiêm trũng Yên Đổ thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, quê hương cụ Tam nguyên, hầu như nhà nào cũng có một cái ao nhỏ trong vườn; ao nhỏ nên chiếc thuyền câu cũng "bé tẻo teo".

   Gió thu lành lạnh, nhè nhẹ thổi nên làn sóng biếc trên mặt ao thu chỉ xao động lăn tăn "hơi gợn tí". Và chiếc lá thu, lá vàng "khẽ đưa vèo". Cảnh vật từ sóng biếc đến lá vàng "khẽ đưa vèo" vừa đẹp thơ mộng, vừa êm đềm tĩnh lặng. Tác giả tả ít mà gợi nhiều, chỉ chấm phá, lấy động tả tĩnh làm nổi bật cái thần thái mùa thu trên vùng đồng bằng sông Hồng.

   Không gian nghệ thuật được mở rộng về các chiều cao, chiều xa, chiều dài và chiều rộng. Bầu trời thu "xanh ngắt", tầng mây nhẹ trôi "lơ lửng" như khách thơ lang thang du nhàn. Ai cũng cảm thấy bầu trời thu thoáng đãng, bao la, mênh mông, mỏng như dải lụa xinh xắn.

   Nhìn về bốn phía làng quê, chỉ thấy "ngõ trúc quanh co". Không một bóng người qua lại, "khách vắng teo". Lấy cảnh để ngụ tình, nhà thơ tinh tế thể hiện tâm hồn cô đơn của mình.

   Cảnh vật trong "Thu điếu" được chấm phá bằng đường nét tài hoa: bé tẻo teo, hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, lơ lửng, quanh co; được điểm nhãn bằng màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, lá vàng, trời xanh ngắt. Đó là sắc thu quê hương nhà thơ, sắc thu của vùng nông thôn Bắc Bộ. Cảnh vật êm đềm, thơ mộng, mơ hồ, xa xăm. Nét thu nào cũng đẹp, thân thuộc, đáng yêu. Nguyễn Khuyến đã trang trải tâm hồn trên từng cảnh thu, nét thu, biểu lộ một tình thu, tình quê nồng hậu, đằm thắm, thiết tha.

   Hai câu kết biểu lộ một tâm thế nhàn:

    "Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

   Cái tư thế "ôm cần" của Nguyễn Khuyến được người đọc liên tưởng đến Lã Vọng câu cá bên bờ sông Vị để chờ thời hơn mấy nghìn năm về trước. Có điều, cụ Tam nguyên không chờ thời mà bất lực trước thời cuộc, cáo quan về ở ẩn tại quê nhà: "Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".

   "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" là một nét vẽ lấy động để tả tĩnh, lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm hồn nhà thơ, đồng thời làm nổi bật bức tranh tâm cảnh mùa thu câu cá.

   Qua "Thu điếu", ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Tam nguyên Yên Đổ: yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương, một phong thái thanh cao, nhàn tản và thanh bạch.

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 11

Lớp 11 - Năm thứ hai ở cấp trung học phổ thông, gần đến năm cuối cấp nên học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nghe nhiều đến định hướng sau này rồi học đại học. Ôi nhiều lúc thật là sợ, hoang mang nhưng các em hãy tự tin và tìm dần điều mà mình muốn là trong tương lai nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK