Thông tư số 04/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Số: 04/2012/TT-NHNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG TƯ
quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
__________________
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Mục 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác và tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bên nhận ủy thác là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm: Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Bên ủy thác, bao gồm:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng: Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
b) Tổ chức khác ở trong nước không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức khác) là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức ở nước ngoài là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, nơi tổ chức đó được thành lập, có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự về năng lực dân sự của pháp nhân nước ngoài.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng là việc bên ủy thác giao cho bên nhận ủy thác thực hiện nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; bên ủy thác phải trả phí ủy thác cho bên nhận ủy thác.
2. Nhận ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng là việc bên nhận ủy thác thực hiện nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác do bên ủy thác trả.
3. Ủy thác cho vay là việc bên ủy thác giao vốn cho bên nhận ủy thác để thực hiện cho vay đối với khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; bên ủy thác phải trả phí ủy thác cho vay cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác cho vay.
4. Nhận ủy thác cho vay là việc bên nhận ủy thác nhận vốn của bên ủy thác để thực hiện cho vay đối với khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; bên nhận ủy thác cho vay được hưởng phí ủy thác cho vay do bên ủy thác trả.
5. Hợp đồng nhận ủy thác và ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên nhận ủy thác và bên ủy thác nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên về việc ủy thác và nhận ủy thác.
6. Hợp đồng nhận ủy thác và ủy thác cho vay là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên nhận ủy thác cho vay và bên ủy thác nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên về việc ủy thác cho vay (sau đây gọi tắt là hợp đồng ủy thác cho vay).
7. Thời hạn ủy thác là khoảng thời gian được tính từ thời điểm bên nhận ủy thác bắt đầu thực hiện nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng cho đến thời điểm kết thúc các công việc theo hợp đồng nhận ủy thác và ủy thác.
8. Thời hạn ủy thác cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi bên nhận ủy thác bắt đầu nhận vốn ủy thác cho đến thời điểm trả hết vốn nhận ủy thác và lãi cho vay cho bên ủy thác theo hợp đồng ủy thác cho vay.
9. Phí ủy thác là khoản tiền mà bên ủy thác trả cho bên nhận ủy thác để thực hiện các công việc theo hợp đồng nhận ủy thác và ủy thác.
10. Khách hàng có liên quan đến việc nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là cá nhân, tổ chức khác.