Từ ngày 08/08/2018, Thông tư liên tịch 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 25/06/2018 chính thức có hiệu lực.
Thông tư quy định về phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội. Sau đây là nội dung chi tiết, mời bạn đọc cùng tham khảo và tải Thông tư tại đây.
BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC | Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2018 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHỐI HỢP THÔNG BÁO, GỬI, CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI PHẠM TỘI
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội, bao gồm: những thông tin, tài liệu phản ánh về lý lịch, đặc điểm nhận dạng, nhân thân, kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và các thông tin, tài liệu khác có liên quan đến người phạm tội; trách nhiệm, thủ tục, thời hạn thông báo, gửi, cung cấp các thông tin, tài liệu đó.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Điều 3. Nguyên tắc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
1. Thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội phải được thông báo, gửi đầy đủ kịp thời, chính xác, tập trung cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an; việc cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan tiến hành tố tụng phải được thực hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác để quản lý, khai thác, phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
2. Bảo đảm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; pháp luật về lưu trữ.
3. Thông tin, tài liệu được thông báo, gửi, cung cấp chỉ được sử dụng vào mục đích phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Chương II
THÔNG TIN, TÀI LIỆU ĐƯỢC THÔNG BÁO, GỬI, CUNG CẤP
Điều 4. Các loại thông tin, tài liệu Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an.
1. Quyết định tạm giữ; quyết định gia hạn tạm giữ;
2. Quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can;
3. Lý lịch bị can;
4. Lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh tạm giam;
5. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh;
6. Quyết định hủy bỏ; thay thế biện pháp tạm giữ, tạm giam, tạm hoãn xuất cảnh bằng biện pháp ngăn chặn khác;
7. Quyết định trả tự do;
8. Quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can; quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi điều tra vụ án đối với bị can;
9. Quyết định truy nã; quyết định đình nã;
10. Kết luận điều tra; kết luận điều tra bổ sung.
Đối với các lệnh, quyết định mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì phải gửi kèm theo quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát.
Điều 5. Các loại thông tin, tài liệu Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an.
1. Lệnh tạm giam; quyết định gia hạn tạm giam; lệnh bắt bị can để tạm giam;
2. Quyết định khởi tố bị can; quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can;
3. Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ; quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam; quyết định hủy bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh;
4. Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
5. Cáo trạng; quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn;
6. Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án đối với bị can.
Điều 6. Các loại thông tin, tài liệu Tòa án nhân dân có trách nhiệm thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an
1. Quyết định tạm giam;
2. Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam; quyết định thay thế biện pháp tạm giam;
3. Bản án hình sự sơ thẩm;
4. Bản án hình sự phúc thẩm;
5. Quyết định hình sự giám đốc thẩm;
6. Quyết định hình sự tái thẩm;
7. Quyết định thi hành án phạt tù;
8. Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
9. Quyết định miễn chấp hành án phạt tù;
10. Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;
11. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
12. Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;
13. Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
14. Quyết định xóa án tích;
15. Quyết định của Chủ tịch nước về việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình (bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình hoặc ân giảm hình phạt tử hình);
16. Quyết định thi hành án tử hình;
17. Biên bản thi hành án tử hình.
Điều 7. Các loại thông tin, tài liệu mà Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
1. Danh bản, chỉ bản căn cước người phạm tội;
2. Trích lục tiền án, tiền sự;
3. Thông báo kết quả xác minh đối tượng, nhân thân;
4. Những thông tin, tài liệu đã được cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an nêu tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư liên tịch này.
Chương III
THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN THÔNG BÁO, GỬI, CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI LIỆU
Điều 8. Thủ tục thông báo, gửi thông tin, tài liệu
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thông báo, gửi các thông tin, tài liệu nêu tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Thông tư liên tịch này cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an, cụ thể như sau:
1. Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân cấp huyện thông báo, gửi cho bộ phận hồ sơ nghiệp vụ thuộc Công an cấp huyện.
2. Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ thuộc Công an cấp tỉnh.
3. Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của Bộ Công an.
4. Đối với những vụ án do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư khởi tố điều tra và chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo, gửi những thông tin, tài liệu nêu tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch này cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an.
Đối với những vụ án do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư khởi tố điều tra và chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an những thông tin, tài liệu nêu tại Điều 4 Thông tư liên tịch này và những thông tin, tài liệu mà Viện kiểm sát ban hành trong giai đoạn điều tra nêu tại Điều 5 Thông tư liên tịch này. Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an những thông tin, tài liệu mà Viện kiểm sát ban hành trong giai đoạn truy tố nêu tại Điều 5 Thông tư liên tịch này.
Điều 9. Thời hạn thông báo, gửi thông tin, tài liệu
1. Đối với các thông tin, tài liệu nêu tại Chương II của Thông tư liên tịch này mà pháp luật có quy định thời hạn gửi, cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm thông báo, gửi thông tin, tài liệu đó phải thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an trong thời hạn do pháp luật quy định.
2. Đối với các thông tin, tài liệu nêu tại Chương II của Thông tư liên tịch này mà pháp luật không quy định thời hạn gửi, cung cấp thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ban hành hoặc kể từ ngày nhận được, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phải thông báo, gửi thông tin, tài liệu đó cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an.
3. Đối với những thông tin, tài liệu do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư khởi tố điều tra và chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo, gửi thông tin, tài liệu đó cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an.
Điều 10. Bảo đảm tính pháp lý của thông tin, tài liệu được thông báo, gửi
Thông tin, tài liệu được thông báo, gửi phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về hình thức văn bản (bản chính hoặc bản sao). Đối với bản sao hoặc trích sao thông tin, tài liệu phải được người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị ký xác nhận và đóng dấu của cơ quan đó.
Điều 11. Thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu
1. Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản.
2. Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng hình thức trực tiếp thì người được giao tiếp nhận thông tin, tài liệu phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản, trong đó ghi rõ tên thông tin, tài liệu đề nghị cung cấp, hình thức (bản chính hoặc bản sao), mục đích sử dụng. Nếu Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an yêu cầu thì phải xuất trình giấy tờ tùy thân của mình.
3. Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản (công văn), thì trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ tên thông tin, tài liệu đề nghị cung cấp, hình thức (bản chính hoặc bản sao), mục đích sử dụng. Văn bản yêu cầu phải đánh số; ngày tháng năm ban hành; họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu của cơ quan yêu cầu. Văn bản yêu cầu được gửi đến Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an nơi trực tiếp quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu đó.
Điều 12. Thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu
1. Đối với trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng hình thức trực tiếp thì Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an có trách nhiệm phải cung cấp ngay trong ngày. Trong trường hợp chưa thể cung cấp ngay được, thì cần hẹn ngày cung cấp thông tin, tài liệu nhưng tối đa không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Đối với trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản thì Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an có trách nhiệm cung cấp phải có văn bản trả lời cho cơ quan, đơn vị yêu cầu trong thời hạn như sau:
a) Đối với cấp huyện: không quá 05 ngày làm việc đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa là 10 ngày.
b) Đối với cấp tỉnh: không quá 07 ngày làm việc đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa là 15 ngày.
c) Đối với cấp Trung ương: không quá 10 ngày làm việc đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa không quá 20 ngày.
3. Đối với trường hợp yêu cầu cần đọc, nghiên cứu thông tin, tài liệu tại chỗ, thì Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an có trách nhiệm cung cấp phải cung cấp ngay sau khi có sự phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan. Nếu không cung cấp được ngay thì cần nêu rõ lý do.
4. Trường hợp không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu thì Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an được yêu cầu phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều 13. Bảo đảm tính pháp lý của thông tin, tài liệu được cung cấp
Văn bản trả lời, nội dung thông tin, tài liệu cung cấp phải bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời. Thủ trưởng Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an trực tiếp quản lý thông tin, tài liệu duyệt, ký và đóng dấu văn bản trả lời. Nếu kèm theo văn bản trả lời có bản sao thông tin, tài liệu thì các bản sao này phải được xác nhận và đóng dấu theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Cơ quan đầu mối
1. Tại Trung ương, Cơ quan đầu mối giúp lãnh đạo ba ngành trong phối hợp chỉ đạo thực hiện và tham mưu, kiểm tra, đôn đốc ngành dọc tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này là:
a) Bộ Công an: Cục Hồ sơ nghiệp vụ.
b) Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Tòa án nhân dân tối cao: Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.
2. Tại cấp tỉnh, Cơ quan đầu mối giúp lãnh đạo ba ngành trong phối hợp chỉ đạo thực hiện và tham mưu, kiểm tra, đôn đốc ngành dọc tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này là:
a) Công an cấp tỉnh: Phòng Hồ sơ nghiệp vụ.
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
c) Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
3. Tại cấp huyện, Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện phải cử cán bộ chuyên trách là đầu mối phối hợp giữa ba ngành tại cấp huyện để thực hiện Thông tư liên tịch này.
Điều 15. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Bộ Công an (trực tiếp là Cục Hồ sơ nghiệp vụ) chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong toàn quốc; định kỳ 6 tháng, 01 năm có thông báo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch này cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
2. Công an cấp tỉnh (trực tiếp là Phòng Hồ sơ nghiệp vụ) chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; định kỳ 6 tháng, 01 năm có thông báo kết quả thực hiện Thông tư này cho Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Hồ sơ nghiệp vụ).
3. Công an cấp huyện chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện; định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 01 năm có thông báo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch này cho Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện và báo cáo về Công an cấp tỉnh (qua Phòng Hồ sơ nghiệp vụ).
4. Mốc thông tin, báo cáo là: báo cáo hàng tháng được tính từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng; báo cáo sáu tháng tính từ ngày 01/12 năm trước đến 31/5 của năm sau; báo cáo năm tính từ ngày 01/12 năm trước đến ngày 30/11 của năm sau.
Điều 16. Chế độ sơ, tổng kết
1. Định kỳ 05 năm một lần, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao họp tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Hàng năm, Công an cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp họp sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Thông tư liên tịch này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 8 năm 2018 và thay thế Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 01/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn bổ sung, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo theo ngành dọc về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. VIỆN TRƯỞNG | KT. CHÁNH ÁN |
Nơi nhận: |