Trang chủ Học tập Lớp 8 GDCD 8 Kết nối tri thức

Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên - GDCD 8 Kết nối tri thức

GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Giáo dục công dân lớp 8 Kết nối tri thức trang 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33, 34

Giải bài tập GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên giúp các em học sinh lớp 8 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Giáo dục công dân 8 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33, 34.

Soạn Giáo dục công dân 8 Bài 5 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK giúp các em nắm vững kiến thức. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 5 cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi trong bài viết dưới đây của Download.vn:

Khám phá GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 5

1. Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi mục a): 

a) Môi trường bị ô nhiễm đã ảnh hưởng tới động, thực vật và con người như thế nào? Em hãy lấy thêm ví dụ minh chứng cho việc ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đời sống và sản xuất của con người.

b) Theo em, việc bảo vệ môi trường cần thiết như thế nào đối với cuộc sống của người dân và mỗi quốc gia?

Trả lời:

a) Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến động, thực vật và con người:

- Đối với con người: ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Ví dụ:

+ Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, như: nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi;

+ Khí thải từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp... có thể gây ung thư hoặc gây kích thích.

+ Ô nhiễm nguồn nước gây nên một số bệnh như: các bệnh về đường tiêu hoá, bệnh giun sán, các bệnh do muỗi truyền, các bệnh về mắt, ngoài da,...

+ Ô nhiễm đất ảnh hưởng tới sức khoẻ con người thông qua chuỗi thức ăn.

- Đối với các loài động, thực vật:

+ Ô nhiễm môi trường đã làm suy thoái, hủy hoại môi trường sống của các loài sinh vật; từ đó, gián tiếp làm suy giảm sự đa dạng sinh vật và các hệ sinh thái.

+ Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật, dẫn đến nhiều nguy cơ, như: các loài sinh vật bị biến đổi gen, bị suy giảm chức năng sinh sản, gây nên tình trạng chết hàng loạt các loài động, thực vật…

b) Sự cần thiết của bảo vệ môi trường:

- Bảo vệ môi trường sẽ giúp cho môi trường trong lành, sạch đẹp, bảo đảm cân bằng sinh thái; ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra.

- Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Câu hỏi mục b):

a) Em hãy cho biết tài nguyên rừng có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của con người.

b) Theo em, việc bảo vệ và khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển của mỗi quốc gia?

Trả lời:

a) Ý nghĩa của tài nguyên rừng đối với cuộc sống con người:

+ Cung cấp ô-xy, giữ không khí trong lành.

+ Điều tiết nước, phòng chống lũ lụt, xói mòn và sạt lở đất.

+ Bảo vệ độ phì nhiêu và bồi dưỡng tiềm năng của tài nguyên đất.

+ Cung cấp nguồn gỗ, củi,… cho các hoạt động phát triển kinh tế của con người.

+ Các loài động, thực vật trong rừng cũng là một nguồn cung cấp thực phẩm, dược phẩm có giá trị cao và cung cấp nguồn gen quý để nghiên cứu khoa học,…

+ Tài nguyên rừng cũng góp phần phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thám hiểm,… của con người.

b) Việc bảo vệ và khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên giúp đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và đất nước ở hiện tại và cả tương lai.

2. Quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi mục a):

a) Căn cứ vào các quy định của pháp luật, em hãy cho biết trong các bức tranh trên, chủ thể nào thực hiện đúng, chủ thể nào vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì sao?

Bảo vệ môi trường

b) Hãy kể thêm một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường mà em biết.

Trả lời:

a) Quan sát tranh trả lời:

- Hình 1: các nhân vật trong hình đã thực hiện phân loại và vứt rác đúng nơi quy định => đây là hành động đúng với quy định của pháp luật. Chúng ta cần khuyến khích và học tập theo hành động này.

- Hình 2: Người công nhân đổ chất thải chưa qua xử lí ra môi trường => hành vi này đã vi phạm khoản 2 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là hình vi đáng lên án và cần phải xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Hình 3: Chiếc xe tải làm rơi, vương vãi chất thải ra môi trường => hành vi này đã vi phạm khoản 1 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là hình vi đáng lên án và cần phải xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.

b) Một số quy định khác về bảo vệ môi trường:

- Khoản 4 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm hành vi: Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Khoản 5 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm hành vi:Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Khoản 6 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm hành vi:Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

- Khoản 10 điều 6 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm hành vi:Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Câu hỏi mục b):

a) Dựa vào thông tin 1, em hãy cho biết các chủ thể ở trường hợp 2 và hai bức tranh đã thực hiện đúng hay chưa đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Vì sao?

Bảo vệ môi trường

b) Hãy kể thêm một số quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà em biết.

Trả lời:

a) Trong trường hợp 2.

+ Công ty T đã thực hiện hoạt động khai thác cát trái phép khiến môi trường sống của người dân làng chài X bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật (khoản 5 điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018).

+ Anh Hải và người dân làng chài X đã thu thập chứng cứ và tố cáo những sai phạm của công ty T. Hành vi của anh Hải và người dân trong làng chài là đúng pháp luật, đáng được khuyến khích.

- Trong hình 1: các nhân vật trong ảnh đã thực hiện hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh. Đây là hành động phù hợp với quy định của pháp luật, chúng ta cần khuyến khích và học tập theo.

- Trong hình 2: nhân vật trong bức ảnh đang thực hiện hành vi săn bắt thú rừng. Hành vi này đã vi phạm khoản 3 điều 9 Luật lâm nghiệp năm 2017. Đây là hành vi đáng lên án và bị xử lí theo quy định của pháp luật.

b) Kể thêm một số quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

- Khoản 5 điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm thực hiện hành vi: vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lí các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.

- Khoản 7 điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 nghiêm cấm thực hiện hành vi: sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

- Khoản 2 Điều 8 Luật Khoáng sản 2010 nghiêm cấm thực hiện hành vi: lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

3. Một số biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

a) Các biện pháp nêu ở thông tin trên có tác dụng bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên như thế nào?

b) Hãy kể thêm một số biện pháp khác để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

c) Địa phương em đã có những việc làm nào để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?

Trả lời:

a) Tác dụng của biện pháp trồng cây xanh; bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất (thông tin 1):

+ Bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Phát triển kinh tế xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Tác dụng của biện pháp phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (thông tin 2):

+ Hạn chế tối đa các hoá chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như: phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, hoá chất bảo quản...

+ Góp phần cải tạo môi trường đất.

b) Một số biện pháp khác để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

+ Chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

+ Tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

+ Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế ít chất thải, kinh tế tuần hoàn, trồng rừng,..

+ Nghiêm cấm mọi hoạt động làm suy kiệt nguồn tài nguyên, huỷ hoại môi trường.

+ Phê phán, đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên.

c) Một số việc làm bảo vệ môi trường và tài nguyên ở địa phương em:

+ Tổ chức các phong trào: trồng cây xanh; dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm,…

+ Tổ chức tuyên truyền cho công dân hiểu những quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Vận động công dân kí cam kết bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ …

4. Trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

a) Các bạn trong tranh đã làm gì để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?

Bảo vệ môi trường

b) Em đã có những hành động và việc làm nào để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?

Trả lời:

a) Trả lời như sau:

- Tranh 1: các bạn học sinh tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm.

- Tranh 2: bạn học sinh nam tố cáo hành vi chặt phá rừng

- Tranh 3: các bạn học sinh tham gia vẽ tranh về đề tài bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

b) Một số hành động và việc làm nào để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của em:

+ Không xả rác bừa bãi;

+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa;

+ Tiết kiệm điện, nước,...

+ Đi bộ hoặc sử dụng xe đạp hay phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện,…) khi di chuyển.

+ Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên;

+ Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Ví dụ: hưởng ứng phong trào Ngày Trái Đất; tham gia các hoạt động dọn dẹp rác thải tại địa phương; tham gia Ngày hội “Môi trường Xanh – Nếp sống xanh”,…

Luyện tập GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 5

Luyện tập 1

Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

a) Muốn phát triển kinh tế thì phải chấp nhận môi trường bị ô nhiễm.

b) Sử dụng túi vải, giấy, một số loại lá,... để gói, đựng sản phẩm thay cho túi ni-lông là góp phần bảo vệ môi trường.

c) Để bảo vệ cây trồng thì phải phun thuốc trừ sâu hóa học diệt trừ hết các loại côn trùng.

d) Giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường chỉ là nhiệm vụ riêng của cán bộ quản lí môi trường.

Trả lời:

- Ý kiến a) Không đồng tình. Vì: để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước, chúng ta cần phải quan tâm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lí, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Ý kiến b) Đồng ý. Vì: khi xả thải ra môi trường, phải mất thời gian rất lâu thì túi ni-lông mới có thể phân hủy, do đó, việc thường xuyên sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần (ống hút, thìa, đĩa nhựa,…) góp phần làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm.

- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hóa học có thể gây hại đến cây trồng, khiến cây trồng bị nhiễm độc, từ đó, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất. Để bảo vệ cây trồng, đồng thời giúp giảm tình trạng ô nhiễm, thoái hóa đất, chúng ta có thể lựa chọn sử dụng các chế phẩm sinh học.

- Ý kiến d) Không đồng tình. Vì: Giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi công dân.

Luyện tập 2

Hành vi nào dưới đây thực hiện đúng, hành vi nào vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên? Vì sao?

a) Săn, bắn, bẫy, bắt động vật quý hiếm để bán.

b) Khai thác rừng trồng theo quy hoạch của Nhà nước.

c) Dùng mìn, điện để đánh bắt cá.

d) Tố cáo hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

e) Phá rừng nguyên sinh để trồng cà phê.

g) Sử dụng tiết kiệm điện, nước.

Trả lời:

- Các hành vi thực hiện đúng pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là:

+ Khai thác rừng trồng theo quy hoạch của Nhà nước.

+ Tố cáo hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

+ Sử dụng tiết kiệm điện, nước.

- Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là:

+ Săn, bắn, bẫy, bắt động vật quý hiếm để bán => vi phạm khoản 3 điều 9 Luật lâm nghiệp năm 2017.

+ Dùng mìn, điện để đánh bắt cá => vi phạm khoản 7 điều 7 Luật Thủy sản năm 2017

+ Phá rừng nguyên sinh để trồng cà phê => vi phạm khoản 1 điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Luyện tập 3

Em hãy đọc tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:

a) Trên đường đi học về, H và Đ phát hiện một chiếc ô tô đang đỗ phế thải xuống bờ mương thoát nước của xóm mình. H rủ Đ đi báo công an xã nhưng Đ từ chối vì cho rằng đó không phải là việc của mình.

- Em hãy nhận xét về hành vi của các nhân vật trong tình huống trên.

- Nếu là H, em sẽ làm gì?

b) Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 5 - 6), Uỷ ban nhân dân xã T đã phát động cuộc thi “Sáng kiến tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên". Mỗi xóm sẽ chọn một sáng kiến xuất sắc để tham gia dự thi.

Nếu là người dân trong xã T, em và gia đình sẽ đề xuất sáng kiến tiết kiệm tài nguyên nào? Vì sao?

Trả lời:

* Trả lời câu hỏi tình huống a)

- Nhận xét:

+ Bạn H đã có ý thức bảo vệ môi trường (thể hiện qua hành vi: muốn trình báo công an để tố cáo hành vi sai phạm của chiếc ô tô)

+ Bạn Đ chưa có ý thức bảo vệ môi trường (thể hiện qua hành vi: từ chối việc tố cáo hành vi sai phạm của chiếc ô tô)

- Nếu là H, em sẽ:

+ Bí mật dùng điện thoại để chụp ảnh/ quay lại video về hành vi đổ phế thải xuống bờ mương thoát nước.

+ Nhanh chóng đến gặp lực lượng công an xã để cung cấp bằng chứng, tố cáo hành vi sai phạm của chủ chiếc ô tô.

* Trả lời câu hỏi tình huống b)

- Nếu là người dân trong xã T, em sẽ đề xuất sáng kiến tiết kiệm tài nguyên nước. Vì:

+ Nước là tài nguyên quý giá, rất cần thiết cho sự sống của con người và các loài sinh vật, nhưng nước không phải là vô tận.

+ Việc tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm và góp phần bảo vệ môi trường.

+ Hàng triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Luyện tập 4

Em hãy đưa ra lời khuyên cho mỗi nhân vật trong các tình huống dưới đây:

a) Được huyện giao cho quản lí, chăm sóc khu rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng do điều kiện khó khăn, bác B có ý định chặt một số cây gỗ quý bán lấy tiền để đóng học phí cho các con và sẽ trồng bổ sung cây con mới.

b) Thấy mọi người trong xóm vào núi đào vàng, Y hẹn V sáng hôm sau cùng tham gia.

Luyện tập 5

Hãy kể những việc em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Vận dụng GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 5

Vận dụng 1

Em hãy cùng bạn tham gia cuộc thi hùng biện về chủ đề: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Vận dụng 2

Em hãy cùng các bạn thực hiện một dự án bảo vệ môi trường hoặc tài nguyên thiên nhiên ở nơi em sinh sống.

Liên kết tải về

pdf GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
doc GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK