Trang chủ Học tập Lớp 4 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức - Cả năm (Có đáp án)

35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Bộ đề ôn tập Tiếng Việt lớp 4 (Có đáp án)

TOP 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống có kèm theo đáp án một số câu, giúp các em học sinh lớp 4 luyện giải đề, so sánh đáp án vô cùng thuận tiện để nắm chắc các dạng bài tập trong chương trình Tiếng Việt lớp 4 mới.

Với 35 Đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4 ết nối tri thức tương đương với 35 tuần của cả năm học, còn giúp thầy cô dễ dàng giao đề ôn tập cho học sinh của mình. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Bộ đề đọc hiểu Tiếng Việt 4 KNTT. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Đề ôn luyện Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức - Đề 1

Đọc

TINH Ý VÀ LƠ MƠ

Ở bản Mây Bay có hai cậu bé ngang tuổi nhau, có hai cái tên ngộ ngộ là Tinh Ý và Lơ Mơ. Nhà hai đứa cách nhau không xa nhưng có một con suối Ngàn Xa ngăn cách. Hai đứa thân nhau, tuy nhiên, đúng như tên của mỗi đứa, cá tính lại gần như trái ngược. Tinh Ý hay nói, thích lí sự, hay bắt bẻ và hiếu thắng. Lơ Mơ thì ít nói, trầm tĩnh, rụt rè nhưng đôi khi có ý kiến khiến Tinh Ý phải ngỡ ngàng. Chẳng hạn, Tinh Ý bảo: "Nếu không có con suối thì sang nhà nhau thuận tiện lắm.". Lơ Mơ lại nói: “Có suối ngăn cách, khó đi, nhớ nhau nhiều hơn. Vượt khó sang nhau chơi mới là bạn tốt.". Tinh Ý đành im lặng.

Hơn thế, có chuyện này khiến Tinh Ý lại bất ngờ thêm. Lần ấy, Lơ Mơ thăm Tinh Ý. Ngẫu nhiên, Lơ Mơ được bạn mời ăn ổi, na và mấy loại quả khác có sẵn trong vườn nhà. Hai đứa đang ăn ngon miệng thì Tinh Ý kêu lên:

– Cái hạt to quả!

– Như cái nhân bánh ấy thôi. Chỉ khác là nhân bánh ăn được ngay, còn cái hạt thì... sau này mới được ăn. – Lơ Mơ đáp lại. Tinh Ý trố mắt, tỏ ra không hiểu bạn nói gì. Lơ Mơ giảng giải:

- Ở giữa cái bánh có cái nhân. Ở giữa quả cũng có nhân chứ sao nữa. Tại sao lại ghét nó bỏ nó? Nó được sinh ra để làm giống mà. Nhân của bánh ăn xong là hết. Nhân của quả, để lại gieo trồng, ta lại tiếp tục được ăn.

Tinh Ý gật gù cái đầu. Đoạn, cậu ta cười cười, cái cười rất Tinh Ý, rồi nói như ra lệnh:

– Bạn ạ, từ nay hai đứa mình đổi tên cho nhau đi, kẻo tôi ngượng lắm. Tôi: Lơ Mơ! Bạn: Tinh Ý!

(Theo Phạm Đình Ân)

Trả lời câu hỏi và làm bài tập

1. Sự khác biệt rõ nhất giữa hai bạn Tinh Ý và Lơ Mơ là gì?

A. Hai tên gọi khác nhau
B. Hai cá tính trái ngược nhau
C. Hai nhà ở hai bản xa nhau
D. Hai tuổi chênh nhau

2. Điền đúng hoặc sai (nếu sai thì sửa lại cho đúng):

a. Tinh Ý cho rằng suối ngăn cách, khó đi, nhớ nhau nhiều hơn, vượt khó sang nhau chơi mới là bạn tốt. …..
b. Lơ Mơ nghĩ con suối khiến cho việc sang nhà bạn không thuận tiện. …..

3. Theo Lơ Mơ, vì sao cái “hạt thì sau này mới được ăn"?

A. Hạt sinh ra để làm giống gieo trồng.
B. Hạt là nhân của quả, làm giống gieo trồng, lại tiếp tục được ăn.
C. Hạt là nhân của quả, để lâu mới ăn được.
D. Hạt để sau này trở thành quả mới được ăn.

4. Theo em, bạn Lơ Mơ có "lơ mơ" không?

5. Vì sao Tinh Ý đề nghị đổi tên cho Lơ Mơ

6. Nếu đổi tên cho Lơ Mơ, em sẽ chọn tên nào dưới đây?

A. Thông Thái
B. Thâm Thuý
C. Dí Dỏm
D. Sâu Sắc

7. Tìm trong mỗi đoạn văn ở dưới các danh từ theo từng nhóm:

a. Một buổi chiều, trời đầy dông bão. Chim sâu bị gió thổi bạt vào một khung cửa sổ và rơi xuống nền nhà. Một cậu bé chạy tới nâng chim sâu lên và đặt nó trong một chiếc hộp cứng. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, cậu bé đến mở nắp hộp, nhẹ nhàng nâng chim sâu trên tay.

(Nguyễn Đình Quảng)

b. Giữa trưa, nắng như đổ lửa, cá chuối mẹ càng bơi lên gần mặt ao càng thấy nước nóng. Đáng lẽ chuối mẹ có thể lặn xuống đáy ao cho mát, nhưng nghĩ đến đàn con đang đói, nó lại cố bơi.

(Xuân Quỳnh)

Danh từ chỉ người

Danh từ chỉ vật

Danh từ chỉ thời gian

Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên

8. Đặt 1 câu có sử dụng Tinh Ý là danh từ chỉ tên riêng của người và tinh ý là từ chỉ đặc điểm của người.

9. Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau:

Hơn thế, có chuyện này khiến Tinh Ý lại bất ngờ thêm. Lần ấy, Lơ Mơ thăm Tinh Ý. Ngẫu nhiên, Lơ Mơ được bạn mời ăn ổi, na và mấy loại quả khác có sẵn trong vườn nhà. Hai đứa đang ăn ngon miệng thi Tinh Ý kêu lên:

– Cái hạt to quá!

- Như cái nhân bánh ấy thôi. Chỉ khác là nhân bánh ăn được ngay, còn cái hạt thì... sau này mới được ăn. - Lơ Mơ đáp lại. Tinh Ý trố mắt, tỏ ra không hiểu bạn nói gì. Lơ Mơ giảng giải:

- Ở giữa cái bánh có cái nhân. Ở giữa quả cũng có nhân chứ sao nữa. Tại sao lại ghét nó bỏ nó? Nó được sinh ra để làm giống mà. Nhân của bánh ăn xong là hết. Nhân của quả, để lại gieo trồng, ta lại tiếp tục được ăn.

10. Viết một câu chủ đề phù hợp đặt ở cuối đoạn văn trên.

11. Em thích nhân vật nào trong câu chuyện Tinh Ý và Lơ Mơ? Vì sao? Viết đoạn văn nêu ý kiến của em.

ĐÁP ÁN ĐỀ 1

1. B;

2. a. S (sửa: Tinh Ý cho rằng con suối khiến cho việc sang nhà nhau không thuận tiện), b: S (sửa: Lơ Mơ cho rằng có suối ngăn cách, khó đi, nhớ nhau nhiều hơn, vượt khó sang nhau chơi mới là bạn tốt.);

3. B;

4. Lơ Mơ không hề “lơ mơ", trái lại rất chín chắn;

5. Vì Tinh Ý cảm thấy ngượng với Lơ Mơ về những hiểu biết của bạn.

6. Tuỳ chọn theo suy nghĩ cá nhân, song cố gắng giải thích lí Đề em chọn.

7. lần lượt điền: chỉ người: cậu bé, mẹ, con; chỉ vật: chim sâu, cửa sổ, nền nhà, trời, hộp, tay; kiến, lửa, cá chuối, ao, nước, đáy ao; chỉ thời gian: chiều, sáng, hôm sau, trưa; chỉ hiện tượng tự nhiên: dông bão, mây.

8. Ví dụ: Tinh Ý ơi, cậu chẳng tinh ý gì cả!/ Tinh Ý cảm thấy ngượng với Lơ Mơ, vì Lơ Mơ lại tinh ý hơn mình nên ngỏ ý đổi tên cho bạn.

9. Câu: Hơn thế, có chuyện này khiến Tinh Ý lại bất ngờ thêm.

10. Ví dụ: Nghe Lơ Mơ giảng giải, Tinh Ý thật sự bất ngờ về lí lẽ của bạn./ Thật thú vị: gọi là Lơ Mơ mà chẳng lơ mơ tí nào.

Đề ôn luyện Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức - Đề 2

Đọc

THANH KIẾM VÀ BÔNG HỒNG

Một thanh kiếm và bông hồng xinh đẹp tranh cãi với nhau. Thanh kiếm cao giọng:

– Hãy nhìn tôi đi, tôi khoẻ hơn cậu. Chắc chắn tôi sẽ giúp ích được cho con người hơn cậu rồi! Cậu biết không, con người cần tôi để chiến đấu với kẻ thù. Họ không thể sống thiếu tôi. Còn cậu, trông cậu mảnh khảnh và yếu ớt thế kia thì làm sao mà chống chọi với thiên tai, giặc giã được.

Bông hồng cũng không chịu thua, cất giọng kiêu hãnh:

- Không hiểu vì sao cậu lại chê tôi như vậy. Hãy nhìn lại mình đi. Trông cậu cứng quèo và gớm chết. Cậu làm sao có được hương thơm và vẻ đẹp lộng lẫy như tôi. Tôi còn có gai nhọn để chiến đấu với kẻ nào muốn làm hại tôi đấy. Cậu đang ghen tị với tôi chăng?

Thanh kiếm lắc đầu nói:

– Hoa hồng ơi, cậu lầm rồi. Sao tôi phải ghen tị với cậu cơ chứ. Hương thơm và vẻ đẹp lộng lẫy ư? Đúng là cậu rất đẹp và thơm, nhưng để làm gì khi mà con người chẳng dùng nó để ăn được. Còn những cái gai bé xíu kia được gọi là vũ khí sao?

Khi đó, một nhà thông thái đi tới. Thấy bông hồng và thanh kiếm tranh cãi gay gắt thì dừng lại hỏi thăm. Nghe xong, ông ôn tồn nói:

– Con người luôn cần cả kiếm và hoa hồng. Kiếm giúp cho con người chống lại kẻ thù, tránh được các hiểm hoạ để giữ gìn cuộc sống bình yên. Còn hoa hồng thì tô điểm cho cuộc sống của con người thêm tươi đẹp, đem lại hương thơm, sự ngọt ngào, niềm vui sướng, sự lãng mạn cho cuộc sống và trái tim của họ.

Thanh kiếm và bông hồng hiểu ra. Chúng cảm ơn nhà thông thái, bắt tay nhau và cùng sống vui vẻ.

(Truyện cổ tích Ả Rập)

Trả lời câu hỏi và làm bài tập

1. Thanh kiếm nói gì về bản thân?

A. Khoẻ, có thể chống chọi được với thiên tai, giặc giã
B. Mảnh khảnh và yếu ớt
C. Có hương thơm và vẻ đẹp lộng lẫy
D. Có nhiều kẻ thù

2. Thanh kiếm nhận xét như thế nào về bông hồng?

A. Giúp ích cho con người
B. Có vũ khí để tự bảo vệ được mình
C. Có hương thơm và vẻ đẹp lộng lẫy
D. Mảnh khảnh và yếu ớt

3. Bông hồng nói gì về thanh kiếm?

A. Cứng quèo và gớm chết
B. Khoẻ, có thể chống chọi được với thiên tai, giặc giã
C. Mảnh khảnh và yếu ớt
D. Giúp con người giữ gìn cuộc sống bình yên

4. Nghe câu chuyện của thanh kiếm và bông hồng, nhà thông thái nói gì?

a. Về thanh kiếm
b. Về bông hồng

5. Em có đồng ý với ý kiến của nhà thông thái không? Vì sao?

6. Theo em, câu chuyện Thanh kiếm và bông hồng muốn nói với chúng ta điều gì?

A. Cần sống thân thiện với mọi người, mọi vật.
B. Mỗi người, mỗi vật đều có vẻ đẹp và ích lợi riêng, cần tôn trọng
C. Mọi bất đồng đều có thể được hoà giải.
D. Mọi người, mọi vật đều phải biết bảo vệ mình.

7. Tìm trong mỗi đoạn văn ở dưới các danh từ theo từng nhóm:

a. Ở bản Mây Bay có hai cậu bé ngang tuổi nhau, có hai cái tên ngộ ngộ là Tinh Ý và Lơ Mơ. Nhà hai đứa cách nhau không xa nhưng có một con suối Ngàn Xa ngăn cách.

(Phạm Đình Ân)

b. Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông nay là Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên ở quê ngoại, làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay) trong một gia đình thợ thủ công.

(Theo Ngọc Hà)

Danh từ chung

Danh từ riêng

8. Tìm mỗi nhóm 2 danh từ:

a. Danh từ chung chỉ phương tiện giao thông

b. Danh từ chung chỉ hiện tượng tự nhiên

c. Danh từ riêng gọi tên sông

9. Viết đoạn văn nêu ý kiến của em về câu chuyện Thanh kiếm và bông hồng.

ĐÁP ÁN ĐỀ 2

1. A;

2. C;

3. A;

4. Kiếm giúp cho con người chống lại kẻ thù, tránh được các hiểm hoạ để giữ gìn cuộc sống bình yên. Hoa hồng thì tô điểm cho cuộc sống của con người thêm tươi đẹp, đem lại hương thơm, sự ngọt ngào, niềm vui sướng, sự lãng mạn cho cuộc sống và trái tim của họ;

5. Em tự nêu ý kiến cá nhân của mình và nói rõ lí do.

6. B.

7. Danh từ chung: bản, cậu bé, tên, đứa con suối; quên nội, thị trấn, huyện, tỉnh, quê ngoại; làng, phủ, phường, quận, gia đình, thợ, thủ công; danh từ riêng: (bản) Mây Bay, Tinh Ý, Lơ Mơ, (suối) Ngàn Xa, Tô Hoài, Nguyễn Sen, (thị trấn) Kim Bài, (huyện) Thanh Oai, (tỉnh) Hà Đông, Hà Nội, (làng) Nghĩa Đô, (huyện) Từ Liêm, (phủ) Hoài Đức, (phường) Nghĩa Đô, (quận) Cầu Giấy.

8. Ví dụ: a. máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả; b. sóng thần, động đất, mưa đá; c. (sông) Hồng, (sông) Cửu Long.

Đề ôn luyện Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức - Đề 3

Đọc

GHEN-CA VÀ CÁC BẠN

Ghen-ca là học trò xuất sắc nhất lớp. Trong giờ học, thầy cô đặt bất cứ câu hỏi nào, cậu cũng lập tức giơ tay và trả lời rất đúng. Cậu làm tất cả các bài tập nhanh chóng và luôn được điểm cao nhất lớp.

Nhưng bạn bè thì không ai thích Ghen-ca vì cậu luôn tỏ ra mình là người thông minh nhất, chẳng ai bì kịp. Mỗi khi trả lời câu hỏi của thầy cô, Ghen-ca nhìn cả lớp như muốn nói: "Hừ, các cậu làm sao mà trả lời được như tớ cơ chứ!".

Năm học kết thúc. Cả lớp háo hức chuẩn bị cho chuyến đi chơi trong rừng, Các em rất vui vì không chỉ được đi dạo trong rừng mà còn được ngủ đêm ở đấy nữa. Bọn trẻ tính toán rồi quyết định: Mỗi người cần mang theo một bình đựng nước uống, một cái bát và cứ hai người sẽ mang chung một cái chăn. Các em tự nhập thành cặp rất nhanh chóng nhưng không ai muốn mang chăn chung với Ghen-ca.

Chỉ còn Pê-tơ-rích là chưa kịp thành cặp với ai. Vì Pê-tơ-rích không muốn mang chăn chung với Ghen-ca nên cậu bé tủi thân, oà khóc.

Thế là Ghen-ca cũng bưng mặt khóc nức nở. Cậu lại gần thầy giáo và hỏi:

– Thưa thầy, em chưa bao giờ làm điều gì xấu, sao các bạn lại không muốn chơi với em?

Thầy giáo nhẹ nhàng nói

- Em cần khiêm tốn và học cách cảm thông với người khác. Hãy vui mừng khi thấy bạn khác thông minh và buồn khi thấy có bạn học chưa giỏi.

– Em cảm ơn thầy. Nhưng em có nên tham gia chuyến đi rừng này không?

– Có chứ! Em hãy mang một cái chăn cho mình. Em hãy học quan tâm và yêu thương bạn bè; vui với niềm vui và buồn với nỗi buồn của các bạn. Điều đó sẽ đưa em đến với trái tim bạn bè.

(Theo Những mẩu chuyện ứng xử sư phạm)

Trả lời câu hỏi và làm bài tập

1. Những chi tiết nào cho biết Ghen-ca là học sinh xuất sắc nhất lớp?

A. Luôn trả lời rất đúng bất cứ câu hỏi nào của cô.
B. Nhanh chóng làm tất cả các bài tập và luôn đạt điểm cao nhất lớp.
C. Lập tức giơ tay khi thầy cô đặt câu hỏi.
D. Hai ý A và B.

2. Vì sao mà bạn bè trong lớp không thích Ghen-ca?

A. Vì không ai theo kịp được Ghen-ca.
B. Vì Ghen-ca luôn tỏ ra là mình thông minh nhất.
C. Vì Ghen-ca luôn được điểm cao nhất lớp.
D. Vì Ghen-ca làm tất cả các bài tập nhanh chóng.

3. Khi cả lớp chuẩn bị cho chuyến đi chơi, chuyện gì làm cho cả Ghen-ca và Pê-tơ-rích đều khóc?

A. Không ai muốn ghép đôi và mang chung chăn với Ghen-ca.
B. Pê-tơ-rích không muốn ghép đôi với Ghen-ca.
C. Không có ai ghép đôi và mang chung chăn với Pê-tơ-rích.
D. Hai ý A và B.

4. Theo em, câu hỏi của Ghen-ca: "Em chưa bao giờ làm điều gì xấu, sao các bạn lại không muốn chơi với em" cho thấy điều gì?

A. Ghen-ca nhận ra rằng các bạn đều không muốn chơi với mình.
B. Ghen-ca biết rõ rằng mình không hề làm điều gì xấu.
C. Ghen-ca thấy rằng bạn nào cũng muốn ghép đôi với mình.
D. Ghen-ca cảm nhận được mình thật tệ.

5. Thầy giáo đã khuyên Ghen-ca những gì?

A. Cần khiêm tốn và học chia sẻ đồ dùng với bạn.
B. Cần khiêm tốn và học cảm thông, chia sẻ với người khác.
C. Cần khiêm tốn và học cảm thông với các bạn học chưa giỏi.
D. Cần khiêm tốn học hỏi những bạn thông minh.

6. Theo em, sau lời khuyên của thầy giáo, Ghen-ca sẽ làm gì? Vì sao?

7. Tim trong mỗi đoạn dưới đây các danh từ theo từng nhóm:

Danh từ riêng chỉ người

Danh từ chung chỉ người

Danh từ riêng chỉ địa danh

Danh từ chỉ sự vật

Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên

a. Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao.

(Trần Đăng Khoa)

b. Thuở ấy làng Phù Đổng

Có một chuyện kì khôi

Cậu bé tên là Gióng

Ba tuổi, chưa nói cười.

(Nguyễn Lãm Thắng)

c. Cháu đi tắm biển Sầm Sơn

Cưỡi trên sóng bạc, sóng vờn mây trôi

Nhớ bà tóc trắng, bà ơi

Những trưa cắt ra giữa trời nắng chang.

(Lê Huy Hoà)

d. Khi nhiệt độ xuống thấp, nước có thể biến thành băng cứng. Khi đun nước thì nước sôi có thể biến thành hơi nước rồi phát tán vào không gian. Ngoài ra nước cũng biến thành tuyết, sương mù, mây, sương giá.

(Theo Sách khoa học dành cho thiếu niên nhi đồng:Tại sao? Những bí ẩn trong đời sống)

8. Với mỗi nhóm danh từ tim được ở bài tập 7, chọn 1 từ rồi đặt câu với từ đó.

9. Dựa vào bài đọc Ghen-ca và các bạn, viết báo cáo thảo luận kế hoạch tổ chức đi dã ngoại của lớp em.

(Gợi ý: các nội dung cần thảo luận và thống nhất: thời gian; địa điểm dã ngoại; thành phần tham gia; chuẩn bị về phương tiện, hậu cần,..)

ĐÁP ÁN ĐỀ 3

1. D;

2. Bị

3. A;

4. A;

5. Bị

6. Em tự nêu ý kiến cá nhân của mình và nói rõ lí do, chẳng hạn: Ghen-ca chủ động mang chăn và rủ Pê-tơ-rích đắp chung với mình. Vì chính Pê-tơ-rích cũng chưa có người ghép đôi để mang chăn đắp chung.

7. a. danh từ riêng chỉ người: (Thánh) Gióng;

b. danh từ chung chỉ người: cháu, bà;

c. danh từ chỉ sự vật: hồ, mực, ngọn, trời, phổ, biển, tóc, rạ;

d. danh từ riêng chỉ địa danh: Hà Nội, Hồ Gươm, Tháp Bút, (làng) Phù Đổng, (biển) Sầm Sơn; danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên: mây, sóng, băng, tuyết, sương mù, sương giá.

8. Vi dụ: Nhân vật Thánh Gióng đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Về nhà, em sẽ đọc truyện Thánh Gióng cho bà nghe. Sau đó bà kể chuyện Lê Lợi trả kiếm cho rùa vàng ở Hồ Gươm cho em nghe,...

....

>> Tải file để tham khảo 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Liên kết tải về

zip 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
doc 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK