Viết bài luận thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm cực chất dưới đây sẽ là nguồn tài liệu cực kì hữu ích, là người bạn đồng hành giúp các em hiểu được trình tự làm bài, quan sát, biết cách liên tưởng, so sánh, lựa chọn ngôn từ phù hợp.
Thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm bao gồm bài văn mẫu cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập củng cố kỹ năng làm văn thuyết phục người khác ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya, bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn.
Thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm
Dàn ý thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: quan niệm xem văn chương là phù phiếm.
2. Thân bài:
- Giải thích văn chương là gì?
+ Văn chương chỉ những tác phẩm nói chung, không phân biệt thể loại.
- Nguyên nhân dẫn đến quan niệm này: do có cái nhìn phiến diện, suy nghĩ chưa đầy đủ, đúng đắn.
- Lí do phải từ bỏ quan niệm này:
- Văn chương cung cấp tri thức và phản ánh hiện thực cuộc sống.
- Văn chương giúp con người nhận thức chính mình và cuộc đời.
- Khơi gợi những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc trong sáng, đẹp đẽ ở con người.
- Văn chương là phương tiện để lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
- Đề xuất một số giải pháp để từ bỏ quan niệm này:
- Thay đổi nhận thức của chính mình.
- Tích cực tham gia vào các hội chợ sách, các buổi diễn đàn, thảo luận, tọa đàm về sách.
- Đọc những bài phê bình trên các trang báo, sách để hiểu hơn về tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
Thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm
Nhà văn Macxim Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Quả đúng là như vậy, văn chương có chức năng nhận thức, giáo dục, hướng con người đến cái tốt, cái thiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, nhiều người lại cho rằng văn chương là thứ viển vông, xa rời thực tế.
Văn chương hay cũng được hiểu là văn học. Tuy nhiên, văn chương có ý nghĩa rộng lớn, bao quát hơn văn học vì nó chỉ chung cho những tác phẩm được sáng tác bằng nghệ thuật ngôn từ. Như vậy, tất cả các tác phẩm được viết bằng ngôn từ thì đều thuộc văn chương.
Nhiều người xem văn chương là phù phiếm vì họ nhận thấy những nhà văn, nhà thơ sáng tác văn chương đa phần đều có tính cách tự do, bay bổng, lúc nào cũng chỉ “thơ thẩn”, say đắm trong “trăng” với “hoa”. Vì thế, các tác phẩm của họ luôn xa rời đời sống, thuộc về một thế giới nào đó xa lạ với cuộc sống con người.
Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm, cần phải loại bỏ, thay đổi. Khi đọc các tác phẩm văn học, ta không chỉ được chìm đắm trong những câu chuyện hết sức li kì, hấp dẫn mà còn được học hỏi thêm nhiều điều hay, hiểu hơn về cuộc sống, con người. Nói một cách khác, văn chương cung cấp tri thức và phản ánh sinh động hiện thực khách quan qua từng thời kì. Đọc các tác phẩm văn học Việt Nam từ thế kỉ X cho đến nay, ta sẽ nhận ra bối cảnh lịch sử cũng như sự tác động của các khuynh hướng, trào lưu văn học trên thế giới đối với văn chương Việt Nam. Trong thời kì trung đại, đó là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của những bậc hiền triết, đại tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,... hay nỗi u hoài của các nhà thơ, nhà văn trước cuộc sống lầm than, đói khổ của người dân khi đất nước bị phương Bắc xâm lược. Đến thời kì cận đại, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của phong trào Thơ mới với những thi sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,... Cả một thời kì đen tối của dân tộc trong giai đoạn đầu khi Pháp cai trị được lột tả, thể hiện rõ ràng qua các tác phẩm “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Chí Phèo” (Nam Cao), “Vợ nhặt” (Kim Lân),... Hay đó còn là tinh thần chiến đấu sục sôi, bất diệt trong các bài thơ “Việt Bắc” (Tố Hữu), “Dáng đứng Việt Nam”, (Lê Anh Xuân),...
Văn học là những cách tân, sáng tạo của người nghệ sĩ về mặt ngôn từ mà thông qua đó, họ tự nhận thức về chính mình và cuộc sống. Ta thấy một Nam Cao luôn ám ảnh với cái đói, cái nghèo, về tấn bi kịch không lối thoát của con người trước năm 45. Sau khi Cách mạng tháng Tám diễn ra thành công, ông rũ bỏ hoàn toàn chiếc áo cũ để khoác lên mình sự tự do, phóng khoáng và hăm hở đi theo Cách mạng. Chẳng phải thông qua văn chương, ta cũng có điểm nhìn mới về người nghệ sĩ hay sao?
Đặc biệt, văn chương còn khơi gợi những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc trong sáng, đẹp đẽ ở con người. Một tác phẩm văn học không đem đến cho con người bài học, ý nghĩa thì đó chỉ là một tác phẩm chết, không đáng một xu bởi “Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người” (M.Gorki). Vì thế, những nhà văn chân chính như Thạch Lam luôn tâm niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú thêm.”.
Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận rằng, văn chương chính là phương tiện hữu hiệu để lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những kinh nghiệm, mong ước của ông cha qua hàng nghìn năm được đúc rút thông qua các câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích,... hấp dẫn, li kì. Đời sống sinh hoạt làng xã với những thú vui, nét đẹp bình dị cũng được phản chiếu, khúc xạ trong một số tác phẩm đầy trau chuốt về mặt ngôn từ như “Chùa Đàn”, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Hay đó còn là tinh hoa ẩm thực, sự chăm chút, cầu kì trong từng món ăn của người dân ở “Băm sáu phố phường” (Thạch Lam), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng),...
Đời sống tinh thần sẽ thật tẻ nhạt nếu không được bồi đắp, nuôi dưỡng bởi những áng văn hay. Chính vì vậy, mỗi người cần từ bỏ, thay đổi quan niệm: văn chương là phù phiếm. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của chính mình. Tiếp đến là mở lòng đón nhận, thưởng thức văn chương bằng cách tích cực tham gia vào các hội chợ sách, các buổi diễn đàn, thảo luận, tọa đàm; đọc những bài phê bình trên các trang báo, sách để hiểu hơn về tác phẩm.
“Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Nếu đến với văn chương bằng tinh thần gượng ép, vô cảm thì mãi mãi, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp mà văn học chân chính đem đến cho loài người.