Tập làm văn lớp 5: Tả đồ vật (Kiểm tra viết) mang tới những bài văn mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện bài văn tả quyển sách Tiếng Việt 5 tập 2, tả đồng hồ báo thức, tả đồ vật trong nhà, tả món quà, tả đồ vật trong viện bảo tàng hoặc nhà truyền thống thật hay.
Qua đó, các em sẽ nắm được cấu trúc một bài văn tả đồ vật, thêm nhiều vốn từ cũng như ý tưởng mới cho bài văn của mình thêm sinh động, để đạt kết quả cao trong bài kiểm tra viết tuần 25. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Tả đồ vật (Kiểm tra viết)
Đề 1: Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em
Sách tiếng Việt 5 tập 2 là quyển sách luôn gắn bó hằng ngày với việc học tập của em. Quyển sách cho em biết thêm nhiều điều quý giá. Vì thế em luôn nâng niu và trân trọng quyển sách này.
Sách tiếng Việt 5 tập 2 rất đẹp. Vừa cầm nó trên tay, em đã mê ngay. Quyển sách dày hơn vở viết của em một chút. Ngay trang bìa là bức tranh phong cảnh rất đẹp. Trong bức tranh ấy, có đồng ruộng, có núi non, có biển khơi. Xa xa là cánh chim hải âu đang rập rờn trên sóng, những cánh buồm no gió đang lướt ra khơi. Giữa những tán lá xanh lá xanh tốt là mái ngói đỏ tươi của làng mạc, thôn xóm. Trên những thửa ruộng, người nông dân đang chăm chỉ cày cấy. Trung tâm bức tranh là hình ảnh các bạn học sinh của các vùng miền, các dân tộc đang ngồi trò chuyện vui vẻ. Phía trên của trang bìa là dòng chữ “Bộ giáo dục và đào tạo”. Ngay sát dưới là chữ “Tiếng Việt 5” nổi bật trên nền giấy màu xanh lá cây. Phía dưới là logo và tên nhà xuất bản giáo dục. Mở quyển sách ra, em thấy thật dễ chịu vì những dòng chữ rõ ràng trên nền giấy trắng tinh còn thơm mùi sách mới. Sách giúp em học tốt, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng: tập đọc, chính tả, tập làm văn, kể chuyện, luyện từ và câu. Từ đầu đến cuối sách, em thấy các chủ điểm: người công dân, vì cuộc sống thanh bình, Nam và Nữ, những chủ nhân tương lai. Cuốn sách của em không chỉ đẹp mà còn hấp dẫn. Vì trong mỗi bài đọc luôn có bức tranh minh hoạ để em dễ hiểu hơn. Trong những bài tập đọc, em thích nhất là bài “Phong cảnh đền Hùng” của tác giả Đoàn Minh Tuấn. Bài văn đó giúp em hiểu được phong cảnh đền Hùng thật cụ thể. Mặc dù, em ở nơi xa xôi chưa được thăm đền Hùng. Nhưng khi đọc bài đó thì đền Hùng hiện lên trong tâm trí em thật sinh động. Những bài tập đọc hay, những bức tranh minh hoạ đã giúp em mở mang thêm sự hiểu biết và cảm nhận. Sách giúp em thêm hiểu, thêm yêu thiê nhiên, đất nước. Hiểu được những phong tục của các vùng miền trên đất nước Việt Nam thân yêu và một số nơi trên thế giới. Cuối sách là phần Mục lục để em dễ dàng tìm kiếm và tra các bài học.
Em rất yêu quý cuốn sách của mình. Đó cũng là món quà mẹ mua tặng em đầu năm học. Em hứa mình sẽ giữ gìn cẩn thận để có thể truyền lại cho các em ở lớp sau. Em cũng sẽ học thật tốt để bố mẹ luôn được vui lòng.
>> Tham khảo: Tả quyển sách Tiếng Việt lớp 5 của em
Đề 2: Tả cái đồng hồ báo thức
Đầu năm học mới, mẹ có mua cho em một chiếc đồng hồ báo thức đặt trong phòng. Nhờ có nó mà em luôn thức dậy đúng giờ để đến lớp.
Chiếc đồng hồ khá nhỏ nhắn và đáng yêu. Nó có màu hồng, hình tròn và có hai cái tai nhỏ như hai chiếc chuông ở bên trên. Nối giữa hai chiếc chuông ấy là một thanh bằng sắt, dùng làm tay cầm rất tiện lợi. Ở giữa là một trục xoáy nhỏ để điều chỉnh thời gian. Bên dưới đồng hồ cũng có hai cái chân nhỏ để đồng hồ có thể đứng vững, vì làm bằng sắt chống gỉ nên đồng hồ rất bền. Mặt đồng hồ có hình một chú mèo Hello Kitty đang đeo một chiếc phao bơi nhỏ. Có lẽ mẹ mua chiếc đồng hồ này vì Hello Kitty là bộ phim hoạt hình mà em thích nhất. Bên ngoài là một lớp kính trong và dày để bảo vệ bộ phận chỉ giờ bên trong. Các số được in rất rõ ràng và dễ nhìn. Chiếc đồng hồ có ba kim chính. Một kim chỉ giây màu đỏ, dài và nhỏ nhất, sau đó đến chiếc kim chỉ phút màu đen, ngắn nhất là kim giờ. Mẹ dạy em xem đồng hồ từ nhỏ nên em có thể nhận biết thời gian một cách dễ dàng. Chiếc đồng hồ chạy bằng một chiếc pin con thỏ, mỗi lần thay đều dùng được một thời gian khá lâu. Đặc biệt, có một chỗ để cho thẻ nhớ vào nên em có thể chọn một bản nhạc chuông mà mình thích để làm báo thức. Có lần em đã lấy chuông báo thức là tiếng gáy chú gà trống nhà ông nội, nghe rất khỏe khoắn. Mỗi sáng, chiếc đồng hồ đều báo rất đúng giờ, đến giờ báo thức, hai chiếc chuông nhỏ rung đều gọi em dậy. Mặc dù có những hôm ngủ cố thêm một chút nhưng từ ngày có chiếc đồng hồ báo thức này, em chủ động hơn, không cần mẹ phải gọi dậy. Được mẹ khen, em rất vui, chiếc đồng hồ như một trợ thủ đắc lực của em vậy, vừa nhỏ gọn xinh xắn lại vừa vô cùng hữu ích.
Em rất thích chiếc đồng hồ này, đây là món quà kỷ niệm của mẹ, cũng là một người bạn đồng hành cùng em trong suốt năm học, em sẽ giữ gìn chiếc đồng hồ cẩn thận.
>> Tham khảo: Tả chiếc đồng hồ báo thức
Đề 3: Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích
Tả lò vi sóng
Hôm nay, bố vừa mua một chiếc lò vi sóng mới cho cả nhà. Chiếc lò có hình hộp chữ nhật, bên trong chứa được cả hai chiếc tô lớn cùng một lúc. Nó thiết kế từ chất liệu đặc biệt, vừa cứng cáp, chắc chắn lại cách nhiệt, cách điện bên ngoài để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Toàn thân lò là một màu đen bóng rất sang trọng. Riêng mặt cửa lò thì là phần kính trong suốt có thể nhìn xuyên vào bên trong. Ở cánh cửa có một tay cầm vuông dọc mép cánh để mở ra và đóng vào. Khi mở cửa, chỉ cần ấn nút ở ngay dưới tay cầm là cửa sẽ tự động mở ra. Khi đóng vào thì nhấn cửa vào đến khi nghe tiếng “tách” là được.
Ở phần bên cạnh cánh cửa là hai nút xoay để điều chỉnh nhiệt độ của lò. Nút đằng trên là các nấc nhiệt theo bốn mức nóng tăng dần. Nút ở dưới là nút hẹn giờ cho lò chia thành tám mức. bên trong lò có một chiếc đĩa lớn đặt trên trục xoay. Đồ cần quay nóng sẽ được đặt lên đó. Ở góc trên có ba chiếc đèn nhỏ, khi nào sử dụng lò thì chúng sẽ tự động sáng lên.
Nhờ chiếc lò vi sóng, nhà em có thể quay cơm và thức ăn nhanh chóng mà tiện lợi. Em thích chiếc lò vi sóng mới lắm.
Tả bình hoa
Trong nhà em có rất nhiều đồ dùng mới và hiện đại, như tủ lạnh, tivi, điều hòa… Nhưng em thích nhất chính là chiếc bình hoa ở trong bếp.
Chiếc bình hoa ấy đã có lâu lắm rồi. Nó được mẹ mua về từ lúc gia đình em vừa chuyển đến ngôi nhà này. Vậy nên, nó có một ý nghĩa khó có thể xóa bỏ được. Vì được làm từ lâu, nên chiếc bình đã có phần hơi cũ và xước xát đôi chỗ, nhưng những điều đó chẳng chút nào ảnh hưởng đến vẻ đẹp của nó.
Chiếc bình cao khoảng 25cm, có hình trụ như bao chiếc bình khác. Phần thân to như bắp tay của mẹ. Phần đế có xòe ra một chút để giúp cho bình dễ giữ thăng bằng. Phần miệng bình thì hơi mở ra, tạo hình như các cánh hoa đang nở. Bình được làm bằng gốm, tráng men trắng. Bên ngoài, được trang trí bằng hình ảnh của những đóa hoa cúc vàng ươm. Tuy đơn giản nhưng lại rất đẹp và tinh tế.
Thành bình được làm khá dày so với những chiếc bình thủy tinh bây giờ nên rất chắc chắn. Họa tiết trên bình cũng được vẽ tay rất tỉ mỉ và cẩn thận. Vì thế, đến nay bình vẫn đẹp lắm. Trước đây, mẹ để bình trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách. Nhưng do bình đã cũ, nên mẹ chuyển vị trí vào bàn ăn ở trong bếp, chứ không hề vất đi. Cứ cách vài ba ngày, mẹ sẽ lại thay hoa mới trong bình. Có khi là vài đóa hồng nhung, lúc là chùm hoa cúc, lúc thì là hoa ly đỏ… Vì bình thiết kế đơn giản, trang nhã, nên mẹ cắm hoa gì vào cũng đẹp, cũng xinh.
Đối với gia đình em, chiếc bình không chỉ là một đồ vật bình thường, mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần quý giá. Chiếc bình chứa đựng những kỉ niệm của gia đình, đồng hành cùng mọi người, với ngôi nhà. Em sẽ giữ gìn chiếc bình thật cẩn thận, để nó có thể tiếp tục cống hiến cho ngôi nhà thật lâu nữa.
Tả bộ sa lông nhà em
Bộ Sa lông bằng gỗ lát hoa để ở phòng khách là kỉ vật của ông nội. Ngày về hưu, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II vừa tặng ông bộ Sa lông này.
Ông nội về hưu được sáu năm, qua đời trong nỗi buồn xót thương của con cháu. Tính đến nay, ông mất vừa bốn năm. Bộ xa-lông vừa bóng lên màu nâu thẫm, màu thời gian 20 năm có lẻ.
Nhà bố mẹ em ở là ngôi nhà cổ 5 gian lợp ngói do ông bà để lại. Cho đến nay, bộ Sa lông vẫn là thứ có giá trị nhất trong gia đình. Ở gian giữa bày bàn thờ ông bà và kê bộ xa-lông. Mặt bàn lại được úp lên một tấm kính màu rất đẹp, nặng phải đến hai người mới xê dịch được. Chiếc ghế bên trái ngoài cùng là nơi ông ngồi đọc báo, uống trà và tiếp khách. Ông không biết hút thuốc lào, thuốc lá. Trên bàn chỉ bày biện một bộ ấm trà loại quần ẩm và sáu chiếc chén xếp ngay ngắn trên chiếc đĩa to men xanh.
Em vẫn nhớ như in hình ảnh ông ngồi pha trà, uống trà mỗi sáng khi con cháu đang mơ màng ngủ. Mái tóc bạc phơ, ông tựa lưng vào ghế, trông gương mặt phúc hậu của ông thật đẹp. Nơi ông ngồi ngày xưa, bây giờ bố em vẫn thường ngồi. Nhiều lúc, bố ngồi lặng lẽ ngắm lên bàn thờ, đăm chiêu nhìn dáng ông bà, và ba tấm Huân chương cao quý của ông để lại lồng trong khung kính. Đến ngày giỗ ông, năm nào bố em cũng pha một ấm trà, loại chè móc câu Thái Nguyên mà ngày xưa ông thích uống, đặt lên mặt bàn Sa lông. Bố trịnh trọng rót trà vào sáu chiếc chén, rồi lầm rầm khấn trong làn khói trầm quyện đưa hương. Ngày nào bố cũng lau chùi bộ Sa lông một, hai lần. Bố mẹ vừa bàn: sang năm anh Ngọc tốt nghiệp trường đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ lát gạch hoa nền nhà và thuê thợ đánh véc-ni lại bộ Sa lông cho đẹp.
Với ông, bộ xa-lông là tình đồng đội, tình chiến đấu. Mỗi lần có cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cũ về thăm ông, bộ Sa lông là nơi tụ của bao tình đồng chí, tình đồng đội vô cùng thắm thiết. Còn với con cháu hiện nay và sau này, bộ Sa lông là kỉ vật thiêng liêng của người cha, người ông kính yêu để lại. Mỗi lần được bố sai đi rửa chén, lúc đặt lên mặt bàn Sa lông em lại bồi hồi tưởng như thấy ông đang ngồi trầm ngâm uống trà mỗi sáng mỗi chiều.
Năm tháng vừa trôi qua, nhưng mái nhà êm ấm của gia đình em vẫn lưu giữ bao kỉ niệm sâu nặng ân tình của ông bà nội. Mảnh vườn nhỏ xinh xắn trồng rau, mấy chậu hoa, góc sân lát gạch, cái bể đựng nước mưa,...và bộ Sa lông bằng gỗ lát hoa này như tiếng nói của gia tiên vọng về trong tâm hồn con cháu mỗi sáng, mỗi chiều, nhất là trong những ngày giỗ ngày Tết.
>> Tham khảo: Tả đồ vật
Đề 4: Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em
Tả hộp đựng bút
Đầu năm học lớp bốn, chú Hưng ghé qua nhà em chơi, tặng em một cái hộp đựng bút. Chú bảo: “Chú mua cho cháu để cháu tiện dùng vì lên lớp lớn rồi.”.
Em sung sướng cảm ơn chú và mở giấy gói ra xem. Hộp bút hình chữ nhật, làm bằng nhựa tốt màu xanh lơ, dài hơn một gang tay em, rộng bảy xăng-ti-mét, dày độ hai xăng-ti-mét. Vỏ ngoài của hộp in hình búp bê màu tím nhạt thật xinh xắn, nổi bật trên nền xanh của vỏ hộp. Hộp bút có thể đóng mở nhờ một thanh thép trắng ở nắp hộp và hai thanh nam châm ở phần thanh của hộp. Khi mở nắp, nắp hộp lộ ra một tầng nhỏ bắc xếp nối với đáy hộp. Tầng bé nhỏ này có thể đựng bút chì, nhãn vở, tẩy... Phần đáy hộp có cái giắt bút ép bằng nhựa dẻo và một ô nhỏ để đựng cái gọt bút chì. Em lau bút viết sạch sẽ rồi đặt tất cả dụng cụ học tập của em vào hộp bút cẩn thận. Ngắm nghía cái hộp bút, em rất hài lòng và tự nhủ từ đây không phải để viết máy vào ngăn cặp nữa. Có hộp bút, em lấy dụng cụ học tập nhanh hơn, việc giữ gìn bút viết tốt hơn nhiều. Mỗi khi học xong, em đều lau hộp bút bằng một mảnh vải mềm và để nó vào cặp nhẹ nhàng, ngay ngắn. Em giữ gìn hộp bút cẩn thận để nó không bị sờn, trầy lớp nhựa bóng bên ngoài. Như một dũng sĩ cận vệ, cái hộp bút bảo vệ dụng cụ học tập của em bền, đẹp. Mỗi buổi học, em như nghe hộp bút thì thầm: “Tiến lên, cô học trò nhỏ. Chúng tôi sẽ giúp cô bước vào sự nghiệp mai sau.”.
Món quà của chú Hưng thật thực tế và hữu dụng. Hộp bút còn giữ thẻ thư viện của em không bị cong, nhăn góc. Mỗi lần mở hộp bút ra dùng em đều nhớ chú Hưng. Em cố gắng học giỏi để bố mẹ vui lòng và đền đáp lại sự quan tâm của chú Hưng dành cho em.
Tả chiếc cặp
Kỉ niệm về chiếc cặp mà em đựng sách vở đi học mãi mãi ở trong tâm trí em. Đã một năm trôi qua rồi, thế mà mỗi lần nghĩ đến, em vẫn còn cảm thấy nôn nao, bồn chồn đến lạ.
Hồi ấy, em đang còn sử dụng chiếc cặp của chị Hai lúc chị học ở Tiểu học. Chiếc cặp vẫn còn sử dụng tốt, chỉ nứt một số đường may ở trong các ngăn cặp và miệng cặp. Sách vở và đồ dùng học tập thường bỏ lẫn với nhau vì chỉ còn lại có một ngăn. Nhưng không phải vì thế mà em buồn. Trái lại em rất quý và rất yêu chiếc cặp vì nó là vật kỉ niệm của chị em. Chị Hai bây giờ là sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh rồi. Em muốn nâng niu vật kỉ niệm ấy bên mình như thầm hứa với chị Hai sẽ noi theo gương chị. Do vậy mà em không đòi hỏi bố phải mua cặp mới cho em. Nhưng rồi vào một buổi học cuối học kì II năm lớp Ba, tan học, mưa tầm tã sách vở và đồ dùng học tập ngày hôm ấy lại khá nặng, tất cả đều dồn vào cặp nên khi nước mưa thấm vào đã làm đường chỉ khâu dưới đáy cặp bị bung ra. Và thế là bao nhiêu sách vở, đồ dùng học tập của em bị rơi xuống mặt đường. Em nhặt sách vở và đồ dùng học tập lên gói chung vào tấm ni lông tất tả chạy về nhà. Thấy em ôm chồng sách vở trên tay, vai đeo chiếc cặp không, bố hỏi: “Sao con không bỏ vào cặp?”. Em vừa cởi quai đeo vừa nói với bố: “Cặp hỏng rồi bố ạ!”. Bố nhìn em, nhìn chiếc cặp đã thủng đáy, rồi quay sang âu yếm nói: “Đừng buồn nghe con! Bố bận công chuyện quá không để ý đến chiếc cặp của con. Mẹ con lại đi làm xa, chắc cũng không biết chuyện này, thông cảm cho bố mẹ. Chiều nay, bố đưa con ra chợ thị xã, mua chiếc khác”. Thế là em đành phải từ biệt chiếc cặp, đế nó lên giá sách như lưu giữ lại một vật kỉ niệm của chị mình.
Chiếc cặp mà em có trong tay bây giờ là một chiếc cặp tuyệt đẹp! Có lẽ nó đẹp thuộc loại nhất, nhì trong lớp, bởi nó vừa mới lại vừa tốt, kiểu cặp trông rất xinh và rất tiện lợi. Chất liệu chiếc cặp được may bằng vải ni lông tổng hợp màu xanh lá cây. Chiều dài độ ba mươi lăm xăng-ti-mét, chiều rộng chừng hai mươi lăm xăng-ti-mét. Phía trên có quai xách. Đằng sau có hai quai đeo làm bằng chỉ dù to bản, vừa chắc lại vừa êm vai. Phía trước cặp có hai khoá móc láng bóng được mạ kền. Chỉ cần bấm nhẹ vào hai cái nút nhỏ lên như hai đầu đũa, móc bật ra là em có thể mở cặp một cách nhanh chóng, thuận tiện. Phía trong nắp cặp là một đường dây kéo tạo thành một cánh cửa đóng kín ba ngăn cặp. Nắp cặp được làm bằng một miếng mi-ca mỏng và được trang trí bằng một tấm hình chụp vị thuyền trưởng Sinbad trong bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Sinbad” làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc cặp.
Chiếc cặp được cấu tạo ba ngăn. Ngăn giữa rộng hơn, em dùng để toàn bộ sách vở trong buổi học. Còn hai ngăn kia dùng để đồ dùng học tập và tấm vải mưa. Thật là tiện lợi. Đã gần một năm rồi mà chiếc cặp vẫn còn y như mới mua tuần trước. Đi học về, bao giờ em cũng dùng một miếng vải mỏng lau sạch bụi bặm hoặc nước mưa rồi mới để vào góc học tập của mình.
Chiếc cặp đã trở thành người bạn thân thiết của em từ dạo đó. Và bây giờ, ngày ngày, chiếc cặp lại cùng em tung tăng đến trường, rồi lại cùng em trở về nhà trong niềm vui vì những điểm mười mà em đạt được.
>> Tham khảo: Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa đối với em
Đề 5: Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát
Tả xe đạp thồ
Tuần trước, lớp em được cô giáo dẫn đến thăm bảo tàng Dân tộc học. Em rất ấn tượng với cái xe đạp thồ.
Dạo quanh một lượt khu bảo tàng, chúng em thích thú với tất cả mọi hiện vật. Nhiều thứ bỡ ngỡ, lạ lẫm vô cùng. Bạn nào cũng tròn xoe đôi mắt, lắng tai nghe cô giáo thuyết minh. Khi vào sâu bên trong, ai nấy đều trầm trồ trước cái xe đạp thồ. Nhìn nó thật lạ mắt. Nó không giống với chiếc xe đạp bây giờ. Có lẽ nó đã nhiều tuổi rồi vẻ bên ngoài trông “tiều tụy” lắm. Lớp sơn tróc hết vỏ, để lộ những thanh sắt khẳng khiu màu đen. Cái xe đạp này cũng thô sơ, thiếu thốn đủ thứ. Xe không có chỗ ngồi phía sau. Tay lái đơn giản, không có dây phanh. Yên xe đã cũ, rách gần hết. Xe đạp có một thanh ngang nối đầu xe với thân xe nhìn có vẻ chắc chắn nhất. Hai lốp xe dường như không thể cũ hơn, đã mòn gần hết. Những cái đũa xe han gỉ, nằm im lìm. Bàn đạp đã mất một bên nhìn như chú thương binh vậy.
Tuy cái xe đạp cũ và chẳng có vẻ gì hấp dẫn nhưng được rất nhiều người quan tâm. Bởi lẽ nó có một lịch sử rất oai hùng. Nhìn bên ngoài ít ai biết được những việc nó đã “gánh vác”. Trong năm tháng chiến tranh của đất nước, những chiếc xe đạp thồ này không biết đã chở được bao chuyến hàng, đi được bao cây số, vượt qua bao nhiêu bom đạn... để tiếp viện cho tiền tuyến. Mặc cho bom rơi đạn lạc, những anh xe thồ này vẫn dũng cảm vượt qua. Vì thế giờ đây có vẻ già nua nhưng nó vẫn khoẻ lắm. Ai đến thăm cũng phải trầm trồ thán phục.
Anh xe đạp thồ nhìn xấu xí nhưng lại đẹp biết bao khi làm được những việc phi thường. Em rất yêu chiếc xe đạp thồ này.
Tả trống đồng Đông Sơn
Hè vừa qua, công ty bố em tổ chức cho gia đình cán bộ công nhân viên du lịch các tỉnh miền Bắc. Đoàn được viếng lăng Bác Hồ và tham quan viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Tại viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội, em được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn.
Trong gian phòng lớn, nơi trưng bày các đồ vật cổ, trống đồng Đông Sơn được đặt trên một bục gỗ khắc chạm bốn chân theo kiểu cổ. Đường bệ và uy nghi, chiếc trống đồng có hình dáng đồ sộ, cân đối và hài hòa. Chiếc trống đồng Đông Sơn được đúc bằng đồng, hình khối trụ tròn, cao sáu mươi xăng-ti-mét, hình thể phức tạp: phần trên phình ra hình nón cụt, ở giữa thắt lại hình trụ tròn, phần thân loe ra hình phễu. Mặt trống hình tròn, đường kính chín mươi xăng-ti-mét gồm nhiều vòng tròn đồng tâm có hình khắc chìm trên mặt trống. Giữa mặt trống có hình ngôi sao lớn. Vòng tròn ngoài ngôi sao cũng khắc chìm các hình ngôi sao nhỏ hơn. Mỗi ngôi sao có mười hai cánh. Ngôi sao lớn ở giữa biểu tượng cho tục lệ thờ Thần Mặt Trời của người Việt cổ, mười tám ngôi sao xung quanh xen lẫn mười tám con chim tượng trưng cho mười tám đời vua Hùng Vương. Bao quanh các ngôi sao có hoạ tiết lông công, hình con người múa, người giã gạo, người đánh trống hoặc bơi thuyền. Hoạ tiết hình chim có các hình tam giác đan xen vào nhau. Hoa văn hình học xung quanh mặt trống là các đường chấm nhỏ, vành chỉ trơn láng, vành tròn ngoài có hoa văn hình răng cưa, và các vạch ngắn song song.
Thân trống là phần hình trụ của khối tròn. Thân trống có hình hoa văn khắc hình chiếc thuyền, hình võ sĩ, chim muông và thú. Tất cả hình ở thân trống được khắc nổi, trang trí theo hình chữ nhật. Hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Quai trống được đúc theo hình dây thừng bện. Thân trống trơn láng, không có hoa văn, cao khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Chân trống là phần loe hình phễu của khối trụ tròn. Trống đồng Đông Sơn là cổ vật thể hiện đời sống của nhân dân và văn hoá của người Việt cổ. Theo lời cô thuyết minh của viện bảo tàng, trống đồng được làm từ thế kỉ VI và thể kỉ VII trước Công nguyên. Các hình khắc trên trống đồng cho ta hình dung được nền văn minh nông nghiệp của nước ta thời kì trước Công nguyên. Hoa văn của trống ghi lại các hoạt động của xã hội Lạc Việt thời đó: dân ta đã biết đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, sản xuất thủ công và sử dụng sức kéo trong nông nghiệp.
Trống đồng thực chất là một nhạc khí. Người Việt cổ dùng trống đồng trong hội hè, đình đám, lễ lạc, tang lễ. Trống đồng còn là biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh bộ tộc. Trống đồng Đông Sơn cho ta biết nền văn minh văn hoá Đông Sơn của người Việt cổ. Việc nghiên cứu lịch sử, thời gian, biểu tượng của trống còn đang tiến hành nhưng những gì em biết được từ cô thuyết minh cũng làm em bồi hồi cảm động. Bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn của Việt Nam là bộ sưu tập trống lớn nhất thế giới. Hoa văn trên mặt trống thể hiện nền văn hoá lâu đời của dân tộc Việt. Trải qua bao nhiêu thế kỉ, trống đồng Đông Sơn vẫn là nét son sáng chói trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ có thế, trống đồng còn là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn các nhà khảo cổ trong và ngoài nước. Được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn thật là một niềm vui lớn và may mắn của em.
Em ra về mang theo trong tâm hồn xúc cảm dạt dào của lòng tự tôn dân tộc. Em được mở mang thêm kiến thức về lịch sử nước nhà. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng là con cháu Lạc Việt, cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc đúng như lời Bác Hồ dạy: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước."
>> Tham khảo: Tả món đồ trong viện bảo tàng mà em được quan sát