Tập viết đoạn đối thoại trang 77, 78 SGK Tiếng Việt 5 tập 2, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng mới luyện viết lời đối thoại, để hoàn chỉnh màn kịch theo các gợi ý có sẵn, rồi phân vai, diễn thử màn kịch thật tự tin.
Đồng thời, thầy cô cũng có thể tham khảo để soạn giáo án Tập viết đoạn đối thoại - Tuần 25 cho học sinh của mình. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để nắm được cách viết lời đối thoại, chuẩn bị thật tốt cho tiết Tập làm văn lớp 5 - Tuần 25.
Tập làm văn: Tập viết đoạn đối thoại trang 77 - Tuần 25
Hướng dẫn giải Tập làm văn SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 77, 78
Câu 1
Đọc đoạn trích sau của truyện Thái sư Trần Thủ Độ:
Có lần, Linh Từ Quốc Mẫu, vợ ông, muốn xin riêng cho một người làm chức câu đương. Trần Thủ Độ bảo người ấy:
- Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Người ấy kêu van mãi, ông mới tha cho.
Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ
Câu 2
Dựa theo nội dung của đoạn trích trên, em hãy cùng các bạn trong nhóm viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch theo gợi ý sau:
Xin Thái sư tha cho!
Nhân vật: Trần Thủ Độ; một phú nông muốn xin làm chức câu đương; mấy anh lính hầu.
Cảnh trí: Công đường có đặt một án thu lớn. Trên án thư có hộp bút, vài cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi viết bên án thư. Hai bên có mấy người lính đứng cung kính.
Thời gian: Buổi sáng.
Gợi ý lời đối thoại: - Trần Thủ Độ lệnh cho lính hầu mời phú nông vào.
- Trần Thủ Độ hỏi tên tuổi, nguyện vọng của phú nông.
- Trần Thủ Độ hỏi phú nông về chức phận của câu đương.
- Phú nông trả lời, chứng tỏ rất ít hiểu biết về chức phận của câu đương.
- Trần Thủ Độ bảo phải chặt một ngón chân của phú nông để đánh dấu.
- Phú nông sợ hãi kêu van xin tha.
- Trần Thủ Độ tha cho anh ta.
Lính: - (Bước vào) Bẩm Thái sư! Người nhà phu nhân đã tới rồi ạ.
Trần Thủ Độ: - Cho anh ta vào!
(Lính đi ra, sau đó dẫn vào một người khoảng 30 tuổi, ăn mặc kiểu nhà giàu nhưng hơi quê kệch.)
Phú nông: - Lạy Đức Ông!
Trần Thủ Độ: - Ngươi có phải là Đặng Văn Sửu không?
Phú nông:...
Trả lời:
Mẫu 1:
Viết tiếp một số lời đối thoại
Ví dụ:
Phú nông: - Bẩm, vâng
Trần Thủ Độ: - Ta nghe phu nhân nói ngươi muốn xin chức câu đương đúng vậy không?
Phú nông: - (vui vẻ mừng) Dạ, đội ơn Đức Ông. Xin Đức Ông giúp con được thoả nguyện ước.
Trần Thủ Độ: - Ngươi có biết chức câu đương phải làm những việc gì không?
Phú nông: - Dạ bẩm... bẩm... (gãi đầu, lúng túng) con phải... phải, đi bắt tội phạm ạ.
Trần Thủ Độ: - Làm sao ngươi biết kẻ nào là tội phạm?
Phú nông: - Dạ bẩm... bẩm... con cứ thấy nghi nghi là bắt ạ.
Mẫu 2:
Xin Thái sư tha cho!
Tại một công đường có đặt một án thư lớn, trên có hộp bút, vài cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi viết bên án thư. Hai bên có mấy người lính đứng cung kính. Bỗng từ bên ngoài có một người lính nhanh nhẹn đi vào công đường.
(bước vào) Lính: - Bẩm Thái sư, người nhà phu nhân đã tới rồi ạ.
(ngẩng lên, nghiêm nghị) Trần Thủ Độ: - Cho anh ta vào! (lính đi ra, sau đó dẫn vào một người khoảng 30 tuổi, ăn mặc kiểu nhà giàu nhưng hơi quê kệch. Anh ta là một phú nông.)
Phú nông: - Lạy Đức Ông!
Trần Thủ Độ: - Ngươi có phải là Đặng Văn Sửu không?
Phú nông: - Lạy Đức Ông, thưa phải ạ!
Trần Thủ Độ: - Năm nay nhà ngươi được bao nhiêu tuổi?
Phú nông: - Dạ! Thưa lạy Đức Ông, con năm nay đã ngoài 30 tuổi rồi ạ!
Trần Thủ Độ: - Vậy nhà ngươi tìm đến ta có việc gì?
Phú nông: - Trăm nghìn lạy Đức Ông, hôm nay con đến xin được trình bày cùng Đức Ông cho con làm chức câu đương.
Trần Thủ Độ: - Ngươi xin là chức câu đương? Vậy, nhà ngươi hiểu được những gì về chức câu đương?
Phú nông: (Lúng túng trả lời qua loa) - Dạ, thưa... chức câu đương... là chức... chức lớn đẻ cai quản nhiều người ạ!
Trần Thử Độ: (Cau mày, nghiêm mặt, nói chậm rãi) - Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Phú nông: (Sợ hãi kêu van không ngớt) - Lạy Đức Ông... Lạy Đức Ông... xin tha cho, xin tha cho... xin không làm chức câu đương nữa ạ... không dám nữa ạ?
Trần Thủ Độ: (vẫn nói từ tốn) - Vậy ngươi hiểu rồi chứ? Ngươi về đi. Ta tha cho!
Phú nông: (vừa lạy vừa đi lui ra).
Câu 3
Phân vai đọc lại (hoặc diễn thử) màn kịch trên.
Trả lời:
Học sinh tự phân vai và diễn lại.