Quyết định 584/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 15 tháng 05 năm 2012 về việc ban hành quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
BỘ LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
VỀ LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI
----------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 63/2010NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG (đã ký) Phạm Thị Hải Chuyền |
QUY CHẾ
XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG,
NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 584/QĐ-LĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2012
của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
2. Việc soạn thảo, ban hành các văn bản cá biệt như: Quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, thành lập, sáp nhập, giải thể tổ chức thuộc thẩm quyền của Bộ; quyết định tuyển dụng, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử đi học tập, công tác ở nước ngoài đối với cán bộ, công chức; quyết định xử lý vi phạm hành chính; chỉ thị về phát động phong trào thi đua và những văn bản cá biệt khác để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Điều 3. Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội bao gồm các bước cụ thể như sau:
a) Lập đề nghị, kiến nghị chương trình xây dựng văn bản;
b) Tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo văn bản;
c) Thẩm định, trình dự thảo văn bản;
d) Ban hành văn bản.
2. Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 22 quy chế này.
Điều 4. Nguyên tắc phân công soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
1. Bộ trưởng phụ trách chung và chỉ đạo việc tổ chức soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản; tham gia ý kiến vào dự án, dự thảo văn bản.
2. Bộ trưởng phân công từng Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, thẩm định văn bản, ký trình hoặc ký ban hành văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
3. Khi Bộ trưởng vắng mặt, Thứ trưởng phụ trách Vụ pháp chế phụ trách chung công tác soạn thảo, thẩm định, tham gia ý kiến vào dự án, dự thảo văn bản.
4. Việc phân công soạn thảo văn bản, tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản dựa trên cơ sở nội dung của văn bản đó liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị nào thì giao cho đơn vị đó chủ trì. Nếu văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều đơn vị thì Bộ trưởng xem xét, quyết định giao cho một đơn vị chủ trì.
Trong quá trình soạn thảo, tham gia ý kiến vào dự án, dự thảo văn bản, thủ trưởng đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo, thẩm định, tham gia ý kiến phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công về những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo.
5. Việc soạn thảo văn bản có liên quan đến quy định, thủ tục hành chính thực hiện theo Điều 3, Điều 4 quy chế phối hợp thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-LĐTBXH ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quy định tại quyết định này.
6. Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham gia việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ngay từ giai đoạn khởi đầu; thực hiện công tác thẩm định văn bản trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng; thực hiện kiểm tra về mặt pháp lý, hồ sơ chuẩn bị đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Bộ trưởng ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Điều 5. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế
1. Dự thảo đề nghị chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên cơ sở đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp, thẩm tra đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị; lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là Chương trình); báo cáo Thứ trưởng phụ trách công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tổ chức họp thông qua dự kiến Chương trình; xin ý kiến các Thứ trưởng; trình Bộ trưởng ký Quyết định ban hành Chương trình;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ trưởng ký công văn đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh gửi Bộ Tư pháp trước ngày 01 tháng 03 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội (đối với hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ của Quốc hội) hoặc chậm nhất là 105 ngày trước ngày 01 tháng 03 của năm trước năm dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm trên cơ sở chương trình của cả nhiệm kỳ Quốc hội) hoặc chậm nhất là 105 ngày trước ngày 01 tháng 03 của năm trước năm dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm mà chưa có trong chương trình của cả nhiệm kỳ Quốc hội);
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ trưởng ký công văn đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp trước ngày 01 tháng 8 của năm trước, đồng thời gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp vào Chương trình công tác hàng năm của Bộ gửi Văn phòng Chính phủ.
2. Tổ chức thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau khi được phê duyệt.
3. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Bộ trưởng.
4. Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.
5. Kiểm tra về mặt pháp lý, hồ sơ chuẩn bị đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Bộ trưởng ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
6. Hướng dẫn việc tuân thủ các quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị chủ trì soạn thảo để bảo đảm tuân thủ quy trình, tiến độ xây dựng, chất lượng soạn thảo và thời hạn trình văn bản quy phạm pháp luật, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.
7. Đề xuất với Bộ trưởng các biện pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
8. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính lập kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm chi cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
9. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất thi đua khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị
1. Đơn vị chủ trì soạn thảo
a) Đề xuất danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần soạn thảo để đề nghị đưa vào chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
b) Trình Lãnh đạo Bộ dự thảo quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong trường hợp cần thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập;
c) Dự toán kinh phí cho công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
d) Tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;
đ) Kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặt về những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo như: tiến độ soạn thảo, nội dung văn bản, bổ sung, đưa ra khỏi chương trình và những nội dung khác;
e) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tiến độ, nội dung, chất lượng văn bản soạn thảo.
2. Văn phòng Bộ
a) Công tác văn thư bao gồm việc đóng dấu, ghi số, ngày, tháng, năm ban hành, lưu bản gốc và gửi (phát hành) văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng đã ban hành đến các cơ quan, tổ chức có liên quan; gửi đăng Công báo, Trang thông tin của Chính phủ và của Bộ.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện việc soạn thảo văn bản liên quan đến quy định, thủ tục hành chính theo Quyết định số 999/QĐ-LĐTBXH ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
c) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế đề xuất thi đua khen thưởng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3. Cơ quan thông tin của Bộ
a) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ điều hành tác nghiệp của Bộ (eMolisa) để giúp các đơn vị quản lý tiến độ xây dựng văn bản.
b) Phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan cập nhật thông tin/hồ sơ công việc về tiến độ xây dựng văn bản, công khai trên eMolisa.
4. Các đơn vị thuộc Bộ
Tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về ý kiến góp ý đối với nội dung các quy định thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình được giao phụ trách.
5. Tổ chức pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ là đầu mối chịu trách nhiệm giúp Thủ trưởng đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các đơn vị không có tổ chức pháp chế thì Thủ trưởng đơn vị phân công cán bộ có chuyên môn phù hợp làm đầu mối trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 7. Báo cáo về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Trước ngày 20 của tháng cuối mỗi quý và trước ngày 15 tháng 11 của năm, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản gửi Vụ Pháp chế.
2. Vụ Pháp chế tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng định kỳ hàng quý, 6 (sáu) tháng và hàng năm.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết