Phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu tổng hợp 5 mẫu cực hay kèm gợi ý cách viết chi tiết. Tài liệu được biên soạn nhằm giúp cho các em học sinh có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng viết văn ngày một tiến bộ hơn.
Qua phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện chúng ta cảm nhận được cách ứng xử của các nhân vật. Từ đó nhà văn muốn gửi đến người đọc thông điệp đứng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện; phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích nhân vật Phùng, phân tích bà cụ tứ, phân tích nhân vật Tràng.
Phân tích người đàn bà ở tòa án huyện siêu hay
- Dàn ý chi tiết người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện
- Phân tích người đàn bà làng chài ở tòa án huyện - Mẫu 1
- Phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 2
- Phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 3
- Người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 4
- Người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 5
Dàn ý chi tiết người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện
Dàn ý số 1
I. Mở bài :
– Giới thiệu vài nét lớn về tác giả, tác phẩm;
– Giới thiệu giá trị nhân đạo của truyện
Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một tác gia tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Hành trình sáng tác của ông trải qua hai thời kỳ, thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ đổi mới sau 1975. Ở thời kỳ đổi mới, “Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong” và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Minh Châu trong chặng đường văn thời kỳ đổi mới. Truyện xoáy sâu vào bức tranh hiện thực của đời sống người lao động thuyền chài ở một vùng ven biển miền Trung. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong câu chuyện người đàn bà ở toà án huyện.
II. Thân bài:
1. Khái quát về tác phẩm : Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, tóm tắt cốt truyện.
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả viết vào năm 1983, xuất bản năm 1987. Truyện kể về chuyến đi thực tế của nghệ sĩ Phùng tại vùng biển để chụp ảnh làm lịch nghệ thuật. Một buổi sáng, Phùng đã chụp được bức ảnh “trời cho”, đó là ảnh của một chiếc thuyền lưới vó trong buổi bình minh sương sớm. Cùng lúc ấy, Phùng phát hiện ra câu chuyện kì lạ về gia đình hàng chài sống trên chiếc thuyền ấy : người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn với thái độ cam chịu . Được tòa án mời đến giải quyết chuyện gia đình, người đàn bà van xin đừng bắt mình phải bỏ chồng. Trước sự ngạc nhiên của chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng, người đàn bà kể lại câu chuyện về cuộc đời mình.
2. Phân tích câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện:
a. Đó là câu chuyện về cuộc đời nhiều bí ẩn và éo le của một người đàn bà hàng chài nghèo khổ, lam lũ…
+ Theo lời mời của Đẩu, chánh án toà án huyện, người đàn bà hàng chài đã có mặt ở toà án huyện. Trước lời đề nghị và giúp đỡ của Đẩu và Phùng, người đàn bà dứt khoát từ chối. Chị đau đớn đánh đổi bằng mọi giá để không bỏ lão chồng vũ phu dù “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được”.
+ Tại toà án, chị kể về cuộc đời mình và gián tiếp giải thích lí do vì sao chị nhất quyết không thể bỏ lão chồng vũ phu: Thứ nhất, gã chồng ấy là chỗ dựa quan trọng trong cuộc đời những người hàng chài như chị, nhất là khi biển động, phong ba. Thứ hai, chị cần hắn, bởi vì còn phải cùng nhau nuôi những đứa con. Thứ ba, trên thuyền, có những lúc vợ chồng, con cái sống hoà thuận, vui vẻ.
+ Nếu ban đầu mới đến toà, chị sợ sệt, lúng túng, một lạy quý toà, hai lạy quý toà thì sau khi nghe lời khuyên của Đẩu, chị trở nên mạnh dạn, chủ động. Chị bác bỏ ngay lời đề nghị của vị chánh án và của người nghệ sĩ: “các chú đâu phải người làm ăn (…) cho nên các chú đâu có biết cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc (…)bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Cách xưng hô của chị cũng trở nên gần gũi, thân mật hơn. Chị không còn xưng hô “con – quý toà” mà tự xưng là “chị” và gọi Phùng, Đẩu là “các chú”. Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là vì chị đã cảm nhận được thiện ý của hai người và có lẽ còn là sự cảm thông của chị cho sự nông nổi, ngây thơ của họ?
b. Câu chuyện đã giúp nghệ sĩ Phùng hiểu về người đàn bà hàng chài (một phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, có tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha); về người chồng của chị(bất kể lúc nào thấy khổ quá là lôi vợ ra đánh); chánh án Đẩu (có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều) và về chính mình (sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận, suy nghĩ).
+ Trước khi nghe câu chuyện của người đàn bà, thái độ của anh rất cương quyết. Anh tin ở lời khuyên đúng đắn và đầy sức thuyết phục của mình: “chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu”.
+ Nhưng khi nghe xong câu chuyện “một cái gì đó vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Có lẽ giải pháp “bỏ chồng” mà Đẩu áp dụng trong trường hợp của người đàn bà này là không ổn. Trong hoàn cảnh ấy, cách hành xử của chị ta dường như là không thể nào khác?
+ Cũng như Đẩu, nghệ sĩ Phùng im lặng sau câu chuyện của người đàn bà. Có lẽ, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đang trầm ngâm suy nghĩ những gì vừa xảy ra. Lúc này, Phùng vỡ ra được nhiều điều, hiểu rõ hơn về người đàn bà, về Đẩu và về cả chính mình. Người đàn bà thất học, quê mùa không hề cam chịu một cách vô lí, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra chị ta là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Trong khổ đau, cơ cực, chị biết chắt chiu từng giọt của hạnh phúc đời thường. Chị luôn sống với tâm niệm thiêng liêng là: “sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Chánh án Đẩu là người có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng còn xã rời thực tế, chưa thực sự đi vào cuộc sống nhân dân. Lòng tốt là điều rất quí, luật pháp là điều cần thiết nhưng cả hai vẫn chưa đủ sức mạnh giúp con người thoát khỏi cuộc sống tăm tối và những hành động man rợ. Tất cả phải đặt vào hoàn cảnh cụ thể và cần phải có giải pháp thiết thực. Phùng nhận thấy mình đã đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người. Cũng như người đồng đội Đẩu, anh chỉ nhìn người một cách phiến diện, nông nổi ngây thơ chẳng khác gì thằng bé Phác: chỉ thấy được một khía cạnh của người đàn ông hàng chài là độc ác, tàn nhẫn, vì vậy cần phải đấu tranh, lên án. Trong khi đó, người đàn bà quê mùa, xấu xí, thất học lại có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn. Đối với người đàn ông độc ác, dữ dằn, chị đau đớn nhưng không oán hận vì chị thấu hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động vũ phu ấy, bởi xét đến cùng, anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt.
3. Nhận xét về nghệ thuật thể hiện câu chuyện người đàn bà hàng chài:
– Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được tình huống mà ở đó bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm và cả trong cuộc đời nhân vật. Tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống.
– Ngôn ngữ người kể chuyện: Thể hiện qua nhân vật Phùng, sự hóa thân của tác giả. Chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống, lời kể trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ nhân vật: Phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người. Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.
III. Kết bài:
– Tóm lại, qua câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà hàng chài và cách ứng xử của các nhân vật, nhà văn muốn gửi đến người đọc thông điệp: đứng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện; phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều.
– Từ đó, tác phẩm thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai : Văn học nghệ thuật phải gắn bó với cuộc sống, phải vì con người.Quan niệm ấy đã khiến tác phẩm của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn này giàu nhân bản. Đọc tác phẩm của ông, người ta đau đớn, day dứt về thân phận con người và thật sự tin tưởng vào khát vọng làm người cao đẹp của những người lao động nghèo.
Dàn ý số 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu
- Miêu tả hình ảnh người đàn bà hàng chài ở Tòa án huyện trong truyện
2. Thân bài:
- Phân tích chi tiết hình ảnh người đàn bà hàng chài
- Sự đau đớn, khổ đau của người phụ nữ khi phải đưa ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình
- Cách diễn đạt tình cảm, suy nghĩ của người đàn bà hàng chài thông qua miêu tả và lời thoại
- Tác giả tạo hình cho nhân vật người đàn bà hàng chài để độc giả có thể đồng cảm với cô
- Ý nghĩa của hình ảnh người đàn bà hàng chài
- Thể hiện sự đấu tranh của người lao động nghèo trong cuộc sống, đòi hỏi sự công bằng và chính đáng
- Nhấn mạnh sự kiên trì, bền bỉ và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong môi trường khắc nghiệt
- Khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống và xã hội.
3. Kết bài:
- Tóm tắt lại những điểm chính đã phân tích trong bài.
- Nhấn mạnh sự quan trọng của hình ảnh người đàn bà hàng chài trong truyện và giá trị của tác phẩm trong văn học Việt Nam.
Phân tích người đàn bà làng chài ở tòa án huyện - Mẫu 1
Nhà thơ A. Musset từng nói: “Hãy cố gắng đứng ở thời đại chúng ta cho đến khi chúng ta không còn tồn tại nữa”. Bởi lẽ, cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, thế sự và nhân sinh luôn đặt ra những câu hỏi dày vò lương tâm con người, cho nên nó đòi hỏi người cầm bút cũng phải có suy nghĩ và thái độ phù hợp. Với truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã thực sự đứng vững trong thời đại của mình để nói cho hết bộn bề hiện thực. Đặc biệt, trong truyện ngắn này nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng người đàn bà hàng chài trong câu chuyện của chị ở tòa án huyện, từ đó bộc lộ một tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn lớn của văn xuôi Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Mang trên mình màu xanh áo lính, người nghệ sĩ – chiến sĩ ấy đã để lại những tác phẩm xuất sắc mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đưa sự nghiệp của nhà văn đạt đến thành công rực rỡ trong nền văn học cách mạng. Nhưng khi cuộc chiến đã qua đi, con người bước ra từ khói lửa để trở lại với đời thường, các sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã bắt nhịp ngay với thời đại, hướng tới cuộc sống đời tư, thế sự với phong cách tự sự - triết lí đặc sắc. Phải chăng đó là minh chứng rõ nét nhất cho điều mà ông vẫn hằng tâm niệm: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng dùng cái râu của mình mà thăm dò không khí thời đại”. Vì nhạy bén với những đổi thay của thời cuộc như thế, cho nên truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường thiên về khám phá hiện thực ở bề sâu của nó, khám phá cả bề sâu tâm hồn con người để từ đó cất lên tiếng nói đồng cảm và xót thương sâu sắc trước số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình gian nan tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là minh chứng cho quan niệm sáng tác ấy của Nguyễn Minh Châu. Đây là một tác phẩm xuất sắc của ông trong giai đoạn sáng tác thứ hai, được viết năm 1983 và in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1987. “Chiếc thuyền ngoài xa” kể về hành trình đi tìm một bức ảnh đẹp cho bộ lịch của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Sau gần một tuần tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm thấy một “cảnh “đắt” trời cho”. Nhưng ngay trong giây phút người nghệ sĩ ấy vừa “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, vừa bắt được “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, thì cũng là lúc Phùng phải chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình: người đàn bà bị chồng đánh đập dã man. Chỉ trong ba hôm phải chứng kiến cảnh tượng ấy đến hai lần khiến Phùng không thể chịu được, bản lĩnh và phẩm chất của một người chiến sĩ – nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải dùng vũ lực buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Cũng vì thế mà anh bị thương và được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Tại đây, anh đã được nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài, cũng từ đó mà hình ảnh người đàn bà với số phận khổ đau nhưng lại mang những phẩm chất cao đẹp hiện lên thật rõ nét.
Trong cuộc gặp gỡ ở tòa án huyện, nhân vật người đàn bà hàng chài hiện lên trước hết với số phận khổ đau, bất hạnh. Số phận ấy dường như ám ảnh chị đến mức nó được thể hiện ra ngay cả trong dáng vẻ: “Người đàn bà chỉ quen sống giữa mặt nước vừa đặt chân vào trong gian phòng đầy bàn ghế và giấy má liền tìm đến một góc tường để ngồi”. Đẩu phải mời đến hai lần, chị mới “rón rén đến ngồi vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”. Dáng vẻ ấy, quả khiến người đọc không khỏi có chút xót xa, thương cảm. Phải chăng đó là dáng vẻ của một người luôn mang mặc cảm tội lỗi, vì không muốn làm người khác khó chịu mà phải thu mình? Hay đó là tư thế tự vệ bản năng của một con người đã quá nhiều lần bị đối xử thô bạo? Dù là gì đi chăng nữa, thì dáng ngồi ấy vẫn gợi lên vẻ tội nghiệp, đáng thương. Thì ra, người phụ nữ ấy lại là nạn nhân của một cuộc sống cùng quẫn, tối tăm vì nghèo đói. Hoàn cảnh gia đình khiến chị phải ngậm ngùi: “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”. Cả gia đình chen chúc trên con thuyền chật hẹp như thế, lại phải “nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”, thử hỏi làm sao mà không cùng quẫn, làm sao mà không cực khổ. Và sự thật quả nhiên như thế: “...trước kia vào vụ bắc, ông trời làm biển động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Cái đói, cái nghèo đã khiến cuộc đời những con người ấy rơi xuống vực sâu cùng quẫn, tối tăm, không lối thoát.
Nhưng tấn bi kịch lớn nhất trong cuộc đời người đàn bà hàng chài không đến từ cuộc sống nghèo đói hay cuộc mưu sinh nhọc nhằn, mà là nạn bạo lực gia đình mà chính chị là nạn nhân trực tiếp. Trận đòn của lão chồng vũ phu cứ đều đặn theo chu kì, ngày qua ngày tàn bạo trút xuống người đàn bà: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Thậm chí cũng chẳng cần chờ đến ngày, đó là những trận đòn tùy hứng: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Điều đó khiến cho Đẩu – vị chánh án của vùng biển phải buông lời kết tội: “Cả nước không có một người chồng nào như hắn”. Nhưng có lẽ chừng ấy chẳng thấm vào đâu với người đàn bà. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Duy chỉ có một điều làm chị đau đớn nhất, đó là việc phải chứng kiến đứa con đang dần hình thành một nhân cách lệch lạc vì phải sống quá lâu trong cảnh bạo lực. Nó đã thủ sẵn một con dao găm để chống lại cha ruột của nó! Còn gì đau đớn, còn gì nhục nhã hơn với người mẹ khốn khổ ấy. Trước kia, bi kịch của người phụ nữ trong “Vợ chồng A Phủ”, hay “Vợ nhặt” đều do bọn thống trị dã man gây ra, chỉ có Cách mạng mới đem đến cho họ tương lai tươi sáng. Nhưng “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết khi nước nhà đã độc lập, thống nhất được 8 năm, cớ sao bi kịch của con người vẫn còn, thậm chí còn đau đớn, bế tắc hơn gấp bội? Phải chăng đó cũng là “mối quan hoài thường trực” trong lòng người nghệ sĩ về số phận con người. Cuộc kháng chiến trường kì dù lâu dài đến mấy, hi sinh đến mấy nhưng chẳng phải cũng đã kết thúc rồi sao. Chỉ có cuộc đấu tranh với đói nghèo, tăm tối để kiếm tìm hạnh phúc là vẫn còn triền miên dai dẳng, mà chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, chừng đó con người vẫn còn phải sống với cái xấu, cái ác. Cho nên, trước hiện thực của cuộc đời và số phận con người, người nghệ sĩ càng không thể thờ ơ. Bởi lẽ: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi” (Nguyễn Huy Tưởng)
Vượt thoát khỏi bóng đêm của hiện thực, ở người đàn bà hàng chài vẫn ngời sáng lên những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Trước hết, đó là tấm lòng bao dung, vị tha và giàu đức hi sinh. Với người chồng vũ phu, thô bạo, chị chẳng những không hề oán trách mà còn nhận hết lỗi về mình. Có thể nào cầm lòng được không khi nghe lời thú nhận của người đàn bà khốn khổ ấy: “Giá tôi đẻ ít đi”, “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Dường như chị mang nặng mặc cảm rằng mình là kẻ làm nặng thêm cái gánh mưu sinh, khiến cả gia đình rơi xuống vực sâu bế tắc, cùng quẫn như bây giờ. Thậm chí còn hơn thế, chị còn cảm thông, thấu hiểu cho chồng, nhìn nhận người chồng ở góc độ bản chất của anh ta. Ở góc độ này, xem ra Phùng đã quá cứng nhắc, duy ý chí khi cho rằng cái ác chỉ bắt nguồn từ phía địch: “Lão ta hồi trước bảy nhăm có đi lính ngụy không ?” Đáp lại cái suy nghĩ giản đơn kiểu thời chiến ấy, người đàn bà trả lời rằng không. Hơn thế, anh ta còn trốn lính, không chấp nhận cầm súng bắn vào đồng bào mình để đổi lấy đồng tiền máu của giặc. Người như thế sao có thể gọi là kẻ ác? Vậy có phải rượu chè be bét làm gã đổ đốn? Cũng không, thậm chí người vợ còn ao ước: “Giá mà lão uống rượu...thì tôi còn đỡ khổ”. Chỉ còn một nguyên nhân nữa, là bản tính của lão. Theo lời người vợ thì: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Thậm chí giờ đây khi đánh vợ, lão cũng không hả hê mà còn “rên rỉ đau đớn”. Như vậy thì cả ba nguyên nhân, chẳng cái nào là phải. Mà nguyên nhân thực sự ở đây, chính là những bế tắc, cùng quẫn trong đời sống, trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã khiến lão khổ sở, u uất. Thuyền chật, con đông, lại thêm gánh nặng miếng cơm manh áo làm cuộc sống cứ thế chìm trong tăm tối triền miên, tất cả như vượt quá sức chịu đựng của con người. Không uống rượu như đàn ông thuyền khác, thì lão chỉ còn một cách duy nhất để giải tỏa: đánh vợ. Chính người đàn bà cũng xác nhận điều đó: “Bất cứ khi nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu”. Như vậy, nói cho đúng thì lão chồng cũng là một nạn nhân khốn khổ của hoàn cảnh. Vì thế mà cách chịu nhẫn nhục chịu đựng đòn roi, cũng là cách mà chị chia sẻ, làm dịu đi nỗi u uất trong lòng chồng. Một con người bao dung như thế, vị tha như thế, thì dù việc chị làm có vô lí cách mấy cũng không thể khiến ta cầm lòng!
Với chồng là vậy, còn với đứa con, điều cảm động nhất ở người đàn bà chính là tình mẫu tử. Dường như trong thẳm sâu tâm thức của chị, tình mẫu tử như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Người mẹ ấy đã coi cái khổ là đương nhiên, cũng có nghĩa là chị chấp nhận hi sinh hạnh phúc của mình vì con cái. Cho nên chị ý thức được rằng: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên đất được!” Chính tình mẫu tử đã làm nên đức hi sinh ở người đàn bà hàng chài, khiến chị phải cắn răng chịu đựng đòn roi tàn nhẫn, cốt làm sao giữ lại người cha cho con mình, để còn có người chèo chống mỗi lúc phong ba, gánh vác công cuộc mưu sinh khó nhọc. Ra thế, hỏi làm sao người phụ nữ ấy cứ bám riết lấy kẻ đã hành hạ mình. Chuyện tưởng chừng như nghịch lí, nhưng ẩn sau đó là biết bao nước mắt, có thể là máu nữa chăng! Cũng chính tình mẫu tử thiêng liêng ấy lại đẩy chị đến nỗi đau, nỗi lo sợ tột cùng khi chứng kiến đứa con đang chịu những tổn thương tinh thần sâu sắc. Khi chịu những đòn roi tàn bạo, chị không rơi một giọt nước mắt, nhưng khi đối diện với đứa con thì nỗi đau chẳng thể kìm lại mà tuôn ra thành dòng trên khuôn mặt. Chị “vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã” khi để thằng Phác phải thấy cảnh bố đánh mẹ. Chính tuổi thơ bất hạnh, phải sống triền miên trong cảnh tối tăm và bạo lực đã khiến đứa bé dần hình thành một nhân cách lệch lạc. Nó đánh bố để cứu mẹ, và than ôi, nó đã định ra tay với cha ruột bằng một con dao găm! Rồi tương lai của nó sẽ đi về đâu, với một xuất phát điểm tối tăm như thế. Đó chính là điều khiến người đàn bà vừa đau đớn vừa nhục nhã. Chứng kiến sự thiệt thòi, bất hạnh của đứa con, có người mẹ nào có thể cầm lòng. Trong truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó”, Nam Cao từng viết: “Người đàn bà, nghĩ đến bộ mặt tiu nghỉu của con lúc nào, rỏ nước mắt ra lúc ấy”. Chỉ cần con “tiu nghỉu” một chút thôi đã vậy, thử hỏi ở đây, người đàn bà còn đau đớn đến mức nào. Nhưng không chỉ có nỗi đau, đứa trẻ còn là niềm vui hiếm hoi của người mẹ khốn khổ ấy. Kì lạ, một câu nói chân chất, dung dị thế thôi mà sao cũng khiến ta không thể cầm lòng: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Giây phút ấy gương mặt chị “chợt bừng sáng lên như một nụ cười”, mà có lẽ đó cũng là động lực để chị sống tiếp. Tôi cứ tự hỏi mãi, rằng cả cuộc đời người phụ nữ, bao dung, thấu hiểu cho chồng, nụ cười hay nước mắt lại cũng vì con, có bao giờ chị nghĩ cho mình chưa? Có phải vì thế mà đức hi sinh, lòng bao dung, vị tha của người đàn bà lại càng ngời sáng, mà càng ngời sáng bao nhiêu, ta càng nhói lòng bấy nhiêu.
Có lẽ, vì bao năm lăn lộn mưu sinh như thế mà chị đã trở thành một người phụ nữ từng trải, thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Điều đó được thể hiện rõ ngay từ sự thay đổi trong cách xưng hô với Phùng và Đẩu. Ban đầu, chị khúm núm, sợ sệt, chỉ dám xưng “con”: “Con lạy quý tòa”. Nhưng rồi chị nhanh chóng thay đổi, xưng “chị” và gọi Phùng và Đẩu là “các chú”: “Chị cám ơn các chú!” Nhưng “người đàn bà lộ ra vẻ sắc sảo chỉ đến thế”, chỉ một câu đó thôi, bởi chị không hề muốn lên mặt hay dạy dỗ ai. Đó là cách để chị rũ bỏ vẻ khúm núm, sợ sệt, để thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Bằng chứng là sau đó, cách xưng hô chuyển sang “tôi” – “chú”. Nếu theo Các Mác: “Ngôn ngữ là lớp vỏ vật chất của tư duy”, thì sự thay đổi cách xưng hô ở người đàn bà chính là sự thay đổi tâm thế - từ bị động, yếu ớt đến chủ động, mạnh mẽ. Chị đã chỉ rõ cái sự thiếu thực tế ở Phùng và Đẩu: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”. Rồi chị nhẹ nhàng phản bác suy nghĩ của hai người họ: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Vai trò của một người đàn ông trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên biển là như thế nào, chị hiểu rõ hơn ai hết. Con thuyền “cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”, người đàn bà cần một người chồng “để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”, còn những đứa con đương nhiên lại càng cần một người cha để cho chúng một gia đình trọn vẹn. Có thể thấy, người đàn bà hàng chài đã giải thích lí do từ chối li hôn bằng những lí lẽ hết sức thuyết phục. Bởi lẽ, lí lẽ ấy không đến từ sách vở, giáo điều khô cứng mà từ chính sự từng trải của người đàn bà trong cuộc mưu sinh khó nhọc. Phải là người trong cuộc, trải bao tủi cực, đắng cay mới có thể sâu sắc đến thế. Nó khiến người đọc vừa khâm phục, vừa cảm thương. Và sự sâu sắc, từng trải của người đàn bà cũng dạy cho Phùng và Đẩu nhiều điều. Giải pháp li hôn mà Đẩu đưa ra xuất phát từ mong muốn tốt đẹp là giải thoát cho người đàn bà khỏi bi kịch, nhưng nó lại là giải pháp phi thực tế, bởi nó quá giáo điều, cứng nhắc. Bởi vai trò của người chồng trong cuộc mưu sinh quan trọng ra sao, người đàn bà cũng đã nói rồi. Phùng và Đẩu học nhiều hiểu rộng, nhưng lại thiếu đi sự từng trải, do vậy mà nông nổi, do vậy mà ngây thơ. Cho nên, người đàn bà cũng đã cho họ một bài học, rằng phải có một cái nhìn khách quan, đa chiều và sâu sắc trước những vấn đề của đời sống.
Có thể thấy, qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ với số phận bi thảm nhưng ngời sáng lên những phẩm chất tâm hồn đáng quý. Qua đó, truyện cũng mang đến cho độc giả một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Để làm được điều đó phải kể đến những đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn này. Nhà văn đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, thuộc dạng tình huống nhận thức, đem đến những khám phá, phát hiện mới mẻ về hiện thực đời sống. Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu cũng đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sâu sắc, vừa chân thực vừa chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa hàm chứa những triết lí nhân sinh. Cùng với đó là nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn, từ giọng điệu, ngôi kể cho đến hình thức kể chuyện, điểm nhìn trần thuật. Tất cả đã góp phần làm nên thành công cho truyện ngắn này.
Nguyễn Minh Châu vẫn luôn hằng tâm niệm: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người”. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là minh chứng tiêu biểu cho quan niệm ấy, khi nó hàm chứa những giá trị nhân đạo sâu sắc. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện trước hết ở niềm xót thương với số phận của những con người nghèo khổ miền biển, phải lăn lộn trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà cuộc đời cứ mãi cùng quẫn, tối tăm vì nghèo đói. Từ đó, nhà văn bộc lộ sự cảm thông, thấu hiểu với con người. Người nghệ sĩ cảm thông cho số phận của người đàn bà bị chồng bạo hành, muốn cất lên tiếng nói bênh vực chị. Bên cạnh đó là sự đồng cảm với cả người chồng vũ phu – một nạn nhân của hoàn cảnh, đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Nhưng điều đáng quý nhất ở tác phẩm đó là nhà văn đã phát hiện, khẳng định và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp mà ông hằng xem như “những hạt ngọc ẩn giấu ở bề sâu tâm hồn con người”. Sự đối lập ngoài – trong của người đàn bà hàng chài đã làm nổi bật điều đó, khi ẩn sau một người đàn bà lam lũ, thất học, với những hành động phi lí, khó hiểu lại là một người phụ nữ bao dung, vị tha, sâu sắc, từng trải. Từ những điều ấy, nhà văn cất lên một câu hỏi đau đáu với thời đại, rằng làm sao để con người được sống đúng nghĩa là người, làm sao để chiến thắng cái xấu, cái ác trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn để vươn tới hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách,... Đó là những câu hỏi mang ý nghĩa nhân sinh, vẫn còn đau đáu trong mỗi chúng ta đến tận hôm nay.
Và cuối cùng, không thể phủ nhận rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” đã để lại trong tôi và những bạn đọc yêu văn chương những bài học đắt giá. Cái giây phút “một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”, cũng là lúc tôi vỡ ra nhiều điều. “Cuộc đời đa diện, con người đa đoan”, cho nên khi nhìn nhận những vấn đề nhân sinh, ta cũng phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc, tuyệt đối không thể phiến diện, chủ quan. Cùng với đó là bài học về sự cảm thông với con người. Con người luôn mang trong mình những nỗi đau không phải ai cũng có thể hiểu được, cũng không có ai “chính diện” hay “phản diện” hoàn toàn, mà ai cũng có cái đáng trách, có cái đáng thương. Cho nên, cuộc đời có khi chẳng cần gì nhiều hơn hai chữ “cảm thông”. Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời, cuộc sống đã có nhiều đổi thay tích cực, nhưng những cảnh đời bất hạnh như người đàn bà hàng chài không phải là không còn. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã bao giờ buông tha con người, mà chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, tăm tối, chừng đó con người vẫn phải sống với cái xấu, cái ác, nói chi đến kiếm tìm hạnh phúc thực sự. Để đem lại đổi thay thực sự cho những kiếp đời tăm tối, tôi cho rằng bên cạnh sự chung tay của mỗi người, cần phải có cả sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, dĩ nhiên không phải vào cuộc với lòng tốt nhưng lại chủ quan, cứng nhắc như chánh án Đẩu.
“Nghệ thuật nằm ngoài quy luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” ( Shchedrin). Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải có cái nhìn sâu sắc, đa chiều về hiện thực, toàn tâm toàn ý hướng đến con người với một tinh thần nhân đạo cao cả. Và như thế, tôi tin rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tuyệt tác trường tồn. Tác phẩm ấy, cùng tên tuổi Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh và tài năng” sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phai trong nền văn học nước nhà.
Phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 2
Trong dòng chảy văn học Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ là một trong những đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn. Người phụ nữ Việt Nam dù ở hoàn cảnh như thế nào vẫn ánh lên những vẻ đẹp đáng trân trọng. Đến với “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp một người phụ nữ với vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự can đảm và tấm lòng bao dung của người mẹ thương con. Đặc biệt, ta có thể thấy rõ điều đó qua lời giãi bày của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện. Thông qua người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên, người đọc thêm hiểu về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của Văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những sáng tác của ông đều xuất phát từ cảm hứng thế sự, đời tư mang đậm chất triết lý nhân sinh trong giai đoạn mới, khác xa với cảm hứng sử thi lãng mạn quen thuộc trước năm 1975. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai của ông. Nhân vật trung tâm cho câu chuyện của ông chính là người đàn bà hàng chài, người đàn bà ấy đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về chuyện đời. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tập truyện ngắn (in năm 1987). Truyện in đậm phong cách tự sự triết lý của Nguyễn Minh Châu, tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn cùng những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về “nghệ thuật và cuộc đời”.
Nguyễn Minh Châu quan niệm rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Điều đó có thể thấy qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm bày tỏ những suy tư về nghệ thuật cùng cách nhìn nhận đánh giá về hiện thực và con người qua tình huống truyện đầy nghịch lý. Đó là việc nghệ sĩ Phùng bất ngờ phát hiện một cảnh đẹp “trời cho” – cảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa biển mù sương, làm cho tâm hồn anh như được thăng hoa trong cái đẹp, trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Nhưng rồi chính chiếc thuyền ấy, anh lại bất ngờ chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài, khiến cho anh phải sững sờ, kinh ngạc. Đó là việc nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu tìm cách giúp người đàn bà thoát khỏi người chồng vũ phu nhưng họ lại bị ngỡ ngàng trước thái độ nhất quyết từ chối bỏ chồng của người đàn bà ở tòa án huyện... Câu chuyện và diễn biến phức tạp, đầy éo le, nghịch lý của người đàn bà hàng chài giúp họ có những khám phá, phát hiện mới mẻ, sâu sắc về đời sống và con người.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài hiện lên với số phận éo le, bất hạnh; là nạn nhân của cái nghèo, cái đói và bạo lực gia đình. Chị gây ấn tượng với người đọc bởi ngoại hình xấu xí, khó nhìn “Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Ở chị còn phơi lộ sự nghèo đói nhếch nhác “tấm lưng áo bạc phếch rách rưới nửa thân dưới ướt sũng”. Mới nhìn thoáng qua người đọc nhận thấy điều gì đó bất ổn ở chị, dường như đó là vẻ cam chịu ở con người quen với nhọc nhằn lam lũ, cho nên chị chẳng còn quan tâm gì đến bản thân nữa ngay cả ý định “Đưa cánh tay lên có lẽ định gãi hay xõa lại mái tóc” cũng xao xác tan mau “chị lại buông thõng xuống”. Đi suốt chiều dài thiên truyện, người đọc không hề biết đến tên của chị, khi thì nhà văn gọi bằng “chị ta”, lúc thì gọi bằng “Mụ”, lúc lại gọi là “người đàn bà hàng chài”. Vì sao Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho người đàn bà này? Bởi chị cũng như bao người đàn bà ở vùng biển nghèo khổ này, chị là người vô danh. “Đây chính là một lối viết rất quen thuộc của Nguyễn Minh Châu sau 1975, nhà văn không hề tô vẽ cho nhân vật của mình. Người phụ nữ hiện lên không phải tấm gương lung linh thể hiện phẩm chất lý tưởng của con người. Nhân vật xuất hiện với sự nhẫn nhục câm lặng trước trận đòn tàn bạo của chồng gợi cảm giác bức bối. Nhưng kiên trì theo dõi cuộc đời nhân vật người đọc khám phá ra những vẻ đẹp rất người lặng lẽ nhưng đáng trân trọng ở bà” (Đinh Hà Triều).
Chị tự nhận thức: vì mình xấu bị cái xấu đeo đuổi như định mệnh, từ lúc còn nhỏ trận đậu mùa để lại di chứng trên mặt chị là những nốt rỗ chằng chịt theo năm tháng, càng lớn lại càng xấu, càng già đi lại càng khó coi. Và vì xấu nên việc có mang với anh hàng chài là một ân huệ. Còn việc hắn đưa chị lên thuyền để chung sống đã đem hắn trở thành ân nhân đối với chị. Vì là ân nhân cho nên chị không thể bỏ. Chị cũng nhận phần thua thiệt về mình “cũng tại đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá”. Lại thêm thuyền chật con đông nên cuộc sống khốn khó “có lúc phải ăn xương rồng luộc chấm muối”. Trong suốt câu chuyện dài dằng dặc của đời mình, tuy khó khăn nhưng người đàn bà không tỏ ra oán hận chồng. Ngược lại còn bênh vực chồng, bởi chị cho rằng lão chồng chị không xấu “trước kia là một anh con trai hiền lành nhưng cục tính”, từ ngày lấy chị thì cuộc sống khốn khó, vất vả hơn cho nên lão chồng đã xem việc đánh vợ là một phương thức giải tỏa những bức bí trong lòng. Như vậy chị là người rất hiểu chồng, thương chồng và chị hiểu, chồng chị là nạn nhân của sự đói nghèo, nạn thất học, hắn vừa đáng thương lại vừa đáng trách, đáng trách vì hắn gây ra biết bao đau thương cho người thân, đáng thương vì hắn là nạn nhân. Mặc dù, cuộc sống có nghèo khổ, bị đánh đập thường xuyên nhưng “người đàn bà với vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy”.
Tuy nghèo khổ, bất hạnh nhưng trong chị hội tụ những phẩm chất vô cùng tốt đẹp, đáng quý và đáng trân trọng. Điều đó được thể hiện qua những lời giãi bày của chị ở tòa án huyện: “Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình”. Ở tòa án huyện, lúc đầu thì chị xuất hiện với hình ảnh rụt rè. Chị tìm đến góc công đường để ngồi. Chị ngồi trong thế bị động như một con thú xù lông để tự vệ, mặc dù đã được Phùng và Đẩu cảm thông chia sẻ. Lúc đầu chị xưng hô “Con – quý tàu” sau khi lấy lại được sự thăng bằng thì chị đột ngột chuyển đổi cách xưng hô: “Chị - các chú”. Nguyễn Minh Châu đã nhấn mạnh sự thay đổi ngôn ngữ và thân thế người đàn bà với ý nghĩa: Giờ đây chính chị là quan tòa đang phán xét Phùng và Đẩu, dạy cho Phùng và Đẩu một bài học về cách nhìn đời nhìn cuộc sống.
Thật thế chăng? Sở dĩ, người đàn bà chấp nhận chuyện bị chồng đánh đập như việc những người đàn bà trên thuyền vẫn chấp nhận chuyện người đàn ông uống rượu là bởi vì chị là một người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, vị tha, chấp nhận tất cả thua thiệt về mình. Khi người đàn bà nói: “Quý tòa bắt tội con cũng được phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”, đây là câu nói khiến Phùng và Đẩu ngạc nhiên và vỡ lẽ đằng sau câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Lão chồng vũ phu ấy đối với chị có hai cái “Ân”: ân huệ và ân nhân.
Qua lời kể, người đàn bà hàng chài hiện lên là một người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục. Khi chứng kiến cảnh người đàn ông to lớn, thô kệch giáng những cú đánh mạnh mẽ vào tấm thân yếu ớt của người đàn bà ấy, đến một người đàn ông như Phùng cũng chẳng thể nhẫn nhịn nổi. Vậy nhưng, người đàn bà ấy vẫn cam chịu biết bao lời hằn học, mắng nhiếc. Đôi mắt của chị hắt lên một con đường tối đen không tìm thấy ánh sáng nào trong cuộc đời chị. Có lẽ, chị đã quá quen và chấp nhận cuộc đời của chị sẽ phải chịu đựng cảnh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, không né tránh, không phản kháng, không chống trả.
Người đàn bà còn bộc lộ nhiều phẩm chất đáng quý mà tiêu biểu là lòng tự trọng, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. Chị giàu lòng tự trọng. Chị cũng là người đàn bà giàu lòng tự trọng. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của tên chồng bị thằng Phác và người lạ chứng kiến chị mới thấy “đau đớn” – vừa đau đớn, vừa xấu hổ nhục nhã. Chắc chắn đây không chỉ là sự đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà trào ra, chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác – đứa con yêu cảu chị và nhất là với một người lạ. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, nhưng người đàn bà ấy không hề bận tâm – “một sự nhẫn nhục của con người có nhân cách có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời có một tình thương con vô bờ bến”(Nguyễn Duy Kha). Để con chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, và phản ứng lại hành động vũ phu của bố, người đàn bà lúc này cảm thấy đau đớn – vừa dau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. “Đau đớn” vì để con phải chứng kiến cảnh đau lòng, điều đó vô tình làm tổn thương tâm hồn con. “Xấu hổ và nhục nhã” bởi không giữ được mái ấm gia đình hạnh phúc giữa bố và mẹ, có thể người đàn bà ấy hiểu sâu sắc câu nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tổ ấm của chị không êm ấm là do chị, nên chị “xấu hổ và nhục nhã” với con cũng là lẽ đương nhiên. Sau đó chị “ôm chầm lấy đứa con rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy nó”. Chị ôm nó như một hình thức xoa dịu tâm hồn tổn thương của con, khi chứng kiến tình cảnh này. Và đó là cách duy nhất để chị xin lỗi con, đồng thời xoa dịu đi cảm giác “đau đớn, nhục nhã, xấu hổ” của mình.
Chị còn giàu lòng vị tha và sự độ lượng, bởi chị thấu hiểu chồng mình hơn ai hết. Chị hiểu tại sao người đàn ông hiền lành trước đây lại trở nên nóng tính, bạo lực đến như vậy. Nguyên nhân cũng là do sự đói khổ, bấp bênh của cuộc sống thường ngày. Cuộc sống ấy khổ cực nhường nào khi “vào các vụ bắc, ông trời làm biến động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Là một trụ cột trong gia đình, là một người chồng, người cha nên chẳng có người đàn ông nào lại dửng dưng, vô cảm trước sự đói khổ của vợ con mình. Anh ta đánh vợ không phải vì thù ghét vợ mà là vì anh ta bế tắc, cùng quẫn trước cuộc đời, khi không thể lo cho gia đình một cuộc sống sung túc. Vì không có cách nào khác để giải tỏa những tâm trạng tiêu cực đó nên “bất kể khi nào thấy khổ quá” là anh xách vợ ra đánh. Khi được chánh án Đẩu và Phùng khuyên người đàn bà nên bỏ chồng, thì chị đã “chắp tay lạy vái lia lịa”: “Con lạy quý tòa...Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Rồi chị đã bào chữa cho chồng bằng các lí lẽ xác đáng và tự nhận hết lỗi lầm về mình: “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”; “nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Phải chịu những trận đòn roi và sự đánh đập của chồng có người phụ nữ nào không đau đớn, nhưng người đàn bà hàng chài ý thức được nguyên nhân dẫn đến hành động bạo lực của người chồng. Nên chị không hề oán trách, không hề căm giận mà còn hết lòng bao dung, vị tha: “Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Đó còn là một người phụ nữa giàu đức hi sinh. Bằng trái tim ấm áp của mình, chị chấp nhận cho chồng đánh để giải tỏa những uẩn ức, áp lực trong cuộc sống mưu sinh này. Chị cam chịu như một cách trả ơn, vì dù gì thì nhờ có lão, chị mới có một gia đình. Bởi vốn xấu xí, lỡ làng, nếu không có lão, làm sao chị có được những phút giây “có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”, “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...”. Chị nhẫn nhục, hi sinh bản thân vì đàn con thơ ngây của chị: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.
Vượt lên trên tất cả sự tủi nhục và đau đớn, ở người đàn bà tỏa sáng lên là người phụ nữ thương con, thấu hiểu, trải đời và rất sâu sắc lẽ đời. Chị gồng mình gánh chịu đòn roi của chồng là bởi vì những đứa con “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Chị hiểu rằng: bất kỳ một cuộc hôn nhân tan vỡ nào thì người buồn đau nhất, người chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là những đứa con, đứa có bố thì mất mẹ, có mẹ thì mất bố, chia đàn xẻ nghé. Chị quan niệm rằng: một gia đình hạnh phúc là gia đình đầy đủ các thành viên, dù đâu đó trong gia đình còn nhiều khiếm khuyết. Vì thương con, mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại. Vì thương con và tránh sự tổn thương cho những tâm hồn thơ bé, nên chị đã xin lão chồng đưa chị lên bờ mà đánh. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Chính tình mẫu tử thiêng liêng cao thượng đã chắp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực, đói kém, nhọc nhằn và lam lũ. Chị chắt chiu dành dụm từ những niềm vui nhỏ nhất “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...” để khỏa lấp những nỗi đau, để xoa dịu nỗi đời cay cực. Khi thằng Phác trông thấy bố đang dùng chiếc thắt lưng “quật tới tấp” vào lưng mẹ, thì nó đã “như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm”, “nhảy xổ vào cái lão đàn ông” giằng lấy chiếc thắt lưng rồi ngay lập tức “lảo đảo ngã dúi xuống cát” vì hai cái tát của bố. Người đàn bà đã “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”. Chị không muốn Phác căm thù bố và cũng không muốn nó trở nên bạo lực như bố. Đó là đứa con mà chị yêu nhất nên người đàn bà hàng chài phải gửi nó lên rừng với ông ngoại, chỉ vì “sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó”
Chị thấu hiểu cho sự vũ phu và cọc cằn của người chồng. Chị hiểu chồng và thương chồng, chị cho rằng: Chung quy chồng chị cũng là nạn nhân của sự đói nghèo và nạn thất học mà ra. Bởi rằng, trước kia lão là “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giừ đánh đập tôi”. Từ ngày lấy chị vì cuộc sống khốn khó, vất vả quá, cho nên lão mới đánh chị như một phương thức giải tỏa “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Vì chị đẻ nhiều, thuyền chật con đông nên cuộc sống khó khăn, chật vật cũng từ chị mà ra. Chị chấp nhận lỗi, chấp nhận mọi phần thua thiệt về mình như một lẽ đương nhiên “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Tuy là người phụ nữ quê mùa, thất học nhưng chị lại rất hiểu chuyện. Chị hiểu được lòng tốt của Phùng và Đẩu, nhưng đã từ chốilòng tốt ấy: “Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”; “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả cảu người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...”. Những lời giãi bày của chị đã khiến vị chánh án và người nhiếp ảnh hiểu ra nhiều điều. Cuộc sống vốn không hề đơn giản như cách mà chúng ta vẫn nghĩ và có những lí thuyết sách vở không thể nào giải quyết một cách thấu đáo ở thực tế. Phùng và Đẩu khuyên người đàn bà li hôn nhưng họ lại không hiểu được những nỗi khổ tâm của chị, không hiểu được tình nghĩa vợ chồng chung sống với nhau bao lâu nay của chị.
Chị còn là một người hiểu sâu sắc lẽ đời. Người đàn bà ấy nhất quyết không bỏ chồng vì “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Chị sống vì còn nhiều hơn là sông cho mình. Vì con mà chị có thể nhẫn nhục, cam chịu, vì con mà chị tiếp tục sống với người đàn ông vũ phu ấy chứ không tìm cách giải thoát cho mình. Các con chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của chị vởi đối với chị: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...”. Đối với một người mẹ, dù bản thân có phải chịu đựng bao nhiêu sự khốn khổ thì họ vẫn luôn muốn các con có một cuộc sống no đủ.
Qua tác phẩm, ta cũng thấy được cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đó là sự khám phá bản chất cuộc sống và con người ở góc độ thế sự bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều mang tính triết lý sâu sắc. Cuộc sống của người dân hàng chài có nhiều nghịch lí: cuộc sống đông con nhưng lại nghèo khổ; muốn con hạnh phúc, không bị tổn thương những lại thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ... Nhân vật người đàn bà hàng chài vừa nhẫn nhục đến mức phi lí, vừa đáng trách vừa đáng thương nhưng lại mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ...
Điều đó đã giúp ông nhận ra đời sống con người bao gồm cả quy luật tất yếu lẫn những điều may rủi khó lường. Ông day dứt về việc con người phải chấp nhận những nghịch lí không đáng có. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng gói trọn những suy tư, trăn trở của ông. Đó là gánh nặng mưu sinh giam hãm vợ chồng người dân hàng chài trong cảnh tối tăm, đói khổ, bấp bênh. Điều ấy khiến người chồng trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo. Còn người vợ vì thương con nên nhẫn nhục, chịu đựng sự ngược đãi của người chồng mà chị không hề biết chính việc ấy đã làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại. Đằng sau câu chuyện là cái nhìn ấm áp, nhân hậu của nhà văn: sự trân trọng, tin yêu vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử, sự bao dung và can đảm của người phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp chói sáng, hào hùng mà là những “hạt ngọc khuất lấp”, lẫn trong lấm láp lam lũ đời thường. Theo ông, tình yêu của người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan say mê vừa là nỗi đau đớn khắc khoải, một mối thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh. Điều này đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho thiên truyện. Một điều cao đẹp hơn nữa nhà văn muốn gửi gắm, đó chính là vấn đề tiếp cận cuộc sống: cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Con người luôn có những quan hệ chằng chịt phức tạp. Bởi vậy nhìn nhận mọi sự việc hiện tượng cuộc sống và con người không được dễ dãi, đơn giản, phiến diện, một chiều. Chính vì có cái nhìn phiến diện mà Phùng và Đẩu mới bắt người đàn bà kia bỏ chồng. Khi và chỉ khi thấu hiểu tấm lòng người đàn bà hàng chài thì Phùng và Đẩu mới vỡ lẽ ra. Chính người đàn bà hàng chài đã dạy cho họ bài học về cách nhìn nhận cuộc sống: Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.
Thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài và những lời giãi bày của chị ở tòa án huyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc một thông điệp về mối quan hệ giữa “nghệ thuật” và “cuộc đời”: Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, chứa đựng nhiều nghịch lí cũng như mâu thuẫn. Nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ dễ dàng đưa ra đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản: “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức” – “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhà văn không thể có cái nhìn dễ dãi trước cuộc sống mà phải biết nhìn thấu được bản chất bên trong của cuộc sống. Đó mới là người nghệ sĩ chân chính. Đến đây ta càng thấm thía hơn câu nói của nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn – Nam Cao: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”
Phân tích người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 3
Nguyễn Minh Châu là gương mặt văn học tiêu biểu của Việt Nam thời chống Hoa Kỳ, vừa là người "mở đường ưu tú, tài hoa" (Nguyên Ngọc) cho sự nghiệp đổi mới văn học. tìm kiếm. Nikulin nhận xét "Nhiều nhân vật của Nguyễn Minh Châu những năm 1980 đã được Nguyễn Minh Châu xây dựng và thể hiện trong không khí cách mạng". Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhân vật Nguyệt trong "Trăng sáng". Ở chặng cuối cùng, truyện Con thuyền ngoài xa mang nhiều cảm hứng sáng tạo hơn và triết lý sâu sắc hơn. Nhưng tầm nhìn sáng tạo của ông về việc "đi tìm từng hạt ngọc trong lòng con người mênh mông" dường như không hề thay đổi. Nhân vật chính của chặng này của truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là một người đánh cá. Tác giả bộc lộ bản thân từ nhân vật này và rút ra những triết lý trong nghệ thuật và cuộc sống.
Khi đọc "Chiếc thuyền ngoài xa", chúng ta thấy nhân vật người đánh cá do tác giả thể hiện là một phụ nữ trạc 40 tuổi. Và khi nói về nhân vật này, Nguyễn Minh Châu không gọi anh ta với một cái tên cụ thể là ai. không có người thân, chỉ thỉnh thoảng được kêu: "mẹ", "ngư ông". Không phải tự nhiên mà tác giả không đặt tên cho nhân vật của mình, đó là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc: ông muốn nói rằng đây chính là một. người phụ nữ yếu đuối, bất hạnh và cần được thông cảm, chia sẻ. Người đàn bà đánh cá có hình hài của một người phụ nữ miền biển quen thuộc, với nhiều đường nét sần sùi, vết sẹo trên khuôn mặt nhợt nhạt, hốc hác và mỏi mệt vì một đêm dài vất vả kéo "lưới". Đây có lẽ là hình ảnh nói lên gánh nặng của cuộc đời nhiều sóng gió. ở biển anh đã cướp đi tất cả thứ của anh: tình yêu, sự lạc quan và đầy nghị lực. Vẻ đẹp ấy còn thể hiện cả qua trang phục, đó là tấm lưng áo đã sờn, rách tơi tả và nửa thân dưới ướt sũng. nó cũng được thể hiện ở hình thức: "ngại, xấu hổ", "chọn một góc để ngồi" khi hầu tòa. Thậm chí, khi đã thành phu nhân, chị Dậu phải đến lần thứ hai thì chị mới "ra mép ghế thu mình xuống". Có thể đó là một sự nhầm lẫn của con người. Người nghèo luôn thấy sự hiện diện của mình trên cuộc đời này là vô nghĩa, họ cảm thấy bất lực, xem thường số phận, vì vậy muốn hạn chế những rắc rối và phiền phức do mình có thể gây nên cho nhiều người. vòng quanh.
Nguyễn Minh Châu không chỉ đi sâu vào tạo hình nhân vật mà đi sâu vào câu chuyện thực tế về cuộc đời bi kịch của người đàn bà hàng chài, ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân văn. Trong nỗi bất hạnh mà người phụ nữ khiến người đọc mang tới, ấn tượng sâu sắc nhất là thái độ phục. Khi lái xe qua nhà kho bị hỏng và khi tiếp cận chiếc xe, người phụ nữ "dừng lại nhìn ra trước rồi giơ tay lên gãi hay xoa đầu, nhưng từ đó nhìn vào trong, bạn có thể thấy đó là một nơi rất quen thuộc. Một sự quen thuộc đáng sợ với chị là việc đánh đập của chồng: nhẹ thì ba ngày, nặng thì năm ngày. Như một tên tội phạm đang chờ đợi điều không qua được, đôi mắt gục xuống đôi chân mỏi nhừ. Đó là thái độ của một người làm tròn nghĩa vụ một cách bình tĩnh, không than vãn, không oán trách và không tức giận. Người đánh cá không chỉ bị hành hạ về thể chất đến kiệt sức sau một đêm kéo lưới mà còn chịu đựng nỗi đau bị chồng đánh đập dã man hoặc bị tra tấn dã man. hãy nỗi đau tinh thần, sự non nớt và nỗi sợ của những đứa con bị tổn thương khi chứng kiến mặt tối của cuộc đời. Cần miêu tả hình ảnh người mẹ vừa khóc vừa phải "vỗ tay nhiều lần cho con biết không làm trái lương tâm".
Nguyễn Minh Châu bày tỏ sự xót thương đối với những đau đớn cùng cực của người đánh cá. Nhưng anh vẫn mang gánh nặng cơm ăn áo mặc, cuộc sống nghèo bị cuốn vào vòng quay khó khăn. Trước năm 1975, những khi biển động, cả gia đình thường ăn đĩa xương rồng luộc chấm muối. Khi cuộc cách mạng làm cuộc sống giảm bớt khó khăn, nhưng mối lo về thực phẩm lại tiếp tục. Nguyễn Minh Châu, từ thân phận của một cô gái đánh cá, muốn gợi cho người đọc những suy nghĩ: Cuộc chiến chống nghèo đói, lạc hậu, bạo lực sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Chỉ trừ khi thoát được nghèo đói, nếu không thì con người sẽ vẫn phải sống chung với cái xấu, cái lạc hậu. Chúng ta đã đổ xương máu bao năm mới giành được độc lập, tự do trong cuộc đấu tranh giành sự sống của toàn nhân loại. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục làm gì trong cuộc đấu tranh giành quyền sống của mỗi con người, cung cấp cơm ăn, áo mặc và ánh sáng văn hoá cho thấy có rất nhiều người đang sống trong sự đói nghèo. Bẩn thỉu. Nếu đã từng yêu thích nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu thì sẽ không ở đâu yếu tố "nữ cường" thăng hoa một cách đẹp đẽ như ở người đàn bà đánh cá này. Vẻ đẹp tiềm ẩn mà người đọc cảm nhận được trước tiên ở người đàn bà hàng chài là vẻ đẹp của sự hiểu biết. Đẩu và Phùng trở thành những kẻ ngốc nghếch, nông nổi khi nói chuyện với một người đàn bà đánh cá quê mùa, ít học không hiểu hết lẽ đời. Đẩu và Phùng coi người chồng mình là kẻ ác nhất, những người đàn bà hàng chài đã cho chị hiểu sâu về cuộc đời. Chị kể: Chồng chị vốn là người con trai tử tế, hiền lành nhưng khi vướng vào vòng lao lý, bế tắc rồi trở nên bệnh hoạn, thô lỗ. Đó là một cái nhìn tinh tế, một sự hiểu biết về quy luật của cuộc sống. Anh cũng chỉ mặt Đẩu và Phùng thiếu thật: "Lòng các anh không phải là công nhân nên không hiểu được phẩm chất của người thợ".
Người đàn bà đánh cá đã chỉ rõ một sự thật cay đắng: Họ cần một người chống lại kẻ thù cho dù dã man và tàn bạo đến thế nào. Như vậy, cô đã cho Phùng và Đẩu thấy được thách thức kép của cuộc mưu sinh trên biển với thân phận người phụ nữ luôn khó khăn và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đang rình rập. Nữ ngư dân cũng gây chú ý bởi sự thất bại trong hoạt động của Đảng và chính quyền cách mạng. Bà cho rằng, dù cách mạng cách mạng đã cho đất đai nhưng không có ai sinh sống ở đấy và họ phải từ bỏ nghề bởi vì sự tồn tại của gia đình gắn liền với nghề. Tiếng thở dài của chị Dậu, câu nói đầy lo âu và băn khoăn của Phùng, nỗi thất vọng của bà khi cả hai nhận thấy rằng các giải pháp bắt nguồn từ lòng nhân ái và mục đích cao đẹp của gia đình là vô nghĩa. Làm điều này đã tạo ra một sự khác biệt với người ngư dân bình thường, hiểu đời, hiểu người, hiểu cái có thể và cái không. Chiều sâu của tác phẩm làm người đọc say đắm nhưng cũng làm đau đáu một kiếp người. Người đánh cá chấp nhận việc đánh đập dã man của chồng bởi vì anh ấy ngu. Có lỗi gì với chồng, chị không chỉ cần một người đàn ông trên thuyền và phải chịu đựng việc bị đánh đập như cách để giúp chồng quên đi nỗi khổ, nỗi đau chất chứa trong lòng. người đánh giày. con tim. Đó là hành động của một người hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân và cố gắng hoàn thành chúng dù nghĩa vụ và nghĩa vụ của người chồng là không hợp lý.
Bên cạnh việc hiểu nỗi đau của chồng, người ngư dân cũng mang những suy nghĩ "ước gì mình sinh ra" hay "ước gì mua được con thuyền lớn hơn". Đẩu và Phùng dù ngạc nhiên và khó chịu với tính phục tùng, nhường nhịn của chồng, nhưng họ cũng bất ngờ trước tấm lòng nhân ái, khoan dung của con người khi nhận thấy kết quả của thái độ này. người đánh cá. Làm mẹ được chị em nhận thức rõ như một thiên chức của người phụ nữ "chúng ta là những người phụ nữ và những người lái đò nên phải sống cho con mà không phải sống với bản thân". Nhưng tình thương yêu con quá mức đã khiến cô phải chịu sự bạo hành của chồng chỉ bởi cô mong muốn có một người đàn ông tốt và biết chăm lo gia đình mình để nuôi dạy các con thành người. Cũng lo gia đình bạo lực, bị chồng lôi lên bờ đánh và sợ con làm điều dại dột với cha nên người đàn ông này đã phải thả cậu con trai bé bỏng của anh vào bờ. Tôi muốn về trần gian để sống với ông mình. Ở người phụ nữ giản dị đó có "bề dày hiểu biết lẽ đời bên cạnh cái đau đớn cũng như tình thương yêu của các con dường như không hề xuất hiện". Khi chứng kiến bức tượng tàn ác ấy, người phụ nữ "khóc thét" tên con và "chắp tay lạy tạ" vì sợ con chết những người khác cũng giận dữ ôm vào con giữa bóng tối. sự đau khổ. Khóc cho con, khóc lòng mẹ đau khổ và nhục nhã. Anh đau đớn khi anh đã làm hại con trai tôi và cũng là lý do khiến anh bị thương. Trong các giây phút cuối cùng trên thuyền, "gương mặt xám bỗng nở bừng thành một nụ cười". Đây là ánh sáng của tình mẹ, là vẻ đẹp của cuộc sống, tất cả niềm vui và cái đau của nó được bắt nguồn từ "khi tôi sung sướng nhất, khi nhìn thấy con mình đã ăn xong".
Qua hình tượng người đàn bà hàng chài đã gợi nên một người phụ nữ Việt Nam đôn hậu, dịu dàng và đảm đang, có đức hy sinh như "biết hy sinh mấy lời" của Tố Hữu. Người phụ nữ này đã lưu lại ấn tượng sâu đậm bao năm sau, khi nhớ về tấm "ảnh con thuyền ngoài khơi" và lúc nào nghệ sĩ Phùng cũng thấy người phụ nữ đó đã đi qua từ bức ảnh trong đám đông. đồ đồng. Nguyễn Minh Châu là hình ảnh của những con người nghèo khổ không thấy gì trong cuộc sống giản dị thường ngày. Họ đấu tranh với nhiều thứ, không phải cho bản thân mà còn cả những người thân yêu thương của họ.
Với nhiều nét đẹp về ngoại hình đến cử chỉ, lời nói và hành động. Nhân vật người đàn bà hàng chài đã thành biểu tượng không thể phai để Nguyễn Minh Châu chuyển tải tư tưởng văn hoá sâu xa của ông. Màu cho các câu chuyện cổ tích. Cảm thông, thương xót trước những số phận éo le của biết bao con người đang sống cảnh nghèo đói, cơ cực và tàn nhẫn. Màu bày tỏ niềm tin, trân trọng các phẩm chất cao đẹp về tâm hồn, nhân cách của một con người biết bao dung và độ lượng.
Người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 4
Muốn biết ý nghĩa của Hòa Bình ta hãy hỏi người chiến binh vừa trở về từ chiến trận. Muốn biết được giới hạn của thời gian ta hãy lắng nghe niềm khao khát khi còn được nhìn thấy bình minh của kẻ đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Vậy muốn cảm nhận tầm vóc của người nghệ sĩ ta phải làm thế nào? Phải chăng đó là hãy nhìn vào các tác phẩm của họ. Nguyễn Minh Châu – nhà văn mở đường tài năng và tinh anh cho nền văn học Việt Nam trong thời kì đổi mới, cùng với hình tượng người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã cho ta thấy rõ được tình cảm thiêng liêng của gia đình, của tình mẫu tử ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng đánh giá: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”. Đúng như vậy, với tác phẩm truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xâ” in đậm phong cách tự sự - triết lý, đây là tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai.
Truyện ngắn ra đời trong hoàn cảnh đất nước trong công cuộc đổi mới, cuộc sống kinh tế có nhiều mặt trái và tồn tại khiến người ta cảm thấy băn khoăn. Lúc đầu, truyện được in trong tập “Bến quê” (1985) và sau đó được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn in vào năm 1987. Trong tác phẩm này, hình ảnh người đàn bà hàng chài chính là tâm điểm cho câu chuyện. Nhân vật này được xuất hiện chủ yếu trong sự phát hiện thứ hai của Phùng về chiếc thuyền ngoài xa và trong chính tòa án huyện khi chị kể về cuộc đời của mình.
Sau vài nét gợi tả thì hình ảnh của người đàn bà hàng chài với “một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ” được hiện lên. Những nét gợi tả này khiến ta cảm nhận được bà là người lao động lam lũ, rất chịu thương chịu khó… thế nhưng cái nghèo vẫn cứ bủa vây lấy gia đình của bà. Cái nghèo ấy còn được thể hiện qua “tấm áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng”. Từ cách ứng xử cho đến cách đi đứng và tiếp tục “tìm đến một góc tường để ngồi” càng khiến mụ ta trở nên đáng thương một cách tội nghiệp.
Việc bà ở tòa án huyện đó là câu chuyện về một cuộc đời nhiều bí ẩn và trái ngang của một người đàn bà hàng chài nghèo khổ và suốt đời lam lũ. Theo lời mời của Đẩu - một chánh án tại toà án huyện, người đàn bà hàng chài đã có mặt ở toà án huyện. Người đàn bà dứt khoát từ chối trước lời đề nghị và giúp đỡ của Đẩu và Phùng. Bà đau đớn. chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để không bỏ lão chồng vũ phu của mình cho dù “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được”. Bởi hơn ai hết, bà hiểu rằng con của bà cần có một gia đình đủ đầy cả cha và mẹ. Bởi: “Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái, như ai không chồng”. Tại đây, bà kể về cuộc đời của mình và gián tiếp giải thích lý do tại sao mình nhất quyết không thể bỏ chồng.
Đầu tiên, gã chồng ấy chính là chỗ dựa quan trọng và duy nhất trong cuộc đời những người hàng chài như ba. Đặc biệt là khi biển động, bão táp, phong ba. Thứ hai, là chị cần và không thể xa hắn, bởi vì còn phải cùng nhau nuôi những đứa con nhỏ dại. Và cuối cùng, chính là những khoảnh khắc vui vẻ, gia đình hòa thuận trên thuyền đã khiến chị muốn gắn bó và ở lại bên chồng.
Nếu như lúc ban đầu mới đến toà, người đàn bà hàng chài tỏ ra sợ sệt, lúng túng, một cái lạy quý toà, hai cái lạy quý toà. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của chánh án Đầu thì trở nên mạnh dạn và chủ động hơn. “Các chú đâu phải người làm ăn (…) cho nên các chú đâu có biết cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc (…)bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” - chị bác bỏ tức khắc lời đề nghị của vị chánh án Đẩu và của nhà báo Phùng. Lần này, bà không còn xưng hô “con – quý toà” mà tự xưng mình là “chị” và gọi “các chú”. Nguyên nhân của thay đổi ấy chính là vì chị đã cảm nhận thấy thiện ý của hai người? Hay đơn giản là sự cảm thông của chị trước sự nông nổi, ngây thơ, không hiểu hết của họ?
Người đàn bà hàng chài tuy thất học nhưng không tối tăm, ngược lại bà lại rất thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu một cách sâu sắc. Bà hiểu thiện chí của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng khi khuyên bà bỏ người chồng vũ phu, tàn bạo. Song bà càng ngày càng hiểu hơn cuộc sống trên sông nước. Bà bước ra từ cuộc đời nhọc nhằn và lam lũ một chân lý mộc mạc nhưng thấm vị mặn của cuộc sống đời thường: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có đàn ông để chèo chống khi phong ba”. Cuộc sống thực tế như vậy, cần có một người đàn ông để chống chọi, để làm một chỗ dựa, dù đó là người chồng vũ phu. Bà cũng hiểu được rằng được làm mẹ là một niềm tự hào: “Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”.
Cuộc sống của người đàn bà ấy tuy đau khổ quá nhiều và hạnh phúc thì quá hiếm. Chính vì điều này mà bà rất nâng niu những giây phút vợ chồng con cái vui vẻ hòa thuận bên nhau. Niềm vui lớn nhất của người đàn bà là “lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Với những kiếp người nhọc nhằn đó nói đến niềm vui quá ư là xa xỉ. Sự tận tụy hi sinh cho chồng, cho con chính là niềm vui lớn nhất đối với người phụ nữ. Đây chính là sức mạnh mạnh mẽ nâng đỡ người đàn bà: “Lần đầu tiên trên gương mặt xấu xí của mụ chợt bừng sáng lên một nữ cười.” Quan niệm hạnh phúc của người ta nhiều khi thật giản đơn, khát vọng hạnh phúc nhỏ bé quá mà vẫn nằm ngoài tầm tay của họ.
Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, chúng ta có thể khẳng định rằng tài năng của Nguyễn Minh Châu trong việc miêu tả nhân vật người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện. Chỉ thông qua hình ảnh một nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mà người đọc dường như được chứng kiến cảnh đời của biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại. Với tấm lưng bạc phếch, hay ánh mắt cam chịu, nụ cười hạnh phúc khi họ lặng lẽ nhìn những đứa con của mình, có lẽ sẽ đọng lại sâu trong tâm trí độc giả. Qua đó, tác giả đã gửi gắm sự cảm thương, xót xa cho số phận những người đàn bà bị đánh đập, bị đói nghèo. Đồng thời tác giả cũng thể hiện sự tự hào là trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà.
Người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện - Mẫu 5
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là "người mở đường tinh anh và tài năng" (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. Nhà nghiên cứu hàng đầu Nga Nikulin nhận xét: "Các nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước 1980 được Nguyễn Minh Châu tắm rửa sạch sẽ, được bao bọc trong bầu không khí vô trùng". Ta có thể thấy điều ấy qua nhân vật Nguyệt trong "Trăng sáng". Giai đoạn sau này, nổi bật là truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" mang nhiều cảm hứng thế sự cùng những triết lí nhân sinh hơn. Nhưng quan điểm sáng tác của ông là "gắng đi tìm các hạt ngọc còn ẩn giấu trong bề rộng tâm hồn con người" thì không thay đổi. Nhân vật trung tâm của tình huống truyện nghịch lý trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là người đàn bà hàng chài. Từ nhân vật này, nhà văn bộc lộ tấm lòng nhân đạo và gửi gắm những bức thông điệp về nghệ thuật và cuộc đời.
Đọc tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" ta thấy nhân vật người đàn bà hàng chài được nhà văn giới thiệu là người đàn bà trạc ngoài 40. Và khi đề cập đến nhân vật này Nguyễn Minh Châu không gọi bằng một cái tên cụ thể nào cả mà gọi một cách phiếm định: "mụ", "người đàn bà hàng chài"… Việc nhà văn không đặt tên cho nhân vật của mình không phải ngẫu nhiên vô tình mà đó là một dụng ý nghệ thuật sâu xa: Ông muốn nhấn mạnh đây chỉ là một trong vô số những người đàn bà đau khổ, bất hạnh, cần cảm thông sẻ chia mà thôi.
Người đàn bà hàng chài mang một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển với những nét thô, mặt rỗ "khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như buồn ngủ. Đây chính là hình ảnh một người lao động lam lũ và đau khổ. Có lẽ gánh nặng của cuộc mưu sinh đầy sóng gió trên biển cả đã ấy đi tất cả của chị: sinh lực, niềm vui và sức sống. Sự nghèo khổ nhọc nhằn đến mức nhếch nhác, thảm hại còn hiện rõ trong chi tiết miêu tả tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng. Sự khốn khổ của chị còn hiện ra ngay trong dáng vẻ: "sợ sệt, lúng túng" khi ở tòa án, "tìm đến một góc tường để ngồi". Thậm chí khi Đẩu phải mời đến lần thứ hai chị mới "rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại". Có lẽ đó là dáng vẻ của một con người tội nghiệp luôn thấy sự có mặt của mình trong cuộc đời này là một phi lí, luôn mặc cảm, tự ti và do đó muốn giảm thiểu sự vướng víu, phiền phức đến khó chịu mà mình có thể gây ra cho mọi người xung quanh.
Nguyễn Minh Châu không chỉ dừng lại ở vẻ ngoài của nhân vật mà ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân đạo của ông đã lách thật sâu để khám phá cho được cái mạch ngầm hiện thực về số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài. Ấn tượng lớn nhất về sự bất hạnh mà người đàn bà đưa và cho người đọc chính là thái độ cam chịu nhẫn nhục của chị. Khi đi qua bãi xe tăng hỏng trước lúc đến bên chiếc xe, người đàn bà đứng lại "ngước mắt nhìn ra ngoài ….rồi đưa một cánh tay lên định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống đưa cặp mắt nhìn xuống chân". Có thể nhận thấy đây là nơi quá quen thuộc với chị, một sự quen thuộc khủng khiếp bởi những trận đòn đã thành lệ của người chồng: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cặp mắt nhìn xuống chân mệt mỏi như một kẻ tội đồ chờ đợi một hình phạt không tránh khỏi. Khi bị đánh dã man, người đàn bà chịu đòn với vẻ cam chịu nhẫn nhục, đó là thái độ của một con người đang nhẫn nhục thực hiện nghĩa vụ đau khổ của mình, không oán thán, không bất bình, không né tránh.
Người đàn bà hàng chài không chỉ bị hành hạ về mặt thể xác, mệt mỏi sau những đêm thức trắng kéo lưới, không chỉ chịu đựng những đau đớn từ những trận đòn tàn bạo của người chồng vũ phu mà còn bị giày vò nặng nề về những đau đớn tinh thần, về sự non nớp lo sợ con cái bị tổn thương khi phải chứng kiến những cảnh đời trái ngang. Mô tả hình ảnh một người mẹ vừa khóc vừa phải "chắp tay vái mấy vái để đứa con để nó đừng phạm phải một tội ác trái luân thường đạo lí". Nguyễn Minh Châu đã thể hiện nỗi xót thương cho sự đau khổ cùng cực của người đàn bà hàng chài. Chưa hết, chị còn bị gánh nặng cơm áo, cuộc sống nghèo túng đẩy vào cái vòng quẩn quanh bất hạnh. Trước năm 1975 mỗi khi biển động cả nhà toàn ăn xương rồng luộc chấm muối. Khi cách mạng về cuộc sống đỡ đói khổ hơn nhưng nỗi lo cơm áo vẫn còn đó.
Từ thân phận người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu muốn gợi ra cho người đọc những suy nghĩ âu lo: cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo tăm tối và bạo lực còn gian nan lâu dài hơn cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Và chừng nào còn chưa thoát khỏi cuộc sống đói nghèo chừng đó con người vẫn phải chung sống với cái xấu, cái ác. Chúng ta đã đổ xương máu trong bao năm qua để giành được độc lập tự do trong cuộc chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc. Nhưng chúng ta sẽ còn phải tiếp tục làm gì đây trong cuộc chiến đấu giành quyền sống của từng con người, làm gì để đem lại cơm ăn áo mặc và ánh sáng văn hóa cho biết bao con người đang đắm chìm trong kiếp sống đói nghèo u tối.
Nếu bạn đọc từng yêu nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu thì sẽ thấy không ở đâu yếu tố "thiên nữ tính" lại thăng hoa tuyệt vời như ở người đàn bà rách rưới này. Vẻ đẹp khuất lấp mà người đọc cảm nhận được trước hết ở người đàn bà hàng chài đó là vẻ đẹp sâu sắc từng trải. Nói chuyện với Đẩu và Phùng, người đàn bà hàng chài quê mùa thất học hiểu lẽ đời khiến Đẩu và Phùng trở thành những người nông nổi, hời hợt. Trong khi Đẩu và Phùng bất bình trước người chồng tàn nhẫn, thấy ông ta là kẻ độc ác nhất thì người đàn bà hàng chài đã giúp họ nhận ra bao điều sâu xa của cuộc sống. Chị cho biết: chồng chị vốn là anh con trai hiền lành, cục tính, nhưng rơi vào cuộc sống luẩn quẩn, bế tắc cho nên trở thành kẻ tha hóa, vũ phu tàn nhẫn. Đó là một sự nhìn nhận sâu xa, thấu hiểu lẽ đời. Người đàn chỉ rõ sự thiếu thực tế của Đẩu và Phùng: "Lòng các chú đâu phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ khó nhọc". Người đàn bà hàng chài đã chỉ ra một hiện thực tàn nhẫn: họ cần một người đàn ông để chèo chống lúc phong ba sóng gió dù hắn có man rợ, tàn bạo đến đâu. Như vậy, chị đã cho Phùng và Đẩu thấy được sự khó khăn gấp bội của những người đàn bà trong những cuộc mưu sinh trên biển cả, luôn bất cập, tiềm ẩn những hiểm họa, đe dọa. Người đàn bà hàng chài còn chỉ ra sự bất cập trong cuộc sống của Đảng, của chính quyền Cách mạng. Chị cho thấy từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho họ nhưng chẳng ai ở vì không thể bỏ được nghề bởi sự tồn tại của họ gắn chặt với nghề. Tiếng thở dài của Đẩu, câu hỏi băn khoăn, tò mò của Phùng, cảm giác bất lực của hai người khi nhận ra những giải pháp xuất phát từ lòng tốt và thiện chí của họ trở nên phi thực tế. Những điều đó đã tạo ra một đối sánh với người đàn bà hàng chài từng trải, hiểu đời, hiểu người, hiểu những điều có thể và không thể. Sự sâu sắc của chị khiến người đọc cảm phục nhưng cũng xót thương cho một kiếp người.
Người đàn bà hàng chài chấp nhận những trận đòn vũ phu độc ác của người chồng không phải vì chị ngu muội. Cũng không phải vì chị có tội lỗi gì với chồng mà chị cam chịu, nhẫn nhục những trận đòn đó không chỉ vì trên thuyền cần một người đàn ông mà còn như một cách giúp người chồng vơi đi những u uất khổ sở chất chứa trong lòng. Đó là cách xử sự của một con người hiểu rõ bổn phận nghĩa vụ của mình và gắng thực hiện cho xong, đâu đó là những bổn phận và nghĩa vụ phi lí. Không chỉ thấu hiểu sót xa cho nỗi khổ của người chồng, người đàn bà hàng chài còn mang một mặc cảm tội lỗi khi cho rằng "giá tôi đẻ ít đi" hoặc "chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn". Nếu Đẩu và Phùng đều kinh ngạc và bất bình thay cho sự cam chịu nhẫn nhục của người vợ bị chồng hành hạ thì khi hiểu được nguyên nhân của thái độ ấy, họ càng kinh ngạc vì sự nhân hậu, vị tha của tấm lòng người đàn bà hàng chài.
Tình mẫu tử được người đàn bà ý thức sâu sắc như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ "đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình". Chính tình thương yêu sâu sắc với con đã khiến chị nhẫn nhục chịu đựng sự tàn nhẫn của người chồng vì muốn có một người đàn ông khỏe mạnh biết nghề cùng mình làm ăn nuôi nấng các con. Cũng vì sợ con tổn thương trước cảnh bạo lực gia đình, chị đã xin chồng đưa mình lên bờ mà đáng, sợ đứa con làm điều gì dại dột với bố nó, người đàn bà hàng chài đã phải cắn răng gửi đứa con chị yêu thương nhất lên bờ sống với ông ngoại. Ở người đàn bà thầm lặng ấy," tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài". Khi đứa con chứng kiến cảnh tàn nhẫn đó, người đàn bà "mếu máo" gọi con rồi "chắp tay vái lấy vái để" ôm chầm nó, bởi chị sợ tình yêu thương, sự ngây thơ non nớt cùng lòng căm giận, u tối trong thằng bé sẽ hành động dại dột. Tiếng khóc của tình thương con và nỗi đau quặn thắt trong trái tim người mẹ, vừa đau đớn vừa xấu hổ nhục nhã. Chị đau đớn vì làm con tổn thương rồi mới đau cho bản thân mình. Khi nhắc đến những lúc hòa thuận trên thuyền "khuôn mặt xám xịt chợt ửng sáng lên như một nụ cười". Đó là ánh sáng, là vẻ đẹp của tình mẫu tử, mọi niềm vui nỗi buồn đều xuất phát từ "vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn ngon". Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà hàng chài là bóng dáng người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, kiên cường chịu đựng, giàu lòng vị tha và đức hi sinh "biết hi sinh nhưng chẳng nhiều lời" – Tố Hữu.
Người đàn bà ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc để nhiều năm sau tồn tại, khi nhìn lại "bức ảnh Chiếc thuyền ngoài xa" bây giờ nghệ sĩ Phùng cũng thấy người đàn bà bước ra khỏi tấm ảnh… hòa lẫn với đám đông. Đó là hình ảnh của những con người vô danh khốn khổ trong cuộc sống lầm lũi đời thường. Họ đã kiên cường vượt lên tất cả, không phải vì mình mà là vì những người thân yêu.
Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động,…nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận con người bất hạnh bị cầm tù trong đói nghèo, khốn khổ, bạo lực. Đồng thời thể hiện niềm tin yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn, tính cách những con người luôn sống cuộc sống lòng người nhân hậu, vị tha.