Download.vn mời bạn đọc cùng tham khảo Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích bài ca dao Thân em như trái bần trôi.
Hy vọng với dàn ý và 2 bài văn mẫu, các bạn học sinh lớp 7 sẽ có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung dưới đây.
Phân tích bài ca dao Thân em như trái bần trôi
Dàn ý phân tích bài ca dao Thân em như trái bần trôi
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu về bài ca dao “Thân em như trái bần trôi”.
2. Thân bài
- Nội dung: Bài ca dao diễn tả cuộc đời bấp bênh, lận đận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ không có tiếng nói riêng, không được tự quyết định cuộc đời mà phải phụ thuộc vào người khác.
- Nghệ thuật:
- Hình ảnh so sánh: “thân em - trái bần trôi”: cuộc đời bấp bênh, lận đận
- Hình ảnh “gió dập sóng dồi”: những phong ba bão tố trong cuộc đời xô đẩy người phụ nữ, khiến họ phải sống một cuộc đời phiêu bạt, khổ cực và bị người khác chi phối điều khiển.
3. Kết bài
Đánh giá lại ý nghĩa của bài ca dao “Thân em như trái bần trôi”.
Phân tích bài ca dao Thân em như trái bần trôi - Mẫu 1
Ca dao thường thể hiện lời xót thương cho số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Một trong số đó là bài ca dao:
“Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?”
Bài ca dao mở đầu bằng mô-típ quen thuộc - “thân em”. Hai tiếng “thân em” gợi cảm giác yếu đuối, mong manh và khiêm nhường. Cùng với đó “thân em” được so sánh với “trái bần trôi”. Trước hết “trái bần trôi” là loại quả dại mọc ở ven sông vùng Nam bộ. Đặc trưng của trái bần mang nhiều nét tương đồng với cuộc đời và thân phận của người phụ nữ. Trái bần có vị vừa chua, vừa chát cũng giống với cuộc đời lận đận của người phụ nữ xưa. Trái bần đến khi già thường rụng xuống sông ngòi, lênh đênh theo dòng nước.
Trong ca dao than thân, người phụ nữ đã so sánh bản thân với rất nhiều hình ảnh. Ví dụ như “Thân em như giếng giữa đàng”, “Thân em như quả cau khô”, “Thân em như củ ấu gai”... Tất cả hình ảnh so sánh đó đều cho thấy thân phận nhỏ bé, thấp hèn của người phụ nữ. Và ở đây “trái bần” cũng mang ý nghĩa như vậy.
Tiếp đến, câu thơ tiếp theo “Gió đạp sóng dồi biết tấp vào đâu?”. Đó là một câu hỏi từ, hỏi đấy mà như một lời than thân, trách phận nhiều hơn. Nếu như trái bần trôi giữa dòng nước chẳng biết về đâu. Thì cuộc đời của người phụ nữ cũng như vậy. Lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ khiến cho người phụ nữ không có quyền làm chủ số phận của bản thân. Họ phải sống phụ thuộc vào những người khác - không có quyền tự do yêu đương, hôn nhân.
Bài ca dao “Thân em như trái bần trôi” chính là lời than thân, trách phận cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Phân tích bài ca dao Thân em như trái bần trôi - Mẫu 2
Xã hội phong kiến Việt Nam với tư tưởng trọng nam khinh nữ. Điều đó khiến cho số phận của họ trong xã hội xưa trở nên long đong, lận đận. Một trong số những câu ca dao thể hiện được điều đó là:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?”
Bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “Thân em” - vô cùng quen thuộc trong ca dao. Đó giống như là một lời than trách được cất lên của người phụ nữ. Ta đã từng bắt gặp những bài ca dao tương tự như:
“Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hay như:
“Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày”.
Còn ở đây là “thân em” được so sánh với “trái bần trôi”. Trái bần vốn là một loại quả thường mọc ven sông vùng Nam bộ. Đặc trưng của trái bần mang nhiều nét tương đồng với cuộc đời và thân phận của người phụ nữ. Trái bần có vị vừa chua, vừa chát. Khi già đi, trái bần thường rụng xuống sông, lênh đênh trôi dạt. Cuộc đời của người phụ nữ cũng vậy. Họ không được tự quyết định số phận của mình. Họ phải chịu cảnh “đặt đâu ngồi đấy” hay tuân theo tam cương ngũ thường.
Tiếp đến, câu hỏi tu từ “Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” đã gợi nên một nỗi xót xa, cay đắng cho thân phận của người phụ nữ. Hình ảnh “gió dập sóng dồi”gợi ra những phong ba bão tố trong cuộc đời xô đẩy người phụ nữ. Nó khiến họ phải sống một cuộc đời phiêu bạt, khổ cực và bị người khác chi phối điều khiển. Từ đó, bài ca dao không chỉ là tiếng nói cảm thông, chua xót của đối với thân phận bấp bênh, trôi nổi của người phụ nữ. Mà còn là lời lên án, tố cáo đanh thép đối với những thế lực tước đoạt quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc của con người.
Như vậy, bài ca dao diễn tả cuộc đời bấp bênh, lận đận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ không có tiếng nói riêng, không được tự quyết định cuộc đời mà phải phụ thuộc vào người khác.