Văn mẫu lớp 11: Phân tích 2 khổ cuối bài Từ ấy của Tố Hữu giúp chúng ta cảm nhận được sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của thi nhân. Đó chính là phải gắn bó yêu thương những người lao khổ để xiết chặt đội ngũ chiến đấu.
Cảm nhận 2 khổ cuối Từ ấy mang đến 9 bài văn mẫu siêu hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết, hay nhất. Thông qua bài văn mẫu này các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu học tập, củng cố kỹ năng viết văn để đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn phân tích khổ 2 bài Từ ấy, cảm nhận bài thơ Từ ấy, phân tích bài thơ Từ ấy, phân tích khổ 1 Từ ấy.
Cảm nhận 2 khổ thơ cuối Từ ấy hay nhất
- Dàn ý cảm nhận hai khổ cuối bài Từ ấy
- Cảm nhận khổ 2, 3 Từ ấy - Mẫu 1
- Cảm nhận 2 khổ cuối Từ ấy - Mẫu 2
- Cảm nhận 2 khổ cuối bài Từ ấy - Mẫu 3
- Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 4
- Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 5
- Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 6
- Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 7
- Cảm nhận 2 khổ cuối Từ ấy - Mẫu 8
- Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 9
Dàn ý cảm nhận hai khổ cuối bài Từ ấy
Dàn ý số 1
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Tố Hữu
- Tố Hữu là một trong những nhà thơ nổi tiếng, lá cờ đầu của nền văn học nước nhà, thơ của Tố Hữu mang hơi hướng trữ tình, chính trị.
- Nêu vấn đề cần nghị luận “Từ ấy” là bài thơ thể hiện tình yêu của tác giả với quê hương, đất nước, thấm khổ nỗi vất vả của từng số phận con người.
II. Thân bài
1. Phân tích cảm nhận về khổ 2: Biểu hiện những nhận thức về lẽ sống
- Hai dòng đầu: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người.
- Động từ “buộc” là một ngoa dụ để thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua “ranh giới” của “cái tôi” để chan hòa mọi người “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”.
- Từ đó, tâm hồn nhà thơ vươn đến “trăm nơi” (hoán dụ) và “trang trải” sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể.
- Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng. Nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ: “Để hồn tôi với bao hồn khổ” và từ đó như một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Ta cũng gặp điều đó trong thơ Nguyễn Khoa Điềm - nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược: “Khi chúng ta cầm tay mọi người - Đất nước vẹn tròn, to lớn”.
⇒ Tóm lại, Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
2. Phân tích cảm nhận về khổ 3: Khẳng định sự hòa hợp giữa con người với con người
- Hai câu thơ đầu: Tôi đã là con của vạn nhà, Là em của vạn kiếp phôi pha
- Tác giả đã khẳng định sự hòa hợp giữa con người với con người Lí tưởng của Đảng đã khai sáng tâm hồn con người
- Tâm hồn được khai sáng, được nuôi dưỡng bởi lí tưởng
- Hai câu thơ sau: “Là anh của vạn đầu em nhỏ, Không áo cơm, cù bất cù bơ”
- Tác giả là những người mòn mỏi, gian khổ
- Say mê hoạt động cách mạng
- Tha thiết cống hiến đời mình
- Muốn giúp nước giải phóng dân dân tộc, giải phóng đất nước
III. Kết bài
- Hồn thơ Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và yêu quê hương chân thành.
- Thơ Tố Hữu rõ ràng là thơ trữ tình - chính luận, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng.
- Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính.
- Giọng thơ chân thành, sôi nổi, nồng nàn.
- Hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc
Dàn ý số 2
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Dẫn dắt vấn đề cảm nhận: hai khổ thơ cuối bài Từ ấy của Tố Hữu.
2. Thân bài:
*Phân tích cảm nhận về khổ 2: Biểu hiện những nhận thức về lẽ sống
– Hai dòng đầu của bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ của nhà thơ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người. Tuy nhiên, để thể hiện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua “ranh giới” của “cái tôi” để chan hòa mọi người, ông đã sử dụng động từ “buộc” như một ngoại đề.
– Từ đó, tâm hồn nhà thơ mở rộng đến những “trăm nơi” (hoán dụ), “trang trải” sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể. Việc nhắc đến sự quan tâm đến quần chúng lao khổ của Tố Hữu ở hai dòng thơ sau: “Để hồn tôi với bao hồn khổ” và “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời” cho thấy ông là một nhà thơ có tình cảm với nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khó. Tình yêu thương con người được bộc lộ rõ ràng qua tình yêu giai cấp của nhà thơ.
– Một ví dụ khác của tình yêu giai cấp trong văn học Việt Nam là trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược. Ông đã viết: “Khi chúng ta cầm tay mọi người – Đất nước vẹn tròn, to lớn”. Tuy nhiên, trong bài thơ của Tố Hữu, tình yêu thương con người được bộc lộ rõ ràng hơn qua những cảm xúc chân thành và đồng cảm sâu sắc đối với con người.
⇒ Tóm lại, Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, để thể hiện rõ ràng hơn về tình yêu thương con người và giai cấp, nhà thơ đã sử dụng nhiều từ ngữ và các ví dụ khác nhau để bổ sung thêm ý tưởng của mình. Bài thơ này truyền tải một thông điệp rất sâu sắc về tình yêu thương con người, về sự đồng cảm, chia sẻ và tự nguyện của những người có tình cảm với nhau.
* Phân tích cảm nhận về khổ 3: Khẳng định sự hòa hợp giữa con người với con người:
– Hai câu thơ đầu tiên của khổ thơ thứ ba cho thấy tác giả khẳng định mình là con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha. Từ đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự gắn bó, tình cảm giữa con người với con người. Sự hòa hợp đó không chỉ bao gồm sự gắn kết giữa những người trong cùng một gia đình, một dòng họ, mà còn bao gồm sự kết nối giữa những người trong cộng đồng, giữa những người trong đất nước.
– Tuy nhiên, hai câu thơ sau cho thấy tác giả đang tả những hình ảnh đau thương, tảo tần của những người yêu nước, những người chấp nhận mòn mỏi, gian khổ, say mê hoạt động cách mạng, và có thái độ tha thiết cống hiến đời mình để giúp đất nước giải phóng dân dân tộc. Trong đó, việc không có áo cơm, cù bất cù bơ như trong câu thơ cũng là một hình ảnh cực kỳ tiêu cực, nhưng đầy ý nghĩa, vì những người yêu nước đang sống trong thời điểm mà đất nước còn đang đối mặt với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt.
3. Kết bài:
– Cảm nhận khái quát lại 2 đoạn thơ cuối bài Từ ấy.
– Liên hệ bản thân.
Cảm nhận khổ 2, 3 Từ ấy - Mẫu 1
Những năm 30 của thế kỉ XX, khi những nhà thơ lãng mạn đang quẩn quanh với cảm giác cô đơn, sự tù túng, sự nhỏ bé cạn hẹp của cái tôi cá nhân mà chưa có cách vượt thoát thì Tố Hữu, một học trò trường Quốc học như đã tiếp nhận được không khí thời đại, sớm“băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.
May mắn cho người con xứ Huế khao khát tìm kiếm lẽ sống ấy, “anh Lưu, anh Diểu dạy con đi,” chỉ cho con đường tương lai, cũng là khai sinh một con đường thơ cho người chiến sĩ Cộng sản trẻ tuổi. Sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt, đánh dấu một mốc son chói lọi trong đời cách mạng, đời thơ Tố Hữu, Từ ấy là bài thơ thể hiện rõ nét hình tượng tác giả người chiến sĩ cộng sản khi bắt gặp lý tưởng cộng sản và những chuyển biến, thay đổi trong nhận thức và tình cảm của người thanh niên cách mạng ấy…
Như một sự tự nhiên, yêu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, người thanh niên trí thức sau phút giây bừng ngộ về lẽ sống, hạnh phúc vì như được hồi sinh trong tâm hồn, là thức nhận về hành động của mình:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải tới trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Cả khổ thơ là một ý thức tự nguyện mới mẻ của người thanh niên xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Đó không hẳn chỉ là lí trí bởi người đọc nhận thấy sự chân thành trong cách nói. Giọng thơ sôi nổi trong các điệp từ đầu câu, trong sự tiếp nối của dòng ý thức, trong cách bộc lộ trực tiếp, tạo nên sự hồn nhiên thành thực của người thanh niên say mê lý tưởng. Dưới ánh sáng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa nhà thơ thấy tâm hồn mình gắn bó với nhân dân lao khổ. Các động từ-vị ngữ như buộc; Trang trải”; “Gần gũi”… Diễn tả tình bạn gắn bó thiết tha của người chiến sĩ cách mạng với quần chúng cần lao. Các từ ngữ Mọi người; Trăm nơi; Bao hồn khổ… Chỉ số đông nhân dân cần lao mà nhà thơ hướng tới để xây dựng”Khối đời” khối liên minh Công-nông ngày thêm mạnh, thêm gần gũi, chặt chẽ.
Ba chữ “tôi” xuất hiện trong khổ thơ 3 thể hiện một tình cảm chân thành, tiếng nói trái tim của người cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân luôn luôn đối lập với chủ nghĩa Cộng sản, cái tôi nhỏ bé hoàn toàn đối lập với mọi người. Đó là những biểu hiện cụ thể của lối sống giai cấp tư sản và tiểu tư sản trước cách mạng. Khi thực sự được giác ngộ lý tưởng cách mạng của giai cấp vô sản.
Tố Hữu biểu hiện và khẳng định quan niệm mới về lẽ sống. Đó là sự gắn bó giữa cái tôi riêng và cái ta chung: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”, Sự gắn bó đó hoàn toàn có tính tự nguyện vượt qua giới hạn của cái tôi để chan hoà với mọi người. Đó là biểu hiện tình thương với những người nghèo khổ. Hai tiếng “hồn khổ” giúp người đọc liên tưởng tới quần chúng lao khổ.
Giác ngộ lý tưởng cộng sản ở Tố Hữu nghĩa là giác ngộ lập trường giai cấp, từ bỏ cái tôi cá nhân của giai cấp tiểu tư sản để hòa nhập với khối đời chung của nhân dân lao khổ. Dù sao quan niệm mới mẻ của Tố Hữu đã chứng tỏ nhà thơ đã thoát khỏi cái tôi cô đơn bế tắc, gắn bó với giai cấp cần lao, tìm thấy niềm vui và sức mạnh ngay trong cuộc đời. Đặc biệt, Tố Hữu khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa thơ nói riêng và văn học nói chung với cuộc sống. Nhất là cuộc sống của nhân dân lao khổ.
Sống cùng thời đại nhà thơ có nhiều thanh niên chán nản đã quay lưng lại với cuộc đời để thu mình trong cái tôi cô đơn. Như Chế Lan Viên:
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Lẽ sống của người chiến sĩ cộng sản, của một thi sĩ lớn luôn hướng về phía đất nước nhân dân và thấm thía sức mạnh của nhân dân với đất nước như mối liên hệ bền chặt giữa nghệ sĩ với cuộc đời, nghệ thuật với cuộc sống. Đó cũng là lẽ sống của biết bao chiến sĩ cùng thời, Xuân Diệu đã từng tâm sự:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi nước mắt
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu cần lao
Trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, người chiến sĩ Cộng sản trẻ tuổi như nhìn lại một chặng đường đã đi qua, thấu suốt đời sống tình cảm, chiêm nghiệm về vốn sống và thấy:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
không áo cơm cù bất cù bơ
Khổ thơ cuối với cách diễn tả trùng điệp, các từ “con”, ”em” xuất hiện liên tục,giọng thơ càng trở nên sôi nổi thiết tha. Đây là thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu. Nhà thơ khẳng định mình là con người gần gũi thân thiết, là thành viên của đại gia đình lao khổ. Các từ “đã là”. “là con”, “là em”, “là anh” diễn tả tình cảm đầm ấm, thiết gắn bó và gần gũi biết bao cùng với vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ: Cho thấy người chiến sĩ cách mạng sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, chở che để khơi dậy sức mạnh nhân dân đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc, cho độc lập, tự do của dân tộc.
Cái tôi trữ tình ở đoạn thơ hiện lên với trạng thái đa nhân cách, đem lại cho người đọc cùng lúc nhiều ấn tượng. Trên hết là sự ngưỡng mộ con người trẻ tuổi khi bắt gặp và nhận ra lý tưởng, con đường đi của đời mình và đặt ra những bước chân vững chắc trên con đường với những con người cùng khổ. Nhà thơ đồng cảm, yêu thương, san sẻ cùng với những con người ấy bằng cả trái tim bằng cả những tình cảm ruột thịt của bản thân. Và càng yêu thương, càng căm giận những điều bất công, tác giả càng hăng hái hoạt động cách mạng, hoạt động nghệ thuật. à Vcũng vì lẽ đó mà Tố Hữu đã trở thành “nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại” (Chỉ Lan Viên). Bài thơ có kết thúc ngỏ như mở ra ở người đọc những cảm xúc về tình thần nhân loại, dành chỗ cho hành động.
Bài thơ là niềm vui giác ngộ lý tưởng thể hiện nhận thức mới mẻ về lẽ sống và những chuyển biến về tình cảm sau khi nhà thơ bắt gặp lý tưởng cách mạng. Từ ấy còn là lời tuyên bố về lẽ sống và lý tưởng nghệ thuật của tác giả.
Sau này nhớ lại thuở Từ ấy, Tố Hữu viết: “Từ ấy là tâm hồn trong trái của tuổi người tin đồn mươi, đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh Từ độ không chỉ là tình cảm của riêng Tố Hữu với Đảng mà là tâm trạng của một thế hệ thanh niên các mạng được Đảng giác ngộ và dìu dắt để gánh vác sự nghiệp giải phóng dân tộc những năm đất nước còn dưới ách thực dân phong kiến.
Nhà thơ đã xây dựng những hình ảnh thơ tươi sáng, giàu sức sống như hình ảnh mặt trời chân lí, nắng hạ, vườn hoa lá. Bên cạnh đó, thi sĩ đã sử dụng nhuần nhuyễn những biện pháp tu từ truyền thống như ẩn dụ, so sánh, điện từ ngữ, ngôn ngữ thơ giản dị giàu tính nhạc .Giáo sư Đặng Thai Mai gọi tập thơ Từ ấy là “bó hoa lửa lộng lẫy nồng nàn nở ra từ cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc”.
Dẫu còn những nét hồn nhiên của cái nhìn về lý tưởng cách mạng, về lẽ sống, về cách mạng, dẫu còn những nhận thức đơn giản về những người lao khổ song trong thời điểm những năm 30 của thế kỉ trước, khi biết bao người bế tắc trong cảm giác lạc loài, thiếu quê hương hay quẩn quanh trong cái tôi cô đơn, nhỏ bé. Thì Tố Hữu vẫn chứng mình cho mọi người thấy những nét đẹp, những chân lí sáng lời của lí tưởng cách mạng đã giúp chàng thanh niên may mắn thấy được cuộc sống mới, cuộc đời mới trong niềm hạnh phúc của tuổi trẻ
Cảm nhận 2 khổ cuối Từ ấy - Mẫu 2
Nhắc đến văn chương Cách Mạng nếu không nói tới cây bút tài năng Tố Hữu quả là thiếu sót lớn. Một người chiến sĩ cách mạng tài giỏi, một người nghệ sĩ tài hoa. Trong chính trị cũng như trong Cách Mạng, ông luôn là một người xuất sắc. Với tài năng đó, ông viết nên những vần thơ trữ tình lãng mạn, tiêu biểu “Từ ấy”. Bài thơ trích trong tập cùng tên sáng tác năm 1938 diễn tả những cảm xúc dạt dào của ông về Đảng. Hai thở thơ cuối như khúc hát khép lại bài ca tình cảm mãnh liệt ấy.
Khổ thơ thứ ba là hệ quả của sự giác ngộ chân lí, là lời tâm niệm được nói lên như một lẽ sống, một quyết tâm, một lời hứa thiêng liêng. Đó là thái độ tự nguyện hiến dâng cho cách mạng, tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Nếu ở khổ thơ trước với biện pháp tu từ ẩn dụ (nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá) với lời thơ bay bổng, lãng mạn thì ở khổ thơ này tác giả sử dụng ngôn ngữ giản dị mộc mạc, âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Đó là lời bộc bạch trực tiếp ước vọng chân thành của nhà thơ; là tâm niệm của "cái tôi trữ tình cách mạng".
Tôi buộc lòng tôi với mọi người là hành động hoàn toàn tự nguyện của nhà thơ đối với giai cấp cần lao. Nhà thơ muốn tình cảm của mình được trang trải với trăm nơi, trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ với những trái tim của lớp người cùng khổ để tạo nên một khối đời vững chắc, trở thành sức mạnh to lớn phá tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn.
Trong quan niệm về lẽ sống của giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao "cái tôi cá nhân". Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa "cái tôi cá nhân" và "cái ta tập thể". Động từ buộc thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của "cái tôi cá nhân" để sống chan hòa với mọi người. Từ trang trải thể hiện tâm hồn nhà thơ trải rộng ra với cuộc đời, đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của mỗi con người.
Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Trong mối liên hệ với mọi người, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Khối đời là ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung.
Có thể hiểu: khi "cái tôi" chan hòa trong "cái ta", khi cá nhân hòa mình vào tập thể có cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội. Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, vào môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ. Ở đấy, nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đoạn thơ, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của đông đảo quần chúng nhân dân.
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ"
Mở đầu khổ thơ là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất : “Tôi”. Không còn là “ta” như thơ ca xưa. Thơ ca cách mạng nói chung và thơ ca Tố Hữu nói riêng đã mang trong mình tiếng nói tình cảm cá nhân. Cái tôi đã được khẳng định. Cảm xúc cá nhân đã được thăng hoa.
Tố Hữu nhận mình là “con của vạn nhà”. “Vạn nhà” ở đây không chỉ là xứ Huế mộng mơ, đằm thắm mà là mọi mảnh đất trên dải đất hình chữ S thân yêu. Hình ảnh người dân trong lòng tác giả thật gắn bó, đoàn kết. Tố Hữu cũng nói mình “Là em của vạn kiếp phôi pha”. Nhắc đến “ kiếp phôi pha” là nhắc tới quá khứ cha ông hào hùng lịch sử. Nhận làm “em” là tác giả muốn nói mình tiếp bước cha ông, tiếp đón hào khí tinh thần chiến đấu đoàn kết của họ. Và Tố Hữu còn nhận mình là “anh của vạn đầu em nhỏ” Làm anh bởi ông muốn che chở, yêu thương những số phận nghèo đói, bị chiến tranh, bị thực dân đàn áp, làm cho đói khổ.
Khổ thơ ngắn gồm bốn câu, Tố Hữu sử dụng điệp cấu trúc lặp lại ba lần “Đã là…” để khẳng định rõ ràng vị thế của mình trong một khối đại đoàn kết lớn. Từ đó cũng khẳng định được ý thức tự giác, chắc chắn, vững vàng của tác giả. Tố Hữu hòa mình cùng với nhân dân. Tác giả như ngầm khẳng định khối đoàn kết của anh em mọi nhà, của tình cảm nhân dân gắn bó. Tác giả nguyện cùng họ đấu tranh, cùng họ chiến đấu.
Nhà thơ tự nguyện làm “con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha, anh của vạn đầu em nhỏ”, nguyện mang cả cuộc đời mình để đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi trong tuyệt vọng, những đứa bé tội nghiệp vì chiến tranh phi nghĩa vì thực dân đàn áp mà sống khổ cực. Hình ảnh những người dân Việt Nam những năm 1938 hiện lên xót thương trong lời thơ dạt dào cảm xúc thương xót của tác giả. Tác giả như ngầm lên án chế độ thực dân đàn áp và đồng thời khơi lên niềm tin mãnh liệt vào Cách Mạng vào Đảng sẽ mang lại cho đất nước một cuộc sống mới tươi đẹp, hạnh phúc, không khổ đau.
“Từ ấy” là tiếng reo vui không chỉ của nhà thơ, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên khi tìm thấy lí tưởng của Đảng, nguyện chiến đấu hết mình vì lí tưởng, vì nhân dân, vì đất nước. Họ là những người chiến sĩ trẻ, mang trong mình nhiệt huyết, mang trong mình lí tưởng, và lòng yêu thương đồng bào, yêu thương đất nước. Khổ thơ cuối bao trọn những cảm xúc ấy. Tình yêu với cách mạng, niềm tin với Đảng và lòng thương yêu đồng bào hòa làm một thành ý chí chiến đấu cho những người dân Việt Nam.
Tố Hữu quả thực là nhà thơ của nhân dân Việt Nam. Những vần thơ vừa có chất trữ tình vừa có chất thép cách mạng. Khổ thơ cuối bài thơ “ Từ ấy” đã khái quát lại tình cảm, tình yêu, lòng yêu thương và niềm tin Cách Mạng Đảng tuyệt đối của chàng thanh niên nhiệt huyết.
Cảm nhận 2 khổ cuối bài Từ ấy - Mẫu 3
Tố Hữu là ngọn cờ đầu của phong trào thơ cách mạng Việt Nam với những tác phẩm tự sự nhưng dạt dào tình cảm. "Từ ấy" là bài thơ rút trong tập thơ cùng tên sáng tác năm 1938, đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên cách mạng. Bài thơ chính là tiếng reo vui của tác giả khi được đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam. Điều đó được thể hiện rất rõ qua khổ 2, 3 bài Từ ấy.
Khổ thơ thứ hai trong bài thơ Từ ấy chính là sự giác ngộ lý tưởng để có thể hình thành nên được những tư tưởng lớn:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm vạn khối đời’’
Khổ thơ gợi lên biết bao nhiêu sự suy tư về cái tôi cá nhân rộng lớn bao la và muốn nguyện gắn kết với mọi người. Động từ “buộc’’ chính là động từ thể hiện sự gắn kết thắt chặt giữa tấm lòng tác giả với mọi người. Khác với động từ “buộc’’ trong bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu động từ buộc được sử dụng như một nét chấm phá và có ước vọng được vạn vật dừng lại:
“Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi’’
Động từ buộc được tác giả Tố Hữu sử dụng rất khéo và hay khiến cho người đọc cảm thấy dễ gần và thân thiết. Dường như tác giả cảm nhận được khi mình đứng trong đội ngũ Cách mạng của Đảng thấy có trách nhiệm hơn thấy yêu thương những người dân đất Việt phải chịu những nắng mưa cùng cực. Tác giả nguyện khổ cùng đồng bào để gần gũi như một khối đại đoàn kết: “Gần gũi nhau thêm vạn khối đời’’.
Từ lý tưởng muốn được nguyện hi sinh khó khăn gian khổ cùng đồng bào thì khổ thơ cuối cùng cũng chính là sự thể hiện vị thế của mình:
“Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ’’
Khổ thơ cũng chính là sự thể hiện bản thân tác giả sẵn sàng xông pha vào những khó khăn hiểm nguy để có thể hoàn thành trọng trách của mình. Điệp từ “là’’ chính là sự nhấn mạnh mối quan hệ giữa tác giả và nhân dân. Tác giả vừa là người em của vạn kiếp phôi pha, gian khổ nhưng cũng sẵn sàng che chở bảo ban cho những người em nhỏ.
Những người em nhỏ chính là những người cũng được giác ngộ tinh thần Cách Mạng là những người đi sau nối tiếp bước chân của nhà thơ Tố Hữu. Dù có phải chịu cảnh không nhà không cửa hay thiếu thốn đủ bề thì tác giả vẫn khẳng định mình sẽ kiên trung một lòng yêu nước, vì khối đại đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết đó bao gồm nhân dân, chiến sĩ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Cách Mạng và tầng lớp công nhân. Ba giai cấp nhưng luôn hướng chung về một mục tiêu giữ gìn độc lập tự do cho nhân dân.
Qua 2 khổ thơ cuối Từ ấy chúng ta cảm nhận được niềm vui sướng của một chàng thanh niên trẻ được giác ngộ lý tưởng Cách mạng với sứ mệnh lớn là bảo vệ độc lập tự do cho nhân dân mà không quản hiểm nguy hay gian khổ. Bài thơ chính là những lời dạy của của người thế hệ đi trước dành cho những người nối tiếp đi sau phải luôn phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng để bảo vệ dân tộc Việt Nam.
Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 4
Tố Hữu là nhà thơ-chiến sĩ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Làm nên cái chất riêng biệt cho các tác phẩm thơ văn của Tố Hữu là chất trữ tình chính trị đậm nét, là sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và con đường thơ. Mỗi bước chuyển mình của cách mạng đều để lại dấu ấn đậm nét trong các sáng tác của Tố Hữu. Nói cách khác, những sự kiện chính trị, lịch sử đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo để Tố Hữu sáng tác nên những tác phẩm giàu giá trị. "Từ ấy" là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, đây cũng là bài thơ đánh dấu sự thay đổi cả về nhận thức và tình cảm của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Những thay đổi diệu kì trong nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ trẻ Tố Hữu được thể hiện sinh động, cụ thể qua hai khổ thơ cuối của bài.
Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại đầy chi tiết những biến chuyển trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ. Trở thành người chiến sĩ cộng sản, Tố Hữu thấy được sự đồng điệu, gắn bó và cả trách nhiệm của bản thân với vận mệnh của đất nước, với quần chúng lao khổ:
"Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Động từ "buộc" không chỉ thể hiện ý thức gắn bó tự nguyện, quyết tâm kết nối mạnh mẽ của nhà thơ mà còn thể hiện mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa cái "tôi" cá nhân và cái "ta" chung của cộng đồng. Có thể thấy nhà thơ Tố Hữu đã mở lòng mình ra để yêu thương, gắn bó với mọi người xung quanh, đây cũng chính cơ sở tạo nên tình đoàn kết dân tộc và sức mạnh của cả tập thể trong cuộc đấu tranh chung.
Từ ý thức, nguyện vọng gắn bó với quần chúng cần lao, nhà thơ Tố Hữu đã hướng tới những điều lớn lao, cao đẹp hơn "Để tình trang trải với trăm nơi". Nhà thơ muốn gắn kết tâm hồn mình với tất cả mọi người, với "trăm nơi" để tạo nên mối đồng cảm sâu xa, chân thành, tự nguyện với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
"Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"
Hai câu thơ sau đã làm sâu sắc thêm mong muốn gắn kết của nhà thơ với quần chúng quần lao "bao hồn khổ". Tình yêu thương, sự quan tâm giữa con người với con người không chỉ làm cho mối quan hệ thêm gắn kết "gần gũi" mà còn tạo ra sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ "thêm mạnh khối đời". Sức mạnh của tinh thần đoàn kết ấy chúng ta cũng từng bắt gặp trong bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm:
"Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn"
Như vậy, trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện quan niệm sống mới mẻ về sự gắn bó giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Quan niệm này tiếp tục được phát triển và hoàn thiện trong khổ thơ cuối cùng:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ..."
Điệp từ "là" đã thể hiện sự quyết tâm, khát khao hòa hợp giữa nhà thơ Tố Hữu và quần chúng nhân dân. Các từ "con, em, anh" và số từ ước lệ "vạn" đã khẳng định tình cảm gia đình khăng khít, gắn bó. Nhà thơ đã tự coi mình là một thành viên trong đại gia đình lớn của quần chúng cần lao, để từ đó ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân trong việc đấu tranh, giành lại hạnh phúc, tự do cho mọi người, cho đất nước.
"Vạn kiếp phôi pha", "cù bất cù bơ" gợi liên tưởng về những mảnh đời đau khổ, bất hạnh. Câu thơ còn thể hiện được tấm lòng đồng cảm, thương xót của nhà thơ với những số phận, với những nỗi đau mà quân thù đã gây nên cho con người. Như vậy, có thể thấy lí tưởng cộng sản không chỉ mở ra con đường sáng cho nhà thơ mà còn thức tỉnh những tình cảm cao đẹp bên trong người chiến sĩ ấy. Nhà thơ đã vượt qua được những tình cảm cá nhân ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tư sản để đồng cảm với tình cảm giai cấp, tình cảm chung của cả cộng đồng.
Bằng ngôn từ giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng và giọng thơ sôi nổi, nồng nàn nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện được niềm vui lớn, lẽ sống lớn khi bắt gặp ánh sáng cộng sản. Bài thơ như một lời tuyên ngôn đầy mạnh mẽ, quyết tâm của nhà thơ về lí tưởng sống, lí tưởng chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản, qua đó cũng khẳng định quan điểm nghệ thuật của nhà thơ: Văn chương phải phụng sự cho sự nghiệp cách mạng.
Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 5
"Từ ấy" là bài thơ rất hay, đặc biệt bởi đây là bài thơ đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với cảm xúc, suy tư sâu sắc Tố Hữu viết nên "Từ ấy". Bài thơ nằm trong phần "Máu Lửa" của tập "Từ ấy". Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng cho tới chân thực trong 2 khổ thơ cuối bài.
"Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Khổ thơ thứ hai thể hiện rõ nhất cái tôi trữ tình. Là cái tôi mang giai cấp thời đại, đại diện cho dân tộc. "Tôi buộc hồn tôi với mọi người" chính là sự hài hòa giữa cái tôi và cái ta, giữa cá nhân và tập thể để từ đó mở lòng mình, đồng cảm với mọi người xung quanh. Từ đó tạo nên tính đoàn kết, sức mạnh tập thể. Đặc biệt là quần chúng nhân dân lao động cùng nắm tay đoàn kết lại thành một khối để vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ..."
Đoạn cuối cùng hiện lên như khẳng định, nhấn mạnh một tình cảm gia đình đầm ấm, thắm thiết. Đó chính là một đại gia đình lớn của quần chúng nhân dân lao động. Mà trong đó tác giả là con, là em, là anh của đại gia đình đó. Tấm lòng của tác giả đã hòa vào tấm lòng đại gia đình dân tộc. Thấu hiểu và chia sẻ tấm lòng đó biểu hiện thật xúc động và chân thành. Từ đấy, ta thấy được tấm lòng căm phẫn của nhà thơ trước cuộc đời ngang trái. Tác giả xót thương cho những số phận của "vạn kiếp phôi pha", của những em nhỏ không có áo cơm, "cù bất cù bơ...". Ông mở lòng đón nhận những kiếp người đau khổ, nhân dân cần lao như đón nhận một cách chân thành những người thân ruột thịt. Câu "Không áo cơm cù bất cù bơ..." để lại ba dấu chấm lửng như tấm lòng của tác giả trải rộng ra, mở lòng mình với bao hồn khổ. Bài thơ rất đặc biệt không chỉ về ý thơ mà còn cả về tứ thơ. Tác giả dùng thể thơ truyền thống, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu làm nổi bật tâm trạng của nhà thơ.
Là lời tâm nguyện của chàng thanh niên yêu nước được giác ngộ lí tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Đồng thời đó cũng là tâm nguyện gắn bó với nhân dân lao khổ. Và bài thơ cũng chính là mốc thời điểm mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Bằng lời thơ giàu cảm xúc, suy tư theo lí tưởng cách mạng. Đó chính là chất lãng mạn của thi ca Việt Nam
Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 6
"Từ ấy" là bài thơ rất hay, đặc biệt bởi đây là bài thơ đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với cảm xúc, suy tư sâu sắc Tố Hữu viết nên "Từ Ấy". Bài thơ nằm trong phần "Máu Lửa" của tập "Từ Ấy". Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu đặc biệt là trong 2 khổ thơ cuối bài.
Lí tưởng đến với nhà thơ, nhà thơ thắp sáng mình trong lí tưởng tạo nên những chuyển biến về tư tưởng tình cảm mở đầu cho những hoạt động đầy ý nghĩa:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Bước chuyển biến đầu tiên của nhà thơ là hòa mình vào quần chúng lao khổ, thông cảm và chia sẻ với những nỗi khổ đau của họ. Nhà thơ đến với họ không phải từ lòng trắc ẩn mà với tình cảm chan chứa yêu thương. Tình cảm được diễn đạt bằng từ ngữ cô đọng hàm súc. Từ buộc diễn đạt một cách sinh động sự gắn bó khăng khít của nhà thơ quần chúng. Từ trang trải gợi lên tình cảm thương mến bao la. Từ khối cho ta hình dung về sức mạnh đoàn kết. Những từ này vừa có tính hình tượng vừa có giá trị biểu cảm. Lí tưởng dẫn dắt nhà thơ về với cuộc đời, tìm thấy vị trí chỗ đứng trong đời đứng trên lập trường của nhân dân.
Nhịp điệu câu thơ tạo âm hưởng vang vọng, góp phần biểu đạt trạng thái tâm hồn nhà thơ. Lúc này lí tưởng đã mở đôi cánh của tâm hồn. Tâm hồn anh đang lộng gió bốn phương, hướng về trăm ngả. Tâm hồn ấy đang cố gắng vượt ra khỏi cái tôi tầm thường nhỏ bé để thực hiện tâm nguyện cao đẹp nơi cuộc đời rộng lớn:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ.
Không áo cơm, cù bất cù bơ.
Điệp từ là cái gạch nối bền chặt, một bên là cái tôi, bên kia là cuộc đời vạn kiếp thương đau. Cán cân bị lệch nên cái tôi nghiêng về chan hòa với cái ta rộng lớn. Lời thơ trang trọng như lời khẳng định tự nguyện đến với quần chúng lao khổ. Khổ thơ đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tư tưởng tình cảm của nhà thơ. Gắn bó với quần chúng, nhà thơ nguyện làm một thành viên trong đại gia đình của những người ở bậc thang cuối cùng trong xã hội cũ để thức tỉnh họ cùng đấu tranh và tranh đấu vì họ. Nếu khổ thứ hai chủ yếu hướng nội với cái tôi xuất xứ, thì ở khổ thơ này, cái tôi chủ yếu hướng ngoại nhưng cái lắng sâu trong tâm hồn người chiến sĩ là tình thương vô hạn đối với thân phận lạc loài, bé nhỏ, bơ vơ: Hai đứa bé, Đi đi em, Một tiếng rao đêm. Hai khổ thơ sau biểu hiện nhân sinh quan cách mạng, tinh thần nhân đạo cộng sản cao đẹp của nhà thơ.
Nếu tập thơ Từ ấy là chặng đường thơ của tâm hồn người thanh niên tư sản được giác ngộ và trở thành người chiến sĩ cách mạng thì bài thơ Từ ấy tóm tắt quá trình chuyển biến ấy. Quá trình chuyển biến tình cảm nhận thức diễn tả cô đọng hàm súc trong một bài thơ ngắn gọn đầy hình ảnh và giàu cảm xúc. Nhà thơ vui sướng ngất ngây khi bắt gặp ánh sáng diệu kì, ánh sáng chân lí của Đảng và nhà thơ nguyện sẽ là chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng công nông. Bài thơ có ý nghĩa như một tuyên ngôn về quan điểm nhân sinh với những nhận thức, tình cảm mới của nhà thơ, trên cơ sở đó là quan điểm nghệ thuật của nhà thơ: Văn chương phục vụ sự nghiệp cách mạng. Thanh niên phải biết lựa chọn và xây dựng lí tưởng sống cao đẹp thì mới có cuộc sống giàu ý nghĩa.
Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 7
Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam với phong cách thơ ca đậm chất trữ tình chính trị. Ông đã để lại những tác phẩm vô cùng đặc sắc, một trong số đó là “Từ ấy”- một bài thơ có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp của tác giả. “Từ ấy” được Tố Hữu sáng tác trong niềm hạnh phúc, vui sướng để đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của chính mình. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng cho tới chân thực trong 2 khổ thơ cuối bài.
Nếu như ở khổ 1 là niềm vui sướng khi bắt gặp lí tưởng cộng sản thì đến khổ thơ thứ hai, sự nhận thức về lẽ sống mới của tác giả được khắc họa đậm nét:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
Tố Hữu sử dụng động từ mạnh “buộc”, ông muốn nhấn mạnh cá nhân mình cùng với mọi người xung quanh phải thành một khối đoàn kết. Trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S xinh đẹp với bao con người, nhiều dân tộc khác nhau sống trên mọi miền lãnh thổ, tác giả đã tự “buộc” mình với “mọi người” để cho tình cảm của mình “trang trải đến trăm nơi”.
Tác giả đã tự nguyện gắn kết mình với những con người lao khổ, ông muốn chia sẻ, chung sống, hiểu rõ hơn về cuộc sống họ phải trải qua, ông đồng cảm với những số phận bất hạnh để từ đó mọi người đều có thể hiểu nhau hơn và giúp đỡ lẫn nhau. Một lẽ sống mới đã được đúc kết ra trong tâm hồn của tác giả đó là sự gắn kết cái tôi với cái ta chung của mọi người.
Và đặc biệt, khi mọi người có tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, che chở cho nhau thì sẽ giúp cho “mạnh khối đời”. “Khối đời” - hình ảnh ẩn dụ cho một cộng đồng con người có chung cảnh ngộ, “khối đời” chỉ “mạnh”, khi mọi người “gần gũi” cùng nhau vượt qua khó khăn - một lẽ sống đầy triết lý đã in sâu trong trái tim của chàng thanh niên.
Lý tưởng của Đảng như mặt trời chiếu những ánh sáng xua tan những bóng tối u khuất trong tư tưởng của tác giả, và tại khoảnh khắc “từ ấy” trong tình cảm của “cái tôi” đã có sự chuyển biến rõ rệt.
“Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ.”
Trái tim của tác giả được chiếu sáng bởi “mặt trời chân lý”, Tố Hữu đã dần khẳng định vai trò của mình trong cuộc đời. Điệp từ “là” được lặp lại ba lần và đứng hai lần ở đầu câu như càng muốn nhấn mạnh thêm vị trí của mình trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tác giả đã là “con của vạn nhà”, là em của “vạn kiếp phôi pha”, là anh của “vạn đầu em nhỏ”. Cuộc sống giờ đây của chàng thanh niên không phải sống vì chính mình nữa, mà sống vì mọi người.
Tình cảm của Tố Hữu thật sâu sắc bởi ở đây đã có sự chuyển đổi trong cách xưng hô từ tôi sang “con, em, anh”. Tất cả mọi người giờ đây, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh, đầy khó khăn đều được tác giả chân trọng và yêu quý, coi như anh em ruột thịt trong gia đình. Nếu như trước kia, khi còn thuộc tầng lớp tư sản có trong mình cái tôi cá nhân ích kỷ hẹp hòi thì từ khoảnh khắc “từ ấy”, Tố Hữu đã thoát ra cái tôi đó và sống hòa mình trong cái ta chung để liên kết các giai cấp trong xã hội.
“Từ ấy” là một bài thơ thật hay và xúc động. Các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp từ đã được sử dụng rất thành công kết hợp với những hình ảnh đầy tươi mới (vườn hoa lá, hương thơm, tiếng chim). Giọng thơ ngọt ngào, tâm tình mà đậm chất trữ tình chính trị.
Ánh sáng rực rỡ của Cộng sản đã mang đến niềm hạnh phúc, vui sướng cho tác giả. Từ đó, chàng thanh niên trẻ tuổi ấy đã nhận ra sứ mệnh của cuộc đời mình. Phân tích Từ ấy, chúng ta có thể cảm nhận được sự ý chí, nhiệt huyết sẽ mãi nằm trong trái tim của những người con của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cảm nhận 2 khổ cuối Từ ấy - Mẫu 8
Tố Hữu là nhà thơ lớn trong thời đại chúng ta. Với ông, con đường cách mạng cũng là con đường thơ. Năm 1938, mới 18 tuổi, nhà thơ được vinh dự trở thành người chiến sĩ cộng sản của Đảng. Bài thơ "Từ ấy" vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui sướng tự hào của một thanh niên học sinh yêu nước bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê nin. Điều này được thể hiện rất rõ qua 2 khổ thơ cuối Từ ấy.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn ca ngợi lí tưởng cách mạng và mang tên tình yêu giai cấp của người chiến sĩ trẻ. Khổ thơ mở đầu cất lên như một lời hát say mê, nồng nàn, vần thơ tràn ngập ánh sáng.
Có thể nói, Tố Hữu là nhà thơ viết hay nhất về lí tưởng cách mạng bằng bút pháp lãng mạn tuyệt đẹp. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin thật vô cùng kì diệu. "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" ( Aragông - Pháp). Yêu nước mà bắt gặp chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản đã giác ngộ tình yêu giai cấp. Khổ thơ thứ hai nói lên sự gắn bó với mọi người", "với trăm nơi "với bao hồn khổ" với giai cấp" và nhân dân lao động nghèo khổ đang bị đế quốc, phong kiến bóc lột, áp bức dã man. Các từ ngữ: "buộc", "trang trải", "gần gũi" - biểu lộ sự gắn bó thiết tha với thế giới cần lao, với "khối đời" - khối công nông liên minh:
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Người chiến sĩ trẻ, người thanh niên cộng sản trên con đường cách mạng quyết tâm chiến đấu và hi sinh để thực hiện lí tưởng cao cả, đã nhận thức một cách sâu sắc về tình yêu giai cấp: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Hơn bao giờ hết, cái tôi đã chan hòa trong cái ta rộng lớn. Thân thiết và yêu thương, tự giác và tự nguyện, đông đảo và rộng lớn: "là con của vạn nhà", "là em của vạn kiếp phôi pha", "là anh của vạn đầu em nhỏ... Các từ: "là", các số từ "vạn" được điệp lại ba lần làm cho lời ước nguyện thiết tha chân thành, thấm thía xúc động:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ".
Nhà thơ đã có một cách nói rất truyền cảm về tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Trái tim nhân ái cộng sản chủ nghĩa sáng bừng lên dưới "mặt trời chân lí", dưới ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của Cách mạng.
Tố Hữu đã sáng tạo nên những vần thơ giàu hình tượng và nhạc điệu để ca ngợi lí tưởng cách mạng và tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Tình cảm cao đẹp ấy được thể hiện một cách chân thành và say mê. "Từ ấy" là tiếng lòng của một hồn thơ đẹp, trẻ trung đã trở thành tiếng hát của hàng triệu con người hướng về Đảng và Cách mạng.
Phân tích hai khổ cuối Từ ấy ta càng cảm thấy một cách sâu sắc lời tâm sự của Tố Hữu: "Lòng tôi vui sướng vô cùng khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình".
Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài Từ ấy - Mẫu 9
Tố Hữu ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tiếng thơ của ông mang đậm chất trữ tình, chính trị. Cả đời thơ Tố Hữu dường như chỉ ca ngợi Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam. Đọc thơ ông ta thấy từng sự kiện lịch sử được hiện lên, trong đó một mốc son quan trọng đánh dấu cuộc đời cách mạng nhà thơ là khi ông chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bài thơ “Từ ấy” đã chân thành ghi lại cảm xúc vui tươi, sung sướng và lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Điều đó được thể hiện rất rõ qua hai khổ thơ cuối bài.
Sau những phút giây được chắp cánh bởi lí tưởng cộng sản nhà thơ chân thành bộc bạch suy nghĩ, nhận thức mới mẻ của bản thân về sự nghiệp cách mạng:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Khác với nhận thức của nhân vật Hạ Du trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn. Người chiến sĩ cách mạng xa rời quần chúng nhân dân để rồi nhận lại bi kịch cho cái chết. Còn Tố Hữu cũng như Đảng cộng sản ta luôn hướng về nhân dân, gắn bó với quần chúng. Bác Hồ từng khuyên cán bộ đảng viên “Phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” chính vì vậy Tố Hữu “buộc lòng tôi với mọi người” từ “buộc” cho thấy ý thức tự nguyện, tinh thần gắn bó “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung cộng đồng, để cho tâm hồn nhà thơ trải rộng ra với cuộc đời, với nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng là ý thức trách nhiệm gánh vác việc đời. Tố Hữu luôn luôn gần gũi, đồng cảm và sẻ chia khổ đau, bất hạnh với những “hồn khổ” của dân tộc. Hồn khổ ấy là “Em bé mồ côi”, là “Lão đầy tớ”, là “Chị vú em”… và biết bao nhiêu hoàn cảnh cơ cực trên đất Việt. Càng đồng cảm bao nhiêu thì nhà thơ càng căm hờn kẻ đã gây ra tội ác, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, cơ cực bấy nhiêu, càng thôi thúc nhà thơ gắn bó và chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tố Hữu đã từng nói: “Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người. Chỉ là một. Nên cũng là vô số” để “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Khối đời là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người có chung hoàn cảnh, chung lí tưởng cách mạng cũng là để chỉ tinh thần đoàn kết của đồng bào Việt Nam, mỗi người cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân cùng chung tay làm nên sức mạnh của toàn dân tộc, là tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước. Khổ thơ đã cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của tác giả khi được ánh sáng của Đảng soi đường, cũng thể hiện niềm tin, niềm hạnh phúc vào khối đời dân tộc, vào con đường cách mạng nước nhà. Tố Hữu đã từng cất lên tiếng hát ngợi ca Bác và lí tưởng của Đảng:
“Từ vô vọng mênh mông đêm tối
Người đã đến chói chang nắng dọi
Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu”
Từ những nhận thức mới mẻ sâu sắc ấy trong tư tưởng người thanh niên trẻ tuổi đã có sự chuyển biến về tình cảm, từ số phận của trí thức tiểu tư sản chuyển sang người trí thức cộng sản. Giờ đây tác giả tự đặt mình vào trong gia đình dân tộc Việt Nam bằng tình cảm ruột thịt chân thành:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”
Nhà thơ đã xác định mình là thành viên của “vạn nhà”. Cách sử dụng điệp từ “là”, “của” kết hợp với các danh xưng “con”, “em”, “anh” và hàng loạt các từ chỉ số lượng nhiều: “vạn nhà”, “vạn kiếp”, “vạn đầu” nhà thơ bộc lộ tình cảm của mình gắn bó với nhân dân như anh chị em ruột thịt trong gia đình, đó là tình hữu ái giai cấp, yêu thương dành cho những con người đồng khổ. Ông đã từng viết:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”
Hay nhà thơ đã từng lột tả niềm vui sướng chân thành của mình khi được trở về với nhân dân trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
Như vậy ta có thể thấy được tình cảm gắn bó sâu sắc của nhà thơ cách mạng với quần chúng nhân dân Việt Nam. Chính điều đó làm cho thơ ông thật gần gũi, thân thương.
Cả cuộc đời “Tố Hữu vừa làm cách mạng vừa làm thơ, làm thơ để làm cách mạng, và làm cách mạng để làm giàu nguồn cảm hứng cho thơ”. Lí tưởng cách mạng có sức ảnh hưởng, có sự cảm hóa mãnh liệt đối với Tố Hữu cũng như bao nhà thơ lãng mạn khác. Như ta từng biết Tố Hữu xuất thân từ tầng lớp trí thức tiểu tư sản nên cái tôi cá nhân rất cao với lối sống ích kỉ nhưng ông đã vượt qua được rào cản giai cấp để hòa mình vào cái ta chung của cộng đồng. Mỗi một tác phẩm của ông là một sự kiện cách mạng được ghi dấu đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Mỗi một nhà thơ cách mạng cũng phải là một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng và Tố Hữu ngay từ khi mới vào mặt trận ấy đã dành được vị trí vững chắc xứng đáng là “Một viên ngọc trong nền văn học Việt Nam”.
“Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông thường chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng”. “Từ ấy” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, là tuyên ngôn về lí tưởng cách mạng, là tiếng hát trong trẻo của người thanh niên ở năm những năm mười tám đôi mươi sung sướng, hạnh phúc khi được giác ngộ bởi ánh sáng của Đảng cùng với những nhận thức và sự vận động mới mẻ trong tình cảm của người chiến sĩ cộng sản.