TOP 12 bài Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi hay nhất, giúp các em học sinh cảm nhận rõ hơn tinh thần yêu nước và những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được học trong chương trình Văn 9, Bài 7 sách Ngữ văn 8 Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 2, giúp các em hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả mà những nữ thanh niên xung phong đã vượt qua.
Phân tích hình ảnh nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
- Sơ đồ tư duy Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong
- Dàn ý Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi (2 mẫu)
- Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi (10 mẫu)
- Phân tích những nét chung và riêng của ba nữ thanh niên xung phong
- Phân tích vẻ đẹp của nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Sơ đồ tư duy Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong
Dàn ý Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Dàn ý 1
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" và hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả và tác phẩm:
- Lê Minh Khuê (1949) là một trong những nhà văn tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Mỹ có sở trường về truyện ngắn. Bà có phong cách sáng tác dung dị, giàu nữ tính, đa sắc thái.
- Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" được viết năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, được đưa vào tuyển tập "Nghệ thuật truyện ngắn thế giới" xuất bản ở Mỹ.
b. Điểm chung của những nữ thanh niên trong tác phẩm:
- "Những ngôi sao xa xôi" là câu chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao cùng làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn.
- Công việc mỗi ngày của họ rất nguy hiểm, họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm.
- Ba cô gái với ba tính cách khác nhau nhưng họ đều có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong: Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ.
- Họ có tâm hồn trẻ trung, trong sáng, nhạy cảm và giàu mơ ước.
c. Nhân vật Phương Định:
- Phương Định là cô gái Hà Thành có nét đẹp duyên dáng, trẻ trung, tâm hồn trong sáng.
- Phương Định có cách cư xử ý nhị, kiêu kì của con gái Hà Thành, nhạy cảm biết mình được nhiều anh lính để ý.
- Phương Định vẫn giữ nguyên nét đẹp trong sáng của những cô gái mới lớn: Thích làm duyên, làm điệu, thích hát, hay hát, tự bịa lời bài hát, đêm đêm nhìn lên bầu trời mơ về ngày mai hòa bình.
d. Nhân vật chị Thao:
- Chị Thao là tổ trưởng, có nhiều kinh nghiệm hơn Phương Định và Nho.
- Chị Thao hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm nhưng ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo.
- Chị Thao là cô gái bình tĩnh, máy bay địch đến nhưng vẫn "móc bánh quy trong túi, thong thả nhai".
- Là cô gái đáng yêu, hát nhạt sai bét, giọng thì chua nhưng có tới ba quyển sổ dày chép lời bài hát.
e. Phân tích nhân vật Nho:
- Nho là cô gái trẻ, xinh xắn và rất dễ thương: "Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng", "cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn" khiến Phương Định muốn "bế nó lên tay".
- Nho là cô gái hồn nhiên, khi bị thương nằm trong hang vẫn "nhổm dậy, xòe tay xin mấy viên đá mưa".
- Dũng cảm chiến đấu khi giặc tới, trong một lần phá bom đã bị sập hầm, đất phủ kín lên người.
f. Đánh giá:
- Tác giả đã sử dụng phương thức trần thuật, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, đặt ba nhân vật vào hoàn cảnh đầy nguy hiểm để ngợi ca vẻ đẹp của những nữ thanh niên xung phong.
- Tác phẩm đã cho ta thấy sự tài năng của Lê Minh Khuê, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và sự gan dạ của ba cô gái, đây cũng là hình ảnh của những thanh niên xung phong Việt Nam trong thời kì kháng chiến.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vẻ đẹp của những nữ thanh niên xung phong trong "Những ngôi sao xa xôi".
Dàn ý 2
I. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
- Giới thiệu chung về ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường.
II. Thân bài
- Khái quát hoàn cảnh sống và chiến đấu của 3 cô gái:
- Sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn.
- Họ phải đối mặt đó là cuộc chiến đấu ác liệt và chính là công việc tổ trinh sát mặt đường - một công việc hơn cả nặng nhọc, đó là nhiệm vụ hiểm nghèo.
- Vẻ đẹp chung của ba cô gái:
- Họ có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng cao đẹp.
- Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hy sinh.
- Họ có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời.
- Họ là những nữ thanh niên xung phong có tình đồng đội gắn bó, thân thiết.
- Vẻ đẹp riêng của ba cô thanh niên xung phong:
- Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn.
- Nhân vật Phương Định là đại diện các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu. Là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình.
- Nhân vật chị Thao lớn tuổi hơn nên những ước mơ và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Một người chị nông thôn, đầy tinh thần trách nhiệm, dám quyết đoán, biết hi sinh và nhường nhịn.
III. Kết bài
- Nêu cảm nhận chung của em về vẻ đẹp tâm hồn của 3 cô thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
Phân tích hình ảnh các nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Bài văn mẫu 1
"Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất"
(Phạm Tiến Duật)
Để được sống trong nền hòa bình như ngày hôm nay thì nhân dân ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh đầy đau thương và mất mát. Một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thắng lợi của dân tộc đó chính là sự dũng cảm, gan dạ của những người lính hay những thanh niên xung phong. Chính vì vậy, hình ảnh đáng trân quý của những nữ thanh niên xung phong làm công việc hết sức nguy hiểm trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã được Lê Minh Khuê phác họa lại trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi".
Lê Minh Khuê (1949) là một trong những nhà văn của thời kì kháng chiến chống Mỹ có sở trường về truyện ngắn. Bà có phong cách sáng tác dung dị, giàu nữ tính, đa sắc thái. Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" được viết năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, được đưa vào tuyển tập "Nghệ thuật truyện ngắn thế giới" xuất bản ở Mỹ.
Những nữ thanh niên trong tác phẩm là Phương Định, Nho, Thao với những tính cách khác nhau nhưng ở họ vẫn có những điểm chung nhất định. Họ cùng làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc mỗi ngày của họ rất nguy hiểm, họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Họ phải chạy ở trên cao cả ban ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch, sau mỗi trận bom phải đo lượng đất đá, đánh dấu những quả bom chưa nổ và thậm chí là phá bom. Ở họ đều có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong đó là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ.
Tuy cuộc sống của họ là nơi chiến trường ác liệt, luôn đối mặt với nguy hiểm và cái chết nhưng để cho mạch giao thông luôn thông suốt thì các cô gái vẫn luôn sẵn sàng cho việc ra trận địa mà không mong chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Là con gái nên đôi khi các cô cũng sợ hãi nhưng những điều ấy chỉ "thoáng qua rất mờ nhạt" để nhường chỗ cho những ý nghĩ làm thế nào để những quả bom kia phải nổ. "Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người" như cứa vào da thịt khiến cho các cô gái căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Phải chăng sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện những tâm hồn yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng nhưng họ vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, trong sáng, nhạy cảm và giàu mơ ước. Khi Nho bị thương, tinh thần đồng chí, đồng đội của ba cô gái được thể hiện rõ nét. Phương Định và chị Thao tất tưởi lo lắng, chăm sóc Nho như những nữ y tá dày dặn kinh nghiệm và coi Nho như là em gái. Ba cô gái chính là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ bởi ở họ hội tụ đầy đủ vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của những thanh niên xung phong dũng cảm.
Bên cạnh những điểm chung, mỗi cô gái đều có những vẻ đẹp riêng tạo nên sự cá tính của từng người. Phương Định là cô gái Hà Thành có nét đẹp duyên dáng, trẻ trung, tâm hồn trong sáng. Một cô gái có "cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn", "hai bím tóc dài, mềm mại", "đôi mắt dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng", "cái nhìn xa xăm". Phương Định có cách cư xử ý nhị, kiêu kì của con gái Hà Thành, nhạy cảm biết mình được nhiều anh lính để ý. Cô không "săn sóc, vồn vã" như những cô gái khác nhưng trong tâm trí cô thì "những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ". Sống ở nơi nguy hiểm như thế, nhưng Phương Định vẫn giữ nguyên nét đẹp trong sáng của những cô gái mới lớn: Thích làm duyên, làm điệu, cô thích "ngắm mình trong gương", "ngồi bó gối mơ màng". Không chỉ vậy, cô còn rất yêu đời, cô thích hát, hay hát, tự bịa lời bài hát, đêm đêm nhìn lên bầu trời mơ về ngày mai hòa bình. Khi một trận chiến khốc liệt vừa đi qua thì một cơn mưa đá bất chợt ập xuống núi rừng Trường Sơn khiến cho Phương Định quên hết cả căng thẳng, hiểm nguy của bom đạn mà cùng đồng đội tận hưởng niềm vui như con trẻ và cũng chính cơn mưa đã khiến cô nhớ lại những kí ức vui tươi ngày còn ở Hà Nội bên gia đình và thành phố thân yêu.
Khác với Phương Định, chị Thao lại là người có những dự tính về tương lai thiết thực hơn bởi chị Thao là tổ trưởng nhưng cũng không thiếu những khát khao và lãng mạn của tuổi trẻ. Chị duyên dáng, thích làm đẹp, áo lót của chị cái nào cũng được thêu chỉ màu, đôi lông mày được chị tỉ nhỏ như cái tăm, thế nhưng trong công việc chị lại là một người gan dạ, cương quyết. Có lẽ, việc đối mặt với máy bay của địch đã quá quen thuộc nên chị Thao trở nên bình tĩnh hơn hẳn. Khi máy bay địch đến nhưng chị vẫn "móc bánh quy trong túi, thong thả nhai". Nhưng có ai ngờ được một con người gan dạ như thế lại sợ máu và vắt "thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét". Thế nhưng chị Thao vẫn là một cô gái rất đáng yêu, lấy tiếng hát để "át tiếng bom" dù hát nhạc sai bét, giọng thì chua theo chị tự nhận xét và chị hát không trôi chảy được bài nào nhưng có tới ba quyển sổ dày để chép lời bài hát.
Nho là cô em út trẻ, xinh xắn và rất dễ thương: "Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng", "cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn" khiến Phương Định muốn "bế nó lên tay". Không những vậy, Nho còn rất hồn nhiên "vừa tắm ở dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo", khi bị thương nằm trong hang vẫn "nhổm dậy, xòe tay xin mấy viên đá mưa". Thế nhưng lòng yêu nước đã khiến Nho trở thành một cô gái dũng cảm chiến đấu khi giặc tới cô "cuộn tròn cái gối, cất nhanh vào túi". Thật không may, trong một lần phá bom đã bị sập hầm, đất phủ kín lên người Nho khiến Nho suýt thiệt mạng "da xanh đi, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi" nhưng cô vẫn nhất quyết chiến đấu vì đất nước.
Tác giả đã sử dụng phương thức trần thuật, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, đặt ba nhân vật vào hoàn cảnh đầy nguy hiểm để ngợi ca vẻ đẹp của những nữ thanh niên xung phong. Tác phẩm đã cho ta thấy sự tài năng của Lê Minh Khuê, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và sự gan dạ của ba cô gái, đây cũng là hình ảnh của những thanh niên xung phong Việt Nam trong thời kì kháng chiến.
Có lẽ, hình ảnh về những nữ thanh niên xung phong trong "Những ngôi sao xa xôi" đã chạm tới trái tim độc giả bằng tất cả sự đáng yêu, gan dạ của mỗi nhân vật. Ở họ đều tiềm ẩn một sức mạnh phi thường để chiến đấu vượt lên trên mọi hiểm nguy, vất vả trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc chiến đấu khốc liệt với Mĩ.
Bài văn mẫu 2
Đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về hình ảnh của bộ đội chiến đấu trên nẻo đường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Có cả truyện ngắn, thơ và nhiều thể loại tác phẩm khác để ca ngợi công lao và tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ. Trong đó, không thể không nhắc đến cây bút trẻ tiêu biểu Lê Minh Khuê với truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi. Qua ngòi bút tìm tòi và sáng tạo của tác giả, tác phẩm đã phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt.
Ba nữ thanh niên xung phong bao gồm Thao, Nho, Phương Định, cả ba được phân công vào cùng một tổ trinh sát mặt đường. Công việc của họ là ngồi đợi cho bom nổ, rồi chạy lên lấp đất vào hố bom, đếm số bom chưa nổ và nếu cần thiết thì phá chúng. Thao là người lớn tuổi nhất, có lẽ vì vậy mà chị kiêm cả chức tổ trưởng. Lớn hơn Nho một chút là Phương Định, một cô gái trẻ người Hà Nội với tâm hồn mơ mộng, giàu suy tư.
Nhiệm vụ của họ ẩn chứa đầy hiểm nguy. Công việc đòi hỏi ở họ lòng dũng cảm, gan dạ và bình tĩnh. Bởi thế, lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng như “dây chão”, tim luôn đập thình thịch. Thần chết luôn tồn tại đâu đó bất ngờ trong những quả bom. Ngay cả bầu không khí xung quanh cũng rất chán chường, mông quạnh. Không một bóng cây, đất bốc khói, máy bay ầm ì xa dần. Nhưng không, tuy hiểm nguy là thế nhưng họ vẫn luôn giữ cho bản thân luôn lạc quan, yêu đời, hướng tới tương lai.
Phương Định là một cô gái xinh đẹp gốc Hà Nội. Theo lời kể của tác giả, Phương Định rất thích hát và hay hát. Cô cứ ngân nga những bài hát với lời mà bản thân tự chế. Một cô gái còn trẻ đã làm công việc phá bom hiểm nguy này, thật đáng khâm phục. Đã vậy như bao cô gái cùng tuổi khác, Phương Định cũng thích làm điệu. Có lẽ vì công việc nên trong suy nghĩ của mình, người cô khâm phục nhất là các anh chiến sĩ mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.
Chị Thao lớn tuổi nhất, lại kiêm chức đội trưởng nên dự tính tương lai cũng thiết thực hơn, lại có kinh nghiệm lâu năm. Chị không hồn nhiên, mơ mộng như Phương Định. Trong công việc, chị lại càng bình tĩnh và quyết liệt, chính tính cách nghiêm nghị đó mà ai cũng gờm. Tuy vậy mạnh mẽ vậy, chị lại mắc bệnh sợ máu và vắt. Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả chị lại tỏ ra bình tĩnh bằng cách móc bánh bích quy trong túi và thong thả nhai, bình tĩnh đến mức khiến người khác phải khó chịu .
Còn Nho, là em út của nhóm là một cô bé khá khó hiểu có lúc bướng bỉnh, mạnh mẽ lại có lúc lầm lì cực đoan. Có lẽ vì nhỏ tuổi nhất nên tính cách ngây thơ. Nho là một cô bé rất dễ thương, trắng nõn nà.
Trong một lần phá bom Nho bị thương, chị Thao và Định hết lòng chăm sóc. Phương Định rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, rồi băng bông trắng, pha sữa vào một cái ca sắt cho Nho. Còn chị Thao vì sợ nhìn thấy máu nên chỉ dám ngồi từ xa chỉ bảo Định làm. Thương Nho, chị cũng rất bối rối. Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt nhưng tâm hồn đang rất lo lắng. Qua việc Nho bị thương, chúng ta thấy rõ được tình cảm mà các cô đã dành cho nhau, đã gắn bó với nhau sâu sắc đến mức nào.
Cuộc sống và chiến đấu của ba cô gái trẻ giữa chiến trường, dù rất khắc nghiệt, nhưng họ vẫn luôn bình thản, tươi vui, hồn nhiên và không kém phần lãng mạn. Đặc biệt cả ba rất yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong tình đồng đội keo sơn, dù cho mỗi người một cá tính. Lo lắng khi đồng đội, người em của mình bị thương. Điều khiến em khâm phục nhất là cái chân lý mà họ tự đặt ra: Nước mắt ai chảy trong khi cần sự cứng cỏi là bị xem như bằng chứng của sự tự nhục mạ. Chính vì vậy, thấy Nho bị thương, chị Thao tuy nghẹn ngào nhưng không muốn để cho nước mắt ú ra, nên mới ngồi ca hát. Ba nữ thanh niên xung phong này là những người có trách nhiệm tự giác rất cao, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công bởi công việc của họ không hề đơn giản.
Công việc gỡ bom đòi hỏi ở họ phải bình tĩnh, dũng cảm, khôn ngoan, nhạy cảm và khéo léo, đòi hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng hy sinh, không quản khó khăn gian khổ. Bởi lẽ chẳng có ai biết được quả bom câm lặng có khi đang ấm nóng dần lên, nằm chềnh ềnh ra đó và có thể nổ bất cứ lúc nào. Đó là những phẩm chất cao đẹp, bình dị, hồn nhiên của ba cô gái thanh niên xung phong, và mỗi người lại có những vẻ đẹp riêng của mình.
Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê giúp chúng ta thấu hiểu hơn về nỗi vất vả, hi sinh và vẻ đẹp tâm hồn của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Ngoài ra, câu truyện là bài học quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam, rằng phải biết lạc quan yêu đời, và luôn phấn đấu học tập và làm việc để trở thành người có ích cho đất nước.
Bài văn mẫu 3
Giữa những lửa đạn bom rơi của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, gian khổ của dân tộc, tầng lớp thanh niên xung phong luôn là thế hệ đi tiên phong với những phẩm chất ngời sáng của sự can trường, dũng cảm,... Điều này đã được thể hiện rõ qua hình tượng ba cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê. Bằng tài năng trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Phương Định, chị Thao và Nho với những nét chung và nét riêng về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp.
Trước hết, để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, tác giả Lê Minh Khuê đã miêu tả chi tiết về hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba nữ trinh sát mặt đường. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của họ của họ diễn ra trên một cao điểm, giữa vùng trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn - nơi tập trung nhiều bom đạn Mỹ với công việc hằng ngày đầy những nguy hiểm trong mưa bom bão đạn của kẻ thù như đo khối lượng đất đá san lấp, đánh dấu quả bom chưa nổ và nếu cần thì phải phá bom. Như vậy, ba cô gái thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong môi trường vô cùng nguy hiểm, luôn căng thẳng thần kinh và đòi hỏi sự dũng cảm, bình tĩnh.
Dựa trên bối cảnh không gian khốc liệt nơi tuyến đường Trường Sơn, tác giả Lê Minh Khuê đã xây dựng thành công hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, chị Thao và Nho với những nét chung về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp. Trước hết, họ đều là những con người có tinh thần yêu nước. Trước hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, giống như biết bao chàng trai, cô gái Việt Nam thời bấy giờ, họ đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc với lý tưởng cao đẹp là đánh đuổi giặc Mĩ, góp sức vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là những nữ trinh sát mặt đường, cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc của mình, thể hiện qua việc chỉ cần nghe tiếng máy bay trinh sát là các cô đã chuẩn bị tư thế, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đối mặt với những hiểm nguy, có lúc họ thoáng nghĩ đến cái chết nhưng chỉ là cái chết "mờ nhạt, không cụ thể", và đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng của mình "liệu mìn có nổ, bom có nổ không?". Họ còn là những cô gái thanh niên xung phong vô cùng gan dạ, dũng cảm. Dù làm việc trong môi trường và hoàn cảnh chiến đấu đầy nguy hiểm nhưng các cô vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị và nói về công việc đó bằng giọng điệu thản nhiên "Quen rồi, một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần,...". Đặc biệt, giữa họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết. Trong những năm tháng mưa bom bão đạn, các cô vẫn hiểu suy nghĩ của nhau qua ánh mắt, đồng thời luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau rất chu đáo; đặc biệt là khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao hết sức lo lắng, săn sóc. Ngoài những nét chung về phẩm chất, các cô gái còn có nét chung về tâm hồn. Cả ba cô gái đều rất lạc quan, yêu đời: sống giữa chiến trường khốc liệt nhưng họ vẫn tạo cho mình đời sống tinh thần phong phú qua tiếng hát, tiếng cười. Họ còn có nét chung của các cô gái trẻ: đầy nữ tính, hay mơ mộng, dễ vui nhưng cũng hay trầm tư. Nếu Nho thích thêu thùa thì chị Thao chăm chép bài hát và thích làm bánh, còn Phương Định thích hát, thích bó gối mộng mơ và ngắm nhìn mình trong gương. Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy rằng giữa các nữ thanh niên xung phong có những nét chung về phẩm chất, tâm hồn vô cùng cao đẹp và đại diện cho thế hệ trẻ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tuy nhiên, tài năng của nhà văn Lê Minh Khuê thể hiện ở việc xây dựng ba cô gái với những phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng mỗi một nhân vật vẫn mang trong mình một tâm hồn riêng, thể hiện cá tính độc đáo, khác biệt. Là biểu tượng cho sự anh hùng, quả cảm của thế hệ trẻ nhưng Phương Định còn là cô gái xinh đẹp với tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm. Phương Định là người luôn quan tâm đến hình thức bên ngoài và ý thức được vẻ đẹp của bản thân, đặc biệt là niềm tự hào về đôi mắt "có cái nhìn sao mà xa xăm", cái cổ cao "kiêu hãnh như đài loa kèn" cùng hành động "thích ngắm mình trong gương". Sự hiểm nguy nơi chiến trường không thể tiêu diệt nét hồn nhiên, yêu đời cùng tâm hồn mơ mộng của Phương Định. Cô thích hát, thường xuyên ngâm nga để quên đi những căng thẳng, tàn khốc của cuộc chiến và nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc thả hồn trong những kỉ niệm, hồi ức xa xôi, tươi đẹp về Hà Nội: những căn nhà nhỏ nơi quảng trường thành phố, những khung cửa sổ, nhưng vì sao lấp lánh xa xôi trên bầu trời,... Như vậy, chúng ta có thể thấy được dù trải qua nhiều gian khổ nhưng Phương Định vẫn giữ được một thế giới tâm hồn phong phú, trẻ trung, mơ mộng nhưng vẫn tràn đầy sức sống, lạc quan và yêu đời. Là tổ trưởng tổ trinh sát mặt đường và luôn điềm tĩnh, quyết đoán trong mọi hành động, tâm hồn nhạy cảm đầy nữ tính của chị Thao được thể hiện ở những khía cạnh riêng. Dù giọng rất chua và thường xuyên sai nhạc nhưng chị Thao rất yêu ca hát và có ba quyển sổ dày để chép bài hát. Sở thích làm đẹp của chị được thể hiện qua việc lông mày luôn được "tỉa nhỏ như cái tăm". Tuy là tổ trưởng tổ trinh sát nhưng chị Thao vẫn có những nỗi sợ hãi vô cùng nữ tính như rất sợ máu và sợ vắt. Khác với chị Thao và Phương Định, Nho là người ít tuổi nhất trong tổ nên được các chị chiều chuộng. Bên cạnh sự dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, Nho cũng là một cô gái rất đáng yêu với ngoại hình xinh xắn, bé nhỏ như "một que kem trắng nhỏ" và thường xuyên "vòi vĩnh, làm nũng" các chị.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được những nét chung và nét riêng về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp của chị Thao, Phương Định và Nho. Bằng tài năng trong việc miêu tả nhân vật, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật, tác giả Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình tượng ba cô gái thanh niên xung phong với những phẩm chất anh hùng cách mạng, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Bài văn mẫu 4
Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ.
(Khúc bảy – Thanh Thảo)
Đó là tinh thần của lớp thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ở đó, ai cũng sẵn một lòng hi sinh vì đất nước, sẵn sàng lên những chiến tuyến xa xôi nhất, hiểm nguy nhất, không tiếc thân mình để bảo vệ tổ quốc yêu thương. Một lần nữa, Lê Minh Khuê với truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi lại đem đến cho ta hình ảnh của những con người anh hùng, vĩ đại ấy.
Lê Minh Khuê viết Những ngôi sao xa xôi năm 1971, ngay khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Cả dân tộc gồng mình chống lại âm mưu xâm lược và xâm chiếm của kẻ thù. Nhiều người đã ngã xuống nhưng không thể khiến dân tộc ta nao núng. Tuổi trẻ đã đứng lên. Tuổi trẻ đã lấy tấm thân mình che chở cho đất nước. Tuổi trẻ đã gắn sinh mệnh của mình với sinh mệnh của dân tộc, quyết gìn giữ tổ quốc thiêng liêng. Tinh thần ấy sáng rực hào quang, trở thành nguồn sáng trong văn học và trong cuộc chiến.
Nhẹ nhàng như tâm hồn phụ nữ của mình, Lê Minh Khuê đi tìm những vẻ đẹp ẩn khuất và phát hiện ra vẻ đẹp đằm sâu ở những nữ thanh niên xung phong trong cuộc sống đời thường và trong chiến đấu. Câu chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường gồm Thao, Phương Định và Nho. Công việc của họ là quan sát tọa độ ném bom của địch, kiểm tra đo đạc các hố bom, san lấp mặt đường và nếu cần sẽ phá bom nổ chậm. Đó là một công việc vất vả và vô cùng hiểm nguy, trong khi ba cô gái có tuổi đời rất trẻ.
Ở ba nữ thanh niên xung phong có những phẩm chất chung của người chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Ba cô gái ấy là những cô gái còn rất trẻ và đang trong độ tuổi đôi mươi. Họ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc mà rời xa thành phố đầy tiện nghi, rời xa mái trường mến yêu và tình nguyện đi đến chiến trường nơi mà có đầy bom đạn vô cùng nguy hiểm. Họ đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình để có thể thực hiện những lý tưởng cao đẹp trong họ.
Cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm vô cùng cao trong công việc của mình. Họ bình tĩnh, can trường, gan dạ và có tinh thần hy sinh vô cùng cao cả. Mặc dù những cô gái ấy có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng các cô ấy luôn phải đối mặt với bom đạn vô cùng nguy hiểm. Do để con đường mà các anh chiến sĩ lái xe đi an toàn thì họ luôn sẵn sàng trong việc ra ngoài mặt trận, mồi khi có lệnh là các cô đi ngày, họ luôn làm việc một cách tự nguyện và lúc nào cũng nhận nguy hiểm về phía mình.
Ở ba cô gái còn có tình đồng chí keo sơn, thắm thiết và ba người bọn họ như ba chị em mặc dù họ không được sinh ra trong cùng một gia đình, nhưng từ khi họ cùng nhau vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn và đầy hiểm nguy đã giúp họ ngày càng gắn kết với nhau và dần trở thành các chị em vô cùng thân thiết với nhau. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được nghỉ ngơi, họ luôn vui đùa cùng nhau. Nhưng khi ra chiến trường thì họ luôn tương trợ lẫn nhau và luôn liều mình giúp đỡ và động viên nhau mỗi khi ai đó bị thương.
Cuộc sống của họ thật nhiều gian khổ và nguy hiểm như vậy nhưng họ lúc nào cũng yêu đời. Bởi lẽ trong lòng họ biết rõ rằng cuộc chiến này sẽ còn kéo dài và chỉ có những niềm tin và những lời động viên nhau mới có thể giúp họ vượt qua được nhưng khó khăn và gian khổ này. Và cứ như thế, cuộc đời của họ lúc nào cũng rộn ràng những tiếng cười và đầy ắp niềm vui mặc dù cuộc chiến xung quanh họ vẫn diễn ra vô cùng khốc liệt và tàn nhẫn.
Ba cô gái ấy như một mùa xuân rực rỡ, trong lành, tràn trề sức sống, khiến cho ai cũng say đắm. Họ đẹp ở hình thức và đẹp cả trong tâm hồn. Tuy sống mỗi ngày trong hang đá, sống giữa khói bụi và những lần mặt đất rung chuyển dữ dội nhưng những cô gái này lại có tâm hồn rất đẹp, rất hồn nhiên, mơ mộng và lạc quan về tương lai. Như thể những tâm hồn ấy chưa từng bị chiến tranh làm bẩn dù chỉ một chút thôi. Ngoài Nho, Thao, Phương Định, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, trên tuyến đường Trường Sơn ấy vẫn có rất nhiều những tâm hồn trong như những giọt sương đầu ngày và đẹp như những cánh hoa đầu xuân.
Bài văn mẫu 5
Lê Minh Khuê( 1949) quê ở Tĩnh Gia – Thanh Hóa, là cây bút chuyên viết về truyện ngắn. Trong chiến tranh các tác phẩm của chị viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Tiêu biểu là truyện ngắn "những ngôi sao xa xôi" ra đời năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Đây là một số tác phẩm đầu tay của chị, truyện kể về ba nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát phá bom trên một cao điểm Trường Sơn. Họ luôn phải sống trong gian khổ, nhiệm vụ khiến họ phải đối mặt với cái chết. Vậy mà họ vẫn hồn nhiên trong sáng, dũng cảm và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Trước hết hoàn cảnh sống, chiến đấu nơi tuyến lửa đã gắn bó nhau thành một khối, họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm tức là nơi tập trung nhất, bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Nơi ở của họ có biết bao thương tích "đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn, hai bên đường không có lá xanh chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”. Chỉ với vài chi tiết miêu tả cũng đủ khiến người đọc hình dung được cuộc sống ở nơi đây đang bị hủy diệt tàn khốc. Hoàn cảnh sống của ba nữ thanh niên xung phong khiến ta liên tưởng đến hoàn cảnh sống và chiến đấu của những chiến sĩ lái xe mà ta bắt gặp trong thơ của Phạm Tiến Duật.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”
Không những thế công việc của họ lại càng ngày càng nguy hiểm, họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình dưới con mắt "cú vọ của giặc Mỹ”. Sau mỗi trận bom họ phải lao ra trọng điểm để "đo khối lượng đất đá, san lấp mặt đường, đánh dấu vị trí những quả bom chưa nổ nếu cần thì phá bom”. Đó là một công việc nguy hiểm có khi cận kề với cái chết, “thần chết là một tay không thích đùa, hắn ta lẩn trong ruột của những quả bom”, làm công việc ấy thần kinh ta luôn căng thẳng đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và sự bình tĩnh: "có ở đâu như thế này không thần kinh căng như chảo, tim đập bất chấp nhịp điệu, xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ, nó có thể nổ bây giờ, có thể nổ chốc nữa nhưng nhất định sẽ nổ”. Có thể nói công việc vô cùng nguy hiểm nhưng với các cô thì đây là việc hết sức bình thường.
Chính trong hoàn cảnh gian khổ ác liệt ấy những phẩm chất đáng quý của các cô gái dần được bộc lộ. Trước hết họ đều có những phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong ở tuyến đường trường Sơn, đó là tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ và lòng dũng cảm không sợ hy sinh. Theo tiếng gọi của Tổ Quốc họ phải lên đường và khi đã lên đường là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ với họ những ai phải ngồi trực điện thoại trong hang là một cực hình, có bao nhiêu trái bom chưa nổ họ không cần ai giúp à phân công nhau phá cho hết "tôi một quả bom trên đồi, Nho hai quả bom dưới lòng đường, chị Thao một quả dưới chân cái hầm Barie cũ. Đặc biệt tinh thần dũng cảm của các cô gái trẻ được bộc lộ rõ nét trong những lần phá bom. Mặc dù không phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù nhưng các cô phải đối mặt với thần chết do kẻ thù ném bom xuống. Trong những lúc như vậy họ đã suy nghĩ gì và làm như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ? chiến thắng thần chết”. Bản thân vốn là nữ thanh niên xung phong nên Lê Minh Khuê tỏ ra am hiểu sâu sắc, miêu tả cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ của ba nữ thanh niên xung phong trong truyện. Nhất là Phương Định, trong một lần phá bom, một mình Phương Định phá quả bom trên đồi quang cảnh vắng lặng đến phát sợ, lẽ ra Phương Định phải đi khom người nhưng sợ các anh cao xa có cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt nhìn thấy từng hành động cử chỉ của mình nên Phương Định cứ : "đàng hoàng mà bước tới "và thế là lòng dũng cảm của cô đã được kích thích bằng sự tự trọng. Khi đến gần quả bom, từng cảm giác của cô cũng trở nên sắc nhọn hơn, cô bình tĩnh trong các thao tác chạy đua với quả bom "thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào vỏ bom một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí, vỏ quả bom nóng một dấu hiệu chẳng lành "Thế nhưng Phương Định vẫn không hề run tay, vẫn tiếp tục công việc "tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào châm ngòi, dây mìn dài cong mềm. Tôi cuốc đất rồi chạy vào chỗ ẩn nấp của mình, cuối cùng là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Điều đáng chú ý là công việc khủng khiếp không chỉ diễn ra một lần trong ngày mà nó diễn ra thường xuyên "quen rồi một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần ngày nào ít cũng 3 lần. Những lúc phá bom Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng đó chỉ là một cái chết mờ nhạt không cụ thể cái chính là bom có nổ hay không. Đó chính là tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, là lòng quả cảm vô song, một ngày trong những năm tháng trường Sơn của các cô là như vậy. Những trang sử Trường Sơn không thể quên đi một ngày như thế, không chỉ có lòng dũng cảm trong công việc họ còn gắn bó với nhau trong tình đồng đội. Điều này được thể hiện sâu sắc trong một lần phá bom Nho bị thương Phương Định và chị Thao đã chăm sóc cho Nho như một người em gái. Phương Định "tôi bế Nho lên, rửa vết thương cho Nho bằng nước đun sôi, tiêm thuốc cho Nho”, còn chị Thao lo cuống cuồng không chỉ vậy với Phương Định mỗi lần đồng đội đi làm nhiệm vụ ở ngoài cao điểm là cô lo lắng và căng thẳng. Đặc biệt cô dành tình cảm yêu mến khâm phục những chiến sĩ hàng đêm cô gặp trên con đường ra mặt trận đối với cô: những người đẹp nhất thông minh, can đảm, cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ.
Mang vẻ đẹp của những chiến sĩ thanh niên xung phong ở họ còn có những nét chung rất đáng yêu của những cô gái trẻ dễ xúc cảm, mơ mộng, trong sáng. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay trong hoàn cảnh ác liệt: Nho thích ăn kẹo, chị Thảo thích chép bài hát, thích thêu thùa, còn Phương Định thích ngắm mắt mình trong gương và ngồi bó gối mơ màng và chỉ cần mưa đá thoáng qua cũng khiến họ vui thích cuống cuồng, những niềm vui của con trẻ. Những cảm xúc hồn nhiên ấy như nguồn sống, như điểm tựa giúp họ thêm vững vàng để họ vượt qua những khó khăn gian khổ.
Dù sống trong một tập thể nhỏ rất gắn bó với nhau nhưng mỗi người vẫn có một nét cá tính. Nho có nét trẻ trung xinh xắn "trông nó mát mẻ như một que kem trắng" đồng thời cũng rất hồn nhiên. "Nho thích tắm suối, dù biết khúc suối ấy đang có bom nổ chậm" hồn nhiên nhưng cô vẫn rất kiên định dũng cảm khi Nho bị thương không hề rên la, không muốn đồng đội phải lo lắng cho mình. Còn Phương Định là cô gái thành phố rất nhạy cảm và hay quan tâm đến hình thức của mình. Đặc biệt cô thường sống với những kỉ niệm vì thế khi trận mưa đá thoáng qua là tất cả những kỉ niệm về gia đình, về thành phố thân yêu sống dậy trong lòng cô một cách say sưa tràn đầy. Cuối cùng chị Thao là đội trưởng từng trải hơn, không còn hồn nhiên như hai người đồng đội nhưng cũng không thiếu những khát khao những rung động tuổi trẻ. Chị chiến đấu dũng cảm nhưng lại rất sợ khi nhìn thấy máu, thấy vắt.Những nét riêng đó làm cho nhân vật hiện lên một cách sống động và đáng yêu hơn hơn.
Có thể nói ngòi bút của Lê Minh Khuê rất thành công trong việc làm nổi bật vẻ đẹp của những nữ thanh niên xung phong. Điều đầu tiên là tác giả đã chọn một trong ba nhân vật là Phương Định kể lại câu chuyện làm cho nó vừa chân thật nhưng cũng hết sức khách quan. Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất xuất sắc.
Như vậy, bằng việc chọn ngôi kể thứ nhất, khắc học nhân vật qua lời nói, hành động đồng thời sự am hiểu tâm lý nhân vật Lê Minh Khuê đã khắc họa tâm hồn trong sáng hồn nhiên và tính cách của Nho, Phương Định và chị Thao – những nữ thanh niên trong truyện: "những ngôi sao xa xôi”. Qua họ Lê Minh Khuê đã giúp người đọc hình dung rõ vẻ đẹp của thế hệ trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ sống chiến đấu đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng lạc quan dũng cảm. Họ tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Bài văn mẫu 6
Trong đội ngũ cả dân tộc ra trận thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có sự góp mặt của một "binh chủng" đặc biệt: Thanh niên xung phong. Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nối liền Bắc - Nam, lực lượng thanh niên xung phong có một vai trò hết sức quan trọng: tham gia mở đường, phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm cho con đường huyết mạch ấy luôn được thông suốt cho những đoàn quân, đoàn xe ra trận. Viết về Trường Sơn, không thể thiếu hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong - bởi chiếm số đông trong lực lượng này là nữ thanh niên. Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã ghi lại được nhiều hình ảnh đẹp, chân thực, cao cả của các cô gái thanh niên xung phong, trong thơ Phạm Tiến Duật (Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây; Gửi em, cô gái thanh niên xung phong), Lâm Thị Mỹ Dạ (Khoảng trời - hố bom), Nguyễn Đình Thi (Lá đỏ), truyện ngắn của Đỗ Chu (Ráng đỏ), tiểu thuyết của Đào Vũ (Con đường mòn ấy)... Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê góp thêm những chân dung đẹp, chân thực và sinh động vào loại hình tượng nhân vật khá quen thuộc ấy của văn học một thời.
Truyện kể về cuộc sống và công việc thường ngày của một tổ trinh sát mặt đường gồm ba cô gái thanh niên xung phong tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì thường xuyên phải chạy trên cao điểm, giữa ban ngày và máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào. Họ ở trong một cái hang, dưới chân cao điểm, tách xa đơn vị. Cuộc sống của ba cô gái ở nơi trọng điểm giữa chiến trường dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là rất gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội dù mỗi người một cá tính.
Cũng như nhiều tác phẩm văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, truyện "Những ngôi sao xa xôi" đã làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng và vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng điều gì làm nên sức hấp dẫn riêng của truyện ngắn này, và cũng là đóng góp riêng của tác giả? Theo tôi, đó là nghệ thuật trần thuật và miêu tả tâm lí nhân vật.
Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất - nhân vật xưng tôi, Phương Định, cũng là một nhân vật chính. Lựa chọn cách kể như vậy, mọi hình ảnh và sự kiện, con người ở nơi trọng điểm ác liệt của chiến tranh sẽ được hiện lên qua cái nhìn và thái độ của chính người trong cuộc. Đồng thời, cách kể ấy cũng tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm nhân vật qua những độc thoại nội tâm. Nhưng lựa chọn cách trần thuật này cũng là một thử thách không dễ với tác giả, vì người viết phải thực sự am hiểu nhân vật của mình và có khả năng hóa thân cao độ vào nhân vật xưng "tôi" trong truyện. Tác giả Lê Minh Khuê có thể làm được điều đó, thậm chí đã nhập vai nhân vật Phương Định một cách thuần thục, bởi vì nhà văn đã từng sống cuộc sống của những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
Sự lựa chọn vai kể như trên đi liền với một đặc điểm nữa trong nghệ thuật trần thuật của truyện. Đó là mạch truyện được triển khai theo dòng tâm trạng của nhân vật kể chuyện, không theo trình tự thời gian sự kiện, mà thường đan xen giữa hiện tại và hồi tưởng quá khứ. Có thể coi, đó là kiểu cốt truyện tâm lý. Riêng ở phần cuối, truyện được kể tập trung vào sự kiện một lần phá bom của tổ trinh sát, rồi Nho bị thương, và đoạn kết là cảnh các cô gái hồn nhiên, háo hức trước một cơn mưa đá đến bất chợt giữa vùng trọng điểm.
Thống nhất với sự lựa chọn vai kể như trên, truyện đã có một thứ ngôn ngữ và giọng điệu rất phù hợp với nhân vật. Truyện thường dùng các câu ngắn, loại câu kể xen với câu tả và cách diễn đạt rất gần với khẩu ngữ. Ví dụ đây là lời nhân vật Phương Định kể về công việc của các cô: "Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải là chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom". Mối hiểm nguy và sự căng thẳng luôn phải đối mặt với cái chết đã được các cô gái cảm nhận với sự bình tĩnh, không chút sợ hãi, qua cái giọng bình thản pha một chút hóm hỉnh, nhưng vẫn rất tự nhiên, không hề lên gân, cao giọng. Đấy đúng là ngôn ngữ của tuổi trẻ ở giữa chiến trường. Chúng ta nhớ đến chi tiết về cô thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật: "Em ở Thạch Kim sao lại đùa anh nói là Thạch Nhọn... Cái miệng em ngoa cho chúng bạn cười giòn".
Truyện có ba nhân vật: Phương Định, Nho và Thao. Ba cô gái có nhiều nét giống nhau và họ là một tập thể nhỏ rất gắn bó, yêu thương nhau. Nhưng mỗi nhân vật vẫn là một cá tính, và đó chính là thành công của tác giả trong xây dựng nhân vật.
Ba cô gái từ những miền quê khác nhau đến với con đường Trường Sơn, tại một vùng trọng điểm ác liệt và ở họ đều hình thành những phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong: Tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hy sinh, tình đồng đội gắn bó. Ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ: dễ xúc cảm, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ trầm tư. Họ cũng thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường (Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ mộng và hát). Trong ba người thì Nho và Phương Định trẻ hơn nên cũng hồn nhiên và giàu mơ mộng, còn chị Thao lớn tuổi hơn nên những mơ ước và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Người tổ trưởng ấy chiến đấu rất dũng cảm, chỉ huy rất kiên cường nhưng lại rất sợ khi phải nhìn thấy máu và còn sợ cả vắt nữa. Phương Định là nhân vật kể chuyện, đồng thời cũng là nhân vật trung tâm của truyện. Ở nơi trọng điểm ác liệt, hàng ngày giáp mặt với hiểm nguy và cái chết, chiến đấu dũng cảm, nhưng ở cô vẫn không mất đi sự hồn nhiên, nhạy cảm, tâm hồn trong sáng và nhiều mơ mộng. Cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá: "Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá, hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!". Cô biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô thấy vui và cả tự hào, nhưng chưa dành riêng tình cảm cho một ai. Nhạy cảm, nhưng cô lại không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo giữa đám đông, tưởng như là kiêu kỳ. Phương Định là cô gái hồn nhiên, hay mơ mộng và thích hát ("Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bị lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình, Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng").
Bài văn mẫu 7
Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn nữ trẻ, tiêu biểu trưởng thành từ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với sở trường là truyện ngắn và truyện vừa. Đề tài chính của bà trong giai đoạn trước giải phóng thường tập trung vào cuộc sống chiến đấu đầy máu và lửa của các thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, những con người trẻ tuổi luôn lạc quan yêu đời và có tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất của bà về đề tài “chiến tranh cách mạng-lực lượng vũ trang”, cũng là tác phẩm đầu tay được Lê Minh Khuê viết khi chưa đầy 20 tuổi đời. Trong tác phẩm này bà đã tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc với độc giả, tuy tuổi đời còn trẻ, trải nghiệm chưa nhiều thế nhưng ngòi bút của bà lại khá sắc sảo trong việc đi sâu và khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý của các cô gái trẻ trên chiến trường miền Nam ác liệt. Mà có được điều đó chắc cũng bởi lẽ chính bản thân bà cũng là một nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Khi đọc Những ngôi sao xa xôi khoan nói đến những khốc liệt và mất mát trong chiến tranh, mà chủ yếu vẫn là vẻ đẹp của ba cô gái Phương Định, chị Thao và Nho, ở họ có những nét chung nhất định nhưng cũng có những vẻ đẹp của riêng mình làm nổi bật lên tâm hồn phong phú của những đóa hoa kiên cường trên cao điểm của chiến trường miền Nam những năm 70 thế kỷ trước.
Về điểm chung, cả ba cô gái Phương Định, chị Thao và Nho đều là những cô gái trẻ tuổi, tiêu biểu cho lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt lúc bấy giờ. Họ có một cuộc sống và chiến đấu vô cùng khắc nghiệt và vất vả, ba chị em cùng chung sống trong cái hang dưới chân một cao điểm, môi trường sống cực kỳ thiếu thốn và nguy hiểm, thiết nghĩ rằng đó không phải là nơi để dành cho những con người trẻ tuổi sống, đặc biệt là những cô gái tuổi còn đôi mươi. Bởi chứng kiến những cảnh hoang tàn, đổ nát thôi cũng đủ khiến người ta thấy chán chường, đường thì bị bom đánh cho lở loét, hai bên đường không có lá xanh, thân cây bị bom đạn tước khô cháy cả, thùng xăng, thành ô tô hư hỏng vùi trong đất,... Và công việc của những cô gái này cũng không phải là những công việc đơn giản, nó đòi hỏi ở các nữ thanh niên xung phong sự dũng cảm, gan dạ và nhạy bén,“Khi có bom nổ, thì chạy lên đo khối lượng, lấp đất vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là công việc có rủi ro vô cùng lớn, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, có có thể sẽ hy sinh hôm nay, ngày mai, hay một ngày nào đó vì mảnh bom nổ, vì súng đạn của máy bay trinh sát giặc,... không ai biết được. So với việc khắc họa tâm lý nhân vật thì Lê Minh Khuê có lẽ không có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn khi viết về chiến tranh, thế nhưng bằng những trải nghiệm thực tế của mình, tác giả cũng đã đưa vào tác phẩm nhiều phân đoạn chân thực và đắt giá về chiến trường. Ở đó trong từng trang văn dường như ta cảm nhận được cả những hơi thở nóng rực, sự khẩn trương gấp gáp đang dội về trong tâm hồn các cô gái, cái cảm giác hồi hộp khi “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, “thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu”, mà Phương Định cũng vừa nghiêm túc vừa tếu táo rằng “ban ngày chạy trên cao điểm không phải là chuyện chơi.
Thần chết là một tay không thích đùa”. Đặc biệt là trong công việc phá bom, công việc đã trở thành thói quen, một ngày các cô phá ít nhất 3 trái, nhiều là 5 trái bom, đó là công việc không thể tưởng tượng được trong thời bình, nhưng với 3 cô gái, đó lại trở thành công việc thường ngày, thậm chí nó lại còn có cái “thú” riêng, cái “thú” của sự mong manh giữa sống và chết. Tuy rằng Lê Minh Khuê chỉ tập trung khắc họa tâm lý của nhân vật Phương Định khi phá bom, nhưng đó cũng lại chính là điểm chung của cả ba cô gái: Sự tập trung, khéo léo, tinh thần thép và cả sự chuẩn bị cho cái chết của mình. Thông qua những chi tiết về công việc trên chiến trường ấy, chúng ta có thể nhận định rằng, ở trong cả ba cô gái đều hiện lên những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đó là tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn và lý tưởng cách mạng sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Các cô gái ấy không sợ cái chết, họ chỉ sợ bom không nổ, đường không được lấp nguyên vẹn, họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp để giữ cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch được thông suốt. Đặc biệt không chỉ đẹp ở lý tưởng cách mạng, vẻ đẹp của họ còn nằm ở tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống và chiến đấu. Phương Định, chị Thao và Nho, họ không cầm súng trực tiếp giết giặc, nhưng họ cũng lại là những con người trực tiếp đối mặt với nhiều nguy hiểm, cùng lúc gánh trên vai cả hai vai trò tiền tuyến và hậu phương đầy vất vả và khó khăn, thế nhưng họ vẫn tươi trẻ, yêu đời, sống một tuổi 20 đáng sống hơn bao giờ hết.
Đó là trong chiến đấu, còn trong cuộc sống thường ngày họ cũng có những nét chung giản dị và đáng yêu. Cả Phương Định, chị Thao và Nho đều là những cô gái Hà thành, rời quê hương đến với lý tưởng cách mạng ở cái tuổi đẹp nhất đời người, dấn thân vào nguy hiểm, sống cuộc sống sinh tử chỉ cách nhau một bức màn thế nhưng ở họ vẫn hiện lên những nét đẹp hồn nhiên và trong sáng. Họ đều là những cô gái ham vui, ham sống, tâm hồn nhạy cảm, mau vui mau buồn như nhiều cô gái khác, có thể mới trước đó họ còn đang sợ hãi, xúc động vì đồng đội bị bom vùi, người đầy thương tích. Thế nhưng ngay sau đó chỉ bằng một cơn mưa đá bất chợt, cả ba cô gái, người quên đau, người quên sợ lại bắt đầu hò reo sung sướng như những đứa trẻ, nhặt nhạnh từng hòn nước đá để nghịch ngợm. Không chỉ hồn nhiên, tươi sáng mà họ còn là những cô gái mang nét đẹp dịu dàng, sự mơ mộng, tâm hồn thiếu nữ như nhiều các cô gái phố thị khác, chị Thao yêu âm nhạc, thích chép lời bài hát, thích mặc áo ngực có thêu chỉ màu sặc sỡ, Nho ưng làm công việc tinh tế tỉ mỉ như thêu thùa, lại thích ăn ngọt, còn Phương Định thì thích ngắm mình trong gương, thích hát hò,... Điểm chung lại, có thể thấy rằng dẫu chiến trường ác liệt, cuộc sống muôn ngàn khó khăn vất vả thế nhưng các cô gái vẫn giữ cho mình những nét đẹp tâm hồn nguyên thủy và đời thường nhất, bộc lộ khao khát mãnh liệt về một cuộc sống hòa bình, tự do, không còn bom đạn, chiến tranh, niềm mơ ước về cuộc sống tươi sáng, bình yên trên quê hương.
Tuy có nhiều điểm chung, nhưng mỗi cô gái lại cũng có những điểm riêng làm nên vẻ đẹp tâm hồn cá nhân. Ở nhân vật Phương Định, nhân vật dẫn truyện - “tôi”, cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cô hiện lên trong tác phẩm thông qua các nghĩ, cách nhìn nhận về chiến trường, về công việc “trinh sát mặt đường”, và thông qua cả những hồi ức về quê hương, về mẹ. Định là một cô gái Hà thành bước chân vào chiến trường, cô có một quá khứ học sinh ngây thơ hồn nhiên, từng được sống vui vẻ vô tư những ngày trước chiến tranh. Thông qua giọng kể chuyện, có thể nhận thấy rõ rằng Phương Định dù trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt nhưng nàng vẫn giữ cho mình một tâm hồn vui tươi, trong sáng, sự tếu táo xen lẫn sự nghiêm túc. Đặc biệt nét riêng nhất ở nhân vật này chính là sự tự tin, phóng khoáng và chút kiêu kỳ của một người con gái có nhan sắc. Phương Định trong truyện không phải là một cô gái có nhan sắc thật mỹ miều như cô Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, nhưng ở nàng lại có những nét đẹp lãng mạn, duyên dáng như “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, đôi mắt có cái nhìn xa xăm cuốn hút. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm một bông hoa hiếm giữa chiến trường đầy ác liệt này. Phương Định tự tin và ý thức rất rõ về vẻ đẹp của bản thân, cô thường ngắm mình trong gương, cũng tỏ vẻ lạnh lùng xa cách mỗi khi có mấy anh lái xe ghé lại hỏi thăm chị em, đó là cái kiêu hãnh của một cô gái trẻ tuổi, xuân sắc và chưa dành trái tim cho ai. Bên cạnh những điểm nhấn về ngoại hình, thì Lê Minh Khuê tập trung nhiều hơn vào vẻ đẹp trong đời sống nội tâm của nhân vật. Định có một tâm hồn trong sáng, mơ mộng, trẻ thơ, giữa chiến trường nhưng cô luôn ôm ấp những giấc mơ, những ký ức về Hà Nội thân thương, về người mẹ tảo tần, cơn mưa đá bất chợt đã đưa chị về những cảnh tượng bình yên nơi quê nhà, bầu trời, mái nhà, cánh cửa sổ, bóng mẹ, chiếc xe chở đầy kem, hoa công viên, tiếng trẻ con đá bóng, tiếng rao của bà bán xôi, ánh sáng đèn điện,... Tất cả những hồi ức tươi đẹp ấy đã mang đến cho tâm hồn Phương Định sự bình yên, làm dịu đi cái ác liệt ghê gớm của tiếng bom nổ, đạn rơi, của những cảnh tượng tan tành nơi chiến trường. Đồng thời nó cũng bộc lộ niềm khao khát, ước mơ về một cuộc sống thanh bình, tốt đẹp, tình yêu, sự gắn bó tha thiết với gia đình với quê hương của Định. Bên cạnh sự mơ mộng, hồn nhiên thì Phương Định còn mang những vẻ đẹp của sự kiên cường, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Trong khi phá bom Phương Định từng nghĩ đến cái chết của mình, nhưng điều cô lo hơn cả là nếu bom không nổ phải làm sao để dẫn mìn một lần nữa. Định là một cô gái gan dạ, nhưng cũng có lúc cô lo lắng, sợ hãi, lo lắng nhưng nghĩ đến xung quanh có đồng đội đang chờ đợi, còn có ánh mắt của các anh cao xạ đang dõi theo nàng lại trở nên bình, dáng lưng thẳng tắp đến chỗ có quả bom. Khi đào bom lưỡi xẻng chạm vào quả bom một tiếng sắc lạnh, vỏ quả bom nóng, đó là dấu hiệu chẳng lành, nhưng Phương Định không ngừng tay cô lại càng thao tác nhanh hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời Phương Định cũng là một người có kinh nghiệm, cẩn thận trong công việc. Đối với đồng đội Phương Định là một người có cái nhìn khách quan, yêu thương và gắn bó với mọi người, khi đồng đội đi phá bom chưa về lòng Định nóng như lửa đốt, lo lắng thậm chí gắt vào điện thoại với cả chỉ huy. Khi Nho bị thương, Phương Định không có nhiều kinh nghiệm như chị Thao để nhận biết, nhưng lại là người biết phối hợp moi đất, cứu đồng đội thay chị Thao chăm sóc Nho vì chị sợ máu. Phương Định trở thành một cô gái tỉ mỉ, thạo việc cẩn thận băng bó cho Nho, rồi tiêm cả thuốc giảm đau cho cô bạn. Thêm nữa Phương Định cũng là một cô gái bay bổng, phóng khoáng thích hát, cô hát được nhiều loại nhạc, đặc biệt là những khúc quân hành, điều đó đã bộc lộ trong lòng cô những niềm yêu thương, ngưỡng mộ và lý tưởng cách sâu sắc.
Về Nho trong tác phẩm, trong cái nhìn của Phương Định Nho là một cô gái ngây thơ hồn nhiên như một đứa trẻ con, có tâm hồn ăn uống, đòi ăn kẹo ngay cả khi mới tắm từ suối lên áo quần còn ướt. Đối với Phương Định Nho “trắng và tròn như một que kem mát lạnh” mang đến cho người cảm giác trong sáng, thanh khiết và ngọt ngào, khiến người ta chỉ muốn yêu thương, che chở. Với cách nhìn của nhân vật chính có lẽ Nho là cô gái trẻ tuổi nhất trong cả ba người, thế nhưng so về tuổi đời chinh chiến thì nàng cũng chẳng kém cạnh gì hai người chị, cô cũng là người có kinh nghiệm phá bom mấy quả một ngày. Trong lúc không may hầm bị bom nổ sập, Nho bị thương ở cánh tay, dù đau đớn thế nhưng cô chưa từng than một tiếng, giọng nói đầy kiên cường, phóng khoáng “Không chết đâu! Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến nhiều lo lắng. Ơ cái bà này này sao bà cứ cuống quýt lên vậy?”. Rõ ràng Nho cũng là một người có suy nghĩ trưởng thành, không muốn vì bản thân mà để ảnh hưởng đến người khác, hơn thế nữa nàng cũng nhận thức được vết thương này chẳng có đáng là gì, đối với một thiếu nữ như Nho, đó là sự mạnh mẽ, gan góc hiếm có. Bên ngoài vẻ vô tư, hồn nhiên, phóng khoáng thì Nho cũng hiện lên với dáng vẻ đầy nữ tính khi nàng thích thêu thùa, một công việc yêu cầu sự tỉ mỉ và đức tính kiên nhẫn.
Cuối cùng là chị Thao, chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm, có kinh nghiệm sống và chiến đấu nhiều nhất. “Trong công việc ai cũng gờm chị: cương quyết và táo bạo!”, chị Thao là người có tinh thần kiên định, bình tĩnh và nhạy bén nhất nhóm, thậm chí Phương Định còn có nhận xét rằng “những khi biết rằng cái gì sắp tới sẽ không yên ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực”. Có lẽ đó là dáng vẻ của một người trưởng thành, từng trải, kinh qua nhiều sự tích ghê gớm, nên mấy quả bom nổ rầm trời, hoặc sự im ắng khác thường của máy bay địch đã nằm trong dự liệu và chị biết có chuyện gì sẽ xảy ra, thành thử chị cũng không cảm thấy lạ, vẫn ăn bánh và sinh hoạt như thường chờ nhiệm vụ. Tuy kiên cường, mạnh mẽ thế nhưng chị Thao cũng có những lúc yếu đuối, chị sợ vắt và máu. Chị đủ nhạy bén để nhận ra hầm của Nho bị sập, tức tốc chạy đến cứu đồng đội, thế nhưng thấy máu là chị lại trở nên sợ hãi, “nghẹn ngào, không nước mắt”. Đôi lúc thấy thương vì cái cách chị lúng túng đứng ngoài không biết làm gì, nhưng lại rất muốn được làm việc. Bên cạnh những nét tính cách trên chiến trường thì chị Thao cũng có những vẻ đẹp của một người con gái tuổi còn xuân, chị cũng ưa làm đẹp, nhưng làm đẹp cho mình một cách kín đáo khi thích mặc những chiếc áo ngực thêu đầy chỉ màu, hay tỉ mẩn tỉa lông mày thành một đường mảnh như cái tăm, cũng mơ mộng yêu âm nhạc, nhưng không thích hát mà thích chép lại lời bài hát vào cuốn sổ tay của mình.
Những ngôi sao xa xôi là một tác phẩm hay và đặc sắc khi viết về đời sống và chiến đấu trên chiến trường của các nữ thanh niên xung phong, mặc dù trước đó cũng có nhiều tác giả như Phạm Tiến Duật, Thúy Bắc hay Nguyễn Minh Châu viết về đề tài này, tuy nhiên Lê Minh Khuê vẫn để lại trong lòng độc giả nhiều dấu ấn. Có thể bà chưa có những cái nhìn đa diện và thực tế hơn về chiến tranh, thế nhưng riêng về việc khai thác, phân tích tâm lý nhân vật tác giả đã làm rất tốt. Hình ảnh những con người trẻ tuổi với vẻ đẹp lãng mạn cách mạng, anh hùng mang khuynh hướng sử thi được dựng lại một cách tinh tế, chân thực và sâu sắc.
Bài văn mẫu 8
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê – một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm là bức tranh hiện thực về cuộc sống chiến đấu, từ đó nêu lên vẻ đẹp trong sáng của ba cô gái ở tổ trinh sát mặt đường trong kháng chiến chống Mỹ.
Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, tác giả để cho nhân vật xưng “tôi "kể về mình và đồng đội. Việc lựa chọn ngôi kể cũng góp phần làm nên thành công cho câu chuyện. Nhân vật vừa bộc lộ được những suy nghĩ cảm xúc của mình, vừa miêu tả những điều đang diễn ra, góp phần tạo nên một câu chuyện chân thực, mềm mại gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.
Tổ trinh sát mặt đường có ba cô gái là Phương Định, Nho, Thao. Họ còn rất trẻ, nhiều mơ mộng. Công việc chính của các cô là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom "– rất nguy hiểm và đòi hỏi ý chí cao. Nhưng ba cô gái ấy luôn hoàn thành tốt công việc. Công việc không hề đơn giản chút nào, luôn phải chạy trên cao điểm suốt cả ngày. Đôi lúc bị bom vùi về chỉ nhìn thấy hai con mắt lấp lánh, những lúc ấy họ thường gọi nhau bằng cái tên rất ngộ nghĩnh “những con quỷ mắt đen”. Bất chấp những khó khăn của công việc họ vẫn tìm được cho mình những niềm vui, lấp đi nỗi buồn khi nhớ về gia đình, bạn bè. Say mê ca hát, làm đẹp cho cuộc sống. Họ cũng giống như nhiều cô gái tuổi mới lớn khác. Mặc dù sống trong chiến tranh với những hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ vẫn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Và trong công việc họ là những người có tinh thần trách nhiệm, có lòng dũng cảm, không ngại hy sinh thân mình. Một ngày của các cô gái trẻ thường kết thúc khi “phá bom đến năm lần. Ngày nào ít : ba lần”. Với họ công việc không đơn giản là nhiệm vụ nữa, mà nó đã ăn sâu vào tâm trí, như một điều gì đó không thể thiếu. Hình ảnh Phương Định và Thao moi đất bế Nho lên khi hầm bị sập thật cảm động. Ở một nơi nguy hiểm, cái chết luôn cận kề nhưng trong họ vẫn có tình đồng đội thắm thiết, hơn thế nữa đó còn là tình chị em gắn bó trong một gia đình.
Cùng chung sống với nhau, nhưng ở mỗi người vẫn bộc lộ những tính cách riêng biệt. Thao là chị cả của nhóm, là người chỉ huy công việc. Không hiểu có phải vì lí do này hay không mà trong tác phẩm cô luôn hiện ra với vẻ bề ngoài cứng rắn, xử lý công việc một cách cương quyết, táo bạo. Có lỗ, do chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm nên suy nghĩ có phần thiết thực và những dự tính về tương lai rõ ràng hơn. Nhưng ẩn chứa sau vẻ cứng cỏi là trái tim giàu tình cảm. Chị luôn dành những công việc khó khăn về mình. Sở thích của chị thật giản dị, lúc rảnh rỗi chị thích chép lời bài hát, thậm chí chép cả những lời tự bịa ra. Qua nhân vật Thao, ta cũng thấy rõ được những khát khao trong công việc và những rung động của tuổi trẻ thời kháng chiến.. Không trầm tư như Thao, Nho là một cô gái hồn nhiên, thích được ăn kẹo, trắng trẻo và có vóc người nhỏ bé. Những hình ảnh trên cho người đọc hình dung ra một cô gái rất đáng yêu và vô tư. Nhưng trái lại Nho rất dũng cảm trong công việc. Đó là khi Nho bị thương, mọi người thì rất lo, còn Nho lại nói: “Không chết đâu, đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì khiến mọi người lo lắng”.
Cả ba nhân vật đều cho người đọc những cảm nhận riêng. Nhưng có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi cũng như đa số người đọc tác phẩm là cô gái tên Phương Định.
Là con gái Hà Nội, Định tự nhận là “một cô gái khá" với đôi mắt mà các anh lái xe thường nói : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm !”. Định có ý thức về mình, biết được có nhiều anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm hoặc đơn giản là “viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa hàng nghìn cây số”. Cô thấy vui vì mình được các anh yêu quý, nhưng với sự kín đáo của một cô gái Hà Nội, Định chỉ cất giữ ở trong lòng. Mặc dù với cô, người can đảm, thông minh nhất vẫn là những người mặc quân phục, có sao trên mũ. Cũng giống như Thao, Phương Định là người yêu âm nhạc, rất mê hát. Cô thích ngồi dựa vào thành đá và khẽ hát trong những buổi trưa im lặng. Đôi lúc buồn cô nghĩ vẩn. vơ về Hà Nội, về những ngày sống trong hòa bình cùng gia đình. Trong công việc, Định cũng không thua kém một ai cả. Bình tĩnh và tự chủ trong mọi tình huống. Vì cô biết là đâu đó có sự dõi theo của các anh cao xạ, nên sẽ không còn run sợ mà dũng cảm làm nhiệm vụ. Sống trong bom đạn, sự ác liệt của chiến tranh nhưng Định vẫn giữ được tâm hồn, nét đẹp trong sáng của một cô gái Hà Nội. Chính nhờ những điều ấy, nhân vật Phương Định đã thật sự tỏa sáng trong tác phẩm với hình ảnh của nữ thanh niên xung phong trong thời chiến.
Bài văn mẫu 9
Lê Minh Khuê đã từ một cô thanh niên xung phong chống Mĩ trở thành một nhà văn. Những tác phẩm đầu tay của chị ra mắt bạn đọc vào những năm 70 của thế kỉ XX đều viết về thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ. Từ năm 1975, các sáng tác của chị chủ yếu đề cập tới những vấn đề bức xúc của xã hội và con người với tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Nhà văn có sở trường viết về truyện ngắn với những trang miêu tả tâm lí phụ nữ rất tinh tế.
Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Cũng như bao sáng tác văn xuôi thời ấy, truyện ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong chiến tranh.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi kể về cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ và hiểm nguy của ba nữ thanh niên trẻ tuổi trên một cao điểm trong vùng trọng điểm. Tuy cuộc sống khó khăn thiếu thốn, công việc nặng nhọc hiểm nguy nhưng ba nữ thanh niên vẫn kiên cường bám sát và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở mỗi nhân vật có một tính cách riêng. trên đỉnh cao, họ luôn biết tự tạo niềm vui cho mình. Trận phá bom được miêu tả gây cấn, căng thẳng nhưng cuối cùng họ cũng phá được bom. Trong lần ấy, Nho bị thương và được đồng đội giúp đỡ, chăm sóc tận tình.
Cốt truyện rất đơn giản, truyện kể theo dòng ý nghĩ của nhân vật kể chuyện đan xen giữa hiện thực và quá khứ. Tác giả lựa chọn ngôi kể thứ nhất – nhân vật chính tự kể chuyện mình và hai đồng đội. Ngôi kể đó giúp tác giả miêu tả được sâu sắc thế giới nội tâm của nhân vật và dựng lại rất chân thực, sinh động cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hiểm nguy của thanh niên xung phong trên các tuyến đường mặt trận thời chống Mĩ.
Ba cô thanh niên xung phong làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Họ ở trong một cái hang dưới cao điểm, có con đường đi qua trước cửa hàng. Nhiệm vụ của họ là: “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Sau đó họ báo cáo cho đơn vị biết để đêm đến cả đơn vị thanh niên xung phong ra lấp hố bom thông đường cho xe chạy.
Cuộc sống và chiến đấu hằng ngày của họ: “Chúng tôi bị bom vùi luôn… Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu,…” → Nữ nhân vật chính tự kể nỗi khó khăn, vất vả, hiểm nguy của người thanh niên xung phong bằng lời kể chân thật, trẻ trung, giản dị, ngắn gọn.
Phương Định là cô gái Hà Nội, khá xinh “hai bím tóc dày, tương đối mềm mại, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, đôi mắt thì “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!. Cô rất thích hát, hát khá hay, nhạy cảm và hay mơ mộng. Tâm hồn trong sáng, chân thành và giàu tinh thần lạc quan.
Nho cũng rất trẻ, một cô gái nông thôn, nhỏ nhắn, tươi tắn, hay ăn kẹo, thích được vỗ về → Một cô gái giàu nữ tính, sống hồn nhiên hòa đồng.
Chị Thao lớn tuổi hơn một chút, là đội trưởng, từng trải và thiết thực hơn hai cô bạn, hát loạn nhạc nhưng thích chép bài hát, rất sợ máu nhưng lại quên mình lao ra cứu đồng đội, đau lòng khi đồng đội bị thương nhưng ghìm lòng không khóc → Một người chiến sĩ dũng cảm, giàu tình thương đồng đội và có tinh thần trách nhiệm.
Họ thích ngắm mình trong gương, rất tự hào khi được mọi người khen là xinh. Họ còn thích làm đẹp cho cuộc sống ngay cả trên chiến trường ác liệt.
Họ cùng chiến đấu rất dũng cảm: chưa tan khói bom đã lao ra, phơi mình dưới đồi quang làm nhiệm vụ. Họ thản nhiên khi bị nạn để động viên nhau vượt qua và có tình cảm đồng đội gắn bó sâu sắc. Họ sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng tinh thần rất dũng cảm, tâm hồn rất trong sáng, lạc quan.
Lê Minh Khuê đã thành công khi phản ánh về họ và nhờ ngòi bút miêu tả sinh động, các tình tiết chân thực, diễn tả một cách tự nhiên cử chỉ, ngôn ngữ, ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng các nhân vật.
Bài văn mẫu 10
Lê Minh Khuê là cây bút chuyên viết truyện ngắn, với ngòi bút miêu tả tinh tế, đặc sắc, nhà văn đã mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm ý nghĩa. Tiêu biểu phải kể đến tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi". Truyện đã làm nổi bật vẻ đẹp của ba cô gái xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
Về điểm chung, cả ba cô gái thanh niên xung phong đều sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Hàng ngày, họ phải canh "khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom". Công việc vô cùng hiểm nguy nhưng cả ba cô gái không bao giờ chùn bước mà luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Không chỉ tương đồng trong công việc, họ còn có những vẻ đẹp chung. Phương Định, Nho, chị Thao đều là những cô gái dũng cảm, yêu đời, thương yêu đồng đội của mình. Tất cả những điểm chung đó đều xuất phát từ lòng yêu nước tha thiết và phẩm chất đó tiêu biểu cho vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Tuy vậy, mỗi cô gái vẫn mang những vẻ đẹp tâm hồn riêng, tạo nên nét cá tính của chính mình. Đầu tiên, Phương Định nhân vật trung tâm của câu chuyện, đồng thời cũng là người kể chuyện. Cô vô cùng nhạy cảm, mơ mộng, hay nhớ về kỉ niệm. Những kỉ niệm đó sống lại trong trái tim Phương Định ngay giữa chiến trường ác liệt. Dù chỉ là một trận mưa đá vụt qua cũng thức dậy trong cô những suy ngẫm. Không chỉ vậy, đó còn là cô gái rất nữ tính, quan tâm đến hình thức. Phương Định tự nhận mình "là một cô gái khá", khi biết mình được nhiều người để ý, cô có thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì. Ngoài ra, Phương định còn vô cùng hồn nhiên, yêu đời. Điều đó được thể hiện ở việc, cô thuộc rất nhiều bài hát, thậm chí tự bịa ra mà hát. Ở dưới cơn mưa đá cô "vui thích cuồng cuồng", say sưa tận hưởng cơn mưa như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ. Đặc biệt, ở Phương Định chúng ta còn thấy sáng ngời tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ. Nơi chiến trường đầy bom Mỹ, cái chết có thể đến bất cứ khi nào nhưng cô luôn sẵn sàng cho việc ra trận địa. Đương nhiên Phương Định có nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua rất nhanh rồi nhường chỗ cho câu hỏi "làm thế nào để phá được bom". Dù chiến trường có khốc liệt, Phương Định vẫn tỏa sáng phẩm chất anh hùng, cống hiến vì lí tưởng bảo vệ Tổ Quốc.
Còn với nhân vật Nho cô là em út của nhóm. Trong cuộc sống, cô có tính tình ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ thích ăn kẹo. Nhưng trong công việc, cô lại dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao. Khi bị thương, cô không khóc lóc, than thở mà trấn an đồng đội bởi cô không muốn mọi người phải lo lắng.
Chị Thao là chị cả, chỉ huy tổ trinh sát mặt đường. Chị rất chăm chút cho ngoại hình của mình: "hay tỉa lông mày nhỏ như cái tăm", "áo lót thêu chỉ màu". Trong cuộc sống, chị thích hát và thích chép bài hát. Trong quan hệ với đồng đội, chị luôn yêu thương, quan tâm mọi người. Khi Nho bị thương, chị vuốt ve, chăm sóc. Những hành động đó không phải là nghĩa vụ mà đều xuất phát từ tình cảm yêu thương, gắn bó với nhau. Ngoài ra, trong công việc, chị cương quyết, táo bạo, bình tĩnh. Khi chị nói, tất cả mọi người đều nghe và thực hiện theo, nhất là những lần phân công công việc hoặc khi phá bom.
Qua tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi", nhà văn Lê Minh Khuê đã làm nổi bật những nét chung và riêng về các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những cô gái hồn nhiên, yêu đời, lạc quan, dũng cảm, luôn đặt nhiệm vụ lên trên lợi ích cá nhân. Truyện ngắn như gieo vào lòng người đọc tình yêu nước nồng nàn, từ đó nhắc nhở mọi người về lòng biết ơn đối với những người có công với Tổ quốc.
Phân tích những nét chung và riêng của ba nữ thanh niên xung phong
Phân tích những nét chung và riêng của ba nữ thanh niên xung phong
Lê Minh Khuê là một trong những cây bút nổi bật của nền văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật những nét chung và riêng của ba nữ thanh niên xung phong với tâm hồn trong sáng, mơ mông, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu dáy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Truyện kể về ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao – tổ trưởng, làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Phương Định – nhân vật kể chuyện và cũng là nhân vật chính là một cô gái giàu cảm xúc, hay mơ mộng, hồn nhiên và luôn nhớ về những kỷ niệm với gia đình và thành phố của mình.
Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã hết lòng lo lắng chăm sóc. Một cơn mưa đá bất chợt đến trên điểm cao khiến các cô hết sức vui thích
Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, họ phải bình tĩnh đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom – công việc diễn ra từ ba đến năm lần mỗi ngày. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Cuộc sống của ba cô gái dù là khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản thơ mộng và đặc biệt họ gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội dù mỗi người cá tính.
Họ đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà tuổi đời còn rất trẻ, thấm nhuần lý tưởng nên đã tạm xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà sự mất còn chỉ diễn ra trong nháy mắt.
Họ sống trên một cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung mất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, họ phải chạy ở trên cao cả ban ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch; sau mỗi trận bom, phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu những quả bom chưa nổ, phá bom. “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang.
Tuy ba cô gái mỗi người một cá tính, hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng họ đều có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong ở chiến trường.
Họ là những người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Ở đây đầy bom Mỹ. Cái chết có thể đến bất cứ khi nào nhưng để thông mạch giao thông luôn thông suốt nên các cô luôn vẫn sẵn sàng cho việc ra trận địa. Có những lúc họ nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên, nhưng điều ấy chỉ thoáng qua rất mờ nhạt nhường chỗ cho ý nghĩ làm thế nào để những quả bom kia phải nổ. Họ đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng của mình.
Họ là những chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, không hề run sợ trước bom đạn và cái chết. Các cô gái luôn sẵn sàng nhận việc phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị, dám đối mặt với thần chết mà không hề run sợ. Họ bất chấp hiểm nguy và sợ hãi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi ngày. Sau mỗi đợt bom đánh họ lại lao lên mặt đường làm nhiệm vụ. Không biết bao nhiêu lần họ bị bom vùi. Trong 3 người thì 2 người đã từng bị thương đó là Nho và Phương Định. Họ nói về cái chết nhẹ nhàng. Để rồi sau mỗi trận bom vượt qua cái chết họ lại hát say sưa những bài hát tươi vui.
Họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết, hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo. Dù không phải là chị em ruột thịt nhưng họ gắn bó với nhau thật thân thiết. Lúc nào họ cũng nghĩ về nhau, lo lắng cho nhau, cùng kề vai sát cánh trong nhiệm vụ, cùng vào sinh ra tử. Phương Đinh bồn chồn, lo lắng khi chờ Thao và Nho đi trinh sát bom trên cao điểm; khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với một niềm xót xa như chị em ruột thịt.
Quả thật, đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại,vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà cũng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống sinh hoạt.
Mỗi người một tính cách, một sở thích riêng đã tạo nên những nét riêng độc đáo trong vẻ đẹp tâm hồn ba nữ thanh niên xung phong.
Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”, cô “cái cổ tròn và những cúc áo nhỏ nhắn” rất dễ thương khiến Phương Định “muốn bế nó trên tay”. Nho lại rất hồn nhiên, vô tư. Đó là cái hồn nhiên, vô tư rất trẻ thơ: “vừa tắm dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo”; khi bị thương nằm trong hang vẫn nhổm dậy, xòe tay xin mấy viên đá mưa.
Chị Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn, mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu nhưng khát khao và rung động của tuổi trẻ. “Áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”. Tuy lớn tuổi nhưng chị vẫn luôn quan tâm đến hình thức của mình. Chị hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm, thêu cái áo ngực nhiều mùa. Nhưng trong công việc, ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo. Đặc biệt là sự “bình tĩnh đến phát bực” : máy bay địch đến nhưng chị vẫn “móc bánh quy trong túi, thong thả nhai”.
Có ai ngờ con người dày dạn trước sự sống và cái chết như thế lại sợ máu, sợ vắt: “thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Chị hát không hay nhưng hay hát: nhạc sai bét, giọng thì chua. Biết thế, chị chăm chép bài hát dù chẳng thuộc nhạc, giọng lại chua, chị không hát trôi chảy được bài nào nhưng chị lại có ba quyển sổ dày chép bài hát và rỗi là chị ngồi chép bài hát.
Phương Định cũng trẻ trung như Nho, là một cô học sinh thành phố. Cô là một cô gái xinh đẹp, tâm hồn nhạy cảm, giàu mơ mộng và suy tư. Cô hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình. Biết các chiến sĩ đội lái xe để ý mình nhưng cô hết sức né tránh. Cô dành cả tuổi thanh xuân cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, chưa từng nghĩ đến tình cảm lứa đôi. Thế nên, khi chị Thao và Nho hào hứng khi các anh đến thì cô lại đứng ra xa nghĩ ngợi.
Ở đoạn cuối truyện, sau khi trận mưa đá tạnh, là cả một dòng thác kỉ niệm về gia đình, về thành phố trào lên và xoáy mạnh như sóng trong tâm trí cô gái. Có thể nói đây là những nét riêng của các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội,rất trữ tình và đáng yêu.
Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng, những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.
Phân tích vẻ đẹp của nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi
Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên con đường đổi mới.
Truyện Những ngôi sao xa xôi ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Truyện viết về cuộc sống chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường, trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mĩ.
Ba nữ thanh niên xung phong làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ gồm có hai cô gái rất trẻ là Định và Nho, còn tổ trưởng là chị Thao, lớn tuổi hơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì thường xuyên phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày và máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đặc biệt, họ phải bình tĩnh đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom – mà công việc này diễn ra hàng ngày, thậm chí mấy lần trong một ngày. Họ ở trong một cái hang, dưới chân cao điểm, tách xa đơn vị. Cuộc sống của các cô gái ở nơi trọng điểm giữa chiến trường rất khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là họ rất gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính.
Ba cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn là những cô gái tuổi đời còn trẻ. Vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, họ đã không tiếc tuổi xuân chiến đấu, cống hiến cho đất nước.
Công việc của họ là trinh sát mặt đường gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Họ phải làm việc dưới mưa bom bão đạn, phải phá bom thông đường để những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam.
Họ mang lí tưởng chiến đấu để thống nhất Tổ Quốc nên đều giàu tinh thần trách nhiệm, coi thường gian khổ. Mỗi nhân vật có nét tính cách riêng nhưng họ yêu thương, lạc quan, có niềm tin vào tình yêu đất nước.
Ba cô gái, mỗi người mang vẻ đẹp riêng.
Phương Định là cô gái Hà Nội trẻ trung yêu đời. Cô thích ngắm mình trong gương, là người có ý thức về nhan sắc của mình. Cô có hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Đôi mắt màu nâu, dài dài, hay nheo nheo như chói nắng...
Phương Định là nhân vật kể chuyện xưng tôi đầy nữ tính. Cô đẹp nhưng không kiêu căng mà có sự thông cảm, hoà nhập. Cô thích hát dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Ý, đặc biệt hát bài Ca-chiu-sa. Cô có tài bịa lời cho những bài hát. Những bài hát về cuộc đời, về tình yêu và sự sống cất lên giữa cuộc chiến tranh ác liệt tôn thêm vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong có niềm tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc.
Người đọc vô cùng cảm phục cô ở sự dũng cảm. Hành động phá bom của cô cùng đồng đội đã góp phần thông mạch giao thông. Cảnh phá bom vừa hồi hộp, vừa căng thẳng, cho người đọc hình dung cuộc chiến tranh tàn khốc như thế nào nhưng cô vẫn bình tĩnh vì một ngày ít nhất các cô phải phá bom ba lần, đó là chuyện thường tình. Có lúc Phương Định nghĩ đến cái “chết” nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính liệu mìn có nổ, bom có nổ không?
Phương Định còn là cô gái dễ thương, hay xúc động. Chứng kiến cảnh trận mưa đá cô nhớ về Hà Nội, nhớ mẹ, nhớ cái cửa sổ, nhớ những ngôi sao, nhớ quảng trường lung linh... Những hoài niệm, kí ức dội lên sâu thẳm càng chứng tỏ sự nhạy cảm trong tâm hồn cô gái Hà Nội mơ mộng, lãng mạn, thật đáng yêu.
Bên cạnh đó, Lê Minh Khuê còn dành những lời kể khá ấn tượng về nhân vật Thao. Thao là cô gái lớn tuổi nhất trong nhóm, là đội trưởng tổ trinh sát mặt đường. Ở chị có những nét dễ nhớ ấn tượng. Chị cũng tỉa tót lông mày nhỏ như cái tăm, cương quyết, mạnh mẽ, táo bạo. Chị không sợ bom đạn, chỉ đạo công việc dứt khoát nhưng lại rất sợ máu và vắt.
Chị yêu thương đồng đội đúng vai trò của người chị cả. Khi Nho bị thương, chị rất lo lắng, săn sóc tận tình từng hớp nước, cốc sữa. Tình đồng đội sưởi ấm tâm hồn những cô gái lúc khó khăn nhất.
Chị Thao cũng thích hát dù hát sai lời và sai nhạc. Tiếng hát yêu đời, cất lên từ cuộc chiến tranh để khẳng định bản lĩnh, sức mạnh, niềm tin vào lí tưởng của thanh niên thời đại những năm chống Mĩ.
Nhân vật Nho xuất hiện trong thời điểm quan trọng của câu chuyện. Đó là lúc phá bom, khi ranh giới của sự sống và cái chết gần kề gang tấc. Nho nhỏ nhẹ, dịu dàng, duyên dáng “Trông nó nhẹ mát mẻ như một que kem trắng”.
Những phẩm chất cao đẹp của Phương Định, của Thao, Nho đã được khắc họa bằng sự am hiểu tâm lí giới tính của Lê Minh Khuê. Thành công về xây dựng nhân vật còn được đóng góp bởi ngôn ngữ trần thuật tự nhiên, hấp dẫn dưới ngôi kể thứ nhất, những câu ngắn, nhịp nhanh, giọng điệu gắn liền với ngôn ngữ đời thường, vừa trẻ trung vừa giàu nữ tính. Từng là thanh niên xung phong nên có lẽ Lê Minh Khuê mới hiểu biết sâu sắc công việc và đời sống tình cảm tâm hồn của những nữ thanh niên xung phong đến như vậy.
Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường của Định, Nho, của chị Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng.
Chiến tranh đã đi qua, hôm nay đọc truyện Những ngôi sao xa xôi, ta như được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước. Những Phương định gần xa vẫn tỏa sáng hồn ta với bao ngưỡng mộ.