Xanh mơn mởn hồn nhiên trên đồng, xanh trong trẻo thơm nồng ngai ngái, xanh mướt nức thơm mùi tỏi, ôi rau lang, món ăn bình dân giản dị mà đậm đà thấm đẫm hương quê.
Giờ đây cứ mỗi độ qua tết, ra giêng, khi những giò chả, bánh chưng, thịt gà, thịt đông, nem rán đã khiến người ta chững lại, thì những món bình dân như rau lang ấy lên ngôi. Cái thứ rau không ai mua trữ trong ngày tết, vì nó là thứ rau kén chọn với thời gian, chỉ cần hái khỏi thân, để lâu lâu chút là cành cuộng cứng sần sận lên, độ bùi ngọt giòn mềm bay đi mất.
Vậy nên qua mấy ngày tết không người thu hái, lại thêm nếu gặp tiết mưa xuân, thì ngọn lá cứ mướt xanh, thi nhau đua lên mơn mởn hơn hớn trong gió. Tầm ấy ra đồng lùa một lát đã có vài nẹn rau mềm mượt tứa nhựa tươi ròng, không thì ra chợ quê chợ phố, mớ rau lang buộc lạt khiêm nhường sẽ khiến bữa cơm gia đình sau tết như háo hức hơn.
Vì ngọn rau lang thường vươn lên cao hơn một chút so với thảm lá già nên rau ít lấm đất. Nước múc vào thau, khỏa đôi ba lần rồi vớt ra rổ, chờ nước sôi là thả rau vào, nêm vài hạt muối cho xanh, lật nhẹ chút cho đều, lửa phải to để nước trùm lên mặt rau, tay đũa phải nhẹ nhàng để tránh rau sượng, thời gian phải vừa độ để khi cuộng rau hơi xuội ra, chuyển từ xanh đục sang xanh trong là vớt ra đĩa rồi. Rót bát con nước mắm cốt, nêm chút mì chính, đập vài tép tỏi, gắp một đũa rau còn nghi ngút khói, người ăn nhạt thì chấm nhẹ tay, người ăn mặn như dân miền Trung quê tôi thì vùi non nửa hoặc cả gắp rau vào bát nước mắm mới đã, cái mặn tê tê đầu lưỡi do nước mắm sẽ tan nhanh khi bụm rau được cắn vỡ ra, vỡ ra ngọt bùi, vỡ ra thơm ngái, quấn vào nhau, quyện vào nhau.
Nếu bạn định làm món rau lang xào tỏi thì những món khác trong bữa cơm phải nấu trước, dọn sẵn mâm cơm, đập sẵn tỏi... Ngọn lang để xào chỉ luộc vừa tới, rồi phi tỏi cho thơm, thúc lửa cho to, cho rau vào đảo nhanh tay, nêm chút bột canh, cho nhắc lại chút tỏi đập dập băm nhỏ là nhấc ra khỏi bếp, trút ngay ra đĩa. Món này nếu dùng mỡ lợn để xào sẽ thơm hơn dùng dầu ăn. Người rành ăn trước khi nhấc chảo ra khỏi bếp còn chấm một đầu đũa mắm tôm lướt nhanh tay vào chảo rau, mùi vị cứ thế hân hoan cả lên, làm bấn loạn cả một vùng vị giác. Đưa đũa rau còn nghi ngút khói lên miệng, có gì lạ quá lan lên vòm mũi, dường như mùi của ký ức rưng rưng...
Ngày ấy ở miền Trung quê tôi, rau lang không phải là món ăn “đặc sản” như bây giờ. Người ta trồng cây khoai lang chủ yếu để thu hoạch củ làm lương thực cho người, còn rễ và thân cây dùng để nuôi lợn. Thế nhưng cái cây khoai lang thơm thảo chả từ cái gì trên thân thể cây mà con người không tận dụng, từ củ cho đến thân, rễ, ngọn, lá... Những ngày giáp hạt, rau lang nhiều khi trở thành bữa chính của nhiều gia đình. Những đứa trẻ tầm tuổi chúng tôi có nhiệm vụ ra đồng hái rau, nhà có ruộng trồng màu thì hái ngọn lang, đọt đỗ trên ruộng nhà mình, nhà không có ruộng hoặc không có đất trồng màu như nhà tôi thì chúng tôi... hái rau chùa.
Rau lang mang về luộc vớt ra rổ. Ngày ấy rau thường chỉ luộc, nhà nào có điều kiện mới có mỡ để xào. Một nồi cơm độn hoặc rổ khoai luộc, một rổ rau, mà có khi chỉ có mỗi rổ rau, thêm bát mắm cáy hoặc mắm tôm, thế là thành bữa. Phải người nội trợ cầu kỳ hơn, rau mang về nhặt để riêng chút lá bánh tẻ, ngọn để luộc, lá dùng nấu canh. Bát canh rau lang thời ấy không có thêm tôm khô như bây giờ, nhưng sao mà ngọt, mà thanh khiến người ta nhớ mãi.
Tôi nhớ sau vài lần rửa nước, bà dùng tay vò nhẹ từng chiếc lá rồi rửa lại một lần nước nữa cho phai nhựa, nẹn chặt rau lại, dùng dao mỏng thái thành từng sợi nhỏ, nước sôi thì nêm chút muối, cho rau vào đợi sôi bùng lên là nhấc xuống ngay, cho một thìa nhỏ mắm cáy vào khoắng đều. Rau không được tham rau, lửa không được lâu lửa. Tham rau là bát canh chuyển sang vị chát, lâu lửa sợi rau nát nhuyễn và bát canh chuyển sang màu xanh nhựa, hương bị nồng. Mắm nhút nêm cũng phải đúng cữ, vừa tay, nêm lúc trên bếp canh trở vị khai, nêm khi nguội bị tanh, nêm dư một chút bát canh sang vị gắt. Rõ ràng là cả trong thời đói kém, thì người quê tôi vẫn giữ cái nét ăn thanh nhã không xô bồ thô tạp, đâu cần phải sơn hào hải vị mới có điều kiện thể hiện sự thanh nhã, mà trong món ăn dân dã thì nét thanh nhã ấy cũng đã mặc nhiên lên tiếng rồi.
Giờ đây điều kiện sống đã khá hơn, người ta có thể xào rau lang với thịt bò, làm nộm rau lang, hoặc bát canh rau lang có thêm tôm khô nấu kèm. Nước chấm không chỉ mắm tỏi, mà cũng có thể chấm tương, xì dầu, mắm mẻ... Nhưng không phải ai cũng ưa những đổi thay đó, nhất là với những người quê đã từng qua đận đói những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Bởi khi cái ăn không chỉ để ăn mà còn để nhớ về một thuở, khi món ăn không chỉ là món ăn mà đã trở thành món ân tình.
Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản.
C2: Theo anh/chị , nhân bật "tôi" trong văn bản thể hiện tình cảm , cảm xúc gì? Hãy dẫn ra 1 số câu văn thể hiện rõ tình cảm , cảm xúc ấy.
C3:Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.
C4: Qua văn bản, em hiểu thêm gì về giá trị văn hóa dân tộc ?
1. Nội dung chính của văn bản là hương vị, cách chế biến, cách thưởng thức, cảm nhận, suy ngẫm của tác giả về rau lang
2. Nhân vật tôi thể hiện cảm xúc, tình cảm trân trọng món rau bình dị, dân dã của quê hương và trân trọng những kỷ niệm ăn rau lang đong đầy tình yêu thương bên gia đình
- ôi rau lang, món ăn bình dân giản dị mà đậm đà thấm đẫm hương quê.
- Đưa đũa rau còn nghi ngút khói lên miệng, có gì lạ quá lan lên vòm mũi, dường như mùi của ký ức rưng rưng...
- Những ngày giáp hạt, rau lang nhiều khi trở thành bữa chính của nhiều gia đình
- Bát canh rau lang thời ấy không có thêm tôm khô như bây giờ, nhưng sao mà ngọt, mà thanh khiến người ta nhớ mãi.
- Rõ ràng là cả trong thời đói kém, thì người quê tôi vẫn giữ cái nét ăn thanh nhã không xô bồ thô tạp, đâu cần phải sơn hào hải vị mới có điều kiện thể hiện sự thanh nhã, mà trong món ăn dân dã thì nét thanh nhã ấy cũng đã mặc nhiên lên tiếng rồi.
- Nhưng không phải ai cũng ưa những đổi thay đó, nhất là với những người quê đã từng qua đận đói những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
- Bởi khi cái ăn không chỉ để ăn mà còn để nhớ về một thuở, khi món ăn không chỉ là món ăn mà đã trở thành món ân tình.
3
Tác giả vừa kể lại những kỷ niệm, vừa thể hiện cảm xúc, tình cảm yêu thương của mình về những kỷ niệm ăn rau lang trong quá khứ.
Ví dụ:
- Khi kể về cách làm rau lang xào tỏi: Đưa đũa rau còn nghi ngút khói lên miệng, có gì lạ quá lan lên vòm mũi, dường như mùi của ký ức rưng rưng...
- Khi kể về kỷ niệm ăn rau lang bà nấu trong quá khứ: Rõ ràng là cả trong thời đói kém, thì người quê tôi vẫn giữ cái nét ăn thanh nhã không xô bồ thô tạp, đâu cần phải sơn hào hải vị mới có điều kiện thể hiện sự thanh nhã, mà trong món ăn dân dã thì nét thanh nhã ấy cũng đã mặc nhiên lên tiếng rồi.
- Khi hồi tưởng: Bởi khi cái ăn không chỉ để ăn mà còn để nhớ về một thuở, khi món ăn không chỉ là món ăn mà đã trở thành món ân tình.
4
Giá trị văn hóa dân tộc được thể hiện qua ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Giá trị văn hóa mãi mãi là tài sản vô giá, dù bình dị, mộc mạc nhưng trường tồn mãi mãi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!
Lớp 12 - Năm cuối ở cấp trung học phổ thông, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh, trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kỳ vọng của người thân xung quanh. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng nề. Hãy tin vào bản thân, mình sẽ làm được và tương lai mới đang chờ đợi chúng ta!
Copyright © 2021 HOCTAPSGK