Hướng dẫn soạn bài Con cò - Chế Lan Viên

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

CON CÒ

Chế Lan Viên

I. TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

1.Tác giả :                                                                                                                                                                            

  -  Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỉ XX. Thơ Chế Lan Viên có phong cách nghệ thuật rõ nét và độc đáo. Đó là phong cách suy tưởng triết lí, đậm chất trí tuệ và tính hiện đại.         

- Chế Lan Viên có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật xây dựng hình ảnh thơ. Hình ảnh thơ của ông phong phú đa dạng, kết hợp giữa thực và ảo,thường được sáng tạo bằng sức mạnh của liên tưởng, tưởng tượng, nhiều bất ngờ,kì thú.      

- Tác phẩm chính: Điêu tàn (1937),Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967),Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984

2.Tác phẩm :                                                                                                                                                                           

a - Hoàn cảnh sáng tác:

- Bài thơ “Con cò”  được sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” (1967)

- Đây là một trong những bài thơ hay và độc đáo của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người.

b - Thể loại, kết cấu:

- Thể loại: Thể thơ tự do, các câu dài ngắn không đều, phát triển theo mạch cảm xúc, số tiếng trong mỗi câu theo một luật định nào ( luật phối thanh, hiệp vần…)

- Bài thơ chia thành 3 đoạn:

+ Đoạn 1: Hình ảnh con cò qua những lời ru của mẹ thời thơ ấu.

+ Đoạn 2: Hình ảnh con cò và lời ru của mẹ trên mỗi chặng đường đời của con người.

+ Đoạn 3: Từ hình ảnh con cò, nhà thơ suy ngẫm, triết lí về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người.

=> Như vậy, tứ thơ xuất phát và triển khai từ hình ảnh con cò trong ca dao, trong những lời ru của mẹ. Con cò trở thành hình ảnh biểu tượng cho tình mẹ bao la, qua lời ru ngọt ngào của mẹ trở thành bầu sữa tinh thần không bao giờ vơi cạn trong cuộc đời con.

c - Đề tài:

- Tình mẹ con thiêng liêng gần gũi đối với con người đã từ lâu trở thành đề tài cho thi ca nhạc họa, mà không bao giờ cũ, không bao giờ thôi quyến rũ người đọc. Chế Lan Viên góp thêm một tiếng nói mới,độc đáo và đặc sắc của mình vào đề tài này bằng cách phát triển những câu ca dao quen thuộc nói về con cò để ngợi ca tình mẹ, lời ru của mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

d - Một số điểm cần lưu ý về hình ảnh con cò trong bài thơ:

- “Con cò” là một bài thơ dài, nhiều ý, hình tượng phong phú, biến hóa hàm súc. Hình tượng con cò trong bài thơ khi là hình ảnh thực,khi là hình ảnh tượng trưng: khi là mẹ, khi là con, khi là đất trời, khi là cuộc đời, khi là hiện tại, khi lại là tương lai… Nhưng đều bắt nguồn từ truyền thống, và bao trùm lên tất cả là lòng mẹ yêu con, hạnh phúc vì con, hi vọng và mong muốn những điều tốt đẹp ở con cho hôm nay và cho cả mai sau.

- Con cò là một hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống của nhân dân ta. Con cò thường làm tổ trên ngọn tre, kiếm ăn nơi cánh đồng, bãi sông, đầm hồ, ao nước, không ăn lúa mà chỉ bắt sâu bọ nên không có hại, không bị săn đuổi ( được gọi là “cát điểu”). Từ lâu, nó đã trở thành người bạn của người nông dân, nhất là trong cảnh “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồngcày vợ cấy con trâu đi bừa”.  Và có lẽ vì thế, mà con cò đã đi vào ca dao dân ca Việt Nam cổ truyền như một biểu tượng về người dân lao động, đặc biệt là người phụ nữ vất vả, cần cù, chịu thương, chịu khó,giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Cho nên, những câu ca về con cò đồng thời cũng là những lời hát ru dịu buồn của bà, của mẹ. Bởi vậy, bài thơ được xem như là lời mẹ ru con qua hình tượng con cò.

 

II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

 

1. Hình tượng bao trùm cả bài thơ là hình tượng con cò. Đó là con cò trong ca dao truyền thống, xuất hiện rất phổ biến và được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa phổ biến nhất là hình ảnh người nông dân, người phụ nữ trong cuộc sống nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng luôn thể hiện được những đức tính tốt đẹp và niềm vui sống.

2. Bài thơ được tác giả chia làm ba đoạn:

 Đoạn 1: hình ảnh con cò qua những lời ru bắt đầu đến với tuổi ấu thơ.

 Đoạn 2: hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi và sẽ theo con người đi suốt cuộc đời.

 Đoạn 3: từ hình ảnh con cò, nhà thơ suy ngẫm và triết lý về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

3. Trong đoạn đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng những câu ca dao:

 Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ, bay ra cánh đồng

 Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng

 Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

          Trong hai bài ca dao trước, hình ảnh con cò gợi tả không gian và khung cảnh quen thuộc, nhịp điệu nhẹ nhàng, thong thả của cuộc sống thời xưa. Trong bài ca dao sau (con cò mày đi ăn đêm...), hình ảnh con cò lại tượng trưng cho những con người, nhất là người phụ nữ đang nhọc nhằn, vất vả để kiếm sống nuôi con.

4. Hình tượng trung tâm trong bài thơ là cánh cò nhưng cảm hứng chủ đạo lại là tình mẹ. Hình ảnh con cò đã gợi ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ đầy dịu dàng của người mẹ. Bởi vậy, những câu thơ mang tính khái quát trong bài đều là những câu thơ chan chứa tình cảm yêu thương của người mẹ:

                                    Con dù lớn vẫn là con của mẹ

                                    Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

          Đó là một quy luật tình cảm bền vững và sâu sắc, thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Dù ở đâu, bên mẹ hay đến phương trời khác, dù còn nhỏ hay đã lớn khôn thì con vẫn được mẹ hết lòng thương yêu, che chở.

                                     Một con cò thôi

                                     Con cò mẹ hát

                                     Cũng là cuộc đời

                                     Vỗ cánh qua nôi.

          Lời ru cũng là khúc hát yêu thương. Sự hoá thân của người mẹ vào cánh cò mang nhiều ý nghĩa sâu xa, kết tụ những hi sinh, gian khổ, nhọc nhằn để những lời yêu thương càng trở nên sâu sắc, đằm thắm. Câu thơ cuối là một hình ảnh rất đẹp. Cánh cò vỗ qua nôi như dáng mẹ đang nghiêng xuống chở che, đang nói với con những lời tha thiết của lòng mẹ.

5. Dựa vào đặc điểm nghệ thuật của bài thơ, có thể nhận diện:

a. Về thể thơ:

Trong bài thơ này, tác giả sử dụng thể thơ tự do nhưng các đoạn thường được bắt đầu bằng những câu thơ ngắn, có cấu trúc giống nhau, nhiều chỗ lặp gợi âm điệu lời ru. Tuy nhiên, trong bài thơ, ta còn nhận thấy giọng suy ngẫm, triết lý.

b. Về hình ảnh:

Hình ảnh con cò trong ca dao trở thành điểm tựa cho những liên tưởng, tưởng tượng của tác giả. Những hình ảnh trong bài thơ vừa rất gần gũi, xác thực nhưng đồng thời cũng giàu ý nghĩa biểu tượng và sắc thái biểu cảm.

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK