Tóm tắt bài
1.1. Hướng dẫn luyện đọc Người tài trợ đặc biệt của Cách mạng
a. Luyện đọc
- Đọc đúng các từ được phiên âm, từ khó
- Đồn điền Chi Nê, Đồng Đông Dương, Quang cảnh ngày Tuần lễ Vàng
- Đọc lưu loát toàn bài, biết đọc bài với giọng kể diễn cảm. Ngắt nghỉ hơi sau các dấu câu, giữa các cụm từ, nhấn giọng ở các từ gợi tả, gợi cảm.
b. Đọc - hiểu
- Hiểu các từ ngữ khó trong bài:
- Tài trợ: giúp đỡ tiền của.
- Đồn điền: cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn trước đây, chủ yếu trồng những loại cây như cao sư, cà phê,...
- Tổ chức: ở đây chỉ tổ chức cách mạng.
- Đồng Đông Dương: đồng tiền của ngân hàng Đông Dương (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945).
- Tay hòm chìa khóa: nắm quyền quản lí tiền bạc và mọi công việc chi tiêu.
- Tuần lễ Vàng: tuần vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền của ủng hộ Cách mạng (ngay sau Cách mạng tháng Tám).
- Qũy Độc lập: quỹ do Chính phủ lập ra để quyên góp tiền bạc của nhân dân ủng hộ nền độc lập vừa mới giành được.
- Bố cục
- Chia làm 5 đoạn
- Đoạn 1. Từ đầu..."tỉnh Hoài Bình".
- Đoạn 2. "Với lòng nhiệt thành" ... "24 đồng".
- Đoạn 3. "Khi Cách mạng thành công"..."phụ trách Quỹ".
- Đoạn 4. "Trong thời kì kháng chiến"...."cho Nhà nước".
- Đoạn 5. Còn lại
- Nội dung
- Biểu dương một công dân yêu nước, một nhà tư sản đã trợ giúp Cách mạng rất nhiều tiền bạc, tài sản trong thời kì Cách mạng gặp khó khăn về tài chính.
- Luyện đọc diễn cảm
- Số tiền này/ làm người giữ “ tay hòm chìa khóa” của Đảng/ không khỏi xúc động/ và sửng sốt, bởi lúc bấy giờ, ngân quỹ của Đảng chỉ còn có... 24 đồng.
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Người tài trợ đặc biệt của Cách mạng
Câu 1 (trang 21 sgk Tiếng Việt 5): Kể lại những đóng góp to lớn và liên tục của ông Thiện qua các thời kì:
a) Trước Cách mạng.
b) Khi Cách mạng thành công.
c) Trong kháng chiến.
d) Sau khi hoà bình lập lại.
Gợi ý:
a) Trước Cách mạng năm 1943, ông ủng hộ quỹ Đảng 3 vạn đồng Đông Dương.
b) Khi Cách mạng thành công, năm 1945, trong Tuần lễ Vàng, ông ủng hộ Chính phù 64 lạng vàng, góp vào Quỹ Độc lập Trung ương 10 vạn đồng Đông Dương.
c) Trong kháng chiến chống thực dân Pháp: gia đình ông ủng hộ cán bộ, bộ đội Khu II hàng trăm tấn thóc.
d) Sau hòa bình lập lại, ông hiến toàn bộ đồn điền Chi Nê cho Nhà nước.
Câu 2 (trang 21 sgk Tiếng Việt 5): Việc làm của ông Thiện thể hiện những phẩm chất gì?
Gợi ý:
- Việc làm của ông Thiện cho thấy ông là một công dân yêu nước, có tấm lòng vì đại nghĩa, sẵn sàng hiến tặng số tài sản rất lớn của mình cho Cách mạng vì mong muốn được góp sức mình vào sự nghiệp chung.
Câu 3 (trang 21 sgk Tiếng Việt 5): Từ câu chuyện trên, em suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của công dân với đất nước?
Gợi ý:
- Từ câu chuyện này, em suy nghĩ là người công dân có trách nhiệm góp công, góp của vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
- Thông qua bài giảng Tập đọc: Người tài trợ đặc biệt của Cách mạng, các em cần nắm được
- Cách đọc lưu loát toàn bài với giọng kể diễn cảm.
- Hiểu được các từ ngữ khó trong bài.
- Nắm được những ý chính của bài: Biểu dương một công dân yêu nước, một nhà tư sản đã trợ giúp Cách mạng rất nhiều tiền bạc, tài sản trong thời kì Cách mạng gặp khó khăn về tài chính.
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập làm văn: Tả người (Kiểm tra viết) cho tiết học tiếp theo.