Độc Tiểu Thanh kí - Ngữ văn 10

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả

  • Nguyễn Du (1765 -1820) là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, ngoài những tác phẩm viết bằng chữ Nôm ông có ba tập thơ chữ Hán
  • Đọc Tiểu Thanh kí là một trong những bài thơ chữ Hán nổi tiếng của ông. Bài thơ nói về cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh, đồng thời cũng là nói về tâm sự u uất của nhà thơ về cuộc đời, xã hội lúc bấy giờ.

b. Về cuộc đời Tiểu Thanh

  • Tiểu Thanh là người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nàng là người rất thông minh và nhiều tài nghệ
  • Năm 16 tuổi làm vợ lẽ một người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen bắt ở riêng trên một ngọn núi thuộc địa phận Hàng Châu. Tiểu Thanh buồn khổ làm nhiều thơ, từ. Nàng lâm bệnh mất lúc 18 tuổi. Tập thơ từ nàng để lại người vợ cả đem đốt. May mắn có một số bài thơ còn sót lại. Người ta khắc in số thơ đó, đặt tên là phần dư. 

→ Là người con gái tài sắc, bạc mệnh

c. Tác phẩm

  • Xuất xứ: Trích từ tập thơ "Thanh Hiên thi tập"
  • Thể loại: Thất ngôn bát cú đường luật
  • Bố cục: 
    • Hai câu đề: Đọc phần dư cảo, thương cảm cho Tiểu Thanh
    • Hai câu thực: Số phận bi thương, uất hận của Tiểu Thanh
    • Hai câu luận: Niềm suy tư và mối đồng cảm của tác giả với Tiểu Thanh
    • Hai câu kết: Từ cảm thương cho người đến xót thương cho mình
  • Chủ đề: Thể hiện tâm sự xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với những kiếp tài hoa và nỗi ngậm ngùi cho chính mình

1.2. Đọc - hiểu văn bản

a. Hai câu đề

  • Hồ Tây là một cảnh đẹp xưa kia thì giờ đây trở thành một bãi gò hoang
  • Trước khi Tiểu thanh còn sống thì cảnh Tây Hồ là một vườn hoa tươi đẹp, mĩ lệ còn khi Tiểu Thanh chết đi thì vườn hóa ấy biến thành một bãi gò hoang → Sức tàn phá của con người thật ghê gớm, hay chính là người mất thì cảnh cũng không còn đẹp như thế trước nữa
  • Thổn thức →  thể hiện trạng thái thương xót, đồng cảm
  • Mảnh giấy tàn → đó là bài viếng nàng Tiểu Thanh của Nguyễn Du, trước cảnh tượng cùng hình ảnh con người hiện về trong đầu nhà thơ cùng giấy bút mà viết đôi dòng viếng linh hồn người con gái ấy

⇒ Hai câu thơ thể hiện được sự thương xót của nhà thơ dành cho Tiểu Thanh, người con gái tài sắc ấy lại có một cuộc đời thật bạc bẽo. Người mất đi rồi chỉ còn lại cảnh Hồ Tây nhưng nó cũng không còn đẹp như khi nàng còn sống nữa.

b. Hai câu thực

  • Từ ngữ:
    • Chi phấn (sắc) → chôn vùi
    • Văn chương (tài) → đốt bỏ 

⇒ Gợi lại cuộc đời và số phận bi thương của Tiểu Thanh.

⇒ Nguyễn Du ca ngợi, khảng định tài sắc của Tiểu Thanh đồng thời xót xa cho số phận bi thảm của nàng – cái nhìn nhân đạo mới mẻ, tiến bộ

c. Hai câu luận

  • Từ ngữ:
    • cổ kim hận sự: Mối hận xưa nay
    • Cổ:
      • Mối hận của Tiểu Thanh
      • Mối hận của những người phụ nữ khác như nàng.
    • Kim:
      • Mối hận của những người “hồng nhan bạc mệnh thời Nguyễn Du”
    • Mối hận của thế hệ người có tài nhưng lại gặp những điều không may trong cuộc đời như Nguyễn Du.
    • Phong vận kì oan: Nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã → Số phận cay đắng của những con người tài hoa trong xã hội xưa 

→ Quan niệm tài mệnh tương đối được nhà thơ sử dụng ở đây và có ý rằng những người tài hoa thì sẽ gặp tai họa. Người con gái ấy tài năng, xuất chúng cho nên sẽ gặp tai họa chứ không thể có một cuộc đời yên bình được → chữ “tài” liền với chữ “tai” một vần

d. Hai câu kết

  •  Từ ngữ:
    • Tam bách dư niên: Con số mang tính ước lệ, ý chỉ thời gian dài.
    • Tố Như: Tên chữ của Nguyễn Du

→ Ý thơ chuyển đột ngột từ “thương người” sang “thương mình” với khát vọng tìm được sự đồng cảm nơi hậu thế

  • Bài thơ kết lại bằng một câu hỏi nhức nhối, da diết, thể hiện nối buồn thống thiết, ngậm ngùi  cho sự cô độc của chính tác giả trong hiện tại, giữa cuộc đời. Đồng thời bộc lộ tâm trạng hoài nghi, đau khổ, thương người, thương mình của nhà thơ.
  • Câu hỏi khép lại bài thơ nhưng lại tạo ra âm vang của một tiếng lòng có nhiều trắc ẩn trước cuộc đời. Nguyễn Du quay về thương xót cho thân phận của chính mình. Ông đau đáu, khắc khoải mong chờ sự trân trọng, cảm thông của hậu thế.

Ví dụ

Đề: Tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Độc Tiểu Thanh kí

Gợi ý làm bài

  • Mở bài: 
    • Giới thiệu Nguyễn Du và tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí (Sinh thời Nguyễn Du mang tâm sự bi kịch, u uất không thể giãi bày cùng ai của một con người suốt đời đi tìm tri kỉ giữa cõi đời đen bạc. Trong thơ, dường như Nguyễn Du ít khi trực tiếp bày tỏ tâm sự. Tuy nhiên độc giả vẫn thấy thấp thoáng trong tác phẩm của ông nỗi niềm riêng của bậc đại thi hào dân tộc. Với “Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí) - bài thơ chữ Hán tuyệt tác - Nguyễn Du không những thể hiện những tâm sự, trăn trở của mình trước những con người tài hoa bạc mệnh mà còn bộc lộ những tâm sự thiết tha, sâu kín của chính tác giả.)
  • Thân bài:
    • Luận điểm 1: Tâm sự của nhà thơ về số phận bi kịch của một người con gái tài sắc mà bạc mệnh Tiểu Thanh (4 câu thơ đầu).
      • Hai câu đầu bài thơ, Nguyễn Du đã bày tỏ nỗi xót thương của ông đối với Tiểu Thanh: (Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang/Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.)
        •  Cảnh đẹp ở Tây Hồ đã biến đổi rồi, cuộc đời của một người con gái tài sắc từng sống nơi ấy chẳng còn lại gì. Riêng chỉ có một mình ta là thương xót nàng, viếng nàng bên cửa sổ trước “mảnh giấy tàn” (ý nói những bài thơ còn lại sau khi bị đốt).
        • Trong tâm trí, Nguyễn Du luôn trăn trở, nghĩ suy về định mệnh nghiệt ngã đối với những người phụ nữ vừa có sắc, vừa có tài trong xã hội. Câu chuyện về nàng Tiểu Thanh đã động chạm đến sự trăn trở thường trực đó ở trong ông; đồng thời khiến ông liên tưởng đến số phận của bản thân mình, gợi ông suy nghĩ về thân phận của những người có tài văn chương trong xã hội phong kiến.
      • Hai câu thơ 3-4, Nguyễn Du tiếp tục suy tư về số phận nàng Tiểu Thanh: (Son phấn có thần chôn vẫn hận,/ Văn chương không mệnh đốt còn vương.)
        • “Son phấn có thần” là nói sắc đẹp có thần, hay người đẹp có linh thiêng, nên chết rồi vẫn khiến người ta thương tiếc mãi. Văn chương không có số mệnh như người mà cũng bị đốt dở. Rõ ràng Nguyễn Du ngậm ngùi, xót xa cho số phận người đẹp và thương cho cái tài của nàng.
    • Luận điểm 2: Tâm sự của Nguyễn Du không chỉ về Tiểu Thanh mà còn cho những người tài hoa nói chung và là tâm sự của chính mình (4 câu thơ sau).
      • Hai câu thơ 5-6 là sự day dứt, băn khoăn của Nguyễn Du về sự bất công, nghiệt ngã của trời với những người tài sắc mà bất hạnh: (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,/Cái án phong lưu khách tự mang.)
      • “Nỗi hờn kim cổ” có nghĩa là mối hận có từ xưa đến nay, từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du. Tại sao những người tài hoa mà lại bạc mệnh như vậy? Ông vừa oán trách trời đất đã bất công với những người tài sắc vừa coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh: “Phong vận kì oan ngã tự cư” (Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Ở đây, từ “ngã” (chữ Hán) có nghĩa là “tôi”, “ta”, được dịch là “khách”. Đây cũng là nét riêng của thơ trung đại: bản thân nhà thơ có khi xuất hiện như một khách thể. Nguyễn Du đã gửi gắm vào đây tâm sự của mình: Nỗi oan lạ lùng của Tiểu Thanh cũng là nỗi oan của ta!
      • Nguyễn Du tiếp tục thể hiện tâm sự của mình ở hai câu kết: (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,/Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
      • Con số “ba trăm năm” là tính từ đâu thì cho đến nay vẫn chưa có ai giải thích rõ, nhưng có thể hiểu đó là một thời gian rất lâu sau nữa. Bây giờ một mình ta đã khóc cho nàng, không hiểu sau này có ai đó trong thiên hạ khóc ta không? Câu thơ thể hiện cảm nhận cô đơn của Nguyễn Du trước cuộc đời, ông không thấy ai đồng cảm với mình, chỉ biết gửi hi vọng vào hậu thế, và hậu thế đã đáp ứng mong muốn cháy bỏng đó của nhà thơ:
        • Không cần đợi đến 300 trăm năm sau mà ngay trong thế kỉ XIX,Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển đã chia sẻ với thi hào dân tộc: “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy” (phần Tiểu dẫn).
        • Ngay trong những năm đánh Mĩ ác liệt,nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh thi hào dân tộc (1765-1965), Tố Hữu đã thay mặt các thế hệ mai sau gửi đến Nguyễn Du tấm lòng tri âm,tri ân sâu sắc,vừa chia sẻ với những tâm tư trăn trở của nhà thơ trong suốt cuộc đời,vừa đánh giá rất cao vị trí của Nguyễn Du và thơ văn Nguyễn Du trong lòng hậu thế và dân tộc. Đó là bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" mà Tố Hữu đã có những câu thơ tuyệt bút thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với "tiên sinh Tố Như":

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

  • Kết bài: Nêu cảm nhận chung
    • (“Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí) thể hiện những tình cảm, những nỗi niềm tâm sự vượt không gian và thời gian của đại thi hào Nguyễn Du xuất phát từ cái gốc “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam ta. Với bài thơ này, một lần nữa chúng ta cảm nhận sâu sắc tài năng lỗi lạc, tấm lòng nhân ái bao la của tác giả cũng như những tâm sự sâu kín của nhà thơ. Xét trên nhiều phương diện “Đọc Tiểu Thanh kí” xứng đáng là một kiệt tác, một trong những bài thơ chữ Hán tiêu biểu nhất của Nguyễn Du.)

3. Soạn bài Độc Tiểu Thanh kí

Độc Tiểu Thanh kí là bài thơ cho thấy niềm thương cảm của Nguyễn Du đối với con người mênh mông biết chừng nào! Nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nguyễn Du không chỉ thương người đang sống mà thương cả người đã khuất mấy trăm năm. Để tìm hiểu kĩ về tác phẩm này, các em có thể tham khảo bài soạn tại đây: Bài soạn Độc Tiểu Thanh kí.

4. Một số bài văn mẫu bài thơ Độc Tiểu Thanh kí

Độc Tiểu Thanh kí là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du in trong Thanh Hiên thi tập. Có thể Nguyễn Du sáng tác bài này trước hoặc sau khi được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Để cảm nhận sâu sắc hơn về bài thơ này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự Lớp 10

Lớp 10 - Năm thứ nhất ở cấp trung học phổ thông, năm đầu tiên nên có nhiều bạn bè mới đến từ những nơi xa hơn vì ngôi trường mới lại mỗi lúc lại xa nhà mình hơn. Được biết bên ngoài kia là một thế giới mới to và nhiều điều thú vị, một trang mới đang chò đợi chúng ta.

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK