Soạn bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1. Tìm bố cục của bài vàn và nêu ý chính của mỗi đoạn.

Trả lời: 

Bố cục và ý chính của mỗi đoạn văn:

- Bố cục bài văn: có hai đoạn.

- Ý chính của mỗi đoạn như sau:

+ Đoạn 1 (Từ đầu đến ... “thời kì lịch sử”): Nêu nhận định tiếng Việt là 1 thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay, giải thích nhận định ấy.

+ Đoạn 2 (phần còn lại): Chứng minh cái đẹp và sự giàu có, phong phú (cái hay) của tiếng Việt về các mặt: ngữ âm, từ vựng, cú pháp. Sự giàu đẹp ấy cũng là một chứng cứ về sức sống của Tiếng Việt.

2. Hãy cho biết nhận định: “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” đã được giải thích cụ thể trong đoạn đầu bài văn như thế nào?

Trả lời: 

Nhận định:

"Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” được giải thích cụ thể trong đoạn đầu bài văn này như sau:

Câu mở đầu khẳng định giá trị và địa vị của tiếng Việt từ đó đưa ra luận điểm cơ bản bao trùm: “Tiếng Việt có những đặc sắc... hay”. Tiếp đó giải thích ngắn gọn vê nhận định ấy. Tác giả giải thích gọn mà rõ ràng về đặc tính đẹp và hay  của tiếng Việt.

3. Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã đưa ra những chứng cứ gì và sắp xếp các chứng cứ ấy như thế nào?

Trả lời:

Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã đưa ra những chứng cứ sau:

- Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, cái đẹp trước hết ở mặt ngữ âm.

-  Ý kiến của người nước ngoài: Ấn tượng của họ khi nghe người Việt nói nhận xét của những người am hiểu tiếng Việt như các giáo sĩ nước ngoài.

- Hệ thống nguyên âm và phụ âm phong phú, giàu thanh điệu (6 thanh)

- Uyển chuyển, cân đối, nhịp nhàng về mặt cú pháp.

- Từ vựng dồi dào giá trị thơ, nhạc, họa.

- Tiếng Việt là một thứ tiếng hay.

-  Có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt và ngữ pháp. Cấu tạo và khả năng thích ứng với sự phát triển là một biểu hiện về sức sống dồi dào của tiếng Việt.

4. Sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt đã được thể hiện ở những phương diện nào? Em hãy tìm một số dẫn chứng cụ thể đế làm rõ các nhận định của tác giả. 

Trả lời: 

Tác giả đã chứng minh sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt về những mặt sau:

- Tác giả đã giải thích về cái đẹp của tiếng Việt: Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu. Còn về cái hay của tiếng Việt: tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu, có đầy đủ khả năng diễn đạt tình cảm, tư tưởng của con người, thỏa mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hóa, xã hội.

-  Phẩm chất đẹp của một ngôn ngữ là khả năng gợi cảm xúc, chủ yếu được tạo nên bởi hệ thống ngữ âm, sự hài hòa về thanh điệu và nhịp điệu. Còn cái hay chủ yếu là ở khả năng diễn tả tình cảm, tư tưởng, phản ánh đời sống phong phú, tinh tế, chính xác. Giữa hai phẩm chất ấy có mối quan hệ gắn bó. Cái đẹp của một thứ tiếng thường cũng phản ánh cái hay của thứ tiếng ấy, vì nó thể hiện sự tinh tế trong cách diễn đạt và sự chính xác trong tình cảm, tư tưởng con người. Đồng thời, cái hay cũng tạo ra vẻ đẹp của một ngôn ngữ.

5. Điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận của bài là gì? 

Trả lời: 

Phép lập luận chứng minh của tác giả trong bài này rất chặt chẽ và có sức thuyết phục, bởi vì:

- Lập luận chặt chẽ: đưa nhận định ngay ở phần mở bài, tiếp đó giải thích và mở rộng nhận định ấy, sau đó dùng các chứng cứ để chứng minh.

-  Các dẫn chứng được dẫn khá toàn diện, bao quát, không sa vào những dẫn chứng quá cụ thể, tỉ mỉ. Nhưng chính vì thế người đọc phải có những hiểu biết cụ thể để minh họa cho chứng cứ.

LUYỆN TẬP

1. Sưu tầm, ghi lại những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trả lời: 

- “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu, tiếng ta giàu bởi đời sống của chúng ta muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta... Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều khó nói...”

(Phạm Văn Đồng - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt).

- “Hai nguồn giàu đẹp của tiếng Việt là tiếng nói của quần chúng nhân dân và ngôn ngữ văn học mà các nhà thơ lớn đã nâng lên đến mức cao. Tiếng nói hằng ngày của quần chúng nhân dân lao động, trong chiến đấu, trong quan hệ xã hội, cụ thể, sinh động, có hình ảnh, màu sắc và nhạc điệu: Tiếng nói ấy kết đọng lại rất hay, rất đẹp trong tục ngữ và ca dao...”

(Xuân Diệu - Tâm sự với các em về tiếng Việt).

2. Tìm 5 dẫn chứng thế hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt về ngữ âm, từ vựng trong các bài văn, thơ đã học hoặc đọc thêm ở các lớp 6, 7.

Trả lời: 

- Về mặt ngữ âm, từ vựng ta thường bắt gặp trong chương trình Ngữ văn 6, 7 những câu thơ, đoạn văn giàu chất thơ, chất nhạc và mang đậm chất hội họa:

+ Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghêng

Ca nô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng

Ấy là những câu thơ đầy chất nhạc trong bài thơ Lượm của Tố Hữu.

+ “Thường thường vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí vài con ong siêng năng bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám, chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột”.

Ấy là những câu văn đầy chất thơ trích trong văn bản Mùa xuân của tôi của tác giả Vũ Bằng.

+ Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Ấy là những câu thơ đầy chất họa trong bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

VỀ TIẾNG TA

Nghĩ về sự đầy đủ, trong trẻo, đẹp đẽ, sáng sủa, và sang giàu của tiếng nói Việt Nam, có những lúc tôi ngừng lại đó câu viết chưa xuống dòng... mà nhìn trân trân tờ giấy bỏ dở. Tôi nhìn trân trân vào giữa khoảng không ngoài cửa sổ lộng trời xanh, mà lòng thấy dào dạt lên những lời cám ơn. Tôi lặng cúi xuống mặt giây trắng tinh đang om sòm những lời biết ơn đối với đất nước ông bà tiên tổ. Thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời. Mà rồi cho đến cái phút cuối cùng không được sống nữa, thì câu cuối đời của tôi vẫn cứ lại nói lên vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi. Tôi biết rằng, cái ngôn ngữ thừa tự tôi đang nói đang diễn viết ra đây, chính nó là kết tinh bởi nhiều trăm nghìn năm công sức lao động của tổ tiên lưu truyền lại. Trong hương thừa hưởng đây, lẫn vào với vô số thanh âm từ điệu, thấy như hiển hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời đời ông hà khai rừng, vỉ ruộng, mở cõi, giữ nước, chống giặc, tiến lên tới đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm màu ây, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thiệt là thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim ngân của tất cả ngân hàng thế gian cũng không sao đánh đổi được. Có những lúc lại lẩn thẩn nghĩ dại dột rằng bây giờ tự nhiên mình lại mất trí, mà quen hết mà bay hết khỏi đầu mình chỗ kho tàng tiếng nói Việt Nam này, thì có lẽ mình... mình sẽ phải chết mất. Nhưng không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu cơ, cái tiếng nói Việt Nam linh diệu ấy được. Có đến chết cũng không quên được. Có chết, càng vẫn nhớ. [...]

(Theo Nguyễn Tuân, Tạp chí Văn học, số 3 – 1966)

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 7

Lớp 7 - Năm thứ hai ở cấp trung học cơ sở, một cuồng quay mới lại đến vẫn bước tiếp trên đường đời học sinh. Học tập vẫn là nhiệm vụ chính!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK