Nghị luận xã hội về thói nịnh bợ trong cuộc sống gồm 6 mẫu kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Qua 6 bài nghị luận xã hội về thói nịnh bợ siêu hay trong bài viết dưới đây của Download.vn sẽ giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận hay, đủ ý để đạt được điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi sắp tới.
TOP 6 bài văn nghị luận về thói nịnh bợ siêu hay dưới đây sẽ là tư liệu hữu ích, giúp các bạn học sinh tự tin không phải lo nghĩ quá nhiều về việc làm sao để viết được bài văn hay. Các bạn hãy vận dụng thật tốt 6 mẫu dưới đây một cách linh hoạt, dùng cách diễn đạt của mình để bài văn trở nên đầy đủ, hay nhất nhé. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn: nghị luận vai trò của gia đình, nghị luận về sự thay đổi bản thân.
Nghị luận về thói quen nịnh bợ trong xã hội
Dàn ý nghị luận về thói nịnh bợ
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
1. Khái niệm:
- Là một hành vi mang tính tiêu cực và có phần hơi hèn kém, tiểu nhân.
- Nịnh bợ là một hành vi dùng những lời nói dễ nghe, hoa mỹ, tốt đẹp một cách quá mức, thậm chí là đưa ra những lời khen tặng tiểu tiết hoặc không có thật, chấp nhận dối trá để bợ đỡ những người ở vị trí cao hơn, nhằm đạt được những lợi ích cho riêng mình.
Biểu hiện và tác hại:
* Biểu hiện:
- Trong môi trường giáo dục:
Một học sinh biết cách nói khéo lấy lòng thầy cô giáo thì thường được yêu quý và đôi khi còn nhận được sự "châm chước".
=> Ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các học sinh khác, dễ gây đến sự xích mích, xung đột giữa các học sinh, hay sự chán nản trong học tập.
- Trong môi trường công sở, hành chính:
- Nguyên nhân: Người lãnh đạo ở vị trí cao hơn nắm vai trò lãnh đạo thường có một số tâm lý phổ biến như không thích bị chỉ trích, ghét ai vượt quyền và tỏ ra xuất sắc hơn mình, luôn mong muốn những cảm giác được tôn sùng, và thường bảo thủ. => Chính điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ giỏi nịnh bợ.
- Người được khen sẽ thường có cái nhìn thiện chí hơn với những kẻ quen nịnh bợ, sẽ dành ra cho họ những sự ưu ái nhất định, còn những người có năng lực thật sự lại không được trọng dụng gây chán nản trong nhân viên.
=> Ảnh hưởng đến uy tín của cấp trên, người lãnh đạo khó nhận được sự tin phục từ nhân viên, cũng như mất đi khả năng phán đoán và nhận định năng lực khi đã chìm quá sâu vào sự nịnh bợ.
* Tác hại:
- Mang đến những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm rối loạn môi trường học tập, giáo dục, hành chính công,...
- Vùi lấp những giá trị đích thực, cản trở việc nhận ra sai lầm và sự sửa chữa sai của nhiều cán bộ, công chức, ...
- Làm mất đi giá trị của lời khen tặng, sự tán dương giữa con người với nhau, khiến cuộc sống trở nên quá bóng bẩy, con người luôn sống trong những ảo tưởng kém thực tế, không tự hoàn thiện mình được.
- Đối với kẻ quen đi nịnh bợ:
- Phải sống trong cái vỏ bọc giả dối, dù đạt được được những mục đích cho riêng mình thế nhưng lại luôn phải sống trong trái với suy nghĩ của bản thân.
- Không bao giờ đạt được sự tin cẩn hay kính yêu của những người khác.
3. Kết bài
Nêu nhận định chung.
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 1
"Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đó là một câu ca dao, một bài học đã có từ rất lâu đời của cha ông ta khuyên dạy con người nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, biết nói những lời hay ý đẹp để thành công trong quan hệ xã hội. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay nhiều người đã quên đi ý nghĩa thực sự của lời dạy trên mà chỉ chăm chăm nói những "lời hay ý đẹp" bất chấp đó là những lời giả dối hay trái với lòng mình để đạt được những mục đích riêng. Dần dà tạo thành một thói quen xấu ấy là sự xu nịnh bợ đỡ hiện hữu khắp mọi nơi, khiến con người chìm vào mộng tưởng tốt đẹp mà không hề biết được những sự thật đang bị che lấp bởi những lời hoa mỹ của kẻ khác. Đồng thời sự khen tặng trở nên ngày càng rẻ mạt và vô giá trị, điều đó dấy lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ trăn trở.
Đầu tiên nói về sự nịnh bợ, phải khẳng định rằng đây là một hành vi mang tính tiêu cực và có phần hơi hèn kém, tiểu nhân. Nịnh bợ là một hành vi đã có từ xa xưa, khi mà con người bắt đầu có những chế độ hành chính, phân chia cấp bậc trong xã hội, những kẻ ở vị trí thấp hơn thường dùng những lời nói dễ nghe, hoa mỹ, tốt đẹp một cách quá mức, thậm chí là đưa ra những lời khen tặng tiểu tiết hoặc không có thật, chấp nhận dối trá để bợ đỡ những người ở vị trí cao hơn, nhằm đạt được những lợi ích cho riêng mình. Mục tiêu của sự nịnh bợ là đánh và tâm lý tình cảm của những người ham hư vinh, thích nghe những lời nói bóng bẩy, tự ảo tưởng về bản thân, không phân biệt được thật giả, hoặc là có biết nhưng vờ như không thấy để thỏa mãn thói xấu của bản thân chìm trong cảm giác được hoan nghênh, tán tụng.
Ngày nay ta thấy sự nịnh bợ diễn ra ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, chỉ cần ở nơi đâu có sự phân cấp thì sự xu nịnh đều sẽ xuất hiện. Tuy nó không phải là một căn bệnh truyền nhiễm, thế nhưng sự nịnh bợ thường đem đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ xã hội cũng như việc đánh giá năng lực có nhân một cách công bằng. Ví như trong môi trường giáo dục, một học sinh biết cách nói khéo lấy lòng thầy cô giáo thì thường được yêu quý và đôi khi còn nhận được sự "châm chước" trong một số trường hợp thi cử, hoặc được ưu tiên quan tâm nhiều hơn, được bỏ qua một số lỗi phạm phải. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các học sinh khác, khi họ cho rằng bản thân bị đối xử không công bằng, năng lực của bản thân không được công nhận, dễ gây đến sự xích mích, xung đột giữa các học sinh, hay sự chán nản trong học tập.
Trong môi trường công sở, hành chính sự xu nịnh xảy ra một cách thường xuyên và thậm chí còn trở thành "truyền thống" của dân văn phòng hành chính. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân người lãnh đạo ở vị trí cao hơn nắm vai trò lãnh đạo thường có một số tâm lý phổ biến như không thích bị chỉ trích, ghét ai vượt quyền và tỏ ra xuất sắc hơn mình, luôn mong muốn những cảm giác được tôn sùng, và thường bảo thủ với các ý kiến của mình (dù có thể trong một số trường hợp nó không hợp lý). Chính điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ giỏi nịnh bợ, bởi lẽ trông những người này khá nghe lời, dễ điều khiển, đặc biệt lại biết nói lời hay, đáp ứng được hết các yêu cầu của những người lãnh đạo ưa nịnh bợ. Thành thử trong môi trường công sở, hành chính ta thường thấy việc nịnh bợ xảy ra thường xuyên, kẻ khen sếp có chiếc cà vạt đẹp, người khen con sếp học giỏi, khen vợ sếp đẹp, hoặc dùng những câu từ lộ liễu có vẻ dí dỏm như "chuyện gì sếp cũng tuyệt vời, chỉ có một điều là sếp toàn năng quá khiến bọn nhân viên chúng em xấu hổ vì không có tài cán được như sếp",... và nhiều những câu khen thừa thãi vô bổ khác. Vì đánh vào tâm lý nên người được khen sẽ thường có cái nhìn thiện chí hơn với những kẻ quen nịnh bợ, sẽ dành ra cho họ những sự ưu ái nhất định, còn những người có năng lực thật sự lại không được trọng dụng gây chán nản trong nhân viên. Ảnh hưởng đến uy tín của cấp trên, người lãnh đạo khó nhận được sự tin phục từ nhân viên, cũng như mất đi khả năng phán đoán và nhận định năng lực khi đã chìm quá sâu vào sự nịnh bợ.
Có thể nhấn mạnh rằng sự nịnh bợ là một kiểu băng hoại đạo đức mang diện mạo tử tế khiến người ta dễ trầm mê và bị thao túng, thậm chí nó trở thành một mối họa khôn lường. Cứ soi chiếu vào lịch sử của nước ta cũng như Trung Quốc, có biết bao nhiêu triều đại lung lay vì nạn nịnh thần, thời Càn Long có Hòa Thân, thời Đường Minh Hoàng có Dương Quốc Trung, đều là những tên giỏi mồm mép, bên trên làm mờ mắt hoàng đế, bên dưới thì ra sức đục khoét làm việc nhũng nhiễu dân chúng khiến người đời căm phẫn. Ở Việt Nam, thời vua Trần Dụ Tông, vua bất tài ham mê tửu sắc, để nịnh thần lộng quyền, Chu Văn Văn 7 lần dâng sớ xin trảm những tên này nhưng đều bị bác bỏ, kết cục là nhà Trần rơi vào cảnh diệt vong.
Có thể so với lịch thì nạn xu nịnh ngày hôm nay không còn để lại những hậu quả ghê gớm nhưng nó cũng mang đến những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm rối loạn môi trường học tập, giáo dục, hành chính công,... Vùi lấp những giá trị đích thực, cản trở việc nhận ra sai lầm và sự sửa chữa sai của nhiều cán bộ, công chức, làm mất đi giá trị của lời khen tặng, sự tán dương giữa con người với nhau, khiến cuộc sống trở nên quá bóng bẩy, con người luôn sống trong những ảo tưởng kém thực tế, không tự hoàn thiện mình được. Còn đối với kẻ quen đi nịnh bợ người khác, thì lúc nào cũng phải sống trong cái vỏ bọc giả dối, trở thành tấm "áo cưới" cho người khác, dù đạt được được những mục đích cho riêng mình thế nhưng lại luôn phải sống trong trái với suy nghĩ của bản thân, đến độ quên mất cả cách nói thật. Những người xung quanh bạn sẽ luôn sống với thái độ dè chừng, cẩn trọng với những lời nói mà bạn dành cho họ, bạn không bao giờ đạt được sự tin cẩn hay kính yêu của những người khác. Đặc biệt khi sự xu nịnh hợm hĩnh bị bóc trần, thì lập tức bạn sẽ không còn gì cả, lập tức trở thành kẻ tiểu nhân bị bỏ rơi.
Chính vì thế trên cuộc đời học gì cũng đừng cố học lấy thói xu nịnh, hãy sống thật với mình, làm sao cho mỗi lời nói của bản thân đều có giá trị, khen thực lòng, khéo léo chỉ ra khuyết điểm của người khác, khiêm tốn khi nhận được lời tán dương, chấp nhận những lời nhận xét chỉ ra khuyết điểm của mình và nghiêm túc suy nghĩ sửa đổi. Hãy nhớ một câu nói của Tuân Tử rằng: "Người ta chê mà chê phải là thầy của ta vì hơn ta tầm hiểu biết. Người ta khen mà khen phải là bạn vì hiểu được ta. Người vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy".
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 2
Nịnh tức khen ngợi quá đáng hay hoang tưởng nảy sinh từ quyền lợi riêng tư, có thể được định nghĩa: “Đó là cử chi đáng khinh bỉ. Đó là quà tặng xấu xa và chỉ là bài học của những kẻ hợm hĩnh”. Kẻ nịnh hót thường là những tên ích kỉ nguy hiểm. Nó cố nhét vào trí óc con người những điều hư ảo hòm kiếm chát ân huệ hay đổi lại sự giúp đỡ thật lòng. Đó là kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ thù. Nó vừa là tội phạm, vừa là nhân chứng: “Kẻ này lừa dối người phân xử, kẻ kia lừa dối chúng ta”. Một triết gia nói rằng: “Trong số những con thú hoang dã thì con thú gièm pha là đáng sợ nhất, còn trong số những người trong nhà thì đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh”. Kẻ nịnh hót chỉ tìm kiếm cái lợi ích riêng tư và nó sống nhờ vào những kẻ đã lắng nghe nó.
Những kẻ chân chính thường ít bị lừa gạt bởi sự nịnh hót, bởi tâm địa của kẻ tìm kiếm cái lợi ích riêng tư và sống nhờ vào những kẻ đã lắng nghe nó. Trong một số bức thư với lời lẽ dịu dàng, Louis Veuillot kể rằng hàng ngày ông nhận được những lời tán dương của biết bao bạn bè thân, sơ. Rồi cũng hàng ngày, đứng trước tấm gương để cạo mặt, ông tự hỏi: “Ta sẽ cạo nhẵn bao nhiêu người?”.
Một người có chức vị, không muốn bị kẻ thuộc quyền khống chế, phải đương đầu chống lại bọn xu phụ, nịnh hót. Chúng cố nắm chỗ yếu của anh ta, làm cho anh ta tin phục, và coi những người khác đều là kẻ thù nghịch.
Một hôm, vua Henry V đi ngang qua Amiens nghe thấy một vị quan tòa đang diễn thuyết. Ông ta ráng cổ trình bày những tiêu đề như: “Rất lớn, rất mạnh, rất tốt, rất nhân từ, rất cao thượng”. Nhà vua bèn nói: “Hãy thêm là rất mệt!”. Nhà vua làm ông quan tòa sửng sốt. Người tự trọng không bao giờ nịnh hót. Sự ca ngợi, còn gọi là “tâng bốc” là lời nói bùi tai, cách gợi cảm ngọt ngào cốt để cho người nghe thấy dễ chịu và nhấn mạnh về sự thành công của anh ta.
Công tước De Mornay nổi tiếng về nghệ thuật tỏ lời khen tặng. Vào năm 1862, tại Clermont Ferrand, ông kết thúc bài diễn văn bằng lòng khen ngợi hoàng hậu “là người đã đưa nhiều ân huệ lên ngai vàng, và hàng ngày ban bố xuống thần dân biết bao nhiêu lòng nhân ái”.
Lời khen ngợi phải chân thực, thích hợp, xúc động. Nó mở ra những lời tán dương mà người la chưa diễn đạt hết và cũng tìm thấy ở đó đầy sự khoan dung. Nhưng nếu khen tặng lộ liễu thì có khi làm tổn thương tới tính khiêm tốn. Nếu nói thái quá thì trở thành kì cục, đôi khi còn bị người nghe phản đối. Sự khen tặng phải được cân nhắc cho hợp lý và công bằng, nhất là khi hạ thấp giá trị của người này để khen tặng người kia. Chẳng hạn có kẻ nói “Anh cũng rộng rãi như A, còn B thì hà tiện”. Phải trân trọng lời khuyên và cần lánh xa nó. Người ta lắng nghe và cử chỉ khiêm tốn ngay khi được khen, không nên tỏ vẻ vui mừng trên nét mặt và chỉ tỏ vẻ cảm ơn bằng cách nói: tôi chỉ làm hết bổn phận. Có lẽ khôn ngoan hơn là đừng nói gì cả…
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 3
Trong cuộc sống của chúng ta, những lời khen là vô cùng cần thiết để khích lệ, động viên hay khen ngợi ai đó. Lời khen giúp họ cảm thấy tự hào về những việc mình đã làm được và cố gắng làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, những lời khen mang tính chất nịnh bợ thì không tốt chút nào. Tuân Tử đã từng nói: “ Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.” Trong câu nói bao gồm ba đối tượng: “Người chê ta”, “người khen ta”, “kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta” và vai trò của họ đối với cuộc sống mỗi con người.
“Người chê ta mà chê phải là thầy ta”. Chê, nhưng là chê phải. Đó là những người thấy ta sai và dám chỉ ra cái sai của ta, để từ đó ta rút ra được bài học và sửa chữa sai lầm. Bình thường, chúng ta thường không thích những người chê mình. Tuy nhiên, người khôn ngoan phải là người biết phân biệt đâu là những lời chê có thiện chí. Trong cuộc sống, tất nhiên không thiếu những kẻ ganh ghét, luôn chê bai người khác một cách ác ý. Chúng ta nên biết phân biệt đâu là những lời chê ác ý để bỏ qua, và đâu là những lời chê mang tính góp ý để chúng ta tiến bộ. Một người chỉ khi biết tiếp thu ý kiến của người khác thì mới có thể thành công được. Còn nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình, sớm muộn gì người đó cũng sẽ thất bại mà thôi. Chính vì thế, vai trò của những lời “chê phải”, những người dám nói lên những lời chê ấy là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những người ấy chẳng khác gì thầy ta, giúp ta hiểu ra, học được nhiều điều trong cuộc sống.
Đối tượng thứ hai, là những người khen ta, nhưng tất nhiên, là “khen phải”. Vậy thế nào là khen phải? Đó là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Con người ta luôn có xu hướng muốn được khen, vì những lời khen thường “dễ nghe” hơn những lời chê. Lời khen là quan trọng, có tác dụng giúp con người ta thấy tự hào vì những thứ được khen, tuy nhiên, chúng ta cần biết được đâu là những lời khen thật, đâu là những lời tâng bốc, xu nịnh. Không nên vì được khen quá nhiều mà dẫn đến suy nghĩ mình đã hoàn hảo, từ đó sẽ dẫn đến tự kiêu, không cố gắng, tất sẽ có ngày gặp thất bại. Những người có thể hiểu, có thể khen thật ta, đó chính là những người bạn của ta.
Còn đối tượng cuối cùng, cũng liên quan đến những lời khen, nhưng đó lại là “những kẻ vuốt ve, nịnh bợ”ta, như Tuân Tử nói, đó cũng chính là “kẻ thù của ta”. Những kẻ ấy chỉ nói những lời khen nhằm vụ lợi cho bản thân, chứ không xuất phát từ sự chân thành hay sự ngưỡng mộ đối với người được khen. Những lời khen ấy khiến cho người được khen cảm thấy mình thật tốt đẹp, thật quan trọng, thật vĩ đại, từ đó sẽ không cố gắng và dần dần sẽ bị thua kém so với những người xung quanh. Điều ấy thật nguy hiểm. Và những kẻ xu nịnh ta như vậy, giống như kẻ thù của ta vậy. Họ “giết” ta bằng những lời nịnh bợ, dối trá. Điều chúng ta cần làm là tránh xa, hạn chế giao lưu với những đối tượng ấy trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong môi trường học tập, làm việc.
Câu nói của Tuân Tử, từ xưa đến nay, vẫn luôn là bài học sâu sắc và đáng ghi nhớ cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Hãy luôn tỉnh táo, để phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, để có thể có được những lời góp ý, lời khen chân thành nhất từ đó có thể hoàn thiện bản thân mình.
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 4
Thói nịnh bợ là một căn bệnh tuy không di truyền, nhưng đã có từ ngàn xưa cho đến nay, tuy không truyền nhiễm, nhưng đã phát sinh ở nhiều nơi, thời nào cũng có.
Nhận diện tướng mạo của kẻ xu nịnh thường thấy là tướng người với dáng lưng cong, đi đứng khúm núm, khám lâm sàng, thấy lưỡi của đối tượng này có độ uốn rất dẻo, hai đầu gối bị chai sạn, dép giày thì bị mòn mũi, còn da mặt thì có độ dày lì lợm.
Trên thực tế, thói nịnh bợ xưa nay có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ khác nhau, với muôn hình vạn trạng biến hóa khôn lường, có khi tiềm ẩn rất lâu, đến một thời điểm nhất định nào đó mới bộc lộ. Nịnh bợ là một thủ đoạn thấp hèn nhằm tìm kiếm các lợi ích riêng tư và nó sống nhờ vào những kẻ đã say sưa thích lắng nghe chúng. Khác với sân khấu, phim ảnh, trong cuộc sống đời thường thì người nịnh và kẻ được nịnh đều được hưởng lợi đáng kể.
Đáng buồn là người nịnh dễ được trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, lên lương, khen thưởng, thậm chí có thể được che chở khi “lâm nạn”… Loại người này chỉ được lòng một số rất ít, còn lại hầu như bị người đời khinh bỉ, giễu cợt, lên án. Người nịnh tồn tại bởi có nhiều người ưa nịnh. Hai bạn “đồng hành” này kết thành phe cánh, tạo nguồn lợi đối tác cho nhau. Những ai không “hát cùng nhịp” sớm muộn sẽ bị loại dần.
Người nịnh thường chi ra một ít tiền “chơi đẹp”. Còn những người được nịnh thì nghĩ rằng, không mất gì, lại ưa nghe lời ngon ngọt, tụng ca cá nhân, say sưa sống trong cảm giác của kẻ bề trên.
Kẻ nịnh trên thì thường “chèn” dưới, “thượng đội, hạ đạp”, thích báo cáo vẽ vời khoác lác, ba hoa đủ điều. Họ sẵn sàng uốn lưỡi, cong lưng, hạ mình thực hiện hành vi đê tiện, thấp hèn. Hình ảnh của một Hòa Thân thời vua Càn Long là bậc thầy của thói nịnh hót. Từ một tên quan lại hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và đục khoét, giàu có tột đỉnh. Xưa nay kẻ xu nịnh vẫn thường a dua theo đuôi kẻ có quyền lại ưa nịnh để thăng quan tiến chức, bất chấp lẽ phải.
Tham gia nhiều cuộc họp, triển khai công việc, có hôm chúng tôi chứng kiến, nghe khi một vị lãnh đạo chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết, do khả năng thuyết trình của mình có phần bị hạn chế, nên vị ấy đã gần như đọc nguyên văn nghị quyết, không hề phân tích, giải thích… thì có cán bộ lại khen: “Anh vốn không thích nói dông, nói dài hay ba hoa như nhiều người khác, truyền đạt nghị quyết như anh vừa trình bày nó vừa tiết kiệm được thời gian, nhưng hiệu quả vẫn đảm bảo”.
Về thăm một huyện miền núi, vị lãnh đạo cấp trên rất quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, khi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của huyện, đã ân cần căn dặn cấp dưới của mình: “Các đồng chí phải làm thế nào(?) để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”. Còn làm như thế nào để nâng cao đời sống thì vị ấy không hề nói đến. Đồng chí thư ký đi theo không tiếc lời tâng bốc thủ trưởng của mình: “Anh giao trách nhiệm cho huyện, nhưng không áp đặt giải pháp nào cụ thể mà để cho huyện phát huy tính năng động, sáng tạo của mình miễn sao đạt được mục tiêu đề ra. Nghệ thuật lãnh đạo chỉ đạo của anh thoáng và dân chủ là ở chỗ đó”.
Nói đến thói nịnh bợ, có vô vàn chuyện không sao kể hết. Loại người này thường tùy cơ ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được, thậm chí nịnh rất hay! Nhưng có một điều đã được khẳng định là, người nịnh và kẻ được nịnh đều tự làm mất nhân cách của mình mà thôi. Thói nịnh bợ gây tác hại không nhỏ. Nó làm cho chính kẻ nịnh mất hết bản lĩnh, trở thành biến chất, thoái hóa. Nó làm cho người được nịnh không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn. Nếu người được nịnh là cán bộ có chức quyền cao trọng thì có thể sẽ làm tổn hại đến công việc chung, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền. Hậu quả là người tốt không được trọng dụng, người xấu lấn lướt lộng quyền. Cần đề cao cảnh giác hơn vì thói nịnh hót là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè, chia cánh trong cơ quan làm suy yếu tổ chức.
Người nịnh nọt và người ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề. Có kẻ nịnh bởi vì có kẻ ưa nịnh! Nịnh và ưa nịnh có đất sống chứng tỏ trong sinh hoạt chúng ta chưa dám nói thẳng nói thật với nhau, do công tác phê bình và tự phê bình kém. Để hạn chế thói nịnh hót chúng ta cần tạo dư luận xã hội rộng rãi, lên án tệ nịnh hót và thói ưa nịnh. Tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng cần có tiếng nói mạnh mẽ, trực diện trước những biểu hiện của những kẻ nịnh và kẻ ưa nịnh. Làm được như vậy chắc chắn sẽ loại trừ được kẻ nịnh và kẻ ưa nịnh trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 5
Ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ nịnh có thể dùng làm cả danh từ,động từ và tính từ, nhưng định nghĩa chung nhất của từ nịnh là: Khen quá đáng hoặc khen không đúng, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm mục đích cầu lợi). Các kiểu nịnh cũng khá rôm rả: ninh bợ (tự hạ mình, nịnh một cách hèn hạ để cầu lợi), nịnh hót (nịnh nọt và ton hót chuyện), nịnh nọt (nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ), nịnh đầm (chỉ nịnh phụ nữ để lấy lòng), nịnh thần (chỉ chung những kẻ dưới gian nịnh)… cho đến nịnh thối! Chuyện cũ kể rằng: Có hai tay bợm nịnh đang ngồi hầu chuyện quan lớn, bỗng quan cho ra một cái trung tiện. Lập tức một bợm lắng nghe rồi thốt lên: "Y hi, quản huyền chi âm (nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Bợm kia cũng hếch mũi hít hà rồi trầm trồ: "Phảng phất chi lan chi vị (thoang thoảng mùi hoa lan hoa nhài)". Nhưng quan lớn tỏ ra hiểu biết, không bằng lòng: "Trung tiện mà thơm thì e tuổi thọ ta không được dài". Nghe vậy, một bợm gật gù: "Bẩm cụ, bây giờ đã có mùi rồi ạ!" bợm kia cũng khẳng khái khẳng định: "Bẩm, bây giờ thì thối lắm ạ!", tương truyền vì thế mới có câu dân gian rằng: nịnh thối không ngửi được.
Xã hội càng phát triển thì từ nịnh càng trở nên đa dạng hơn với những biến thể, kết hợp mới nhằm bắt kịp thời đại như: phỉnh nịnh, xu nịnh, ưa nịnh, đua nịnh, nịnh trên nạt dưới. Xu nịnh là thói xấu nhưng không ngừng lan rộng trong mọi lĩnh vực bởi nguyên nhân chủ yếu: những kẻ tài hèn, sức mọn, đức kém, văn hóa "lùn” lại muốn bay cao, vươn xa, thăng quan tiến chức hoặc kiếm cách trục lợi tiền bạc. Thiết nghĩ ta cũng nên đặt một danh từ riêng gọi là nịnh sĩ cho tiện phân biệt! Tất nhiên nịnh sĩ chỉ hướng vào các bậc lãnh đạo để thi thố tài năng và những người lãnh đạo cương trực sáng suốt, kiên quyết, nhạy bén không bao giờ lầm lẫn trong mê cung của nịnh thần, trừ những vị quan chức ngạo mạn, thiếu suy nghĩ, ích kỷ, thiển cận đương nhiên sa đà vào những lời đường mật, vị mật ngọt thì chết ruồi. Những biểu hiện của nịnh nọt bây giờ không còn chất phác, thô và phô như ngày xưa mà nó trở nên nhuần nhuyễn, khôn khéo, hiện đại, thực dụng và tinh vi hơn nhiều. Trước hết điểm qua vài cụm ngôn từ trau chuốt, mỹ miều phổ thông dành riêng cho bề trên như: Anh quá tinh ý! Tầm nhìn xa chiến lược của anh thật không còn gì đáng bàn! Không có anh, cơ quan không biết trông cậy vào đâu! Hình như vượng khí của sếp đang phất. Dạo này chị trẻ quá, da cứ căng đẹp mịn màng!
Trông chị không ai đoán đúng được tuổi! Bộ váy áo xịn này cứ như thiết kế dành riêng cho chị ấy. Ngoài ra, lúc nào cũng phải thường trực tinh thần đón ý cấp trên mà lựa chiều phát ngôn, luôn luôn tán dương ý kiến lãnh đạo tâng bốc năng lực thủ trưởng lên tận mây xanh: Quan lộ của sếp xa tít tắp. Khả năng sếp còn phải ngồi cao nữa mới xứng tầm! Sếp dạy lúc nào cũng chí phải!
Nói ngọt không thôi thì chưa đủ các nịnh sĩ còn phải có hành động nhất quán với lời nói nữa. Bất kỳ nơi đâu, bất kỳ nơi nào có cấp trên là nịnh sĩ xuất hiện xun xoe, khúm núm, chăm chút sửa sang phục trang cho sếp, cắp cặp che ô, đưa đón (vai trợ lý), hiểu ý của sếp để tuyên truyền, thôi thúc người khác làm theo (vai phát ngôn viên), lúc trái gió trở trời mà sếp ốm đau, cảm mạo, húng hắng ho thì phải chăm sóc, xoa bóp, sắc thuốc (vai hộ lý). Có chuyện thật như đùa rằng: Trong một cuộc họp cơ quan nọ, ban lãnh đạo đề nghị cán bộ thẳng thắn phê bình xếp để rút kinh nghiệm, nhưng chỉ nghe khen sếp toàn tâm, toàn diện, toàn tài. Đột nhiên có một anh đứng lên xin được phê bình sếp khiến cả cơ quan tròn mắt, lắng nghe. Anh này thủng thẳng: “Những gì cần nói, anh chị em đã nói hết rồi, còn tôi xin phê bình một khuyết điểm lớn của sếp là quá lo nghĩ cho tập thể, làm việc ngày đêm mà không chú ý đến sức khỏe của chính mình! Sức khỏe của sếp là tài sản của cơ quan, lỡ sếp đau ốm thì cơ quan thiệt hại to”!
Không dừng ở lời nói kèm hành động, các nịnh sĩ chân chính còn dùng thêm chiêu bài quà tình cảm. Những hiện vật nho nhỏ này bày tỏ tấm lòng tuy không phải của nhà làm được nhưng đều có người thân, bạn bè cho, tặng, mua rẻ lại xịn nên nhớ thương lãnh đạo mà kính chuyển nào: Củ sâm thằng bạn em vừa đi Hàn Quốc công tác mang về, hộp mỹ phẩm nhà em xách tay từ Paris! Rồi cà vạt bút ký, cặp da, nước hoa… đều là quà tình cảm nhẹ nhàng chưa thể gọi là hối lộ được, thử hỏi sếp nào nỡ từ chối tấm lòng thành? Chủ đề này chưa thể dừng ở đây được, phải điểm danh một số thủ pháp bí kíp mà các nịnh sĩ nhập vai mỗi khi vào việc như bình bầu danh hiệu, đề bạt chức vụ, bỏ phiếu tín nhiệm, chọn đại biểu đại diện… là các nịnh sĩ kiêm luôn kịch sĩ, không những nịnh trên mà còn tranh thủ cả các đồng nghiệp để thuê ủng hộ, vay lá phiếu, mượn cánh tay biểu quyết cốt thu được kết quả cuối cùng. Chỉ khổ cho những viên chức cần cù, chăm chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm và tận tâm cống hiến nhưng chưa qua lớp đào tạo nịnh ngắn hạn hoặc cấp tốc nên cả đời cứ dậm chân tại chỗ, không bao giờ được cất nhắc, trọng dụng, dẫn đến mất lòng tin, không còn hứng thú sáng tạo trong công việc nữa, cũng vì thế nên mới có câu ca dao: không bằng cấp nào hơn cái bằng lòng, mà cái bằng này chỉ có được nhờ 80% phương pháp nịnh học cùng những bí kíp chân truyền của nó. Từ xưa, sách sử đã cho rằng: hôn quân bao giờ cũng gắn kết với nịnh thần. Xiểm nịnh làm cho người lãnh đạo thiếu sáng suốt và công bằng, thiên vị cảm tính, không khách quan, luôn lơ mơ trong thực tiễn, lúc nào cũng tự hài lòng về bản thân sẽ thoái hóa dần trí tuệ rồi mắc sai lầm khuyết điểm vì nịnh sĩ. Ngược lại, nịnh sĩ sẽ trở thành hiện tượng tiểu nhân đắc ý nêu gương xấu cho xã hội với hệ lụy không cần học hành, phấn đấu, cố gắng làm gì cho mệt, chỉ cần mài gối, uốn lưỡi rèn luyện kỹ năng nịnh ắt thành công.
Chúng ta muốn đổi mới cách làm việc thì cần phải phê phán, lên án nghiêm khắc thói xu nịnh vì đây là hành vi phản văn hóa dưới nhiều góc độ khác nhau. Loại bỏ thói xu nịnh không hề dễ dàng vì bản chất nó vốn thể hiện bằng những lời có cánh êm ái du dương nên hễ chui qua tai là ngấm ngay vào tim. Kinh nghiệm cho thấy khắc tinh của nịnh thần chỉ có: trung thần – chính thần – trực thần nhưng điều khó khăn nhất và đồng thời nhân tố quyết định là làm thế nào người cầm cân nảy mực chọn chính xác được trung thần mà không bị nhầm lẫn với nịnh thần?
Nghị luận về thói nịnh bợ - Mẫu 6
Trung Hoa là một trong những cái nôi của văn hoá nhân loại. Từ thời cổ đại, người dân Trung Quốc có quyền tự hào về những bậc học giả, về những người thầy lỗi lạc, uyên bác, từng đúc kết nên nhiều triết lý nhân sinh trở thành chân lý cho mọi thời đại. Tuân Tử là một trong số những bậc vĩ đại ấy. Và câu nói của ông: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy”, cũng đủ cho hậu thế phải suy nghĩ.
Xã hội loài người ngày càng phát triển về kinh tế, về tư tưởng, nhận thức và cũng song hành với sự phức tạp trong mọi quan hệ đời sống. “Miệng lưỡi thế gian” là điều không thể tránh khỏi. Mỗi con người sống chung trong đồng loại cần phải biết chấp nhận lời chê tiếng khen của mọi người. Nhung để nhận biết sự “thật” – “giả” trong mỗi lời khen tiếng chê, để có ứng xử thích hợp, quả không đơn giản. Câu nói của Tuân Tử đã giúp chúng ta cái “kính chiếu yêu” để nhận biết đâu là “thầy”, đâu là “bạn”, đâu là “thù” trong cuộc đời đầy phức tạp đó.
Là một con người, kể cả bậc vua chúa, vĩ nhân, trong cuộc sống, thật khó tránh khỏi những sai lầm. Những lúc như thế, hẳn chúng ta nhận được những lời nhận xét của mọi người. Tất yếu, mỗi người khác nhau, sẽ có những nhận xét, thái độ khác nhau về ta. Điều quan trọng là ở chính bản thân ta: biết nhận ra cái đúng, cái sai của mình; quan trọng hơn, trong vô số những lời “khen”, “chê” đó, ta nhận ra ai là “thầy ta”, ai là “bạn ta” ai là “kẻ thù” của ta vậy!
Lời dạy của Tuân Tử thật chí lý: “Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta”. Mỗi người, khi phạm điều sai, tự mình không dễ gì nhận ra. Người nhận ra cái sai của ta, lại “chê”- tức khẳng định cái sai của ta và chỉ cho ta biết – hẳn phải là người có tầm tri thức, hiểu biết hơn ta. Người đó xứng đáng là bậc “thầy” của ta về trí tuệ. Hơn thế, người thấy và dám chỉ cho ta nhận ra cái sai của mình, để mình có hướng khắc phục, sửa chữa, hẳn đó phải là người có cái tâm thật cao quý: nhưng muốn cho chúng ta nhanh chóng tiến bộ. Chúng ta, về thái độ, tình cảm không thể không tôn vinh người đó là bậc “thầy” về nhân cách để ta học tập.
Người “khen ta mà khen phải” – nghĩa là người đó không những không đố kỵ, hiềm khích trước những cái tốt, cái mạnh của ta, mà còn “khen”, cùng chung vui, chia ngọt sẻ bùi… Đó hẳn là người bạn tốt, người bạn tri âm, tri kỷ của ta vậy. Cuộc đời mỗi chúng ta, nếu có được nhiều người “thầy”, người “bạn” như thế thì hạnh phúc biết bao nhiêu.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai khen hay chê ta đều là “thầy”, là “bạn” của ta. Tuân Tử đã một lần nữa chỉ cho ta biết cách nhận ra “ bộ mặt thật” của những “kẻ” hiểm độc đó. Đó là “kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta”, Tuân Tử tỏ thái độ rõ rệt, dứt khoát khi gọi những loại người đó “là kẻ thù của ta vậy”. Nhưng để nhận ra đâu là bạn “khen ta mà khen đúng” với “những kẻ vuốt ve, nịnh bợ” thật không dễ. Trước hết, kẻ vuốt ve, nịnh bợ, họ khen ta là xuất phát mục đích mưu cầu lợi ích riêng của chính họ. Bởi vậy, thành tích của ta chỉ có một, chúng thổi phồng lên ba, bốn hoặc nhiều hơn thế. Thậm chí, có khi chúng còn ngụy biện, “phù phép” những khuyết điểm, sai lầm của ta thành “thành tích”. Những kẻ đó, luôn lấy việc “nịnh bợ” để tiến thân, khiến cho người được khen ngày càng tự đánh mất mình, xa rời lẽ phải…Thật đáng tiếc là những kẻ đó không thời đại nào không có. Sử sách đã ghi lại không biết bao nhiêu bậc vua chúa đã bị những kẻ nịnh thần làm cho u mê, dẫn đến hãm hại trung thần, triều chính đổ nát, xã tắc suy vong… Lời dạy của Tuân Tử lại một lần nhắc nhở mỗi chúng ta cần sáng suốt để nhận ra đâu là “bạn la” khen ta thật lòng, đâu là “kẻ vuốt ve, nịnh bợ” ta.
Không chỉ đúng với xã hội xưa, mà ngày nay và với tất cả mọi người, ở trên mọi lĩnh vực, lời dạy của Tuân Tử như một chiếc “kính chiếu yêu” giúp chúng ta nhận ra người tốt, kẻ xấu trong cuộc sống, trong học tập. Khi kinh tế thị trường mở cửa, những kẻ chạy theo lợi nhuận, vì danh, vì lợi ngày càng nhiều. Nhân viên nịnh bợ thủ trưởng, cấp dưới luôn luôn vuốt ve, chiều theo ý cấp trên; các bạn lười học thì xun xoe các bạn học giỏi để cầu “phao cứu trợ” trong thi cử, kiểm tra… Hành động của những kẻ đó có thể khác nhau, nhưng đều chung một bản chất: mưu cầu lợi ích riêng tư. Nhưng bạn cũng đừng vì những hiện tượng đó mà đánh mất niềm tin vào cuộc đời. Bởi người tốt, những người xứng đáng là “thầy ta”, “bạn ta” luôn luôn ở bên ta.
Câu nói của Tuân Tử cũng là một lời nhắc nhở chí tình, chí lý cho chính mỗi chúng ta trong quan hệ ứng xử với mọi người. Chúng ta muốn mọi người chê ta thật lòng – như Tuân Tử đã dạy- ta phải biết coi trọng những người đó như bậc “thầy của ta”. Cũng vậy, với bạn bè, đồng đội ta phải sống với cái tâm chân thành, dám chỉ ra những khuyết điểm của bạn mà ta nhận thấy, với ý thức cầu mong cho bạn mình ngày càng hoàn thiện. Mỗi chúng ta cần biết “chia ngọt sẻ bùi”” với bạn bè, coi thành tích của bạn làm niềm vui chung cùng chia sẻ.