TOP 3 bài Thuyết minh về Chùa Keo hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về vị trí địa lí, lịch sử hình thành, đặc điểm cấu trúc Chùa Keo - Thái Bình để viết bài văn thuyết minh thật hay.
Chùa Keo nằm ở địa phận tỉnh Vũ Thư, là ngôi chùa cổ lâu đời nhất, độc đáo nhất và là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều vốn từ, nhanh chóng hoàn thiện bài văn Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em.
Thuyết minh về Chùa Keo hay nhất
Dàn ý thuyết minh về Chùa Keo
I. Mở bài:
Giới thiệu danh thắng chùa Keo, Thái Bình, có thể sử dụng lời thơ để dẫn dắt:
"Dù cho cha đánh, mẹ treo
Cũng không bỏ hội chùa Keo hôm rằm."
Đây là ngôi chùa cổ lâu đời nhất, độc đáo nhất và là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Thái Bình.
II. Thân bài:
a. Giới thiệu khái quát
- Vị trí địa lý: Cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km
- Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
- Diện tích: 58000 km2
- Phương tiện di chuyển: Có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô.
- Khung cảnh khái quát: Chùa nằm ven chân đê sông Hồng, giữa những cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, cây cối tươi tốt quanh năm bởi nước phù sa bồi đắp.
b. Nguồn gốc và lịch sử hình thành:
- Đây là ngôi chùa cổ, đã tồn tại khoảng 400 năm, năm bắt đầu xây dựng là 1630, đến năm 1632 thì hoàn thành.
- Xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê.
- Lịch sử hình thành: Trước đây, chùa có tên gọi là Nghiêm Thần Quang, do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng tại Giao Thủy (Nam Định); nhưng sau đó trải qua nhiều đợt lụt, mưa lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa. Dân cư nơi này đã bỏ quê ra đi, nửa đến Đông Nam hữu ngạn của sông Hồng, định cư và xây dựng chùa Keo (Hành Thiện) nay thuộc Nam Định; phần dân còn lại vượt sông đến vùng Đông Bắc tả ngạn của sông Hồng, định cư và xây dựng chùa Keo thuộc Thái Bình ngày nay.
- Tên gọi: Chùa Keo (Thái Bình) có tên khác là Thần Quang Tự, Keo là tên gọi Nôm của Giao Thủy.
c. Kiến trúc chùa Keo:
- Toàn bộ gỗ làm chùa đều là gỗ lim, rất chắc chắn bởi vậy dù trải qua nhiều biến đổi của thời gian nhưng đây là một trong số những ngôi chùa cổ còn giữ được nguyên vẹn đến tận ngày nay.
- Cấu tạo:
- Tổng gồm 16 tòa, 126 gian trong đó có 12 tòa và 102 gian chính.
- Kiến trúc chính gồm: Tam quan nội, ngoại, Chùa Phật, các tòa bao gồm chùa Ông Hộ, Ống Muống, Tam Bảo, Đền Thánh, Giá Roi, Thiêu Hương, Phụ Quốc, Thượng Điện và Gác Chuông. Ngoài ra còn có các khu tăng xá, nhà khách, khu nhà dành cho ban quản lý chùa.
- Kiến trúc tiêu biểu: Gác Chuông có kiến trúc độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc thời Lê, cao 11 mét, gồm 3 tầng (tầng 1 treo chiếc khánh đá dài 1 mét 2, tầng 2 là quả chuông đồng cao 1 mét 3 đúc vào thời vua Lê Hy Tông, tầng 3 và tầng trên cùng treo chiếc chuông nhỏ cao hơn nửa mét. Đặc biệt nhất là mái gác chuông có kết cấu gần 100 đàn đầu voi; toàn bộ khung đều làm bằng gỗ chắc gắn với nhau bằng mộng.
- Chùa bố trí, sắp xếp giàn tượng pháp thành các lớp và lưu giữ một số lượng lớn các bảo vật, cổ vật có giá trị hàng trăm năm: Đồ gốm, nhang án thời Lê, đôi chân đèn thời Mạc,...
- Khung cảnh chùa Keo, Thái Bình:
- Mặt nước ở cả 3 mặt trước và hai bên tạo ra không gian thoáng đãng tạo cảm giác ngôi chùa vươn cao giống như đóa hoa sen giữa mặt hồ.
- Các tòa tháp, các gian được bố trí đơn giản, tỉ lệ cân đối, không quá đồ sộ nhưng cũng không nghèo nàn.
- Ngoại cảnh: Bao quanh bởi nhiều cây cổ thụ xanh tốt quanh năm tạo vẻ cổ kính, trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều loài hoa quý, cây xanh...
- Lễ hội chùa Keo diễn ra hằng năm vào ngày 13, 14, 15 tháng 9 (Âm lịch) để tưởng nhớ đến Thiền sư Không Lộ, ngoài phần lễ rước kiệu, cúng Thánh trang nghiêm long trọng, chùa còn tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, diễn xướng....
d. Giá trị về lịch sử, văn hóa của chùa Keo với:
- Địa phương: Là biểu tượng, niềm tự hào của tỉnh Thái Bình.
- Đất nước: Là một trong số danh thắng có kiến trúc độc đáo bậc nhất trong cả nước.
- Top 10 di tích cổ nhất ở Việt Nam.
- Năm 1962, chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
- Năm 2012, chùa được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
III. Kết bài:
- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của chùa Keo.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân về danh thắng đặc biệt này.
Thuyết minh về Chùa Keo - Mẫu 1
Chùa Keo nằm ở địa phận tỉnh Vũ Thư ngày nay, chùa còn có tên chữ là chùa Thần Quang. Đây là một ngôi chùa cổ đã tồn tại hơn 400 năm. Chùa Keo được xây dựng vào khoảng năm 1630, đến năm 1632 thì hoàn thành. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê.
Ngày nay chùa Keo Thái Bình gần như vẫn còn giữ được nguyên vẹn các công trình. Nhất là những công trình được tôn tạo thời Lê Trung Hưng như: Tam quan, chùa Phật, đền Thánh, gác chuông, hành lang…
Điều đặc biệt của chùa Keo là sự bố trí sắp đặt các giàn tượng pháp: lớp trên tòa Tam thế là nơi đặt tượng Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai; lớp thứ hai có Phật Di Đà, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát đại Thế Trí; lớp thứ ba có Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; lớp thứ tư có Văn Thù, Phổ Hiền, La Hán. Đến chùa Keo chúng ta được tận mắt nhìn thấy những cổ vật có giá trị hàng trăm năm như: đôi chân đèn thời Mạc, đồ gốm thời Lê, thuyền rồng Long Đình, Phật Đình, nhang án thời Lê, tất cả đều được sơn son thếp vàng bóng nhoáng.
Không chỉ đặc sắc về mặt tượng pháp, hay những đồ cổ thâm niên hàng trăm năm mà chùa Keo còn đẹp và giá trị bởi kiến trúc của nó kỳ công vào bậc nhất so với các chùa nổi tiếng ở nước ta. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim. Dưới bàn tay điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân thời Hậu Lê, họ đã làm nên vẻ đẹp hết sức độc đáo của chùa Keo.
Điểm nhấn trong 107 gian chùa còn lại là gác chuông. Gác chuông chùa Keo cao 11,04m, thiết kế ba tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ, gắn kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong, dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông ngày nay còn là biểu tượng du lịch của tỉnh Thái Bình.
Một trong những độc đáo của chùa Keo khiến du khách không thể quên được đó là cách bài trí ngoại cảnh. Trong vườn chùa có rất nhiều cây xanh và hoa quý. Quần thể chùa soi bóng xuống ba mặt hồ hình chữ nhật ở phía trước và hai bên. Xung quanh hồ những cây cổ thụ lớn xum xuê xanh tốt quanh năm làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm.
Dân gian có câu:
“Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”.
Mỗi năm ở chùa Keo diễn ra hai mùa lễ hội. Lễ hội mùa xuân được bắt đầu từ ngày mồng 4 tháng giêng. Sau những ngày Tết sum vầy bên gia đình, dân làng khắp nơi của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận nô nức trẩy hội chùa Keo. Đến chùa Keo trong lễ hội mùa xuân du khách sẽ được xem lễ dâng hương tại đền Thánh, lễ rước kiệu… Và đặc biệt là du khách được đắm mình trong những trò chơi dân gian, những làn dân ca Bắc bộ…
Lễ hội chùa Keo mùa thu được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch hằng năm. Đây là mùa lễ chính, nhằm tưởng nhớ Thiền sư Không Lộ, người sáng lập nên chùa Keo. Ngoài những trò chơi dân gian, lễ rước kiệu, cúng Thánh, nhân dân còn cung tiến hương, hoa, trà quả và tham gia cuộc thi diễn xướng với nhiều đề tài sinh động.
Đến chùa Keo du khách còn được nghe kể về những truyền thuyết ly kỳ như: Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn hổ mang. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.
Chùa Keo nằm ở chân đê sông Hồng, giữa vùng đồng bằng không bóng núi non, chùa Keo với Gác Chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lý bồi đắp. Đây là một trong những di sản quý giá minh chứng cho văn hoá và truyền thống của dân tộc.
Thuyết minh về Chùa Keo - Mẫu 2
Chùa Keo, một khu chùa cổ tuyệt vời, một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.
Chùa Keo tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử cũ, chùa Keo được xây dựng từ thời nhà Lý Thánh Tông, đến nay đã nhiều lần trùng tu.
Trong những di tích còn lại thì chùa Keo là một di tích có quy mô to lớn. Có lẽ ở nước ta chưa có một ngôi chùa nào lại được tới 57.000m2 với 107 gian chùa lớn (trước là 154 gian) làm toàn bằng gỗ lim. Những con đường dài hàng trăm mét, lát toàn đá xanh rộng gần 2m và 350 vây cột lim lớn nhỏ, đều được kê trên những hòn đá tảng lớn, cổ bồng, chạm cánh sen.
Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, chùa Hộ, chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiên Hương, tòa Phục quốc, tòa Thượng Điện, gác chuông, nhà Tổ… Ngoài ra, là hai dãy hành lang dài hai bên, từ chùa Hộ trở vào.
Tổ chức không gian kiến trúc ở đây thật tài tình, phức tạp một cách trật tự, theo kiểu "tiền Phật hậu Thần”. Khu chùa phía trước và khu đền thờ Không Lộ thiền sư phía sau. Bố cục kiến trúc dường như là phá quy luật, như việc đặt gác chuông ba tầng vào cuối dây chuyền của quần thể. Kiến trúc của gác chuông là sự đồ sộ của hình khối, sự phong phú hài hòa của nhịp điệu và chi tiết, chỉ ba tầng cao 11,06m nhưng lại gây được ấn tượng đồ sộ. Bốn cây cột lim chính cao suốt hai tầng, cùng với hệ thống cột niên và những hàng lan can con tiện, đã được kết nối khéo léo. Các tảng cột gác chuông thuần bằng đá, tạc kiểu hình đôn lớn, chạm hình hoa sen kép rất đẹp. Độc đáo nhất là hệ thống dui bay, tầng tầng lớp lớp vươn lên đỡ mái. Các đầu dui bay phía ngoài vươn ra, choãi xuống theo chiều mái, làm tăng thêm chiều cao của công trình. Đứng xa trông như 200 cánh tay Phật Bà Quan Âm từ mái tầng hai, tầng ba vươn ra vẫy chào khách thập phượng! Tôi đã thấy những người khách nước ngoài dừng lại hàng giờ trước tòa gác chuông ba tầng này, sửng sốt và ngắm nghía mãi tầng tầng lớp lớp mái cong cổ kính và hàng ngàn bộ phận chạm trổ tinh vi, mà ngay đến những người thợ lành nghề nhất được mời đến trùng tu cũng không biết hết tên gọi!
Trong gác chuông có treo hai quả chuông niên đại: Hoàng Triều Cảnh Thịnh Tứ Niên, một di tích quý về sự nghiệp “văn trị” của triều Tây Sơn trên đất Thái Bình. Quai đỉnh chuông đúc từ thời Tây Sơn rất đẹp, chạm hình hai con rồng nối đuôi nhau. Ớ gác một chùa Keo có một khánh đá rất to, không biết đục từ bao giờ, tiếng khánh âm vang.
Hầu như bất cứ bộ phận kiến trúc nào của chùa Keo cũng thấy dấu vết của những bàn tay chạm khắc khéo léo. Ngay ở tam quan nội, một công trình tưởng như nhỏ, nhưng hai cánh cửa trung quan cung được chạm khắc rất công phu. Cánh cửa cao 2,4m, mỗi cánh rộng 1,2m, được chạm một đôi rồng chầu bán nguyệt. Rồng ở đây to, khỏe. Con lớn vươn cổ lên, miệng ngậm hạt châu, râu bờm uốn sóng, rồi choái ra thành những hình lưỡi mác, ngực rồng ưỡn về phía trước, đuôi vắt lên đỉnh tấm cửa. Hàng trăm đám mây lửa ngùn ngụt bốc lên. Rồng như bay lượn trong biển lửa. Có lẽ những người thợ tài ba muốn ký thác những dấu vết của lịch sử trong bức chạm gỗ này. Khép hai cánh cửa lại, chúng ta nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh: rồng chầu nguyệt. Cái khéo của bức chạm này là trên cùng một mặt phẳng, người thợ đã chạm những vết nổi, nét chìm, con rồng to, rồng nhỏ, gần xa, như cả một bầy rồng bay thong dong trong mây.
Hàng năm, “xuân thu nhị kỳ” vào ngày 4 tháng giêng và trung tuần tháng 9 âm lịch, khách thập phương cuồn cuộn đổ về dự hội chùa. Từ xa, trên đê sông Hồng, mọi người đã nhìn thấy lá cờ thần to bằng gian nhà, bay trên đỉnh cột cờ cao 21m. Cột cờ lớn chốt vào bệ đá sâu hàng mét, vậy mà cờ bay còn rúng cả cột!
Thuyết minh về Chùa Keo - Mẫu 3
Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình
Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.
Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa nước ta trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20, mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam.
Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con người của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau.
Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.
Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh.
Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.
Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.
Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.
Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.
Đến thăm chùa, ta có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.
Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng.
Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 âm lịch).
Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.