Thông tư 42/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người lao động theo Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 42/2009/TT-BLĐTBXH
NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2009
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2008/NĐ-CP
NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BÁN, GIAO
DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 109/2008/NĐ-CP) như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện bán, giao quy định tại Điều 2, Nghị định số 109/2008/NĐ-CP.
Các doanh nghiệp, công ty, đơn vị nêu trên gọi chung là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng Thông tư này là người sử dụng lao động, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ (kể cả người lao động được tuyển dụng vào khu vực Nhà nước trước ngày 30 tháng 8 năm 1990 nhưng chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động) ở doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước quy định tại điều 1 Thông tư này, cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bán, giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước theo quy định.
Điều 3. Xây dựng phương án sắp xếp số lao động hiện có của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện bán, giao:
1. Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện bán
Khi nhận được thông báo bán, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp lao động theo quy định tại khoản 5, điều 18 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm danh sách các loại lao động sau:
a) Tổng số lao động của doanh nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm Thông tư này.
b) Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
c) Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động (gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật lao động).
d) Số lao động bên nhận mua doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng.
đ) Số lao động bên nhận mua phải kế thừa sử dụng (kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có).
e) Tổng hợp phương án sử dụng lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện giao
Sau khi tổ chức Đại hội công nhân, viên chức để biểu quyết theo thể thức đa số quá bán việc tự nguyện nhận giao doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn (hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc người được Đại hội công nhân, viên chức bầu làm đại diện cho tập thể lao động) có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 5, điều 23 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm danh sách các loại lao động sau:
a) Tổng số lao động của doanh nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm Thông tư này.
b) Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
c) Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động (gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật lao động).
d) Số lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp khi được giao cho tập thể lao động.
đ) Số lao động nhận giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
e) Tổng hợp phương án sử dụng lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Việc lập danh sách lao động trong phương án sử dụng lao động đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện bán quy định tại khoản 1 điều này là thời điểm công bố giá khởi điểm doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện giao quy định tại khoản 2 điều này là thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giao doanh nghiệp.