Ngày 23/08/2017, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 207/2017/TT-BQP về hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2017. Theo đó, Thông tư quy định nguyên tắc chuyển xếp lương như sau:
- Căn cứ vào vị trí việc làm và yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm để xếp vào loại, nhóm.
- Căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết tháng 6 năm 2016 để xếp bậc lương (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng chưa được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).
- Khi thực hiện chuyển xếp lương không được kết hợp nâng bậc, nâng nhóm, nâng loại.
Thông tư 207/2017/TT-BQP - Hướng dẫn chuyển xếp lương công nhân quốc phòng
BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 207/2017/TT-BQP | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUYỂN XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN QUỐC PHÒNG
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng quy định tại Điều 4 Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2017/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công nhân quốc phòng thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo vị trí việc làm; thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở sản xuất, sửa chữa, cải tiến, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; bảo đảm, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác của Quân đội.
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc chuyển xếp lương
1. Căn cứ vào vị trí việc làm và yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm để xếp vào loại, nhóm.
2. Căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết tháng 6 năm 2016 để xếp bậc lương (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng chưa được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).
3. Khi thực hiện chuyển xếp lương không được kết hợp nâng bậc, nâng nhóm, nâng loại.
Điều 4. Cách chuyển xếp lương
1. Trường hợp tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đang bố trí đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm.
a) Chuyển xếp loại, nhóm lương
Đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ đại học theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 1 Loại A; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ cao đẳng theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 2 Loại A; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ trung cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại B; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ sơ cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại C Bảng lương công nhân quốc phòng quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 19/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Bảng lương công nhân quốc phòng).
b) Chuyển xếp bậc lương
Trên cơ sở đã thực hiện xong chuyển xếp loại, nhóm lương, căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm thời gian công tác trong và ngoài Quân đội, nếu có đứt quãng chưa hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) để thực hiện xếp bậc lương, cụ thể: Tính từ bậc 1, cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các hệ số lương từ 3,95 trở xuống và cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các hệ số lương trên 3,95 được xếp lên 1 bậc lương theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 được nâng bậc lương trước thời hạn thì thời gian trước thời hạn đó được cộng để tính vào thời gian xếp lên bậc lương cao hơn. Trường hợp trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật khiển trách thì bị trừ 6 tháng, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức, cách chức thì bị trừ 12 tháng vào thời gian tính xếp lên bậc lương cao hơn.
c) Trong quá trình chuyển xếp lương đến bậc lương cuối cùng, nếu có số tháng dư (chưa đủ 24 tháng đối với các hệ số lương từ 3,95 trở xuống hoặc chưa đủ 36 tháng đối với các hệ số lương trên 3,95) thì số tháng dư này sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính bắt đầu từ tháng 7 năm 2016.
- Ví dụ 1: Tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng M có trình độ trung cấp, đang được bố trí vị trí việc làm hàn hơi tại Phân xưởng X, Nhà máy đóng tàu Y thuộc Tổng cục C, đang được xếp lương hệ số 2,10 Bậc 2, Nhóm 2, ngành luyện kim, thang lương 7 bậc (A1.9.N2). Thời gian công tác của đồng chí M như sau: Tháng 9 năm 2005 nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, tháng 01 năm 2007 xuất ngũ về địa phương, đã thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Từ tháng 02 năm 2007 đến hết tháng 9 năm 2012 có thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 6 tháng. Tháng 10 năm 2012 được Quân đội tuyển dụng làm công nhân quốc phòng. Việc chuyển xếp lương của đồng chí M thực hiện như sau:
Bước 1: Vị trí việc làm hàn hơi tại Phân xưởng X, Nhà máy đóng tàu Y yêu cầu trình độ trung cấp, đồng chí công nhân quốc phòng M có trình độ trung cấp nên được xếp vào Loại B Bảng lương công nhân quốc phòng.
Bước 2: Tính hết tháng 6 năm 2016, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí M là 4 năm 3 tháng (từ tháng 02 năm 2007 đến tháng 9 năm 2012 có 6 tháng và từ tháng 10 năm 2012 đến hết tháng 6 năm 2016 là 3 năm 9 tháng). Đồng chí M được xếp vào Bậc 3, Loại B, hệ số lương là 3,50; số tháng dư là 3 tháng sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo.
- Ví dụ 2: Tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng H có bằng đại học, đang được bố trí làm việc tại Phòng Kế hoạch, Nhà máy Z1, Tổng cục C, đang được xếp lương hệ số 3,99 Bậc 6 Viên chức loại A1 Bảng 3 (ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Tính đến hết tháng 6 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng H có tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 22 năm 7 tháng, có 12 tháng được nâng bậc lương trước thời hạn và một lần bị kỷ luật khiển trách. Việc chuyển xếp lương của đồng chí H được thực hiện như sau:
Bước 1: Vị trí việc làm tại Phòng Kế hoạch, Nhà máy Z1 yêu cầu trình độ đại học, đồng chí công nhân quốc phòng H có trình độ đại học nên được xếp vào Nhóm 1 Loại A Bảng lương công nhân quốc phòng.
Bước 2: Tính đến hết tháng 6 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng H có thời gian để làm căn cứ chuyển xếp bậc lương là 23 năm 1 tháng (tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 22 năm 7 tháng, thời gian được cộng do được nâng bậc lương trước thời hạn là 12 tháng, thời gian bị trừ do bị kỷ luật khiển trách là 6 tháng). Đồng chí công nhân quốc phòng H được xếp vào Bậc 9 Nhóm 1 Loại A, hệ số lương là 6,30; số tháng dư là 13 tháng sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo.
2. Trường hợp tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đang bố trí không đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm hoặc văn bằng đào tạo không đúng chuyên môn, chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm.
a) Chuyển xếp loại, nhóm lương
Căn cứ vào đối tượng quy định tại khoản 2 Phụ lục Bảng lương công nhân quốc phòng (ban hành kèm theo Nghị định số 19/2017/NĐ-CP) để thực hiện chuyển xếp lại theo đúng loại, nhóm lương.
b) Chuyển xép bậc lương
Thực hiện như quy định chuyển xếp bậc lương tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
- Ví dụ 3: Tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng N có chứng chỉ sơ cấp, đang được bố trí vị trí việc làm sửa chữa đường ống xăng dầu tại Trạm sửa chữa kỹ thuật, Kho xăng dầu M, Tổng cục H, đang được xếp lương hệ số 3,49 Bậc 5 Nhóm 1 ngành Xăng dầu Thang lương 6 bậc (A2.5.N1). Thời gian công tác của đồng chí N như sau: Sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, tháng 01 năm 1998 đồng chí N được Quân đội tuyển chọn làm công nhân quốc phòng. Việc chuyển xếp lương của đồng chí công nhân quốc phòng N được thực hiện như sau:
Bước 1: Vị trí việc làm sửa chữa đường ống xăng dầu tại Trạm sửa chữa kỹ thuật, Kho xăng dầu M yêu cầu trình độ trung cấp, nhưng đồng chí N chỉ có chứng chỉ sơ cấp nên được xếp vào Loại C Bảng lương công nhân quốc phòng.
Bước 2: Tính hết tháng 6 năm 2016, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí N là 20 năm 6 tháng (2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự và 18 năm 6 tháng là công nhân quốc phòng). Đồng chí N được xếp vào Bậc 9 Loại C, hệ số lương là 4,70; số tháng dư là 30 tháng sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo.
- Ví dụ 4: Tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng K có bằng cao đẳng kế toán, đang được bố trí vị trí việc làm nấu ăn tại Nhà máy Z1, Tổng cục C, đang được xếp lương hệ số 2,83 Bậc 5 Nhóm 2 ngành Du lịch, dịch vụ khác Thang lương 7 bậc (A1.1.N2). Tính đến hết tháng 6 năm 2016 thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí K là 19 năm. Việc chuyển xếp lương của đồng chí công nhân quốc phòng K được thực hiện như sau:
Bước 1: Vị trí việc làm nấu ăn tại Nhà máy Z1, Tổng cục C yêu cầu trình độ trung cấp, đồng chí công nhân quốc phòng K có bằng cao đẳng nhưng đang làm công việc yêu cầu trình độ trung cấp nên được xếp vào Loại B Bảng lương công nhân quốc phòng.
Bước 2: Tính đến hết tháng 6 năm 2016 thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí K là 19 năm, nên đồng chí K được xếp vào Bậc 8 Loại B, hệ số lương là 5,00; số tháng dư là 24 tháng sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo.
- Ví dụ 5: Trường hợp đồng chí K tại Ví dụ 4 nêu trên nhưng không có bằng cao đẳng kế toán, có chứng chỉ sơ cấp nghề nấu ăn, thì được xếp vào Loại C Bảng lương công nhân quốc phòng để phù hợp với văn bằng hiện đang có (Bậc 9, hệ số lương 4,70).
3. Trường hợp đã xếp lương bậc 10/10 trong loại, nhóm mới mà thời gian có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn từ đủ 36 tháng trở lên thì được xếp hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung: Đủ 36 tháng được tính 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong loại, nhóm; đủ 12 tháng tiếp theo tính thêm 1%.
4. Sau khi chuyển xếp lương mới, nếu hệ số lương được xếp ở loại, nhóm cộng với hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đang hưởng cộng với hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh (quy đổi hệ số) thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương đang hưởng, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh (quy đổi hệ số). Hệ số chênh lệch bảo lưu này (tính tròn sau dấu phẩy 2 số) giảm dần khi được nâng lương (khi được nâng bậc lương, nâng loại, chuyển nhóm lương, tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp).
- Ví dụ 6: Trường hợp của đồng chí N tại Ví dụ 3 có hệ số lương mới là 4,70; tổng hệ số lương cũ là 5,24 (hệ số lương là 3,49, hệ số phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh là 1,75 (3,49 x 50% = 1,745, tính tròn = 1,75). Đồng chí N được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,54 (5,24 - 4,70) trong suốt thời gian giữ bậc lương (Bậc 9). Theo quyết định của cấp có thẩm quyền, từ tháng 01 năm 2017 đồng chí N được nâng lương lên Bậc 10, hệ số 4,95. Như vậy từ tháng 01 năm 2017 đồng chí N hưởng lương theo hệ số 4,95 và được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,29 (5,24 - 4,95) trong suốt thời gian giữ bậc lương (Bậc 10). Từ tháng 01 năm 2020 đồng chí N được hưởng lương Bậc 10, hệ số 4,95, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo hệ số là 0,25 (4,95 x 5%) và được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,04 (0,29 - 0,25). Từ tháng 01 năm 2021 đồng chí N được hưởng lương Bậc 10, hệ số 4,95, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo hệ số là 0,30 (4,95 x 6%) và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu.
5. Chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện như sau:
a) Chuyển xếp loại, nhóm lương
Tại thời điểm tuyển dụng công nhân quốc phòng, nếu được bố trí đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm thì thực hiện như quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nếu được bố trí không đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm hoặc văn bằng đào tạo không đúng chuyên môn, chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm thì thực hiện như quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
b) Chuyển xếp bậc lương
Chuyển xếp vào Bậc 1 theo loại, nhóm lương đã xác định tại điểm a khoản này.
c) Thời điểm nâng bậc lương lần sau được tính từ tháng tuyển dụng công nhân quốc phòng.
6. Xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện như sau:
a) Xếp loại, nhóm lương
Bố trí đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm và xếp loại, nhóm lương như sau:
Được bố trí đúng yêu cầu trình độ đại học theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 1 Loại A; được bố trí đúng yêu cầu trình độ cao đẳng theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 2 Loại A; được bố trí đúng yêu cầu trình độ trung cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại B; được bố trí đúng yêu cầu trình độ sơ cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại C Bảng lương công nhân quốc phòng.
b) Xếp bậc lương
Xếp vào Bậc 1 theo loại, nhóm lương đã xác định tại điểm a khoản này.
c) Thời điểm nâng bậc lương lần sau được tính từ tháng tuyển dụng công nhân quốc phòng.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị
1. Cơ quan, đơn vị
a) Căn cứ vào quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 198/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ Quốc phòng quy định bố trí sử dụng; đánh giá, phân loại quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân để xác định từng đối tượng là công nhân quốc phòng hoặc viên chức quốc phòng.
b) Căn cứ thời gian làm việc ghi trong hồ sơ công nhân quốc phòng, lập bảng chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo Mẫu số 01, lập dự toán chuyên xếp lương cũ sang lương mới theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo Thủ trưởng cấp trên đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng.
c) Cơ quan quản lý nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Thường vụ, chỉ huy cùng cấp quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với công nhân quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định (tại Thông tư số 170/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng) và đề nghị về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu) chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với công nhân quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
đ) Cơ quan tài chính đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, báo cáo Thường vụ, chỉ huy cùng cấp phê duyệt nhu cầu ngân sách tăng thêm khi thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới của các đơn vị thuộc quyền, tổng hợp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng).
đ) Căn cứ Quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển xếp lương cũ sang lương mới, cơ quan tài chính thực hiện chi trả truy lĩnh lương đối với công nhân quốc phòng theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi tắt là Mẫu số 03).
e) Thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội đối với từng đối tượng theo Mẫu số 03, điều chỉnh lại mức hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản theo quy định; lập hồ sơ (qua các cấp) chuyển Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng ra quyết định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất đối với các trường hợp đã hưởng trợ cấp trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (kèm theo danh sách truy lĩnh lương theo Mẫu số 03).
g) Trường hợp công nhân quốc phòng có quyết định điều động công tác sang cơ quan, đơn vị khác trong Quân đội trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng căn cứ vào hồ sơ, yếu tố ghi trong “Giấy giới thiệu cung cấp tài chính” hoặc “Giấy thôi trả lương” của đơn vị cũ, lập danh sách chuyển xếp lương cũ sang lương mới; lập danh sách, cấp phát truy lĩnh phần chênh lệch theo quy định từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
h) Trường hợp công nhân quốc phòng có quyết định nâng lương trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển xếp lương như quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
i) Trường hợp công nhân quốc phòng có quyết định tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị truy lĩnh tiền lương công nhân quốc phòng từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến thời điểm được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp. Mức lương quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quyết định tuyển chọn đã ký.
k) Trường hợp công nhân quốc phòng đã có quyết định chuyển ngành hoặc thôi việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị thực hiện truy lĩnh tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến thời điểm chuyển ngành hoặc thôi việc và điều chỉnh lại mức đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội chuyển về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định.
2. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng
Chủ trì, phối hợp với Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện chuyển xếp lương công nhân quốc phòng và bảo đảm tài chính để thực hiện chế độ hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu
Tiếp nhận báo cáo của các cơ quan, đơn vị đề nghị chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với công nhân quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; thẩm định, tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
4. Bảo hiểm xã hội/Bộ Quốc phòng
Thực hiện việc truy thu đóng bảo hiểm xã hội; tiếp nhận hồ sơ ra quyết định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất; chốt sổ bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này đã hưởng trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
5. Thời gian hoàn thành và gửi cấp trên về phương án chuyển xếp lương công nhân quốc phòng: Đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trước ngày 30 tháng 9 năm 2017, cấp sư đoàn và tương đương trước ngày 15 tháng 10 năm 2017, cấp trực thuộc Bộ trước ngày 30 tháng 10 năm 2017, Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu thẩm định và báo cáo kết quả với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước ngày 15 tháng 11 năm 2017.
Điều 6. Kinh phí thực hiện
1. Đối với các đơn vị dự toán, tiền lương công nhân quốc phòng do ngân sách quốc phòng đảm bảo và hạch toán vào Mục 6000, Tiểu mục 6001, Tiết mục 30, Ngành 00 “Lương công nhân quốc phòng”.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tiền lương được hạch toán vào nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đối với doanh nghiệp, tiền lương được hạch toán vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (được hạch toán bổ sung phần tăng thêm do truy lĩnh từ ngày 01 tháng 7 năm 2016).
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.