Trong quá trình làm việc, nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì Đảng viên sẽ phải chịu xử lý kỷ luật với hành vi của mình đã làm. Vậy, thời hạn xóa kỷ luật Đảng viên là bao lâu? Thời hạn xóa kỷ luật đối với công chức như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn nhé.
Xử lý kỷ luật Đảng viên là cơ quan, người có thẩm quyền căn cứ vào các quy định trong Điều lệ Đảng, và các nội dung của văn bản khác theo quy định để quyết định áp dụng một trong những hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên, tổ chức Đảng có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng. Việc xử lý kỷ luật về Đảng cũng phải được thực hiện theo đúng quy trình, trình tự nhất định, cũng như tuân thủ đúng nguyên tắc nhất định để đảm bảo việc xử lý công bằng, minh bạch, công khai, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.
Quy định về thời gian xóa kỷ luật đảng viên
1. Thời hạn xóa kỷ luật đối với đảng viên
Căn cứ vào khoản 10 Điều 16 Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định:
Sau 01 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật, nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Tuy nhiên, đối với quyết định kỷ luật khai trừ khỏi Đảng thì sẽ được áp dụng mà không có thời hạn xóa bỏ kỷ luật.
2. Thời hạn xóa kỷ luật đối với công chức
Căn cứ theo khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về quyết định kỷ luật công chức, trong đó quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành và quyết định này có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Trong thời gian này, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
3. Thời hạn xóa kỷ luật đối với viên chức
Cũng tương tự như đối với công chức, theo khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về quyết định kỷ luật viên chức, trong đó quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành và quyết định này có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Trong thời gian này, nếu viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
4. Thời hạn xóa kỷ luật đối với người lao động
Căn cứ theo quy đinh tại Điều 126 của Bộ luật Lao động 2019 thì thời gian xóa kỷ luật đối với người lao động được quy định như sau:
- Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ thì có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.
Như vậy, thời hạn để có thể được áp dụng xóa kỷ luật sẽ phụ thuộc vào việc chủ doanh nghiệp hay người đứng đầu đơn vị ban hành quyết định áp dụng loại hình thức nào và thời hạn kỷ luật bao nhiêu thì có thể được xem xét và xóa kỷ luật hoặc giảm thời hạn xóa kỷ luật.