Bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về việc nhiều học sinh không thích các môn Khoa học xã hội và nhân văn, đây là tài liệu được chúng tôi đăng tải tại Download.vn.
Hiện nay, một vấn đề mà tất cả các trường THPT đều gặp phải, là học sinh không còn thích học những môn Khoa học xã hội và nhân văn mà chỉ quan tâm đến các môn học liên quan đến Khoa học tự nhiên. Sau đây, chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 12 nghị luận về văn đề này.
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về hiện tượng đời sống cần nghị luận: hiện tượng nhiều học sinh coi thường các môn khoa học xã hội và nhân văn
II. Thân bài:
* Nêu thực trạng, hậu quả của việc học sinh coi thường các môn khoa học xã hội và nhân văn
- Học sinh thường chú trọng và đầu tư nhiều thời gian, công sức để theo học các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là Toán, Ngoại ngữ và Tin học.
- Học sinh hoàn toàn thờ ơ, thậm chí là có thái độ coi thường đối với các môn học khoa học xã hội và nhân văn như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân.
- Tình trạng học lệch, học tủ, không phân bố thời gian hợp lý giữa các môn học diễn ra phổ biến.
- Thói quen học vẹt, học tủ mang tính chất đối phó với các môn học thuộc phân ban xã hội với quan điểm học để qua kỳ thi.
* Nguyên nhân dẫn đến việc học sinh coi thường các môn khoa học xã hội và nhân văn
- Học sinh cho rằng các môn học khoa học tự nhiên có tính thực tế và giá trị thực tiễn cao hơn, mang lại cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai nhiều hơn.
- Ý nghĩa quan trọng, chức năng thẩm mĩ, giáo dục của những môn học thuộc ban xã hội và nhân văn hoàn toàn bị lãng quên.
- Cánh cửa vào ngành, vào nghề của các môn học khoa học xã hội và nhân văn đang rất hạn hẹp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tương lai.
- Trong tâm lý phụ huynh và học sinh, các môn học như Văn, Sử, Địa đơn thuần chỉ là "học thuộc", chỉ cần vượt mức "trung bình" để qua môn.
- Việc giảng dạy học các môn học xã hội ở trường phổ thông còn nhiều bất cập, chủ yếu nặng về lý thuyết, phương pháp dạy học phổ biến theo hướng truyền thống, đọc chép.
* Đề xuất giải pháp:
- Không coi thường, xem nhẹ và phân biệt giữa các môn học.
- Thay đổi những quan điểm tiêu cực, đồng thời nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa to lớn, quan trọng của các môn học xã hội và nhân văn.
- Đội ngũ giáo viên cần thay đổi không ngừng thay đổi, làm mới các phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú, đánh thức niềm đam mê của học sinh.
III. Kết bài:
- Khái quát vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
Bài văn mẫu số 1
Những năm gần đây, có một thực trạng đáng báo động đó là tình trạng học sinh coi thường các môn học Khoa học xã hội và nhân văn. Ớ xu thế xã hội nào, các môn học này vẫn có vai trò vô cùng quan trọng đến nhân cách và văn hóa ứng xử. Do đó, học sinh coi thường các môn xã hội đã gây ra những tác hại nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ của mỗi học sinh. Vậy nguyên nhân dẫn đến những thái độ đó của học sinh là gì?
Trước tiên có thể thấy, các môn khoa học xã hội và nhân văn đã không tạo được niềm hứng thú đối với các môn khoa học tự nhiên. Thường ngày trong chương trình học không chỉ có các môn tự nhiên, các môn xã hội mà còn có rất nhiều môn học khác như sinh học, thể dục. Vì vậy các em không những học bài mà còn phải chuẩn bị rất nhiều bài tập trước khi đến lớp. Thêm vào đó, các môn khoa học xã hội như văn học, lịch sử, địa lí... kiến thức vô cùng rộng với những sự kiến thức dài dễ tạo ra học sinh cảm giác chán nản, mệt mỏi. Không như các môn khoa học xã hội và nhân văn, các môn tự nhiên tạo được cho học sinh nhiều hứng thú hơn với những con số, công thức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ học thuộc, từ đó các môn này tạo cho học sinh được cảm giác kích thích, đào sâu suy nghĩ và tìm tòi hướng giải quyết.
Thứ đến phải kể là cách giảng dạy của giáo viên. Cách học “cô đọc trò chép” đã làm cho học sinh trở nên thụ động, lười suy nghĩ. Chính vì vậy, những giờ học môn khoa học xã hội và nhân văn đã không được học sinh yêu thích và coi trọng.
Khi nhìn nhận một vấn đề ta không chỉ nhìn từ một phía, có thể thấy do bản chất của các môn học xã hội, do cách truyền đạt của giáo viên mà học sinh coi thường các môn học xã hội nhưng đã bao giờ ta thử lật ngược lại vấn đề? Nếu như các bạn học sinh yêu thích các môn học xã hội thì liệu có dẫn đến tình trạng chán nản đó hay không?
Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học” tức là Văn học không chi cung cấp những kiến thức về môn học đó nói chung mà các môn học xã hội còn hướng con người sống “chân, thiện, mỹ, giúp con người yêu thương con người hơn.
Hậu quả của việc coi thường các môn khoa học xã hội và nhân văn để lại là vô cùng nghiêm trọng, tác hại của sự thiên lệch trong tư duy đã làm cho một số học sinh rơi vào những cảnh tiếc nuối. Và chỉ khi ở trong những cảnh tiếc nuối đó, học sinh học lệch mới thấy học đều các môn tốt biết bao.
Nhìn chung, vấn đề học sinh coi thường các môn học khoa học xã hội và nhân văn đang được rất nhiều nhà trường quan tám. Vì vậy, ta nên có thái độ tích cực và bình đẳng đối với tất cả môn khoa học xã hội và nhân văn và các môn học tự nhiên. Như vậy, ta vừa có thêm kiến thức, vừa không gặp những rủi ro mà việc học đem lại.
Bài văn mẫu số 2
Sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có giáo dục, đặc biệt là sự xuất hiện của xu hướng nhiều phụ huynh, học sinh thích chạy theo những môn học khoa học tự nhiên và coi thường các môn học khoa học xã hội và nhân văn.
Thực tế đã chứng minh, học sinh thường chú trọng và đầu tư nhiều thời gian, công sức để theo học các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là các môn học thời thượng như Toán, Ngoại ngữ và Tin học. Ngược lại, các em hoàn toàn thờ ơ, thậm chí là có thái độ coi thường đối với các môn học khoa học xã hội và nhân văn như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Học sinh "quay lưng" với những trang văn thấm đẫm giá trị nhân đạo, nhân văn về cuộc sống nhân sinh, lãng quên những nét đẹp về "chân thiện, mỹ” ẩn chứa sau mỗi một câu chuyện; buồn chán trước những sự kiện lịch sử trọng đại mà quên mất rằng đó là những cột mốc đánh dấu sự thay đổi to lớn của đời sống dân tộc; cho rằng những tấm bản đồ địa lý phức tạp và không cần thiết; lạnh nhạt với những bài học "làm người" sâu sắc ẩn chứa sau mỗi bài học về đạo đức, giáo dục công nhân. Sự thờ ơ, xem nhẹ với các môn khoa học xã hội và nhân văn diễn ra phổ biến hiện nay là một trong những nguyên nhân "bào mòn", làm suy giảm lòng nhiệt thành, say mê truyền đạt kiến thức của người giáo viên. Đồng thời, dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ, không phân bố thời gian hợp lý giữa các môn học. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các em có thái độ học vẹt, học tủ mang tính chất đối phó với các môn học thuộc phân ban xã hội với quan điểm học để qua kỳ thi và không làm ảnh hưởng xấu đến thành tích học tập nói chung.
Thực trạng trên xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, học sinh cho rằng các môn học khoa học tự nhiên có tính thực tế và giá trị thực tiễn cao hơn, mang lại cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai nhiều hơn, hấp dẫn hơn. Bởi vậy, thay vì chọn môn học, định hướng nghề nghiệp theo đam mê thì các em chạy theo những môn học có tính ứng dụng cao để có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Ý nghĩa quan trọng, chức năng thẩm mĩ, chức năng giáo dục của những môn học thuộc ban xã hội và nhân văn hoàn toàn bị lãng quên. Thứ hai, có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là cánh cửa vào ngành, vào nghề của các môn học khoa học xã hội và nhân văn đang rất hạn hẹp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tương lai. Thứ ba, từ lâu trong tâm lý phụ huynh và học sinh, các môn học như Văn, Sử, Địa đơn thuần chỉ là "học thuộc", không cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, chỉ cần vượt mức "trung bình" để qua môn. Ngoài ra, việc giảng dạy các môn học xã hội ở trường phổ thông còn nhiều bất cập, chủ yếu nặng về lý thuyết mà không chú trọng để học sinh trải nghiệm, thực hành, phương pháp dạy học phổ biến theo hướng truyền thống, đọc chép. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm bớt hứng thú và gây ra sự nhàm chán trong các tiết học.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò và tính ứng dụng cao của các môn học "thời thượng" như Toán, Tin học, Ngoại ngữ, bởi đó là những môn học giúp chúng ta cập nhật và bắt kịp nhịp độ phát triển và xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời đại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta coi thường, xem nhẹ các môn học khác, bởi giữa các môn học luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau và mỗi một môn học đều có vai trò, ý nghĩa, sứ mệnh riêng. Chẳng hạn như nếu học tốt môn Ngữ văn, chúng ta sẽ có vốn từ vựng phong phú để giao tiếp, trình bày các quan điểm của bản thân một cách rõ ràng, lưu loát; đồng thời môn Văn còn là môn học giúp con người nuôi dưỡng và bồi đắp các giá trị tâm hồn trước sự lên ngôi của giá trị vật chất. Nếu am hiểu về lịch sử, chúng ta sẽ có thêm nhiều kiến thức để tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc,.... Để cải thiện tình trạng này, trước hết, chúng ta cần thay đổi những quan điểm tiêu cực, đồng thời nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa to lớn, quan trọng của các môn học xã hội và nhân văn. Đội ngũ giáo viên cần thay đổi không ngừng thay đổi, làm mới các phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú trong mỗi một tiết học nói riêng và đánh thức niềm đam mê đối với môn học nói chung. Đồng thời, cần thay đổi quan điểm, cách nhìn của phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa quan trọng mà các môn học xã hội, nhân văn đem lại.
Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy khẳng định... diễn ra phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác lập động cơ học tập tích cực, rèn luyện thái độ tích cực trong học hành và thi cử.