Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nỗ lực học tập là của thanh niên gồm 3 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính mình.
TOP 3 bài nghị luận về sự nỗ lực cực chất dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về mối quan hệ giữa đức và tài, nghị luận về vai trò của gia đình, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Nghị luận về nỗ lực học tập là của thanh niên
Dàn ý nghị luận về nỗ lực học tập là của thanh niên
I. Mở Bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên.
II. Thân Bài:
1. Giải thích nội dung cần nghị luận
- Học tập là gì?
- Thanh niên là thế hệ có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước?
- Ý nghĩa của câu nói: Khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của thế hệ trẻ là nỗ lực học tập.
2. Tại sao "Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên"?
- Học tập là con đường duy nhất dẫn con người đặt chân đến bến bờ của tri thức. Thanh niên cần nỗ lực, chăm chỉ, quyết tâm, cần cù, miệt mài trên con đường tiếp nhận tri thức bởi kho tàng kiến thức của con người luôn là vô hạn.
- Thanh niên là những người có sức khỏe, sức trẻ, nhiệt huyết và đam mê; bởi vậy họ chính là tương lai của một quốc gia, dân tộc.
- Học tập không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
3. Lật lại vấn đề
- Lên án, phê phán bộ phận thanh niên có lối sống ăn chơi sa đọa, không nỗ lực học tập.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Xác định mục tiêu, mục đích học tập đúng đắn; từ đó hình thành lí tưởng sống cao đẹp để cống hiến cho xã hội.
- Luôn giữ vững tinh thần quyết tâm, cố gắng không ngừng nghỉ và không bỏ cuộc để chinh phục tri thức.
III. Kết Bài:
- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận: là lời kêu gọi thanh niên nỗ lực trong học tập.
Nghị luận về sự nỗ lực trong học tập - Mẫu 1
Trong cuộc sống, sự nỗ lực là điều vô cùng quan trọng đối với bản thân mỗi con người. Sự nỗ lực không phải là một điều gì đó quá lớn lao, nó chỉ đơn giản là việc bạn quyết tâm tìm ra đáp án của một bài toán khó, cố gắng đứng lên sau một cú ngã đau, hay đơn giản chỉ là việc bạn cố gắng thức dậy sớm mỗi ngày tập thể dục,… Chỉ đơn giản vậy thôi, không cần quá lớn lao, to tát nhưng sự nỗ lực lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc sống của mỗi người.
Khi bạn nỗ lực vươn lên, vượt qua giới hạn ban đầu của bản thân đó là lúc phần người trong bạn cũng lớn dần lên. Khi này ý chí, sức mạnh tiềm tàng trong bạn như một mầm non đang trỗi dậy mạnh mẽ mang đến một sức sống lớn lao. Khi bạn mang trong mình sự nỗ lực không ngừng, ấy là lúc bạn đang khẳng định với cả thế giới rằng “tôi có thể làm được”, lúc đó bạn sẽ khám phá ra khả năng tiềm tàng trong con người mình lớn đến đâu, sức mạnh của bạn lớn đến đâu. Và khi này tư duy của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi, bạn sẽ không còn cảm thấy quá sợ hãi khi đối diện với những vấn đề tương tự khác, khi này thái độ, tư duy của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi. Không những thế, sự nỗ lực vươn lên còn là động lực, là một bước đệm vững chãi cho những thành công sau này của bạn.
Khi bạn nỗ lực vươn lên bạn sẽ biết bản thân mình còn yếu kém ở đâu và cố gắng để khắc phục nó. Sự nỗ lực giống như một mũi tên giúp bạn tới được đích đến của khát khao, của đam mê. Thử hỏi nếu không có sự nỗ lực thì liệu Edison, Bill Gates, hay các nhà thành danh khác có chạm được đến nấc thang danh vọng của cuộc đời mình không? Tôi vô cùng tâm đắc với một câu nói của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt “Chưa từng có ai trong lịch sử nhân loại sống một cuộc sống thanh nhàn ngày hôm nay mà đáng để mọi người nhớ tên cả”. Đúng vậy, sự nỗ lực hôm nay của bạn là thứ sẽ khiến người ta nhớ bạn, biết bạn là ai. Bản thân mỗi người ngay lúc này đây cần nỗ lực không ngừng, hãy luôn tâm niệm rằng “đừng lựa chọn an nhàn khi bản thân còn có thể cố gắng”.
Hãy biết phá vỡ đi giới hạn của bản thân để tiến về phía trước. Bên cạnh những người luôn luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng thì ngày nay một bộ phận giới trẻ sống chỉ biết dựa dẫm vào người khác, sống không có mục tiêu, đam mê, ước mơ. Chúng ta cần loại bỏ đi lối tư duy này và luôn cố gắng để bản thân mình tốt hơn qua từng ngày.
Nghị luận về nỗ lực học tập là của thanh niên - Mẫu 2
Lê-nin từng có câu: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói trên đã khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc học. Và để việc học của chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp thì mỗi cá nhân cần xác định rõ mục đích học tập cho bản thân. Vì lẽ đó mà UNESCO đã đề xướng:“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Vậy chúng ta hãy cùng làm rõ vấn đề trên.
“Học” là sự tiếp thu kiến thức ở nhiều lĩnh vực không chỉ từ nhà trường mà còn từ cuộc sống. Ông bà ta khi xưa thường khuyên con cháu: “ Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học”. Thật vậy, để mở mang sự hiểu biết cũng như tích lũy tri thức quý giá thì con người ta luôn phải trải qua quá trình học tập không ngừng nghỉ. Bạn có thể biết được những điều hay, mới lạ, bổ ích bằng cách tìm tòi học hỏi qua sách vở, qua thầy cô,bạn bè cũng như từ thực tế cuộc sống. Chỉ cần luôn cố gắng và có tinh thần ham học hỏi, chắc chắn ta sẽ giải đáp được những điều ta muốn biết và hơn nữa là hiểu thêm về những điều ta chưa biết. Nhờ vậy mà bản thân luôn bắt kịp với thời đại, với sự phát triển vượt bậc của xã hội. Bên cạnh việc học để tiếp thu kiến thức, chúng ta còn cần xác định cho mình một mục đích học tập quan trọng khác nữa, đó là “học để làm”.Ta có thể hiểu “học để làm” ở đây là vận dụng những kiến thức mình đã học vào cuộc sống. Hay nói rõ hơn là học cho tương lai, học để mai sau có thể kiếm được công việc, nghề nghiệp ổn định nhờ đó nuôi sống bản thân và cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước…
Vậy còn “học để chung sống” là như thế nào? Hẳn ai cũng biết,cuộc sống quanh ta vốn muôn màu muôn vẻ, đa dạng và vô cùng phức tạp với nhiều mối quan hệ. Việc “học” trong trường hợp này được hiểu là học cách đối nhân xử thế, học những điều hay lẽ phải cũng như cách sống đẹp. Quan hệ giữa người với người đi đến tốt đẹp, hoà hảo hay mâu thuẫn, xung đột đều là do chúng ta quyết định. Nếu biết cư xử phải lẽ với nhau, biết nghĩ cho nhau, cho tập thể thì hẳn mỗi người đều cảm nhận được niềm hạnh phúc khi cho đi và nhận lại. Mặt khác, “học để chung sống” còn là học tập và tuân theo những chuẩn mực về đạo đức, pháp luật để trở thành một công dân gương mẫu, góp phần xây dựng bộ mặt văn minh, tích cực cho đất nước.
Cuối cùng là “học để tự khẳng định mình”. Ai mà không muốn được mọi người kính nể, ai mà không muốn đạt được địa vị cao cũng như gặt hái được thành công trong cuộc sống. Thế nhưng không phải muốn là có thể có được mà ta phải trải qua sự rèn luyện, học tập chăm chỉ. Vì lẽ đó mà mỗi chúng ta phải luôn nỗ lực tìm tòi kiến thức, cố gắng học thật giỏi để chứng minh được mình là người hữu ích và khẳng định tài băng của chính bản thân. Có thể nói, bốn yếu tố trên đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự học. “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình” là yêu cầu tiếp thu kiến thức rồi vận dụng nó vào thực hành, vào hành động trong cuộc sống từ đó hoàn thiện nhân cách và khẳng định chính bản thân.
Là học sinh, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải ra sức học tập văn hoá để ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhưng học giỏi vẫn chưa đủ mà ta còn phải rèn luyện nhân cách, đạo đức. Có những người rất giỏi giang, thành đạt nhưng chỉ biết có bản thân mình mà không nghĩ đến tập thể, không bao giờ biết giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Như vậy là họ đã bỏ qua việc học để chung sống với xã hội. Cũng có những bạn chẳng xác định được mình học để làm gì. Các bạn ấy chỉ học qua loa, đối phó sao cho đủ điểm, học chỉ vì nghĩ ba mẹ ép buộc mà không hiểu rằng việc học có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai của mình. Bởi lẽ đó, mỗi học sinh hãy luôn có ý thức học tập và có trách nhiệm với chính bản thân cũng như gia đình và xã hội.
Tóm lại, việc học là rất quan trọng không chỉ với mỗi cá nhân mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội. Do đó, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ thanh niên thế kỉ XXI hãy xác định cho mình mục đích học tập và phấn đấu nỗ lực hết mình để mai này trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh.
Nghị luận về nỗ lực học tập là của thanh niên - Mẫu 3
Thế hệ thanh niên luôn được xem là mầm măng tương lai của đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh cao cả trên, các bạn trẻ cần trang bị cho mình những hành trang cần thiết. Để hành trang của bản thân đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thế hệ thanh niên cần cố gắng không ngừng trong quá trình rèn luyện bản thân, đặc biệt là nỗ lực hết mình trong quá trình học tập, tu dưỡng. Và chúng ta có thể khẳng định rằng: "Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên".
Học tập hoạt động tư duy nhằm thông hiểu, tri nhận, tiếp thu và vận dụng kiến thức của thế hệ cha ông đi trước; từ đó hình thành những năng lực, kĩ năng của bản thân. Còn thanh niên chỉ những bạn trẻ có sức khỏe, đang ở độ tuổi căng tràn sức sống và bùng cháy những nhiệt huyết, đam mê. Bởi vậy, đây chính là thế hệ có tầm ảnh hưởng quan trọng và quyết định trực tiếp đến tương lai của đất nước. Câu nói: "Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên" đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của thế hệ trẻ là học tập.
Trong cuộc sống, con người cần nỗ lực học tập vì học tập là con đường duy nhất dẫn con người đặt chân đến bến bờ của tri thức. Đối với thế hệ thanh niên, việc học càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Thanh niên cần nỗ lực, chăm chỉ, quyết tâm, cần cù, miệt mài trên con đường tiếp nhận tri thức bởi kho tàng kiến thức của con người luôn là vô hạn. Đặc biệt, thanh niên là những người có sức khỏe, sức trẻ, nhiệt huyết và đam mê; bởi vậy họ chính là tương lai của một quốc gia, dân tộc. Một đất nước muốn phát triển thì cần có một nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có tài, có đức, có kiến thức, có kĩ năng. Nếu không kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực, cố gắng trên con đường chinh phục tri thức, thế hệ trẻ sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh của mình trong công cuộc xây dựng đất nước. Những bạn trẻ không ngừng học tập, tu dưỡng đã trở thành những tấm gương ngời sáng và gợi mở về tương lai tươi sáng của đất nước. Và học tập không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền và nghĩa vụ của thanh niên, bởi chỉ khi nỗ lực trong học tập, thế hệ trẻ mới có thể hoàn thiện, phát triển bản thân và trở thành những người có ích trong xã hội.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn một bộ phận những bạn thanh niên không nỗ lực, cố gắng học tập mà ăn chơi lêu lổng, đua đòi và sa vào tệ nạn xã hội. Những hành vi lệch lạc, sai lầm của họ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, gia đình, xã hội và tương lai của đất nước. Để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, thanh niên cần nỗ lực học tập không ngừng. Để vững bước trên con đường học vấn đầy rẫy những cam go, thử thách, các bạn trẻ cần xác định mục tiêu, mục đích học tập đúng đắn; từ đó hình thành lí tưởng sống cao đẹp để cống hiến cho xã hội. Đồng thời, luôn giữ vững tinh thần quyết tâm, cố gắng không ngừng nghỉ và không bỏ cuộc để chinh phục tri thức.
Như vậy, "Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên" không chỉ là câu nói mang ý nghĩa khẳng định vai trò ý nghĩa của việc học, không chỉ có tác dụng nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ trẻ mà còn là lời kêu gọi thế hệ thanh niên cần nỗ lực, cố gắng không ngừng trong quá trình học tập với quyết tâm cao độ.