TOP 3 bài Phân tích hình tượng bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận được tình cảm chân thành, trân trọng của người con miền Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Với những lời thơ đầy da diết, những hình ảnh vừa bình dị lại vừa lớn lao đã khắc hoạ nên hình ảnh Bác Hồ vừa cao quý, vừa bất tử với non sông, gấm vóc. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9:
Phân tích hình tượng bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác
Dàn ý phân tích hình tượng bác Hồ trong Viếng lăng Bác
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả và bài thơ, hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác: Nói đến công lao của Người với dân tộc Việt Nam là không thể kể hết. Đã có rất nhiều tác phẩm văn chương viết về Bác, tiêu biểu là bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương
II. Thân bài:
- Bác Hồ như mặt trời soi đường cho cách mạng đem lại sức sống cho cả dân tộc Việt Nam: Bác cũng giống như mặt trời tự nhiên, là nguồn ánh sáng soi lối dẫn dắt cho con đường cách mạng của Việt Nam, bác chính là nguồn sống và hi vọng, niềm tin bảo vệ hòa bình độc lập dân tộc
- Sự ra đi của Bác là nỗi mất mát và đau thương to lớn đối với dân tộc: Tuy hiện thực là bác đã không còn nữa, bác đã ra đi mãi mãi nhưng đối với nhân dân Việt Nam, bác vẫn mãi sống bất diệt trong tâm thức mỗi người.
- Bác Hồ vẫn còn sống mãi trong tâm thức mỗi người, sống mãi trong sự nghiệp của đất nước: Dù Bác đang ngủ nhưng Bác vẫn đang dõi theo cả dân tộc, tình yêu của con người Việt Nam cũng vẫn mãi vằng vằng không bao giờ tắt như ánh trăng.
III. Kết bài:
- Ý nghĩa của bài thơ: Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là những tâm sự chân thành và sâu sắc nhất của nhà thơ, là sự nghẹn ngào, xúc động khi được ra thăm người cha già kính yêu.
Phân tích hình tượng bác Hồ trong Viếng lăng Bác - Mẫu 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ tài ba, người cha già của cả dân tộc Việt Nam. Bác là người đã tìm và dẫn đường cho cách mạng của dân tộc ta đi tới thành công, mang lại cuộc sống hòa bình ấm no và hạnh phúc như ngày hôm nay. Nói đến công lao của Người với dân tộc Việt Nam là không thể kể hết. Đã có rất nhiều tác phẩm văn chương viết về Bác, tiêu biểu là bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương.
Đây là một bài thơ thể hiện nỗi xúc động của người con nơi miền Nam sau bao ngày mong nhớ đã được ra thăm lăng Bác. Đó không còn là tình cảm riêng của nhà thơ đối với Bác mà là của tất cả người con dân miền Nam. Trong sự xúc động ấy, từ trong cảm nhận và tâm hồn của nhà thơ đã khắc họa hình tượng Bác Hồ thật cao đẹp:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Hình ảnh mặt trời được nhắc đến hai lần, đây là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Ở câu thơ thứ nhất, mặt trời chính là mặt trời của tự nhiên, mang đến ánh sáng và năng lượng duy trì sự sống cho muôn loài vật trên trái đất, kể cả con người. Từ ý nghĩa của mặt trời tự nhiên, nhà thơ đã nhắc đến một mặt trời thứ hai đó chính là một ẩn dụ về Bác. Bác cũng giống như mặt trời tự nhiên, là nguồn ánh sáng soi lối dẫn dắt cho con đường cách mạng của Việt Nam, bác chính là nguồn sống và hi vọng, niềm tin bảo vệ hòa bình độc lập dân tộc.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Bác Hồ là người mà cả dân tộc Việt Nam yêu kính, bác đã gắn mình với dân tộc, suốt một đời lo cho vận mệnh và an nguy của đất nước. Sự ra đi của bác là một mất mát, đau thương to lớn không thể nào bù đắp được của cả dân tộc Việt Nam. Tuy hiện thực là bác đã không còn nữa, bác đã ra đi mãi mãi nhưng đối với nhân dân Việt Nam, bác vẫn mãi sống bất diệt trong tâm thức mỗi người. Những con người vẫn luôn hướng về Bác, dâng lên bác những tràng hoa của lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc.
“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Trong tâm thức của con người Việt Nam, Bác không hề ra đi, bác vẫn còn sống mãi với dân tộc Việt Nam, Bác chỉ là đang ngủ một giấc ngủ sâu, một giấc ngủ bình yên. Đất nước đã hòa bình, thống nhất và phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc nên giấc ngủ của Bác càng được bình yên hơn. Dù Bác đang ngủ nhưng Bác vẫn đang dõi theo cả dân tộc, tình yêu của con người Việt Nam cũng vẫn mãi vằng vằng không bao giờ tắt như ánh trăng.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là những tâm sự chân thành và sâu sắc nhất của nhà thơ, là sự nghẹn ngào, xúc động khi được ra thăm người cha già kính yêu. Đồng thời, nhà thơ đã mang đến cho người đọc bức chân dung thật đẹp về Bác, hình ảnh đẹp ấy mãi sáng rực trong lòng mỗi con người Việt Nam.
Phân tích hình tượng bác Hồ trong Viếng lăng Bác - Mẫu 2
Bác Hồ người là tình thương là niềm tin chiến thắng của toàn dân tộc, chính vì có người tìm ra con đường đấu tranh cho cách mạng Việt Nam thì chúng ta mới có ngày hôm nay. Bác ra đi trong sự thương tiếc của đồng bào cả nước. Ngày Bác đi nhà thơ Tố Hữu đã khóc thương Bác bằng những câu thơ thương xót nhất: “Suốt mấy ngày dài đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”. Và nhà thơ viễn Phương sau này có dịp ghé thăm lăng Bác biết bao nhiêu cảm xúc nhớ thương đã dồn tụ để cho nhà thơ cất lên thành những câu thơ gửi viếng Bác.
Khổ thơ đầu tiên nhà thơ miêu tả cảnh ngoài lăng bác và hoàn cảnh nhà thơ từ miền Nam xa xôi ra Bắc để viếng bác:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”
Nhà thơ là người miền Nam trong một buổi ra thăm lăng Bác lòng nhà thơ không khỏi bâng khuâng ngậm ngùi nhớ thương vị cha già của dân tộc. Ra thăm lăng Bác hình đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy đó chính là hàng tre bát ngát trong sương. Có thể nói nhà thơ đi từ rất sớm mới có thể bắt gặp được hình ảnh hàng tre trong sương sớm đẹp đến như vậy. Hàng tre bát ngát xanh tươi Việt nam dẫu cho bão táp mưa sa cũng vẫn thẳng hàng. Cây tre ấy hay chính là biểu tượng cho con người nằm trong lăng. Dù cho cuộc sống phải trải qua biết bao nhiêu vất vả vì dân tộc nhưng Bác vẫn luôn vững tay lái con thuyền cách mạng tự do của dân tộc đến bến bờ cuối cùng.
Không chỉ thế nhà thơ nhìn những dòng người vào lăng viếng Bác lòng dâng trào một cảm xúc nhớ thương, nhà thơ cảm nhận được sự cao cả vĩ đại của Người:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Hai câu thơ đầu hiện lên hai hình ảnh “mặt trời” thế nhưng với mỗi một từ “mặt trời” lại có ý nghĩa khác nhau. Nếu như hình ảnh mặt trời ở câu thơ thứ nhất để chỉ mặt trời của thiên nhiên thì hình ảnh thứ hai chính là ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Đối với dân tộc Việt nam thì Bác giống như một mặt trời soi tỏ. nếu như mặt trời thiên nhiên hằng ngày mang ánh sáng đến cho nhân loại trái đất thì Bác chính là người mang lại ánh sáng cho dân tộc Việt nam mà ánh sáng đó chính là ánh sáng của độc lập tự do hạnh phúc. Mặt trời ấy bây giờ đã đỏ thể hiện sự xế bóng hay chính là cách nói giảm đi của sự mất mát. Hoặc cũng có thể hiểu là dù Bác đã đi rồi nhưng Bác mãi luôn sáng soi đỏ rực. Mặt trời thiên nhiên ngày ngày soi sáng thì con người cũng ngày ngày đến thăm Bác, kết thành những tràng hoa dâng lên bảy chín tuổi của Người.
Trong lăng ấy, Bác vẫn ngủ yên bình trong giấc ngủ ngàn thu, bên cạnh là những chú lính canh gác giấc ngủ ấy:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
Bác đã ra đi bác đã chìm sâu vào trong một giấc ngủ dài, nhìn gương mặt Bác thanh thản yên bình lắm. Bác sống làm bạn với trăng khi ra đi Bác cũng làm bạn với trăng dịu hiền. Cũng có thể nói rằng vầng trăng ấy chính là Bác, gương mặt vô cùng dịu hiền. Thế nhưng sao nhà thơ vẫn cứ thấy nhói ở trong tim. Có phải nhà thơ đang thương nhớ Bác hay tiếc nuối không thể gặp mặt bác lúc sống hay mong Bác sống mãi muôn đời nhưng không thể nào chống lại tạo hóa được. Có thể là tất cả những lí do đó hoặc còn nhiều hơn thế.
Từ những nhớ thương, từ những cảm nhận về cảnh vật nơi đây Viễn Phương đã thể hiện ước muốn của mình:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Nhà thơ sử dụng điệp từ “muốn làm” như nhấn mạnh cái ước muốn của mình. Ngày mai nhà thơ phải quay về miền Nam thế nên nhà thơ chỉ muốn làm con chim hót quanh lăng Bác cho giấc ngủ của Bác trở nên yên bình hơn. Không những thế nhà thơ còn muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương thơm, muốn làm một cây tre trung hiếu chốn này. Phải chăng nhà thơ đang muốn báo hiếu với vị cha già ấy. Muốn làm cho giấc ngủ của Bác không chỉ yên bình trong âm thanh mà còn thoảng hương thơm ngát. Cây tre chính là lòng mong muốn bảo vệ giấc ngủ cho Bác.
Bài thơ như kể về một lần nhà thơ Viễn Phương đến thăm lăng bác và cũng như bao nhiêu người con Việt Nam nhà thơ không giấu nổi những niềm thương nhớ tiếc thương vị cha già của dân tộc. Nhà thơ như hòa lòng mình vào không gian nơi đây khiến cho mọi thứ như đều có ý nghĩa. Bác mãi là người sáng soi cho dân tộc Việt nam.
Phân tích hình tượng bác Hồ trong Viếng lăng Bác - Mẫu 3
Bác Hồ là vị cha già của dân tộc Việt Nam, sinh thời, trái tim người luôn hướng về dân tộc, hướng về những người con đất Việt yêu quý. Chiến tranh khiến Nam Bắc chia cắt, khổ đau, Bác luôn mong ngóng một ngày hai miền được hoà bình, đất nước thống nhất, nhưng khi nước nhà chưa hoàn toàn giải phóng thì Bác lại đi xa. Với Bác, ai cũng dành cho Người niềm kính trọng, mến yêu vô bờ bến, bởi thế mà có những câu hát, trang văn viết về Người đầy cảm xúc yêu thương. Một trong số đó phải kể đến bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương, bài thơ không chỉ khiến người đọc cảm động bởi những dòng xúc cảm đầy chân thành của nhà thơ mà còn bởi hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng của Bác được nhà thơ khắc họa bằng tấm lòng trân trọng, thương yêu nhất.
Trong sự xúc động khôn xiết, nhà thơ Viễn Phương không chỉ bộc lộ sự nghẹn ngào, tình cảm yêu thương, kính trọng của mình khi được đến thăm lăng Bác mà còn khái quát cảm nhận về Bác qua hình ảnh ẩn dụ thật đẹp:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"
Mặt trời là vật thể thuộc về tự nhiên, mang đến cho con người nguồn ánh sáng diệu kỳ, ánh sáng ấy khiến cây cối sinh trưởng, vạn vật sinh sôi. Ánh sáng mặt trời cũng là nguồn sống của con người, nếu không có mặt trời thì thế giới sẽ chìm sâu vào bóng tối, không thể tồn tại sự sống. Từ ánh mặt trời thiên nhiên ngày ngày đi qua trên lăng ấy, tác giả liên tưởng đến Bác - vầng dương rực sáng của dân tộc Việt Nam. Bác là mặt trời của dân tộc, là nguồn sáng của cách mạng, của công cuộc giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ. Điều đó được chứng minh trên con đường cách mạng của Bác, luôn luôn đau đáu nỗi nước nhà, luôn tìm cách đưa ra những chiến lược để chiến đấu, cách mạng là cuộc đời của Bác và Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng. Nhiều thi nhân thường ví mặt trời như lý tưởng sống, mặt trời như giấc mơ, khát khao đẹp hay những điều trừu tượng khác thì ở đây Viễn Phương lại chọn một cách so sánh đầy độc đáo, cụ thể mà cũng đầy hình tượng, mặt trời là Bác Hồ vĩ đại. Ánh sáng Bác Hồ luôn cháy mãi, toả sáng chói lọi trong tâm hồn bao thế hệ dân tộc.
Bước vào trong lăng Bác, nhìn thấy Người ngủ giấc ngủ bình yên, lòng tác giả càng lắng lại.
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền,
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi,
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Vừa buồn thương, vừa xót xa và đớn đau trước Người. Vầng trăng dịu hiền đến bên Người, bầu bạn, là tri kỉ của Người. Lúc còn sống, Bác luôn dành cho trăng một niềm yêu vô bờ bến, bao bài thơ của Người đều viết về trăng, và bây giờ đây, vầng trăng và người vẫn vẫn chung thủy cùng nhau. Ánh sáng của vầng trăng dịu hiền, trong khiết và tinh khôi ấy tựa như tâm hồn và trái tim Bác vậy, luôn luôn dịu dàng, thanh cao mà cũng đầy bình dị, bao dung. Bác luôn lắng lo cho mọi người, cho chiến sĩ, cho mẹ già, các cháu thiếu nhi và lắng lo cho toàn dân tộc. Trái tim Bác luôn rộng lớn với hết thảy mọi người, hết thảy mọi điều trong cuộc đời.
Bác tựa như trời xanh kia vậy, luôn trường tồn, bất tử với thời gian. Dù có bao lâu đi nữa, Bác vẫn là lẽ sống, là niềm tự hào của dân tộc. Càng nghĩ về Bác, càng đau đớn trước sự thật nghiệt ngã là phải chấp nhận Bác đi xa, nỗi thiếu vắng Bác không gì có thể bù đắp được:
"Mà sao nghe nhói ở trong tim".
Bác Hồ là điều tuyệt vời nhất mà ông trời đã ban tặng cho Tổ quốc Việt Nam. Với Người, dù ở lại, dù đã đi xa, vốn dân nước nhà vẫn luôn kính trọng, nhớ ơn và lấy gương Người làm lẽ sống. Bởi thế mà mỗi ngày, con cháu đều tụ họp về lăng, đến bên người thắp nén hương bày tỏ sự thành kính và cảm tạ:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"
Những bông hoa xinh đẹp và rực rỡ nhất được con cháu của Người mang về đây kết lại thành tràng hoa yêu thương dâng đến cuộc đời Người bảy mươi chín mùa xuân. Từng dòng người đến nôn nao rồi khi đi lại ngậm ngùi tiếc nuối, chẳng nỡ rời xa Người, muốn được ở mãi bên Người mà thôi:
"Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."
Thương Bác nghẹn ngào, trào dâng nước mắt. Làm sao có thể ngừng khóc, ngừng thương một vĩ nhân của thế giới, một con người cốt cách thanh cao, một anh hùng cách mạng cống hiến suốt đời cho dân tộc. Không đành chia xa đành gửi lời ước nguyện làm con chim nhỏ, làm bông hoa dại, làm cây tre trung hiếu bên Người mãi mãi chẳng rời xa.
Tác phẩm tuy không quá dài nhưng bằng hồn thơ đầy da diết, những hình ảnh vừa bình dị lại vừa lớn lao đã khắc hoạ nên hình ảnh Bác Hồ đầy đẹp đẽ, vừa cao quý, vừa bất tử với non sông, gấm vóc.