Muối trung hòa: Lý thuyết và bài tập - Ôn tập Hóa học 9 - thuviensachvn.com

Muối trung hòa: Lý thuyết và bài tập

Ôn tập Hóa học 9

Muối trung hòa là chủ đề quan trọng trong chương trình Hóa 9 và thường gặp trong các đề thi, đề kiểm tra môn Hóa.

Muối trung hòa là muối mà anion gốc axit không còn hiđro có khả năng phân li ra ion H+. Qua đó giúp học sinh củng cố, nắm vững chắc kiến thức nền tảng để giải nhanh các bài tập hóa học liên quan đến muối trung hòa. Bên cạnh đó để nâng cao kiến thức các bạn xem thêm: bài tập phương pháp tính pH, Công thức tính phần trăm khối lượng.

I. Muối trung hòa là gì?

Muối trung hoà là muối mà anion gốc axit không còn hiđro có khả năng phân li ra ion H+ (hiđro có tính axit).

II. Ví dụ về muối trung hòa

Ví dụ: Na2SO4, NH4NO3, KCl,…

- Muối axit là muối mà anion gốc axit vẫn còn có hiđro có khả năng phân li ra H+.

Ví dụ: NaHCO3; KHSO4, …

  • NaHCO3 → Na+ + HCO3-
  • HCO3- ⇄ H+ + CO32-
  • KHSO4 → K+ + HSO4-
  • HSO4- ⇄ H+ + SO42-

- Một số muối Na2HPO3; NaH2PO2 …vẫn còn hiđro nhưng là muối trung hòa vì các gốc axit HPO32-, H2PO2- không có khả năng phân li ra ion H+

  • Na2HPO3 ⇄ 2Na+ + HPO32-
  • NaH2PO2 ⇄ Na+ + H2PO2-

III. Tính chất hóa học của muối

1. Tác dụng với kim loại

Dung dịch muối có thể tác dụng với kim loại tạo thành muối mới và kim loại mới.

Thí dụ: Fe + CuSO4 → FeSO4 + Cu↓

2. Tác dụng với axit

Muối có thể tác dụng được với axit tạo thành muối mới và axit mới.

Thí dụ: BaCl2 + H2SO4 → 2HCl + BaSO4

3. Tác dụng với dung dịch muối

Hai dung dịch muối có thể tác dụng với nhau tạo thành hai muối mới.

Thí dụ: AgNO3 + NaCl → NaNO3 + AgCl↓

4. Tác dụng với dung dịch bazơ

Dung dịch bazơ có thể tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối mới và bazơ mới.

Thí dụ: Na2CO3 + Ba(OH)2 → 2NaOH + BaCO3

5. Phản ứng phân hủy muối

Nhiều muối bị phân hủy ở nhiệt độ cao như: KClO3, KMnO4, CaCO3,…

*Lưu ý các bạn có thể hiểu tính chất muối trung hòa như sau:

  • Muối có khả năng làm chuyển màu chất chỉ thị: Đây là tính chất nâng cao cần chú ý.
  • Tuy nhiên trên lớp học cơ bản các bạn sẽ được học muối trung hòa không làm thay đổi màu chất chỉ thị.
  • Muối có tính axit mạnh hơn làm quỳ tím hóa đỏ. Tính bazơ mạnh hơn làm quỳ tím hóa xanh. Và quỳ tím không đổi màu khi muối đó trung tính.
  • Phản ứng trao đổi với muối khác tạo muối mới. Trong phản ứng trao đổi, số oxi hóa của các nguyên tố trong phản ứng không thay đổi. Lưu ý để phản ứng xảy ra cần tạo ra ít nhất một muối kết tủa.
  • Tác dụng với kim loại: Kim loại mạnh tác dụng với muối của kim loại yếu hơn. Muối tác dụng với dung dịch axit: Tạo muối mới và kim loại mới. Lưu ý phản ứng xảy ra khi tạo chất kết tủa hoặc bay hơi
  • Tác dụng với dung dịch bazo. Muối có thể tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối mới và bazơ mới. Phản ứng thủy phân muối: Một số muối có thể bị nhiệt phân hủy thành nhiều chất khác nhau.

IV. Bài tập về muối trung hòa

A. Bài tập có đáp án 

Câu 1: Hợp chất Na2SO4 có tên gọi là

A. natri sunfat.
B. natri sunfit.
C. sunfat natri.
D. natri sunfuric.

Lời giải:

Tên muối = Tên KL (kèm theo hoá trị nếu KL có nhiều hoá trị) + tên gốc axit

=> tên gọi của Na2SO4 là: Natri sunfat

Đáp án cần chọn là: A. natri sunfat.

Câu 2: Dãy chất nào sau đây chỉ gồm các muối trung hòa?

A. NaCl, MgSO4, Fe(NO3)3.
B. NaHCO3, MgCO3, BaCO3.
C. NaOH, ZnCl2, FeCl2.
D. NaCl, HNO3, BaSO4.

Lời giải:

* Muối trung hoà: Là muối mà gốc axit không có nguyên tử hiđro có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại.

=> Dãy gồm các muối trung hòa là: NaCl, MgSO4, Fe(NO3)3.

Loại B vì NaHCO3 là muối axit

Loại C vì NaOH là bazơ, không phải muối

Loại D vì HNO3 là axit, không phải muối

Đáp án cần chọn là: A. NaCl, MgSO4, Fe(NO3)3.

Câu 3: Muối nào trong các muối sau kim loại có hóa trị II: Al2(SO4)3; Na2SO4; K2SO4; BaCl2; CuSO4?

A. K2SO4; BaCl2
B. Al2(SO4)3
C. BaCl2; CuSO4
D. Na2SO4

Lời giải:

Cần nhớ: gốc SO4 có hóa trị II, gốc Cl có hóa trị I

Dựa vào quy tắc hóa trị để xác định hóa trị của nguyên tố kim loại:

=> muối có kim loại có hóa trị II là: BaCl2 và CuSO4

Đáp án cần chọn là: C. BaCl2; CuSO4

Câu 4: Cho các chất sau: CaO, H2SO4, Fe(OH)2, FeSO4, CaSO4, HCl, LiOH, MnO2, CuCl2, Al(OH)3, SO2. Số muối là

A. 3
B. 4
C. 5
D. 6

Lời giải:

Phân tử muối gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit.

=> Các muối là: FeSO4, CaSO4, CuCl2

Đáp án cần chọn là: A. 3

Câu 5: Hợp chất nào sau đây không phải là muối?

A. Đồng (II) nitrat
B. Kali clorua
C. Sắt (II) sunfat
D. Canxi hiđroxit

Lời giải:

Hợp chất không phải muối là: Canxi hiđroxit vì canxi hiđroxit thuộc loại bazơ

Đáp án cần chọn là: D. Canxi hiđroxit

Câu 6: Cho dãy các chất sau: Na2SO3, K2SO4, CuS, CuSO4, Na3PO4, KHSO4, CaCl2, BaHPO4, FeCl3, Ca3(PO4)2. Có bao nhiêu muối axit?

A. 1
B. 2
C. 3
D. 4

Lời giải:

Muối axit: Là muối mà trong đó gốc axit còn nguyên tử hiđro chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại.

=> các muối axit là: KHSO4, BaHPO4

Đáp án cần chọn là: B. 2

B. Bài tập tự luyện

Câu 1. Dung dịch chất nào sau đây không làm đổi màu quỳ tím?

A. HCl.
B. Na2SO4.
C. Ba(OH)2.
D. HClO4.

Câu 2. Dãy sắp xếp các dung dịch loãng có nồng độ mol/l như nhau theo thứ tự pH tăng dần là

A. KHSO4, HF, H2SO4, Na2CO3.
B. HF, H2SO4, Na2CO3, KHSO4.
C. H2SO4, KHSO4, HF, Na2CO3.
D. HF, KHSO4, H2SO4, Na2CO3.

Câu 3. Dãy các chất đều tác dụng được với dung dịch Ba(HCO3)2 là:

A. HNO3, Ca(OH)2và Na2SO4.
B. HNO3, Ca(OH)2 và KNO3.
C. HNO3, NaCl và Na2SO4.
D. NaCl, Na2SO4 và Ca(OH)2.

Câu 4. Muối trung hoà là gì?

A. Muối mà dung dịch có pH <7.
B. Muối không còn hiđro trong phân tử.
C. Muối có anion gốc axit trong muối không còn hiđro có khả năng phân li ra ion H+
D. Muối mà trong gốc axit vẫn còn khả năng phân li ra H⁺

Câu 5. Muối nào sau đây là muối trung hòa

A. KHCO3.
B. KH2PO4
C. KHSO4.
D. K2HPO3.

Câu 6. Dãy chất nào sau đây gồm các muối axit

A. NaHSO4, KHSO3, Na2HPO3, NaHCO3.
B. NaHS, KHS, NaH2PO3, NaH2PO4.
C. KHS, NaHS, Na2HPO3, Na2HPO4.
D. KHCO3, NaHSO3, K3PO4, NaH2PO4.

Câu 7. Dãy chất nào sau đây chỉ gồm các muối trung hòa?

A. KCl, CuSO4, Al(NO3)3.
B. KHCO3, ZnCO3, CaCO3.
C. KOH, MgCl2, CuCl2.
D. NaNO3, H2SO4, CaSO4.

Câu 8. Dung dịch muối đồng (II) sunfat (CuSO4) có thể phản ứng với dãy chất:

A. CO2, KOH, H2SO4, Fe
B. H2SO4, AgNO3, Ca(OH)2, Al
C. KOH, CaCl2, Fe, H2SO4
D. KOH, CaCl2, Fe, Al

Câu 9. Cho m gam K2CO3 vào dung dịch HCl, sau phản ứng thu được 3,36 lít khí ở đktc. Giá trị của m là

A. 20,7 gam
B. 10,35 gam
C. 31,05 gam
D. 15,53 gam

Câu 10. Cho các phát biểu sau:

(a) Muối trung hòa là muối mà anion gốc axit trong muối không còn hiđro có khả năng phân li ra ion H+ (hiđro có tính axit).

(b) Muối axit là muối mà anion gốc axit vẫn có khả năng phân li ra ion H+.

(c) Axit là chất nhận proton (tức H+) còn bazơ là chất nhường proton (H+).

(d) Hiđroxit lưỡng tính là hiđroxit vừa có thể phản ứng được với axit, vừa phản ứng được với bazơ.

(e) Muối trung hòa là muối không còn hiđro có khả năng bị thay thế bởi kim loại.

Số phát biểu đúng là:

A. 4
B. 3
C. 5
D. 2

Câu 11. Cho dãy các chất Al, Al(OH)3, NaHCO3, Na2SO4, Zn(OH)2. Số chất trong dãy vừa phản ứng được với dung dịch H2SO4, vừa phản ứng được với dung dịch KOH là

A. 5
B. 4
C. 3
D. 2

Câu 12. Có 4 dung dịch riêng biệt: K2CO3, K2SO4, KNO3, BaCl2. Chỉ dùng thêm quỳ tím thì có thể nhận biết được mấy chất?

A. 1
B. 2
C. 3
D. 4

Câu 13. Dãy hợp chất nào sau đây gồm các muối?

A. Mg(HCO3)2, Ba(OH)2, CuSO4, HCl.
B. Mg(HCO3)2, NH4NO3, CuSO4, Fe(NO3)2
C. H2SO4, Na2CO3, KOH, CaSO4.
D. BaO, Ca(OH)2, MgSO4, CaSO4

Câu 14. Để làm sạch dung dịch KCl có lẫn K2SO4 ta dùng:

A. Dung dịch AgNO3.
B. Dung dịch HCl.
C. Dung dịch BaCl2.
D. Dung dịch Pb(NO3)2.

Liên kết tải về

pdf Muối trung hòa: Lý thuyết và bài tập

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK