Thuyết minh lễ hội truyền thống ở tỉnh Cao Bằng bao gồm 2 gợi ý cách viết kèm theo 3 bài văn thuyết minh cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức rèn kỹ năng viết văn thuyết minh hay.
TOP 3 bài thuyết minh lễ hội truyền thống ở Cao Bằng dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú. Từ đó biết cách trình bày, sắp xếp các lí lẽ để làm nổi bật vấn đề cần thuyết minh. Đồng thời qua bài văn mẫu này các bạn có thêm nhiều hiểu biết về các lễ hội truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn thuyết minh về ngôi trường.
Thuyết minh về một lễ hội truyền thống ở tỉnh Cao Bằng
Dàn ý thuyết minh lễ hội truyền thống
Dàn ý số 1
1. Mở bài
- Giới thiệu lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.
2. Thân bài:
- Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo kết cấu thời gian kết hợp với kết cấu logic.
– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:
- Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào).
- Địa điểm tổ chức lễ hội.
- Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).
– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:
- Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.
- Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (nếu là lễ hội truyền thống thì chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).
- Chuẩn bị về địa điểm…
– Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.
- Nếu là lễ hội tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống thì bao gồm: rước kiệu lễ Phật, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.
- Nếu là lễ hội thể hiện khí thế của thời đại: tuyên bố lí do; các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội, các hoạt động biểu diễn (như đồng diễn, diễu hành, ca nhạc, các trò vui chơi,…)
– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.
3. Kết bài:
Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.
Chú ý: bài văn viết đúng với phong cách của văn thuyết minh, có thể kết hợp thêm các yếu tố miêu tả (đặc điểm, tiến trình của lễ hội), biểu cảm (nêu cảm nhận về ý nghĩa của lễ hội); trình bày sạch đẹp, logic.
Dàn ý số 2
I. Mở bài
Giới thiệu về lễ hội Thanh Minh.
II. Thân bài
a. Hình thành và phát triển:
- Lễ hội Thanh Minh, một phong tục lâu dài, gắn bó với đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Cao Bằng.
- Diễn ra mỗi năm vào ngày 8/3 âm lịch, đặc biệt sôi động tại Phúc Sen, Quảng Uyên.
- Nguyên ngọc từ câu chuyện tình cảm lãng mạn của Sinh (Thanh) và Mình (Minh), một truyền thuyết về tình yêu và sự hy sinh.
- Khu vực nơi họ quyên sinh nay đã trở thành suối vàng, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho cộng đồng.
b. Ý nghĩa sâu sắc:
- Tôn vinh tình yêu chung thủy của Sinh Mình, một biểu tượng trong sáng về tình cảm lâu dài.
- Chúc cho mùa màng bội thu, đời sống thịnh vượng và hạnh phúc.
- Gửi lời tri ân đến tổ tiên, cha ông, những người đã bảo vệ và phù hộ gia đình suốt năm qua.
- Dành lời chúc hạnh phúc cho những đôi trai gái yêu nhau, mong họ có cuộc sống hòa thuận và đẹp đẽ.
c. Lễ cúng:
- Phần lễ diễn ra trang trọng, kính trọng, thể hiện lòng tôn kính sâu sắc đối với các thần linh và tổ tiên, cũng như tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất.
- Bàn lễ được sắp xếp đầy đủ với các món ăn truyền thống như heo quay nguyên con, xôi ba màu (hoặc xôi 5 màu, bảy màu), bánh trôi, gà luộc, trứng luộc, cá chiên, hoa quả, rượu ngon, tiền vàng giả,...
- Lễ cúng thường diễn ra tại miếu Thổ Công ở xã Phúc Sen, nơi được người có uy tín nhất trong làng chịu trách nhiệm tổ chức.
- Ngoài việc tưởng nhớ đôi trai gái Sinh Mình, lễ còn dành để cầu nguyện và tạ ơn thần Thổ Công, Thần Nông, mong một năm mới có mưa tốt, gió nhẹ, mùa màng bội thu. Sau lễ tại miếu, người ta tiếp tục lễ cúng tại khe nước nơi đôi trai gái đã hy sinh.
- Phần hội kết thúc lễ với nhiều hoạt động vui chơi, ẩm thực đặc sắc. Những trò chơi dân gian như lẩy cỏ, tung còn, cà kheo, đi gậy,... cùng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những bài hát tình cảm của đôi trai gái tạo nên không khí sôi động và vui tươi.
3. Kết bài
Chia sẻ cảm nhận về lễ hội.
Thuyết minh lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội xuống đồng, là một lễ hội truyền thống của dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu tháng giêng, kéo dài đến đầu tháng hai âm lịch. Đây là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng giêng. Lồng Tồng theo tiếng Tày – Nùng hay Lồng Tồng theo tiếng Dao có nghĩa là xuống đồng. Đây là một lễ hội mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp từ phần nghi lễ khi hội, các nghi thức, sản vật dân cúng đến các trò chơi trong lễ hội. Lễ hội Lồng Tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc.
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
Lễ hội lồng tồng thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành.
Hội được tổ chức trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia súc, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Chủ trì hội là ông Thoại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng: đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu select, bánh khảo, bánh dày, chè lam...Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ, bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng …
Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, hát Cọi...Trong phần hội còn có nhiều hoạt động thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác như: Ném còn, leo cột, bịt mắt đánh trống, kéo co, đẩy gậy, thi cày ruộng... tất cả đều tạo cho người xem vui vẻ, háo hức chuẩn bị cho một năm mới với những vụ mùa mới năng suất, hiệu quả cao.
Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu giá trị nhân văn. Với ý nghĩa cùng nét đặc sắc của mình, những ngày lễ hội diễn ra luôn thu hút đông đảo sự tham quan của du khách bốn phương.
Thuyết minh lễ hội pháo hoa Quảng Uyên
Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trẩy hội.
Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.
Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ - mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Khi ra mỏ nước, rồng không được múa, không được đánh trống mà được bịt mắt bằng giấy bản, đến mỏ nước, rồng nằm phục ở đó. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Cúng xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu xoa vào hai mắt rồng rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra, lúc này rồng đã được mở mắt, sau ba hồi trống nổi lên để đánh thức, rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đuôi. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, rồng bay quanh mỏ nước ba lần rồi đi vào miếu Bách Linh; trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi trong miếu một vòng rồi ra ngoài.
Lễ vật dâng lên tế lễ gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả. Phần lễ diễn ra long trọng với 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Đầu tiên là kiệu rước ảnh Bác Hồ, thứ hai là kiệu rước thần, thứ ba là kiệu pháo hoa, cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, là phần thưởng cho đội thắng cuộc trong trò chơi cướp đầu pháo. Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng, sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước rồng xuất phát đến Đền thờ Nùng Trí Cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Đi tới đâu rồng cũng được người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.
Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ, như: múa rồng, múa lân, hát lượn, tranh đầu pháo... Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò cướp đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh cướp, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức là đội thắng cuộc. Gần đây, khi có lệnh cấm đốt pháo, Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Theo quan niệm của người dân địa phương thì ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội thắng cuộc thi năm đó.
Theo thời gian, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã tồn tại trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Các lễ hội ở Cao Bằng đều mang tính nhân văn sâu sắc, hướng thiện, cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, và mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Bên cạnh đó, còn có các lễ hội tôn vinh những anh hùng chống giặc ngoại xâm, các lễ hội thực hiện các nghi lễ, tập tục của dân tộc… Đồng thời lễ hội cũng là nơi bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Những câu hát Then, điệu hát Sli, Lượn, Phong Slư, Đá Hải, Hà Lều… với những giai điệu ngọt ngào, da diết cùng những trò chơi dân gian thực sự hấp dẫn là những tiềm năng du lịch văn hoá rất lớn của vùng đất Cao Bằng.
Thuyết minh lễ hội truyền thống tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng là cái nôi của cách mạng, với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống gắn bó nghĩa tình trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. Mà thêm vào đó với sự đa dạng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây cũng nổi tiếng với hàng loạt các lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau như lễ hội Lồng tổng, Lễ hội Nàng Hai, lễ hội Pháo Hoa,... Đặc biệt vào mùa xuân "Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh" thì có lễ hội Thanh Minh một ngày hội lớn và quan trọng bậc nhất của người Nùng, được tổ chức linh đình có thể sánh ngang với Tết Nguyên Đán của người Kinh.
Tiết Thanh Minh có lẽ không phải là một ngày lễ tết riêng biệt của người dân tộc Nùng An tại Phúc Sen, Cao Bằng, thế nhưng chỉ có người dân ở nơi đây mới có tục lệ tổ chức ngày này thành một lễ hội lớn mang tên là lễ hội Thanh Minh, với nhiều nghi thức nghi lễ, các hoạt động vui chơi linh đình chẳng khác gì ngày Tết dưới miền xuôi, tạo nên một dấu ấn đặc trưng trong phong tục truyền thống của người Nùng. Không ai biết được rằng lễ hội Thanh Minh đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là một phong tục đã có từ rất lâu đời và được người dân bản xứ xem là một nét đẹp truyền thống không thể thiếu của cộng đồng, được tổ chức đều đặn vào ngày 8/3 âm lịch hàng năm, náo nhiệt nhất là tại Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng. Tương truyền lễ hội Thanh Minh của người Nùng bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu cảm động khi xưa của chàng trai tên Sinh (Thanh) và cô gái tên Mình (Minh), vốn nổi tiếng xinh đẹp và nết na. Hai người yêu nhau tha thiết và tự nguyện về chung sống với nhau như vợ chồng, dù chưa được cưới hỏi, cùng lúc đó trong vùng có một tên quan tham vì ham muốn sắc đẹp của nàng Mình mà dùng mọi thủ đoạn khiến cặp đôi trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Cuối cùng vì đau đớn và tủi nhục quá nên hai người đã quyết định cùng quyên sinh để nối tiếp tình duyên dưới suối vàng. Chỗ hai người trầm mình là một khe sâu có nước chảy ra trong vắt, kể từ đó bỗng tuôn trào thành một dòng suối dồi dào, nước đi đến đâu cây cối, muôn vật xanh tươi đến đấy, đời sống nhân dân trong bản làng trở nên sung túc, tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chính vì vậy người ta tin rằng cái chết để giữ trọn tình yêu chung thủy của nàng Mình, chàng Sình đã cảm động trời đất, để cho họ được vĩnh viễn bên nhau cùng phù hộ, độ trì, quanh quẩn bên mảnh đất quê hương. Người dân vì cảm động trước tình cảm sắt son của đôi lứa cũng như biết ơn hai người họ nên đã tổ chức lễ hội Sinh Mình (Thanh Minh) để tưởng nhớ, mong cho cặp đôi được đoàn tụ, không chia lìa đồng thời phù hộ, độ trì cho bản làng được ấm no, yên vui. Cho đến ngày hôm nay lễ hội Thanh Minh không chỉ là để ca ngợi tình yêu chung thủy, trong sáng đôi trai gái Sinh Mình, mà còn có ý nghĩa cầu chúc cho mùa màng bội thu, đời sống được sung túc, vui vầy, đồng thời tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cha ông, những người đã khuất đã phù hộ cho gia đình trong năm vừa qua. Những đôi trai gái yêu nhau thì cầu chúc được một tình yêu bền chặt, một cuộc sống bình dị, giản đơn mà hạnh phúc.
Cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác, lễ hội Thanh Minh cũng được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ được tổ chức một cách cẩn thận, chu đáo, thể hiện tấm lòng thành kính thiêng liêng với các vị thần linh, tổ tiên và tấm lòng tiếc thương với những người đã khuất. Mâm cỗ cúng được chuẩn bị chu đáo với các món ăn truyền thống của người Nùng An bao gồm heo quay nguyên con, xôi ba màu (hoặc xôi 5 màu, bảy màu), bánh trôi, gà luộc, trứng luộc, cá chiên, hoa quả, rượu ngon, giấy tiền vàng mã,... Lễ cúng được tổ chức tại miếu Thổ Công của xã Phúc Sen do một người có vai vế và tiếng tăm bậc nhất trong làng đứng ra làm lễ. Những gia đình tham gia nghi lễ đều phải mang theo một mâm cỗ nhỏ để tỏ lòng thành kính với bề trên, cầu chúc cho gia đình mình năm mới làm ăn được may mắn, ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh việc làm lễ cúng tưởng niệm đôi trai gái Sinh Mình, thì người ta còn làm lễ tạ ơn các vị thần Thổ Công, Thần Nông, để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi kết thúc phần lễ trong miếu, người ta lại tiếp tục làm lễ ở khe nước nơi đôi trai gái Sinh Mình đã quyên sinh, không chỉ cầu chúc cho họ mãi mãi bên nhau mà các cặp đôi trẻ còn cầu mong được họ phù hộ cho có một tình yêu trong sáng, thủy chung, một cuộc đời hạnh phúc, gắn bó bên nhau. Hết phần lễ trang trọng, thiêng liêng là đến phần hội sôi nổi, rộn rã với đủ các hoạt động vui chơi ăn uống linh đình. Một số các trò chơi dân gian có thể kể đến như là lẩy cỏ, tung còn, cà kheo, đi gậy,... Bên cạnh đó còn có những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những câu hát giao duyên của các đôi trai gái "Hoa guột nở bên đường xanh biếc/ Ta đây định vài lời chào trước/ Chẳng biết bạn có đáp lời hay không/ Hay bạn muốn để ta phải chào suông...", rồi cũng từ đó biết bao cặp nam thanh nữ tú được người đi trước phù hộ mà phải lòng nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Lễ hội Thanh Minh là một trong những nét đẹp trong phong tục văn hóa truyền thống của người Nùng An tại Cao Bằng, góp phần tô thêm một mảng màu rực rỡ vào bức tranh văn hóa đa đa dạng và phong phú của cộng đồng các dân tộc miền núi cũng như trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngày hôm nay chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn và trân trọng những vẻ đẹp này, những vẻ đẹp làm nên một đất nước không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên mà còn giàu có cả về nền văn hóa dân tộc đa sắc, đa màu.