Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nhắc nhở mỗi người bài học về truyền thống biết ơn. Chính vì vậy, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn chứng minh câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Tài liệu bao gồm 3 đoạn văn mẫu, giúp các bạn học sinh lớp 7 sẽ nắm được nội dung của câu tục ngữ trên. Mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Đoạn văn chứng minh câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Đoạn văn chứng minh câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 1
Ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên về lòng biết ơn qua câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh đơn giản, dễ hiểu. Khi ăn quả ngọt, chúng ta nhớ đến người đã có công vun trồng và chăm sóc để cây cối phát triển, cho ra trái ngọt. Và con người sống trong cuộc đời cũng vậy, khi nhận được sự giúp đỡ của người khác hay hưởng thụ thành quả nào đó cần phải nhớ ơn, trân trọng. Từ xa xưa, ông cha ta đã có phong tục thờ cúng tổ tiên, tổ chức lễ hội tưởng nhớ các bậc anh hùng có công với đất nước. Đến hôm nay, sự biết ơn được thể hiện qua rất nhiều hành động. Các ngày lễ lớn như 20 tháng 11, mùng 8 tháng 3, 27 tháng 2 để tri ân những ngành nghề đã có những đóng góp với xã hội. Lời nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, dạy bảo từ người khác. Tất cả hành động đó tuy đơn giản, nhưng lại rất ý nghĩa. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tuy rất ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa.
Đoạn văn chứng minh câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 2
Dân tộc Việt Nam rất quý trọng ơn nghĩa, điều đó đã được ông cha ta răn dạy trong câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, khi thưởng thức quả ngọt cần nhớ ơn người vun trồng, chăm sóc cây. Bên cạnh đó còn là nhắc nhở rằng con người sống phải có lòng biết ơn, quý trọng tình nghĩa. Bài học giá trị của câu tục đã gửi gắm là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó đã được thể hiện từ trong quá khứ đến hiện tại. Từ xa xưa, ông cha ta đã thể hiện lòng biết ơn qua việc thờ cúng tổ tiên, hay tổ chức các lễ hội tưởng nhớ công ơn của những bậc anh hùng có công với đất nước như hội Gióng, hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa… Đến ngày hôm nay, lòng biết ơn thể hiện qua các hành động nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa. Lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Các cuộc viếng thăm những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những món quà dành cho các bạn bè, đồng nghiệp… Còn với học sinh, việc thể hiện lòng biết ơn lại đến từ những hành động vô cùng đơn giản: lễ phép với ông bà, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, chăm chỉ học tập, tích cực rèn luyện. Qua chứng minh, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thực giàu giá trị.
Đoạn văn chứng minh câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 3
Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tuy ngắn gọn nhưng vẫn gửi gắm được bài học vô cùng sâu sắc về lòng biết ơn. Con người khi thưởng thức hoa thơm, quả ngọt cần phải nhớ tới công lao của người gieo trồng. Cũng như trong cuộc sống, khi được hưởng một thành quả nào đó, hay nhận được sự giúp đỡ của mọi người, chúng ta cần phải trân trọng và biết ơn họ. Lời răn dạy đến từ câu tục ngữ là hoàn toàn đúng đắn. Trong quá khứ, ông cha ta thể hiện lòng biết ơn qua việc thờ cúng tổ tiên. Hay tổ chức các lễ hội tưởng nhớ công ơn của những bậc anh hùng như hội Gióng, hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa… Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng là một biểu hiện cụ thể của lòng biết ơn. Ở hiện tại, lòng biết ơn thể hiện qua các hành động nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa. Một lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Các cuộc viếng thăm những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều ngày lễ lớn để tri ân nghề giáo viên, bác sĩ hay nhà báo… (Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Thầy thuốc Việt Nam hay Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam…). Còn với học sinh, việc thể hiện lòng biết ơn lại đến từ những hành động vô cùng đơn giản: lễ phép với ông bà, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, kính trọng thầy cô giáo, chăm chỉ học tập, tích cực rèn luyện… Qua chứng minh, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quả là một lời răn dạy có giá trị.