Hôm nay, Download.vn muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về bài thơ Lời của cây.
Nội dung chi tiết bao gồm 5 đoạn văn mẫu lớp 7. Bạn đọc có thể tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi giới thiệu ngay sau đây.
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về bài thơ Lời của cây
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Mẫu 1
Bài thơ Lời của cây do Trần Hữu Thung sáng tác đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, tác giả đã khắc họa quá trình phát triển của một mầm cây. Trong khổ thơ đầu, khi cây vẫn còn là hạt mầm, chỉ biết nằm lặng thinh. Nhưng điều kì diệu là khi hạt nảy mầm lại có thể cất tiếng nói thì thầm. Dần dần, hạt phát triển thì chiếc vỏ của hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây. Cách miêu tả mà tác giả sử dụng khiến người đọc liên tưởng đến quá trình trưởng thành của một em bé. Và khi mầm cây phát triển, dường như chúng ta còn lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá. Kết thúc bài thơ là hình ảnh cây đã phát triển, với một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt. Bài thơ sử dụng những từ ngữ độc đáo, hình ảnh thú vị đã gợi mở cho người đọc cảm xúc thật đẹp đẽ.
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Mẫu 2
Khi đọc bài thơ Lời của cây, tôi đã có nhiều suy tư và cảm nhận. Tác giả đã sử dụng cách dẫn dắt vô cùng thú vị, ngôn ngữ đầy tự nhiên để khắc hóa quá trình sinh trưởng và phát triển của mầm cây. Khổ thơ đầu tiên là khi chiếc hạt vẫn còn nằm lặng im trong lòng đất mẹ, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh em bé khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến khổ thơ thứ hai, hạt bắt đầu nảy mầm, nhú lên những giọt sữa trong ngần. Chúng ta dường như lắng nghe được âm thành thì thầm của mầm cây. Dưới sự chăm sóc, nâng niu của thiên nhiên, theo thời gian, cây đã trưởng thành, lá xanh đã “bập bẹ” tiếng nói. Từ láy “bập bẹ” được tác giả sử dụng đã gợi tôi liên tưởng đến dáng vẻ của em bé đang tập nói. Đến khổ thơ cuối cùng, cây trưởng thành và cất tiếng nói của mình, hoà vào mẹ thiên nhiên nhiên, hiểu được vai trò của mình trong việc tạo nên màu xanh cuộc đời. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa thật tinh tế “hạt nằm lặng thinh”, “mầm mở mắt” cùng với các động từ “nghe”, “ghé tai” đã tạo nên nét sinh động cho vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời gửi gắm tình cảm yêu mến của mình. Bài thơ đã gợi cho tôi những thông điệp ý nghĩa về thiên nhiên, cuộc đời.
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Mẫu 3
Bài thơ “Lời của cây” được tác giả Trần Hữu Thung sáng tác gửi gắm đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ gần gũi, bài thơ ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé. Mầm cây được nhân hóa giống như một con người, có sức sống mãnh liệt. Qua đó, nhà thơ muốn thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng mà nhân vật trữ tình dành cho mầm cây. Bức thông điệp mà bài thơ đã gửi gắm đến bạn đọc: “Hãy yêu cây xanh, trân trọng sự sống của cây, bởi cây làm nên một phần cuộc sống xinh đẹp, đáng yêu này”.
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Mẫu 4
Lời của cây là một bài thơ mang đậm phong cách sáng tác của nhà thơ Trần Hữu Thông. Quá trình phát triển của một mầm cây được tác giả khắc họa thật sinh động. Ở khổ thơ thứ nhất, cây vẫn còn là hạt mầm nằm lặng thinh. Đến khi hạt bắt đầu nảy mầm xanh, đã có thể cất tiếng nói thì thầm. Khi hạt phát triển thì chiếc vỏ của hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây. Cách viết này gợi liên tưởng mầm cây giống như một em bé đang được chăm sóc ân cần. Đến khi mầm cây đã phát triển, người đọc dường như lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá. Từ láy “bập bẹ” khiến ta liên tưởng đến giai đoạn tập nói của một đứa trẻ. Kết thúc bài thơ là hình ảnh cây đã phát triển, với một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt. Bài thơ không chỉ thú vị ở lời thơ, hình ảnh trong bài mà còn là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc rằng hãy biết yêu và bảo vệ cây xanh bởi chúng đã tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống.
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lời của cây - Mẫu 5
Đến với tác phẩm “Lời của cây”, người đọc đã cảm nhận được một thông điệp ý nghĩa. Bài thơ giống như một cuốn nhật kí ghi lại hành trình phát triển của cây, từ khi còn là hạt mầm đến khi trở thành cây. Giọng thơ nhẹ nhàng giống như một lời tâm tình, trò chuyện với cây. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé. Chúng ta có thể cảm nhận được cây cũng có tâm hồn, giống như con người. Và giữa cây với nhân vật trữ tình trong bài có một mối giao cảm, thấu hiểu đến kì lạ. Từ đây, người đọc nhận ra thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Con người cần biết lắng nghe để thấu hiểu và biết trân trọng những mầm xanh của sự sống.