Ngày 18/09/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý:
- Bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định;
- Bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2018 |
CHỈ THỊ 28/CT-TTg
VỀ ĐẨY MẠNH BỒI DƯỠNG TRƯỚC KHI BỔ NHIỆM CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả tích cực; đã tập trung bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ; từng bước gắn bồi dưỡng với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Chế độ, hình thức đào tạo, bồi dưỡng được quy định cụ thể, rõ ràng. Hệ thống chương trình, tài liệu được tổ chức biên soạn và ban hành đầy đủ, đồng bộ. Năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên ngày càng nâng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng, còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Một số cán bộ, công chức, viên chức do chưa được trang bị, cập nhật những kiến thức và kỹ năng cần thiết nên việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong quản lý nhà nước chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là:
Các cấp, các ngành và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm trong việc nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý;
Việc tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa được chú trọng. Hoạt động quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm đúng mức;
Hệ thống văn bản quy định chung về tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước chậm được sửa đổi, ban hành;
Đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng còn thiếu, một số vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Việc huy động cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo; bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/2017/NĐ-CP), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định;
b) Bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, nghiêm túc trong việc học tập, bồi dưỡng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
b) Gắn quy hoạch với bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Có cơ chế bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý; quan tâm, đầu tư bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận;
c) Tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; cấp sở và tương đương; cấp vụ và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý, gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2018;
d) Hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng chương trình theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn trong năm 2018 và năm 2019; coi trọng tổ chức các khóa bồi dưỡng trang bị kiến thức về công tác cán bộ cho lãnh đạo các cấp;
đ) Tập trung chỉ đạo cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý rà soát, đánh giá, cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý được giao theo hướng: bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng;
e) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tham gia công tác bồi dưỡng;
g) Cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng theo thẩm quyền;
h) Tổ chức đánh giá chất lượng đối với các khóa bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ, lãnh đạo quản lý;
i) Ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện Chỉ thị này;
k) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
l) Hằng năm đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị, gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Nội vụ:
a) Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước trong quý IV năm 2018;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; cấp sở và tương đương; cấp vụ và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói trên;
c) Xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền. Tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trong năm 2018 và năm 2019;
d) Rà soát, đánh giá, cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý bảo đảm chất lượng, sát với yêu cầu công việc thực tế của từng chức vụ lãnh đạo, quản lý;
đ) Tăng cường kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
e) Chỉ đạo Học viện Hành chính Quốc gia: Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, ngành và địa phương; tổ chức đánh giá chất lượng đối với các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ, lãnh đạo quản lý;
g) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
a) Rà soát, đánh giá và xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý bảo đảm chất lượng, sát với yêu cầu công việc thực tế của từng chức vụ lãnh đạo, quản lý;
b) Xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền. Tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị trong năm 2018 và năm 2019;
c) Bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng viên giảng dạy các chương trình lý luận chính trị trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị.
5. Bộ Tài chính: bố trí kinh phí để thực hiện Chỉ thị này bảo đảm hiệu quả, phù hợp với khả năng ngân sách theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |