Nghị định 122/2018/NĐ-CP - Tiêu chuẩn mới về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

Nghị định 122/2018/NĐ-CP

Tiêu chuẩn mới về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

Ngày 17/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa". Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 05/11/2018.

Theo đó, quy định 07 trường hợp không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa như sau:

  • Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
  • Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.
  • Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
  • Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
  • Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.
  • Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.
  • Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH 122/2018/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ XÉT TẶNG DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”; “THÔN VĂN HÓA”, “LÀNG VĂN HÓA”, “ẤP VĂN HÓA”, “BẢN VĂN HÓA”, “TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định:

1. Tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa và tương đương (sau đây gọi chung là danh hiệu Khu dân cư văn hóa).

2. Quy trình xét tặng Giấy khen Gia đình văn hóa, Giấy khen Khu dân cư văn hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với hộ gia đình, khu dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động xét tặng danh hiệu, Giấy khen Gia đình văn hóa; danh hiệu, Giấy khen Khu dân cư văn hóa.

Điều 3. Nguyên tắc xét tặng

1. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.

2. Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

3. Thực hiện việc xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia thi đua hàng năm.

Điều 4. Thời gian, thẩm quyền xét tặng, tổ chức trao tặng danh hiệu

1. Việc đăng ký các danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa phải được thực hiện trước ngày 30 tháng 01 và bình xét trước ngày 20 tháng 12 hàng năm (trường hợp đặc biệt thời gian bình xét phải thực hiện trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo).

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm; Giấy khen cho gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đủ 03 năm liên tục.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa hàng năm; Giấy khen cho khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa đủ 05 năm liên tục.

4. Việc công bố và trao tặng các danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa được tổ chức vào dịp tổng kết cuối năm của xã, phường, thị trấn.

Điều 5. Thang điểm, cách chấm điểm đối với danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa

1. Thang điểm tối đa làm căn cứ xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (Mẫu số 04) và Khu dân cư văn hóa (Mẫu số 06) là 100 điểm.

2. Tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 12 Nghị định này không dưới 50% số điểm tối đa.

3. Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa được thực hiện như sau:

a) Hộ gia đình thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương: Đạt từ 90 điểm trở lên;

b) Hộ gia đình thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ: Đạt từ 60 điểm trở lên;

c) Hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều này: Đạt từ 85 điểm trở lên.

4. Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa được thực hiện như sau:

a) Khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương: Đạt từ 90 điểm trở lên;

b) Khu dân cư thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ: Đạt từ 60 điểm trở lên;

c) Khu dân cư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều này: Đạt từ 80 điểm trở lên.

5. Giấy khen Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa được tặng không quá 15% trên tổng số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đủ 03 năm liên tục, khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa đủ 05 năm liên tục.

Chương II

TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH XÉT TẶNG DANH HIỆU GIA ĐÌNH VĂN HÓA

Mục 1. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU GIA ĐÌNH VĂN HÓA

Điều 6. Tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa

1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú, gồm các tiêu chí sau:

a) Các thành viên trong gia đình chấp hành các quy định của pháp luật; không bị xử lý kỷ luật tại nơi làm việc và học tập;

b) Chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng nơi cư trú;

c) Treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định;

d) Có tham gia một trong các hoạt động văn hóa hoặc văn nghệ ở nơi cư trú; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao;

đ) Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định;

e) Tham gia bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của địa phương;

g) Thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định;

h) Tham gia đầy đủ các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài; sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú;

i) Không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh;

k) Không vi phạm quy định phòng, chống cháy nổ;

l) Không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như: Lấn chiếm lòng đường, hè phố, tham gia giao thông không đúng quy định.

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, gồm các tiêu chí sau:

a) Ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng;

b) Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung;

c) Thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện bình đẳng giới;

d) Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe;

đ) Các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội;

e) Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, gồm các tiêu chí sau:

a) Kinh tế gia đình ổn định và phát triển từ nguồn thu nhập chính đáng;

b) Tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội do địa phương tổ chức;

c) Người trong độ tuổi lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng;

d) Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường;

đ) Sử dụng nước sạch;

e) Có công trình phụ hợp vệ sinh;

g) Có phương tiện nghe, nhìn và thường xuyên được tiếp cận thông tin kinh tế, văn hóa - xã hội.

Điều 7. Các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

Thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường sau:

1. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.

3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

4. Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.

5. Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.

6. Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.

7. Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Mục 2. QUY TRÌNH XÉT TẶNG DANH HIỆU GIA ĐÌNH VĂN HÓA HÀNG NĂM

Điều 8. Hồ sơ xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm

1. Văn bản đề nghị xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa của Trưởng thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng khu dân cư).

2. Bản đăng ký tham gia thi đua xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa của hộ gia đình (Mẫu số 01); Bảng tự đánh giá thực hiện tiêu chí bình xét Gia đình văn hóa (Mẫu số 03).

3. Biên bản họp bình xét ở khu dân cư (Mẫu số 07).

Điều 9. Trình tự xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm

1. Trưởng khu dân cư căn cứ vào Bản đăng ký tham gia thi đua và bảng tự đánh giá của hộ gia đình để tổng hợp danh sách gia đình đủ điều kiện bình xét.

2. Trưởng khu dân cư triệu tập cuộc họp bình xét, tổ chức chấm điểm theo thang điểm, thành phần gồm:

a) Cấp ủy, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban Công tác Mặt trận, đại diện các ngành, tổ chức đoàn thể;

b) Đại diện hộ gia đình trong danh sách được bình xét.

3. Tổ chức cuộc họp bình xét:

a) Cuộc họp được tiến hành khi đạt 60% trở lên số người được triệu tập tham dự;

b) Hình thức bình xét: Bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết;

c) Kết quả bình xét: Các gia đình được đề nghị tặng danh hiệu Gia đình văn hóa khi có từ 60% trở lên thành viên dự họp đồng ý.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả cuộc họp bình xét, Trưởng khu dân cư lập hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Nghị định này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm (Mẫu số 11).

Mục 3. QUY TRÌNH TẶNG GIẤY KHEN GIA ĐÌNH VĂN HÓA

Điều 10. Hồ sơ đề nghị tặng Giấy khen Gia đình văn hóa

1. Văn bản đề nghị tặng Giấy khen Gia đình văn hóa của Trưởng Khu dân cư (kèm theo danh sách hộ gia đình đủ tiêu chuẩn).

2. Bản sao Quyết định công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa của các hộ gia đình trong 03 năm liên tục.

3. Biên bản họp xét tặng Giấy khen Gia đình văn hóa (Mẫu số 08).

Điều 11. Trình tự tặng Giấy khen Gia đình văn hóa

1. Trưởng khu dân cư tổng hợp danh sách các hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đủ điều kiện tặng Giấy khen Gia đình văn hóa.

2. Trưởng khu dân cư triệu tập cuộc họp bình xét, thành phần gồm:

a) Cấp ủy, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban Công tác Mặt trận, đại diện các ngành, các tổ chức đoàn thể;

b) Đại diện hộ gia đình trong danh sách được bình xét.

3. Tổ chức cuộc họp bình xét:

a) Cuộc họp được tiến hành khi đạt 60% trở lên số người được triệu tập tham dự;

b) Hình thức bình xét: Bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết;

c) Kết quả: Các gia đình được đề nghị tặng Giấy khen Gia đình văn hóa khi có từ 60% trở lên thành viên dự họp đồng ý. Trong trường hợp số lượng gia đình được đề nghị tặng Giấy khen vượt quá 15% tổng số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa 3 năm liên tục thì căn cứ số phiếu đồng ý, lấy từ cao xuống thấp.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả cuộc họp bình xét, Trưởng khu dân cư lập hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tặng Giấy khen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định tặng Giấy khen Gia đình văn hóa (Mẫu số 13).

Chương III

QUY TRÌNH XÉT TẶNG DANH HIỆU KHU DÂN CƯ VĂN HÓA

Mục 1. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU KHU DÂN CƯ VĂN HÓA

Điều 12. Các tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa

1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, gồm các tiêu chí sau:

a) Người trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định;

b) Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là mức bình quân chung);

c) Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn mức bình quân chung;

d) Tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở kiên cố cao hơn mức bình quân chung, không có nhà ở dột nát;

đ) Hệ thống giao thông chính được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện;

e) Có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật; phát triển ngành nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế.

2. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, gồm các tiêu chí sau:

a) Có nhà văn hóa, sân thể thao phù hợp với điều kiện của khu dân cư;

b) Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên;

c) Tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh; có điểm đọc sách phục vụ cộng đồng; thực hiện tốt công tác hòa giải;

d) Bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương;

đ) Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ.

3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp, gồm các tiêu chí sau:

a) Hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Có hệ thống cấp, thoát nước;

c) Nhà ở, công trình công cộng, nghĩa trang phù hợp quy hoạch của địa phương;

d) Các địa điểm vui chơi công cộng được tôn tạo, bảo vệ và giữ gìn sạch sẽ;

đ) Có địa điểm bố trí vị trí quảng cáo rao vặt;

e) Có điểm thu gom rác thải;

g) Có hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường;

h) Tổ chức, tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

4. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gồm các tiêu chí sau:

a) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách dân số;

b) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động cơ quan nhà nước; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả;

c) Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần từng năm; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ;

d) Có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

đ) Đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự;

e) Chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, gồm các tiêu chí sau:

a) Thực hiện chính sách của Nhà nước về các hoạt động nhân đạo, từ thiện và đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Cuộc vận động vì người nghèo” và các cuộc vận động khác;

b) Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người có công, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn.

..........

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Liên kết tải về

pdf Nghị định 122/2018/NĐ-CP
doc Nghị định 122/2018/NĐ-CP 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK