Văn mẫu lớp 11: Viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11 là một chủ đề rất hay nằm trong bài Tiểu sử tóm tắt.
Viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn nhà thơ mang đến 3 câu trả lời hay nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết tiểu sử. Đồng thời có thêm nhiều gợi ý để trả lời câu hỏi 3 phần Luyện tập bài Tiểu sử tóm tắt. Vậy sau đây là TOP 3 Tiểu sử tóm tắt của một số nhà văn, nhà thơ hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc.
Viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn nhà thơ lớp 11
Tiểu sử tóm tắt nhà văn Huy Cận
Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, ông sinh năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo.
Ngày còn bé Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Sau cách mạng tháng 8, Huy Cận giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng. Sau này ông làm thứ trưởng Bộ Văn Hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách công tác văn hóa và văn nghệ.
Từ năm 1984, ông là chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,II và VII. Tháng 6, năm 2001, ông được bầu làm viện trưởng Viện hàn lâm Thơ Thế giới.
Huy Cận mất ngày 16, tháng 2, năm 2006, tại Hà Nội.
Các tác phẩm tiêu biểu: Bài thơ cuộc đời, Những năm sáu mươi, Lửa hồng muối mặn, Đất nở hoa, Một cuộc cách mạng trong thi ca, Suy nghĩ về nghệ thuật, Hạt lại gieo, Suy nghĩ về nghệ thuật, Ngôi nhà giữa nắng, Cô gái mèo,…
Tiểu sử tóm tắt Tố Hữu
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tố Hữu sớm tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, từng bị giam giữ trong nhiều nhà tù nhưng vẫn kiên định con đường cách mạng đến trọn đời. Ông hoạt động tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Huế trong cách mạng tháng Tám năm 1945, phụ trách văn hóa nghệ thuật ở cơ quan Trung ương Đảng trên quê hương cách mạng Việt Bắc, Ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đường đời, đường cách mạng của Tố Hữu gắn bó và song hành với đường thơ. Ông có những đóng góp lớn lao cho nền văn học cách mạng Việt Nam với bảy tập thơ đồ sộ: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Thơ Tố Hữu không những là phương tiện hiệu quả truyền bá cách mạng sâu rộng vào nhân dân mà còn đưa thơ cách mạng lên đỉnh cao nghệ thuật. Với Tố Hữu, thơ cách mạng đạt đến trình độ thơ trữ tình chính trị, hấp dẫn người đọc bởi tính dân tộc, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Qua thơ Tố Hữu, có thể thấy tinh hoa và giá trị của nền văn học cách mạng, một nền văn học coi vận mệnh dân tộc là lẽ sống lớn nhất.
Tiểu sử tóm tắt nhà văn Nam Cao
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).
Nam Cao là người con duy nhất trong một gia đình đông con được học hành tử tế. Học xong bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may và bắt đầu sáng tác văn chương. Sau đó ông bị bệnh, trở về quê. Có một thời gian Nam Cao dạy học ở một trường tư ở Hà Nội. Quân Nhật vào Đông Dương, trường ông phải đóng cửa. Nam Cao thất nghiệp, chuyển sang viết văn. Năm 1943 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Kháng chiến bùng nổ (12 – 1946) Nam Cao về làm công tác tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 1947 lên Việt Bắc tiếp tục viết báo, sáng tác tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11 – 1951 Nam Cao hi sinh khi đi công tác vào vùng địch hậu.
Trước CMT8 sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, tác phẩm của ông cũng thể hiện nỗi đau đớn day dứt trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt nhân tính. Qua tác phẩm của mình, Nam Cao phê phán xã hội phi nhân đạo đương thời. Sau CMT8 sáng tác một số tác phẩm: Đôi mắt, Ở rừng, Chuyện biên giới… đó là những sáng tác có giá trị của nền văn xuôi cách mạng lúc bấy giờ.
Trong nền văn xuôi hiện đại của nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.