Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay - thuviensachvn.com

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay

Nghị luận về một vấn đề xã hội

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay gồm 2 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngày một hay, đạt điểm cao hơn.

Đạo đức, tác phong của học sinh có thể nói là vấn đề nóng bỏng trong xã hội ngày nay. Hiện nay một bộ phận học sinh suy thoái về đạo đức và tác phong, làm mất đi vẻ đẹp học đường. Một hiện trạng dễ thấy đó là học sinh thiếu nghiêm túc trong việc tiếp thu kiến thức, hành vi có tính chất nổi loạn, hay trêu chọc nhau và gây ra xích mích vô cớ. Vậy sau đây là 2 bài nghị luận về đạo đức của giới trẻ mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm nghị luận giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt.

Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay - Mẫu 1

Vấn đề đạo đức của học sinh là một vấn đề rất nổi bật và được bàn luận sôi nổi nhất hiện nay. Theo nhiều người đánh giá, đạo đức của học sinh hiện nay đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng so với những thế hệ học sinh trước đó.

Nhưng để ta bàn luận về vấn đề đạo đức của học sinh thì chúng ta phải đạo đức là gì? Đạo đức thường được xét đến khi xã hội được cho là hỗn loạn hay thiếu chuẩn mực. Lúc đó những bậc trí giả sẽ định ra những chuẩn mực cơ bản mới, từ đó những chuẩn mực này sẽ làm nền tảng để xây dựng nền tảng đạo đức. Khi đã đạt đạo đức cơ bản nhất thì đó được cho là đạo đức xã hội.

Để bắt đầu ta hãy nói về việc nói tục và chửi thề ở học sinh hiện nay. Bên cạnh những lời hay ý tốt thì việc nói tục chửi thề vẫn còn tồn tại ở học sinh hiện nay. Người ta thường hay nói rằng “Học ăn, học nói” nhưng tại sao? Tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp đẽ. Nó có thể biểu hiện mọi khái niệm về sự vật hoặc mọi cung bậc tình cảm của con người. Nhiệm việc của chúng ta là giữ gìn và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ.

Có nhiều bạn trẻ dùng những từ này với mục đích lăng mạ hay sỉ nhục những người khác. Hành động này nếu lập đi lập lại ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tự trọng và danh dự của những người bị sỉ nhục. Từ đó có thể làm họ bị tâm lý bức bối, ức chế, làm cho họ không thể kiểm soát bản thân. Vì vậy đã có rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra.

Nhắc đến bạo lực học đường, bây giờ chúng ta sẽ đi vào vấn đề này. Ở lứa tuổi cắp sách đến trường rất khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích với những người xung quanh. Trước đây những cuộc tranh cãi thường là những cuộc bàn luận để giải quyết những bất đồng với nhau, để ta rút ra những kinh nghiệm để không được tái phạm, để học cách xin lỗi người khác và làm quen được những người bạn mới. Hiện giờ những bất đồng ở giới học sinh thường được giải quyết bằng bạo lực và cần sự can thiệp của pháp lực

Học sinh học tập căng thẳng dễ dẫn đến tình trạng ức chế về tâm lý. Lòng tự trọng thường được chuyển hóa thành lòng tự ái. Kết hợp với việc ở lứa tuổi vị thành niên. Học sinh thường rất nóng nảy, suy nghĩ nông cạn, mang cái tôi của mình lên hàng đầu. Các việc này kết hợp lại, cũng như một đống củi khô, chỉ cần một tia lửa thì nó sẽ bốc cháy và gây thiệt hại lớn. Học sinh cũng vậy, chỉ cần một câu nói tục, chửi thề hay là một cái nhìn đểu thì học sinh ấy có thể đánh bạn mình bất kì lúc nào.

Qua những hành động trên, ta có thể thấy được đạo đức của học sinh hiện nay đang bị suy thoái trầm trọng. Chúng ta đã biết đến sự tồn tại của những thói hư tật xấu này của học sinh, nhưng chưa ai đưa ra được một giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Vấn đề đạo đức của học sinh cũng như là một bệnh dịch, ta không có cách nào chữa trị được chúng, nhưng ta phải phòng ngừa và giảm thiểu những tác hại của chúng.

Điều này dẫn ta đến vấn đề là ai là những người đã tạo ra và lây nhiễm những loại “bệnh dịch” này? Nhìn ở ngoài dường như những thói hư này được học sinh tự tạo ra. Nhưng nhìn sâu vào vấn đề thì ta có thể thấy được đây chính là lỗi của xã hội, của những bậc cha mẹ và của những nhà giáo dục. Họ đã dạy cho con em mình những từ ngữ nói tục, chửi thề, Những hành động bạo lực. Thường những học sinh được hỏi các bạn học những việc này ở đâu, câu trả lời thường lọt vào sự giáo dục không đúng cách của cha mẹ hay là từ những phim ảnh, sách báo.

Vậy chúng ta có thể nào tiêu diệt hoàn toàn vấn đề tệ nạn xã hội ở học sinh hay không? Việc này là có thể nếu con người chúng ta chịu thay đổi bản thân.

Nghị luận về đạo đức của học sinh - Mẫu 2

Đạo đức là vẻ đẹp đầu tiên của con người. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Học sinh ngày càng hư hỏng, suy thoái đạo đức nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Đạo là đạo lí, là những nguyên tắc ứng xử được xã hội quy định, quy ước và cam kết thực hiện. Đức là đức tính, là phẩm chất tốt đẹp của con người. Đạo đức có nghĩa là những đức tính tốt đẹp phù hợp với đạo lí làm người được xã hội quy định và tôn trọng.

Có thể thấy, khi các nguyên tắc ứng xử trong xã hội cũ bị xóa bỏ, các chuẩn mực đạo đức chưa kịp hình thành làm cho một bộ phận giới trẻ lúng túng khi rèn luyện mình. Họ hoang mang không biết như thế nào là đúng, là phù hợp chuẩn mực. (Dàn ý đạo đức học sinh)

Một hiện trạng dễ thấy đó là đạo đức học sinh đang trên đà suy thoái trầm trọng. Học sinh ngày càng trở nên thiếu lễ độ với người khác. Hiện tượng học sinh bỏ học, đánh nhau, nói tục chửi thề, ngang ngược, bướng bỉnh, vi phạm pháp luật,… trở nên phổ biến. Dù nhà trường, gia đình, xã hội đã vận dụng nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động song không mang lại hiệu quả.

Hành vi xấu của học sinh có xu hướng lan nhanh trong các trường học. Số học sinh vi phạm kĩ luật nhà trường ngày càng tăng. Số vụ vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học sinh có xu hướng tăng cao. Giáo dục đạo đức, nhân cách, nhân phẩm, ý thức trách nhiệm trong thời đại mới cho học sinh trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

Trước hết là do sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường làm đảo lộn nhận thức của con người về các giá trị sống. Con người chạy theo lối sống thời thượng, đề cao vật chất, xem thường đạo đức và các giá trị nhân văn. Áp lực công việc từ cuộc sống khiến cho con người không còn thân thiện nữa. Tất cả ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và nhạn thức của mỗi học sinh.

Do ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa đang trên đà nở rộ. Sự mở cửa kinh tế đất nước tạo cơ hội xâm nhập của các nền văn hóa ngoại lai vốn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Điều đó, tạo nên các trào lưu lệch chuẩn, gây ảnh hưởng đến nhận thức và đạo đức học sinh.

Chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh thiếu hiệu quả, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển nhân cách con người trong thời đại mới. Gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lối sống cho con em. Ông bà, cha mẹ thiếu gương mẫu. Văn hóa gia đình không được đề cao.

Xã hội thiếu định hướng đúng đắn, thiếu nghiêm khắc với những hiện tượng lệch chuẩn, tha hóa nhân cách ở giới trẻ. Các hành vi lệch lạc, thiếu lễ độ không được nhắc nhở. Con người thờ ơ, vô cảm. Những hành vi nghiêm túc bị đem ra trêu đùa. Lối sống văn hóa chuẩn mực dần dần mất đi ý nghĩa.

Nhà trước chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các luồng văn hóa. Sự chậm trễ ấy đã để cho những sản phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy, bạo lực, lệch lạc ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của học sinh và giới trẻ, khiến họ bắt chước một cách mù quáng, sai lầm. Tệ nạn xã hội có xu hướng xâm nhập xâu hơn vào nhà trường.

Học sinh ngày càng hư hỏng, suy thoái đạo đức nghiêm trọng. Các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức truyền thống không còn được tôn trọng, đề cao. Kết quả học tập kém, chất lượng giáo dục suy giảm.

Học sinh mất định hướng trong học tập. Nhiều học sinh thiếu lý tưởng sống, sa đà vào tệ nạn xã hội. Gia đình lo lắng trước tình hình phát triển lệch chuẩn gia tăng của con em mình. Xã hội bất lực trước hiện tượng suy thoái dạo đức ở giới trẻ. Giá trị đạo đức trong xã hội xuống cấp trầm trọng.

Do suy thoái về đạo đức khiến của một số học sinh khiến cho môi trường học tập có nhiều xáo trộn. Ngày càng có nhiều học sinh vô lễ với thầy cô. Hiện tượng học sinh đánh nhau là chuyện bình thường. Học sinh xúc phạm hay đe dọa thầy cô giáo diễn ra phổ biến. Vai trò của người thầy trong xã hội bị phai nhạt. Truyền thống tôn sư trọng đạo cũng mất dần ý nghĩa và sự tôn nghiêm.

Sự suy thoái đạo đức của học sinh không những diễn ra theo chiều rộng mà còn cả ở chiều sâu. Học sinh hoang mang không biết như thế nào mới đúng chuẩn mực, đúng đạo lí. Sự bất thường ấy lại đáng lo ngại hơn khi mọi người đều cho rằng điều đó là bình thường.

Trước hết cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục đạo đức, nhân cách nhân phẩm học sinh theo định hướng mới, đúng đắn và hiệu quả. Giáo dục phải đúng cách, đúng đối tượng. Giáo dục những gì cần thiết chứ không giáo dục tràn lan, kém hiệu quả.

Tăng cường kỉ luật trong nhà trường và ngoài xã hội. Nghiêm khắc với những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Giáo dục phải giúp học sinh nhận thức sai lầm và cải thiện bản thân mình. Kết hợp giáo dục và kỉ luật để dần định hình các giá trị đạo đức ở con người. Đến khi con người có thể tự giác rèn luyện mình thì giáo dục và kiện toàn các phẩm chất.

Đề cao các chuẩn mực tốt đẹp trong nhà trường và ngoài xã hội. Kiên quyết trấn áp, loại bỏ cái xấu, cái lệch lạc, sai lầm ra khỏi trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa gia đình lành mạnh và tiến bộ. Người lớn gương mẫu làm gương sáng cho học sinh noi theo. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội trong sạch, lành mạnh. Ở đó, mọi người được tôn trọng và yêu thương.

Tạo nhiều sân chơi bổ ích có tính giáo dục cao, thu hút học sinh tham gia. Xã hội phải giúp học sinh tìm thấy được ý nghĩa của các giá trị đạo đức truyền thống. Khi học sinh được quan tâm và tôn trọng sẽ tự rèn luyện mình theo chuẩn mực tốt đẹp.

Nhà nước quản lí chặt chẽ các trào lưu văn hóa lệch lạc. Cần kiên quyết loại bỏ các văn hóa phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đối với nhận thức và đạo đức học sinh. Tạo một môi trường trong sạch, vững mạnh, nhân văn và tiến bộ.

Một xã hội phát triển là một xã hội ở đó có nhiều người tốt, đạo đức được đề cao, con người sống bằng tình thương, lòng nhân ái. Dù có cứng rắn trong hành động giáo dục đạo đức, giúp học sinh tiến bộ song phải xuất phát từ tấm lòng bao dung, độ lượng, vị tha vì con người. Có làm được như vậy chúng ta mới tin rằng những học sinh hư hỏng sẽ nhận ra lỗi lầm, tự thay đổi mình. Khi các giá trị đạo đức đã định hình, học sinh sẽ tìm thấy động lực học tập, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay
doc Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 12

Văn 12

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK