Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 8 năm 2023 - 2024 mang đến 3 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo ôn luyện để làm bài kiểm tra thật tốt.
TOP 3 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn 2023 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập cơ bản, luyện giải đề từ đó xây dựng kế hoạch học tập để tự tin trước mỗi bài thi chính thức. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp quý thầy cô tham khảo để ra đề thi cho các bạn học sinh. Vậy sau đây là trọn bộ 3 đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn lớp 8 có đáp án mời các bạn cùng tải tại đây.
Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 8 năm 2023 - 2024
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn - Đề 1
Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 8
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO .……………….. | ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 8 |
I. Đọc hiểu văn bản (5đ):
Câu 1 (2đ): Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:
Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những chuyện ở đâu đâu, há chẳng phải là chứng cớ cho cái mãnh liệt lạ lùng của văn chương hay sao?
Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? (0,5đ)
b. Liệt kê những tính từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích. (0,5đ)
c. Từ đoạn trích trên hãy cho biết văn chương có vai trò thế nào đối với đời sống con người? (1đ)
Câu 2 (1đ): Thế nào là câu đặc biệt? Cho ví dụ minh họa?
Câu 3 (2đ): Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo ngang trong đó có sử dụng phép liệt kê.
II. Tập làm văn (5đ):
Em hãy giải thích ý nghĩa của câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (2đ):
a. Đoạn trích trên trích từ tác phẩm: Ý nghĩa văn chương của tác giả Hoài Thanh.
b. Những tính từ được tác giả sử dụng: vui, buồn, mừng, giận, lạ lùng, phù phiếm, chật hẹp, thâm trầm, rộng rãi.
c. Vai trò của văn chương đối với đời sống con người: gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có, làm cho cuộc đời trở nên thâm trầm, rộng rãi hơn, con người cảm nhận được và rung động trước xúc cảm của người khác.
Câu 2 (1đ):
Câu đặc biệt là loại câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ.
Ví dụ về câu đặc biệt: học sinh tự lấy ví dụ.
Câu 3 (2đ):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Sau khi học bài thơ Qua đèo ngang, em có những cảm xúc và ấn tượng gì?
- Những chi tiết nào làm em thích thú? (liệt kê)
- Qua bài thơ, e rút ra được những điều gì?
II. Tập làm văn (5đ):
Dàn ý Phân tích câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”
2. Thân bài
a. Giải thích
Bầu, bí: loài cây quen thuộc của người dân ta → dùng để chỉ con người Việt Nam.
Chung một giàn: người dân trong cùng một đất nước, cùng mang dòng máu đỏ da vàng.
→ Lời khuyên bảo, nhắc nhở con người: là con dân trong cùng một nước phải yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau.
b. Phân tích
Con người phải yêu thương và giúp đỡ nhau để xã hội phát triển tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
Có yêu thương, đoàn kết mới xây dựng được một đất nước vững mạnh đủ sức chiến đấu và chống lại kẻ thù. Có sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, con người sẽ vượt qua tất cả những khó khăn.
c. Bàn luận
(Nêu những biểu hiện của tình yêu thương, đoàn kết dân tộc).
- Có những hành động thiết thực để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
- Chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ những người xung quanh.
- Có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
d. Phản biện
Nêu mặt trái của vấn đề: trong cuộc sống vẫn còn nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen chỉ biết sống cho mình mà không quan tâm đến người khác; lại có những người tự thu mình, tách mình khỏi xã hội, khỏi cộng đồng,… → đáng bị chỉ trích.
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề và liên hệ bản thân.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn - Đề 2
Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 8
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO .……………….. | ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 8 |
I. Đọc hiểu văn bản (5đ):
Câu 1 (3đ): Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:
Không sợ sai lầm
Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một phần đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời.
Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ! Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời. […]
(Theo Hồng Diễm)
a. Đoạn trích đề cập đến vấn đề gì? (0,5đ)
b. Nêu nội dung chính của đoạn trích. (1đ)
c. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích là gì? Nêu tác dụng. (1,5đ)
Câu 2 (2đ): Đoạn trích trên đã giúp em rút ra những bài học gì cho bản thân (Trình bày bằng đoạn văn).
II. Phần làm văn
Em hãy giải thích ý nghĩa câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 8
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (3đ):
a. Đoạn trích đề cập đến việc con người nhút nhát, luôn sợ phạm phải sai lầm trong cuộc sống.
b. Nội dung chính của đoạn trích: đưa ra những minh chứng về việc phạm sai lầm, tuy nó mang đến nhiều hậu quả nhưng chính nó sẽ là những bài học hữu ích giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống. Nếu con người sợ mắc phải sai lầm thì sẽ không trưởng thành và trở thành con người hèn nhát.
c. Biện pháp nghệ thuật: liệt kê (những dẫn chứng của việc nhút nhát và sợ mắc sai lầm).
Câu 2 (2đ):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Bài học em rút ra sau đoạn trích là gì?
- Em sẽ làm gì để rèn luyện bài học, đức tính đó?
II. Tập làm văn (5đ):
Dàn ý phân tích câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”
1. Mở bài
Giới thiệu câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”
2. Thân bài
a. Giải thích
- “Nhiễu điều”: tấm vải lụa đỏ đắt giá.
- “giá gương”: vật dụng bằng gỗ chạm khắc khéo léo vừa đỡ lấy tấm gương soi vừa để trang hoàng nhà cửa.
Tấm vải đỏ giữ cho gương sáng, khỏi bị ố mờ vì bụi, còn tấm gương nhờ tấm vải lụa nên luôn sạch đẹp → Chở che cho nhau, tôn vinh thêm nét đẹp của nhau.
→ Là người trong một nước ta phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong lúc hoạn nạn, khó khăn để đất nước phát triển và giàu đẹp tình người.
b. Phân tích
- Chúng ta cùng chung “dòng máu đỏ da vàng”, việc giúp đỡ nhau giúp đất nước phát triển tốt đẹp hơn; việc đoàn kết, yêu thương nhau sẽ tạo được sức mạnh chống phá được mọi thế lực của kẻ thù.
- Yêu thương, đùm bọc, đoàn kết là cách sống, đao lí truyền thống của con người Việt Nam ta.
c. Bàn luận
(Tình yêu thương, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta được thể hiện như thế nào?)
- Quyên góp giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn.
- Đồng lòng đứng lên chống lại kẻ thù.
- …
d. Phản biện
Có nhiều người vô cảm trước nỗi đau của người khác, tự tách mình ra khỏi xã hội,… → đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề và liên hệ bản thân.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn - Đề 3
Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 8
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO .……………….. | ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM 2023 - 2024 Môn: Ngữ văn 8 |
I. Đọc hiểu văn bản (5đ):
I. Đọc hiểu văn bản (5đ):
Câu 1 (2,5đ): Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
a. Em có nhận xét gì về những từ “lợi” trong bài ca dao này? (0,5đ)
b. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài ca dao là gì? Nêu tác dụng. (1đ)
c. Tìm thêm 02 bài ca dao, đồng giao, tác phẩm có lối chơi chữ. (1đ)
Câu 2 (2đ): Viết đoạn văn ngắn miêu tả cảnh thiên nhiên trong đó có sử dụng từ đồng âm.
II. Phần làm văn (5đ):
Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 8
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (2,5đ):
a. Từ “lợi” được dùng theo 2 nghĩa: từ “lợi” thứ nhất mang nghĩa lợi ích, từ “lợi” thứ hai chỉ một bộ phận trên khuôn mặt nơi nối răng với hàm.
b. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: chơi chữ.
Tác dụng: gây tiếng cười, tạo sự hóm hỉnh, châm biếm.
c. Học sinh tự tìm 2 bài có phép chơi chữ.
Câu 2 (2,5đ):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Cảnh em miêu tả là gì?
- Em lựa chọn từ đồng âm nào?
- Từ đồng âm có tác dụng gì cho bài làm của mình?
II. Phần làm văn (5đ):
Dàn ý chứng minh bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
1. Mở bài
Giới thiệu về tầm quan trọng của rừng.
2. Thân bài
a. Lợi ích mà rừng mang lại
- Rừng là nguồn lợi kinh tế to lớn của con người: cho gỗ quý, thu hút khách du lịch,…
- Rừng đã góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng: bảo vệ, che chở cho bộ độ, cùng bộ đội chiến đấu chống kẻ thù…
- Rừng cung cấp sự sống cho con người: Rừng là lá phổi xanh cung cấp oxi; rừng ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu…
b. Thực trạng của hệ sinh thái rừng hiện nay
Diện tích rừng bị thu hẹp do nạn chặt phá, cháy rừng,… động thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến nhiều loài bị tuyệt chủng.
Tuy đã có những biện pháp trồng rừng để khắc phục hậu quả nhưng chưa cho kết quả cao.
c. Biện pháp
- Cần sự chung tay của mọi người để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái rừng tốt hơn.
- Tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của rừng rộng rãi.
- Có những chính sách thiết thực khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng.
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề và liên hệ bản thân.