Văn mẫu lớp 11: Phân tích nhân vật Huấn Cao mang đến 4 gợi ý cách viết kèm theo 23 mẫu cực hay. Giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức biết cách phân tích đánh giá nhân vật và thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến bạn đọc.
Phân tích Huấn Cao các em sẽ được học trong chương trình Ngữ văn 11 sách Cánh diều và Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Vì thế TOP 23 bài văn phân tích nhân vật Huấn Cao dưới đây sẽ là nguồn tư liệu cực kì hữu ích, gồm cả mẫu ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình. Ngoài ra các bạn xem thêm phân tích nhân vật Viên Quản Ngục.
TOP 23 bài Phân tích nhân vật Huấn Cao hay nhất
- Sơ đồ tư duy phân tích Huấn Cao
- Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao
- Phân tích nhân vật Huấn Cao
- Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
Sơ đồ tư duy phân tích Huấn Cao
Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao
I. Mở bài
– “Vang bóng một thời” gồm mười một truyện viết về một thời đã xa, nay chỉ còn vang bóng. Qua tập truyện, Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự bất hòa sâu sắc đối với xã hội buổi giao thời cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX ở nước ta và ca ngợi những nhà nho tài hoa không chịu vứt bỏ lương tâm, chạy theo danh lợi, vẫn giữ thiên lương cao đẹp.
– Một trong những nhân vật tiêu biểu là Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”.
II. Thân bài
1. Con người mang nét đẹp của tư thế, khí phách
Bằng một thứ văn xuôi điêu luyện gợi được không khí cổ kính của một thời đã qua, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công những nét tính cách nhân vật.
a. Một con người tự trọng, sống hiên ngang bất khuất.
– Tự trọng, không ham quyền và hám lợi: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
– Hiên ngang bất khuất: “… những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người tu, người ta cũng còn chẳng biết ai nữa…”
b. Chí lớn không thành, coi thường gian khổ, kể cả cái chết
– Chống lại triều đình, bị bắt giam tử ngục, vẫn coi thường: “Đến cái cảnh chết chém, ông cũng chẳng sợ nữa …”
– Có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng: Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt của viên quản ngục, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, dù đang bị giam cầm.
c. Khinh bỉ những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị.
– Dưới mắt ông, chúng chỉ là là tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng, dù ở giữa cảnh tàn nhẫn, lừa lọc, giữa một dõng cặn bã.
– Thái độ và ngôn ngữ nhân vật cực kì khinh bạc. Sau khi viên quản ngục khép nép hỏi Huấn Cao có cần gì nữa không, ông đã trả lời rất thản nhiên: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Khí phách đó, tư thế đó luôn luôn hiên ngang lồng lộng giữa cái nền xám xịt của ngục tù.
2. Con người mang nét đẹp của tâm hồn, tài hoa
a. Tâm hồn cao quý
Huấn Cao ca ngợi thiên lương, tức là cái bản chất tốt đẹp của con người: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của nhân vật Huấn Cao vậy.
b. Yêu cái đẹp và cảm thông với người yêu quý cái đẹp.
Huấn Cao kiêu bạc là thế, nhưng khi hiểu được tấm lòng chân thành của ngục quan, ông vui vẻ nhận cho chữ, mà còn tỏ ra cảm động: “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
c. Rất mực tài hoa
– Thư pháp (phép viết chữ, nghệ thuật viết chữ Hán) vốn là một thú tao nhã của người xưa, bên cạnh cầm, kỳ, thi, họa. Ông Huấn có tài viết chữ đẹp, “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm.
– Cái tài hoa ấy chỉ dành riêng cho người tri kỷ: “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Và lần này như một ngoại lệ, ông cho chữ viên quản ngục, vì “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người”.
– Con người ấy đã thực hiện lời hứa với viên quản ngục, thể hiện cái tài hoa tuyệt thế của mình trong một khung cảnh đầy xúc động. Bằng hiện pháp đối lập, Nguyễn Tuân đã làm toát lên chủ đề của truyện trong đoạn cuối truyện.
– Cái cao đẹp (viết chữ vốn là một việc thanh cao, long trọng, với lụa tràng, mực thắm, nét chữ vuông tươi tắn) đối lập với cái dơ bẩn (cảnh buồng nhà ngục tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián).
– Hình ảnh kì vĩ của người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ đối lập với hình ảnh co ro của thầy thơ lại run run bưng chậu mực và của viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ… chắp tay vái người tù một vái.
=> Tất cả thể hiện ý nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh từ nơi tội ác ngự trị, giữa mảnh đất chết (nhà ngục), bởi một con người sắp chết (tử tội Huấn Cao). Còn lời Huấn Cao khuyên viên quản ngục lại mang ý nghĩa bổ sung: cái đẹp không thể cũng sống chung với tội ác.
3. Đánh giá về hình tượng Huấn Cao
- Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù tượng trưng cho cái đẹp của khí phách, của tài hoa hòa hợp cái đẹp của thiên lương.
- Nhân vật Huấn Cao, cũng như nhiều nhân vật chính diện khác trong Vang bóng một thời, nhất thiết phải là một con người tài hoa. Song ở Huấn Cao, bên cạnh cái tài hoa, còn có vẻ đẹp khí phách của một con người có trách nhiệm đối với thời cuộc và cái đẹp của thiên lương. Đó cũng là nét độc đáo của hình tượng nhân vật Huấn Cao, so với các nhân vật khác trong Vang bóng một thời.
III. Kết bài
- Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù” mang tính cổ kính qua hệ thống ngôn ngữ, lối suy nghĩ, cung cách đối xử… toát lên không khí của một thời mà nay đã thành vang bóng. Nghệ thuật ấy cũng mang tính hiện đại với nhưng đoạn phân tích ý nghĩa sâu kín, diễn biến tâm lí nhân vật một cách tinh tế.
- Nhân vật Huấn Cao, con người có trách nhiệm đối với đất nước, hiện lên trong truyện với một thái độ tôn sùng của Nguyễn Tuân. Đây cũng là sự giãi bày kín đáo niềm “… khát khao theo đuổi một lý tưởng cao cả của người thanh niên Nguyễn Tuân khi mới bước chân vào đời”. (Trường Chinh).
..............
Xem thêm: Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao
Phân tích nhân vật Huấn Cao ngắn gọn
Huấn Cao – một vị anh hùng lý tưởng đứng hiên ngang bất khuất giữa trang văn đầy nghệ thuật và lãng mạn của nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm “Chữ người tử tù”. Người anh hùng ấy đến giây phút sắp kề dao vào cổ vẫn luôn thể hiện ý chí anh dũng và tấm lòng trong sạch của mình, quyết hy sinh chứ không bao giờ chịu khuất phục dưới chân kẻ thù. Và cũng thật đáng khâm phục cho ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã để lại cho đời một nhân vật lý tưởng với những vẻ đẹp kiêu hãnh, tự hào rất đáng để thế hệ sau noi theo.
Huấn Cao là một người đầu đội trời, chân đạp đất. Ông luôn đi theo tiếng gọi của chân lý, của những người nông dân nghèo khổ để cùng họ đứng lên đấu tranh quyết dành lại bằng được quyền sống và quyền tự do của chính bản thân mình. Nhưng không may, ông đã rơi vào tay chính quyền và bị chúng kết án tử hình. Trong tác phẩm, ông không xuất hiện là một vị tướng đang cầm đao đánh giặc, hay đang chống lại bọn cường quyền ác độc mà lại xuất hiện với vị thế là một tử tù đang chờ ngày thi hành án. Tình thế éo leo ấy sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ông cũng chỉ là một trong những kẻ tử tù bình thường khác. Nhưng cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn hiên ngang, vẫn ung dung bình thản.
Ông không sợ đầu rơi máu chảy, lại càng không sợ đòn roi sẽ như mưa trút xuống thân mình. Ý chí kiên cường, anh dũng trong ông chưa bao giờ nguôi dù là đứng trước cái chết. Ngay từ cái lý do khiến ông bị kết án tử hình cũng đã đủ thấy rằng đây là một người anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa, vì nhân dân. Ta không nhìn thấy Huấn Cao cầm đao giết giặc nhưng lại nhìn thấy ở ông những hành động đanh thép hẳn là chỉ dành cho kẻ thù: “Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Giờ đây dù đang trong thân phận là kẻ tử tù, ông có thể sẽ bị đánh đòn, bị hành hạ bất cứ khi nào nhưng mọi thứ đều chẳng làm ông nao núng. Khí phách anh hùng trong Huấn Cao chưa bao giờ bị vơi nhạt. Ông từng giết chết bao nhiêu kẻ thù, từng làm náo động cả chính quyền, hà cớ gì ông lại sợ một tên lính quèn thấp hèn nhỏ bé kia? Cái chết ngay trước mắt ông cũng chẳng hề lo sợ, huống chi chỉ là mấy đòn roi cỏn con. Thật là một người tù có khí phách của một vị anh hùng thực thụ.
Chẳng những thế, Huấn Cao còn là một người nghệ sĩ tài hoa với cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Đến nỗi tên cai ngục dù quanh quẩn suốt trong ngục tù cũng biết đến tiếng tăm của ông. Viết chữ, có thể rất nhiều người biết viết, nhưng viết rất nhanh và đẹp thì thật hiếm có. Bởi ở thời ấy, mọi người học chữ tượng hình. Khi thuộc và hiểu chữ nghĩa là hiểu cả một nền tảng văn hóa từ những nét tượng hình trong chữ. Chứng tỏ Huấn Cao là người có vốn kiến thức rất rộng và uyên thâm. Cái chữ của ông khiến cho viên quan coi ngục hằng ước ao, khát khao có được. Hắn coi đó là một vật báu và nếu không xin được chữ ông Huấn, hắn sẽ phải hối hận suốt cả đời này.
Một anh hùng đầy khí phách vừa anh dũng kiên cường, vừa đậm chất nghệ sĩ tài hoa, vậy mà lại rơi vào tay của kẻ địch. Thật đáng tiếc. Nhưng cũng chính từ hoàn cảnh éo le ấy, ta lại hiểu thêm một vẻ đẹp cao quý nữa từ vị anh hùng này. Đó là một tâm hồn trong sáng, lương thiện và luôn trân trọng, đề cao cái đẹp. Với tính cách của mình, ông không sợ trời, chẳng sợ đất nhưng lại sợ “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Với thân phận là một tử tù, dưới quyền của bọn quan lại và tay sai thấp hèn kia, bọn chúng chẳng có gì ngoài những đòn roi có thể trút xuống ông những trận mưa rơi bất cứ lúc nào, nhưng ông chẳng hề lay chuyển, lo sợ. Nhất là khi được viên quan coi ngục biệt đãi, ông cũng chỉ coi đó cái hứng bình sinh thường ngày. Thậm chí, khi được cai ngục mở lời dành cho những quyền lợi đặc biệt, ông đã thẳng thắn chối từ với vẻ khinh bạc, coi thường: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
Ngay trong lời nói của Huấn Cao đã thể hiện đầy sự sỉ nhục, kiêu ngạo. Nhưng ông đâu biết rằng người đang đứng trước mắt mình không phải là một tên cai ngục lố bịch với những mánh khóe man rợ, gian xảo như mọi người thường thấy. Mãi cho tới khi thấu hiểu được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của cai ngục, Huấn Cao mới bàng hoàng xúc động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Đến giây phút này, Huấn Cao mới cảm thấu được mọi chuyện. Ông đã thẳng thắn với lòng mình và nhận lời cho chữ quản ngục ngay. “Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Ông rất trân trọng nghệ thuật, trân trọng cái đẹp. Ông chẳng vì tiền tài hay lợi lộc mà đem cái tài của mình ra bán cho ai. Khí chất này khiến mọi người cảm phục và nể trọng ông hơn.
Và đúng như lời đã hứa, đêm ấy ngay trong ngục tù tăm tối, nhơ bẩn, Huấn Cao đã dành những nét chữ cao quý của mình cho cai ngục kèm theo lời nhắc nhở đầy ý nghĩa sâu xa: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuôc mất cái đời lương thiện đi.” Lời ấy không những dành cho cai ngục mà còn dành cho cả hậu thế, cho những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự như cai ngục: sống mà không được làm chính mình, sống mà phải dấu đi cái thiên lương trong sáng của bản thân.
Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng lý tưởng Huấn Cao với những vẻ đẹp cao quý của một người anh hùng vừa tài ba vừa lãng mạn. Tâm hồn ông như một vị thần đầy tính lương thiện, tốt đẹp cho hậu thế noi theo.
Phân tích nhân vật Huấn Cao
Bài làm mẫu 1
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Con người ông rất mực tài hoa, uyên bác, có đóng góp lớn cho sự phát triển nền văn học dân tộc. Đặc biệt ông đã khẳng định được tài năng của mình qua truyện ngắn “Chữ người tử tù”, một tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là “Một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ”. Sự thành công này không thể kể đến những hình tượng nhân vật độc đáo mà nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”, một con người không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng; mặc dù chí lớn không thành nhưng tư thế vẫn hiên ngang bất khuất.
“Chữ người tử tù” được viết ra như một phản đề đối với chế độ thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ, một xã hội “Tây Tàu – nhố nhăng” đầy rẫy phức tạp, bất công, đê hèn, độc ác và man trá. Trái với nó, là một vẻ đẹp sáng chói của nhân cách đầy khí phách và một tài hoa siêu việt, một thiên lương cao khiết. Trước đây, khi “Chữ người tử tù” được ra đời, nhiều nhà phê bình cũng như độc giả đều phê phán rằng, nó là tác phẩm tiêu biểu của xu hướng:”Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách sâu sắc, ta có thể thấy được rằng một cái đẹp tìm ẩn, cái đẹp làm cho cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Nhân vật Huấn Cao chính là một cái đẹp tiêu biểu ấy.
Có thể nói rằng, Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất của đời văn Nguyễn Tuân. Huấn Cao không chỉ như một kẻ tài hoa tài tử thường gặp trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Tuân, trong hình tượng Huấn Cao có sự kết hợp ở mức lí tưởng của một đấng tài hoa nghệ sĩ, một bậc anh hùng nghĩa khí và một con người ngời sáng thiên lương.
Huấn Cao là một con người tài hoa khác thường. Trong truyện, nhà văn tô đậm cái tài viết chữ đẹp của ông Huấn. Như ta đã từng biết: chữ Hán là một chữ hội ý, hội hình, nét chữ đẹp, nghĩa chữ sâu. Cho nên viết chữ đẹp là một bộ môn nghệ thuật có từ cổ xưa và rất cao siêu. Người ta gọi đó là nghệ thuật thư pháp. Tài năng hội hoạ thì nhiều, nhưng hoạ sĩ có tài thư pháp thì rất hiếm hoi. Chữ trong những tác phẩm thư pháp không phải là sản phẩm của sự khéo tay, quen việc, thạo nghề của một người thợ. Trái lại, mỗi lần đặt bút đối với nhà thư pháp là một sáng tạo. Mỗi nét bút là sự tập trung cao độ, kết tụ tinh hoa và tinh huyết của người nghệ sĩ. Mỗi nét chữ đều là sự hiện hình của những khát khao thầm kín mà mãnh liệt chất chứa trong thẳm sâu tâm hồn, trong nhân cách của người viết. Chữ Huấn Cao là nhân cách cao khiết phi thường của Huấn Cao. Nó quí giá không chỉ vì được “viết nhanh và rất đẹp”, không chỉ vì “đẹp lắm, vuông lắm” mà quan trọng hơn là “những nét vuông vắn, tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người”. Hiểu như thế ta mới thấy được tại sao Nguyễn Tuân lại để cho viên quản ngục khao khát “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Chữ ông Huấn đã trở thành mơ ước suốt cả đời quản ngục. Và để đạt được ước mơ ấy quản ngục đã dám coi thường cả quyền lợi của một viên quản ngục, và cả sự an nguy đến sinh mệnh của mình.
Huấn Cao là một người kiên cường bất khuất. Theo tiếng gọi của tự do ông Huấn đã cầm gươm chống lại triều đình. Mặc dù chí lớn không thành nhưng ông vẫn giữ được tư thế đường hoàng, oai phong, lẫm liệt. Là một tử tù đợi ngày ra pháp trường nhưng Huấn Cao vẫn hoàn toàn tự do về tinh thần. Ông làm những gì mình muốn và không làm bất cứ việc gì mà mình không thích. Trước mặt ngục quan và đám lính tù bắng nhắng chực ra oai, Huấn Cao lạnh lùng cùng sáu người tử tù “khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” để đuổi rệp, cũng là để khẳng định cái oai phong của mình. Quản ngục vào buồng giam “khép nép hỏi ông Huấn: ngài có cần gì thêm nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”. Ông trả lời: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Đúng là Huấn Cao đã “cố ý làm ra khinh bạc đến điều”. Thật ngang tàng và kiêu dũng. Rồi nữa, trong cảnh ngộ “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”, thế mà “ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Đặc biệt, khi thấu hiểu quản ngục “là một tấm lòng trong thiên hạ” Huấn Cao đã bằng lòng cho chữ trong tư thế “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Không có một ý chí gang thép thì không có được cái phong thái ung dung nghệ sĩ trong cảnh cho chữ này. Thế đó, xiềng xích, cường quyền và bạo lực không thể là cho Huấn Cao nao núng tinh thần. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, hình tượng Huấn Cao là hiện thân sinh động của một bậc đại trượng phu với phương châm sống: “Bần cư bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất” (nghèo khó không làm đổi thay chí hướng, giàu có không thể làm cho trở nên hư hỏng, cường không thể khuất phục).
Huấn Cao còn là một con người có thiên lương trong sáng, cao khiết. Cả một đời, Huấn Cao luôn có ý thức giữ gìn bản tính tốt của con người do trời phú cho. Tiền tài, danh vọng và cường quyền không thể làm cho lương tâm của ông thay đổi. Ông Huấn ngẩng đầu kiêu hãnh trước điều này “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ”. Tôn thờ chữ “tâm”, sống một đời thanh sạch, cho nên ông Huấn thực sự cảm kích trước những người “sống giữa một đống cặn bã” mà còn giữ được “thiên lương”. Khi biết quản ngục là một người “có sở thích cao quý” và có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” ông ân hận chân thành “thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Và người anh hùng “chọc trời khuấy nước”, khí phách ngang tàng, giờ đây chí lớn không thành, ngày đêm bị gông xiềng trong ngục tối để chờ ngày bị đem ra pháp trường chặt đầu nhưng tư thế vẫn ung dung, hiên ngang bất khuất đó đã để cái đêm cuối cùng ở tỉnh Sơn quê hương, dành “những dòng chữ cuối cùng” của đời mình cho viên quản ngục nọ. Đó không phải là sự dâng nộp báu vật của một tên tử tù cho viên quản ngục đang coi giữ mình, mà là sự cảm kích, trân trọng của người nghệ sĩ đối với kẻ liên tài, người tri kỉ; là sự đáp lại của một tấm lòng trước một tấm lòng… Danh sĩ Cao Bá Quát – Nguyên mẫu lịch sử để Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Huấn Cao – có câu thơ “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” – Một đời chỉ cúi đầu bái lạy hoa mai. Ông Huấn không cúi đầu bái lạy quản ngục vì quản ngục chưa phải là hiện thân của nhân cách cao khiết tuyệt vời; nhưng ông vẫn nâng niu trân trong chút “thiên lương”, “một tấm lòng” ở con người phải sống trong cái ác, cái xấu nhưng vẫn hướng về cái thiện, cái đẹp đó. Cảm kích trước tấm lòng của quản ngục, ông Huấn không chỉ bằng lòng cho chữ mà còn “đỡ viên quản ngục đứng dậy và đĩnh đạc bảo”: “…Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lãnh vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Có thể coi đây là lời cuối cùng của Huấn Cao trước khi ông đi vào cõi vĩnh hằng. Nó giống như trong đời thường trước lúc lâm chung người ông căn dặn các cháu, người cha dặn dò các con: sống ở đời phải biết theo cái lẽ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Như vậy là, ở đâu và lúc nào, đối với mình cũng như đối với người, Huấn Cao luôn luôn tâm niệm về cái điều cốt lõi trong đạo làm người: hãy biết “giữ thiên lương cho lãnh vững”.
Nhân vật Huấn Cao thể hiện rất rõ quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân về cái đẹp. Nhìn chung, Huấn Cao là một nhân vật rất Nguyễn Tuân mang đầy đủ những phẩm chất mà Nguyễn Tuân cho rằng cần phải có ở một con người chân chính. Khi ca ngợi nét tài hoa nghệ sĩ ở nhân vật yêu quý của mình nhà văn như muốn nói con người lí tưởng trước hết phải là con người có tài, có tầm cao văn hoá và biết làm đẹp cho đời bằng cái tài đó của mình. Thật tự nhiên, cái tài phải đi song song với bản lĩnh, khí phách, với ý thức giữ gìn bản ngã, thậm chí khi cần kẻ có tài phải biết chống lại môi trường phi nhân tính vốn thù địch với tài năng. Nhưng con người chỉ có tài, có khí phách vẫn là chưa đủ mà phải có tâm nữa. Tuy Nguyễn Tuân không khẳng định như thiên tài Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhưng qua sự vận động của hình tượng Huấn Cao ta vẫn thấy nhà văn rất coi trọng chữ tâm, coi trọng “thiên lương”. Với Nguyễn Tuân, cái tâm vẫn là gốc rễ của nhân cách, là điểm xuất phát cũng là nơi đi đến của tài năng và khí phách.
Bài làm mẫu 2
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn yêu cái đẹp, ông dành cả sự nghiệp văn chương để tìm cái đẹp. Với kiến thức uyên bác và phong cách hành văn độc đáo, Nguyễn Tuân đã đưa hai thể loại truyện ngắn và tùy bút của văn học Việt Nam lên một tầm cao mới, đóng góp lớn cho sự phát triển nền văn học dân tộc. Và tác phẩm “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân và được xem là tác phẩm thành công nhất của tập “Vang bóng một thời” với những hình tượng nhân vật độc đáo ông Huấn Cao trong một con người hội tụ đủ tài hoa, khí phách và thiên lương.
Trong truyện, Huấn Cao xuất hiện trong hình tượng người tài hoa, nghệ sĩ - tài viết chữ đẹp. Ông có tài viết thư pháp vốn là một thú vui tao nhã của người xưa, bên cạnh cầm, kỳ, thi, họa nhưng nó là một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc từ ngàn đời, cần được bảo tồn, gìn giữ. Huấn Cao viết chữ Hán đẹp, người ta xem những tác phẩm của ông như là những tác phẩm nghệ thuật để trang trí trong nhà . Ở trong truyện, Nguyễn Tuân không trực tiếp miêu tả vẻ đẹp tài hoa của Huấn Cao mà thể hiện gián tiếp, thông qua lời bình luận, lời khen, sự ngưỡng mộ của viên quản ngục và thầy thơ lại “Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó phải không?”. Tài năng này được thể hiện thông qua thái độ tôn sùng, kính trọng, ước muốn, nguyện vọng có được câu đối do ông Huấn viết để treo trong nhà của viên quản ngục: “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Sự tài hoa còn thể hiện trong cảnh cho chữ: “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ”. Cái cao đẹp đối lập với dơ bẩn trong ngục tù. Chơi chữ đẹp, viết chữ đẹp là một nét đẹp cao, trang trọng nhưng lại diễn ra cái dơ dáy hôi hám của tù ngục. Tất cả thể hiện nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh từ nơi tội ác ngự trị, giữa mảnh đất chết bởi một người cũng sắp chết (một tử tù). Điều này lại càng cho thấy Huấn Cao thực sự đã trở thành một người nghệ sĩ với nghệ thuật thư pháp.
Dưới con mắt Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên là người có khí phách hiên ngang, bất khuất. Bằng thể văn xuôi điêu luyện gợi được không khí cổ kính, xưa cũ của một thời đã qua, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công những nét tính cách nhân vật đó là con người tự trọng, sống hiên ngang bất khuất. Huấn Cao là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình, chí lớn không thành, bị tống giam vào ngục chờ xử tử nhưng khí chất của ông, tư thế nhìn đời của ông luôn bất khuất, hiên ngang, không chút run sợ. Tự trọng, không ham quyền và hám lợi thể hiện qua : “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Là một kẻ “chọc trời khuấy nước”, khiến bọn binh lính nơi ngục tù phải sợ “Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.”, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai", “ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi”. Huấn Cao coi nhà tù thực dân như chốn không người, có tài bẻ khóa vượt ngục. Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Huấn Cao còn là người có chí lớn không thành, coi thường gian khổ, kể cả cái chết. Ông chống lại triều đình, bị bắt giam tử ngục, vẫn coi thường: “Đến cái cảnh chết chém, ông cũng chẳng sợ nữa …” Huấn Cao không không run sợ, lo lắng mà ngược lại, tỏ rõ khí phách của mình qua hành động “dỗ gông”: “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt.” Nhân vật Huấn Cao có những suy nghĩ, hành vi ngạo mạn.Ông vẫn thản nhiên nhận rượu thịt của viên quản ngục, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, dù đang bị giam cầm. Trong ngục tù, Huấn Cao không những không sợ, không quy phục viên quan coi ngục thậm chí, còn tỏ rõ thái độ khinh miệt, cứng cỏi đối với viên quan coi ngục “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây.” Dưới mắt ông, chúng chỉ là là tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng, dù ở giữa cảnh tàn nhẫn, lừa lọc, giữa một dõng cặn bã. Phong thái ung dung, tự do tự tại và xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, ông không chịu khuất phục trước cường quyền. Khí phách đó, tư thế đó luôn luôn hiên ngang lồng lộng giữa cái nền xám xịt của ngục tù.
Là con người chọc trời khuấy nước, hiên ngang bất khuất, không sợ bất cứ cái gì nhưng Huấn Cao lại trọng cái bản chất tốt đẹp của con người. Huấn Cao là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp. Huấn Cao không bao giờ vì vàng bạc hay quyền lực mà cho chữ “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ"; trọng tình nghĩa, khinh lợi, xưa nay chỉ cho chữ những người tri kỷ. Ông cảm kích trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quan coi ngục và quyết định cho chữ ở ngay chốn ngục tù: "Nào đâu có biết một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Không những thế, Huấn Cao tỏ thái độ không chấp nhận sự thiếu rạch ròi, sự lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái ác với cái thiện thể hiện rõ qua lời khuyên của Huấn Cao đối với viên quản ngục. Huấn Cao ca ngợi thiên lương, tức là cái bản chất tốt đẹp của con người: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của nhân vật Huấn Cao, thể hiện tấm lòng trân trọng đối với người quản ngục có sở thích thanh cao, có nhân cách sống cao đẹp. Huấn Cao vừa là một anh hùng vừa là một nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
Ở Huấn Cao có sự hội tụ của tài hoa, khí phách và thiên lương đã làm nên cảnh cho chữ - “ một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Trong cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm, Nguyễn Tuân đã để cho vẻ đẹp của cái tâm, của “thiên lương” chiếu rọi, làm cho vẻ đẹp của cái tài, cái khí phách anh hùng bừng sáng, tạo nên nhân cách chói lọi của Huấn Cao. Cảnh Huấn Cao đang “đậm tô nét chữ” trên “tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ” dù trong hoàn cảnh “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” ở nơi tù ngục ẩm thấp, u ám, bẩn tưởi và tối tăm. Sự thống nhất của cái tài, cái tâm và khí phách anh hùng là lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân đặt nhân vật truyện dưới ánh sáng của lí tưởng ấy để các hình tượng của nhà tù, quản ngục và thơ lại là hai điểm sáng, bên cạnh cái vầng sáng rực rỡ Huấn Cao.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo: cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục và thơ lại. Đó là cuộc gặp gỡ giữa tử tù với quan coi ngục, những con người khác xa nhau về hoàn cảnh, giai cấp nhưng đó lại là cuộc gặp gỡ định mệnh của những kẻ liên tài. Nguyễn Tuân đã miêu tả Huấn Cao, để làm nổi bật sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm và khí phách ngang tàng, tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập: giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái đẹp, cái cao cả và phàm tục, dơ bẩn. Đặc biệt ở cảnh cho chữ. Ngôn ngữ miêu tả nhân vật giàu chất tạo hình: sử dụng nhiều từ Hán - Việt, lời ăn tiếng nói mang khẩu khí của người xưa làm tăng thêm không khí, vẻ đẹp của một thời vang bóng đã xa xưa.
Trải qua hàng chục năm nhưng tác phẩm "Chữ người tử tù" cùng tên tuổi Nguyễn Tuân vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm cứ thế bay cao bay xa với những nét nổi bật: một nho sĩ tài hoa, một trang anh hùng dũng liệt và một con người có thiên lương trong sáng.
Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
Bài làm mẫu 1
Nguyễn Tuân nổi tiếng là một nhà văn tài hoa, uyên bác, giàu cá tính. Ông là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Và trong rất nhiều cái đẹp mà ông cảm khái, theo đuổi ấy, ta thấy có cái đẹp ngời sáng giữa cảnh lao tù tăm tối, cái đẹp toát ra từ người tử tù Huấn Cao trong "Chữ người tử tù".
Trong tác phẩm, Huấn Cao là một con người sống hiên ngang bất khuất, không có sức mạnh quyền thế, bạc vàng nào có thể khuất phục ông. " Con người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng còn biết có ai nữa...". Một con người khẳng khái như vậy còn sợ gì cường quyền hay tham gì tiền bạc?
Là người chọc trời khuấy nước, không chịu được triều đình phong kiến ngày càng suy thoái, mục nát, Huấn Cao chống lại triều đình ấy. Bị gọi là giặc nhưng là vì nghĩa lớn, vì lí tưởng lớn nên điều đó có hề gì. Đến khi bị bắt giam, sắp lên đoạn đầu đài Huấn Cao vẫn hiên ngang, bất khuất "đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là...". Trong những ngày ở nhà giam tỉnh Sơn, Huấn Cao vẫn giữ phong thái ung dung, tự do, tự tại, không quan tâm đến bất kì ẩn ý nào trong cách cư xử đặc biệt của quản ngục. Ông thản nhiên nhận rượu thịt của quản ngục và coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm.
Dưới con mắt Huấn Cao, bọn cầm quyền chỉ là một lũ tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng. Ông không thèm chấp lời dọa dẫm của tên lính áp giải khi cùng các bạn tù thực hiện động tác " dỗ gông" trước cửa nhà lao. Khi viên quản ngục đến tận phòng giam, khép nép hỏi ông có cần gì nữa không, ông trả lời như hắt nước vào mặt quản ngục: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây". Phân biệt đãi mà vẫn tỏ ra khinh bạc với quản ngục. Đó là khí phách của một trang anh hùng đầy dũng khí, vẫn bình tĩnh sống những ngày cuối đời một cách oanh liệt.
Là con người chọc trời khuấy nước, hiên ngang bất khuất, không sợ bạo lực, cường quyền nhưng Huấn Cao lại coi trọng bản chất tốt đẹp của con người. Trong phần người sâu thẳm mà đôi khi vì hoàn cảnh, người ta phải giấu kín, việc ông cho chữ và lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của Huấn Cao. Lời ấy là tiếng lòng, là tâm huyết của ông: "Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Ông yêu cái đẹp và trân trọng người biết yêu cái đẹp. Huấn Cao hiểu được tấm lòng quản ngục thì sẵn sàng cho chữ, bởi ông cảm là cảm cái bản chất thiên lương.
Huấn Cao là người tài hoa rất mực, đó là tài viết chữ đẹp, chữ của ông nổi tiếng cả một vùng, chữ ông đẹp lắm, vuông lắm. Cái tài hoa ấy chỉ dành riêng cho người tri kỷ. Ồng biết cái tài của mình và không vì nó mà ai ông cũng sẵn sàng cho: "Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi". Và lần cho chữ cuối cùng của đời ông không phải là ngoại lệ bởi vì ông cảm tấm lòng của quản ngục, coi quản ngục như một tri âm, tri kỉ. Có thể nói, cảnh cho chữ ở cuối truyện là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Bởi ở đó, cái cao đẹp đối lập với cái dơ bẩn. Viết chữ đẹp là một sáng tạo nghệ thuật, thường diễn ra ở nơi thư phòng sạch sẽ, sáng sủa. Nhưng ở đây lại là phòng giam tối tăm, bẩn thỉu, hôi hám. Lấn át tất cả cái dơ dáy hôi hám của tù ngục, ánh sáng của đuốc, mùi thơm của mực, màu trắng của lụa, đã tỏa sáng lung linh. Tất cả thể hiện nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi cái ác ngự trị, giữa mảnh đất chết bởi một người cũng sắp chết (một tử tù). Lời khuyên của Huấn Cao với quản ngục cho thấy, cái đẹp không thể cùng tồn tại với cái xấu, cái ác. Ở cảnh này, vẻ đẹp của Huấn Cao được thể hiện tập trung, rõ nét nhất. Qua đó, cho thấy tài năng của Nguyễn Tuân trong việc miêu tả, dựng cảnh và xây dựng nhân vật.
Nhân vật Huấn Cao như nhiều nhân vật chính diện khác trong "Vang bóng một thời" nhất thiết là con người tài hoa. Ở Huấn Cao, bên cạnh tài hoa, có vẻ khí phách của một người có trách nhiệm đối với thời cuộc. Đó là nét độc của Huấn Cao so với nhân vật khác trong "Vang bóng một thời".
Với ngôn ngữ văn xuôi điêu luyện, nghệ thuật miêu tả tính nhạy, Nguyễn Tuân đã làm toát lên không khí một thời đã qua, đã xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao - con người khí phách, tài hoa, có trách nhiệm đối với đất nước. Nó cũng là sự giãi bày nỗi khát khao theo đuổi một lí tưởng cao cả của người thanh niên Nguyễn Tuân khi bước chân vào đời. (Trương Chính).
Bài làm mẫu 2
Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông có những sáng tác xoay quanh những nhân vật lí tưởng về tài năng xuất chúng, về cái đẹp tinh thần như “Chiếc ấm đất”, “Chén trà sương”… và một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp chân dung tài hoa trong thiên hạ, đó là nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Họ Cao là một lãnh tụ nông dân chống triều Nguyễn năm 1854. Huấn Cao được lấy từ hình tượng này với tài năng, nhân cách sáng ngời và rất đỗi tài hoa.
Huấn Cao là một con người đại diện cho cái đẹp, từ cái tài viết chữ của một Nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu, tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp. Huấn Cao trước hết là một người có tài viết thư pháp. Chữ viết không chỉ là kí hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện tính cách con người. Cái tài viết chữ của ông được thể hiện qua đoạn đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Tài năng của Huấn Cao còn được miêu tả qua lời người dẫn truyện và trong suy nghĩ nhân vật. Chữ của Huấn Cao “đẹp lắm, vuông lắm”, nét chữ còn thể hiện khí phách hiên ngang, tung hoành bốn bể. Chữ Huấn Cao đẹp và quý đến nỗi viên quản ngục ao ước suốt đời. Viên quản ngục đến “mất ăn mất ngủ”; không nề hà tính mạng của mình để có được chữ của Huấn Cao - coi nó “một vật báu ở trên đời”. Chữ là “vật báu trên đời” thì chắc chắn chủ nhân của nó phải là một người tài năng xuất chúng, phi thường có một không hai, là kết tinh mọi tinh hoa, khí thiêng của trời đất hun đúc lại mà thành. Chữ của Huấn Cao đẹp đến như vậy thì nhân cách của Huấn Cao cũng chẳng kém gì. Ông là con người tài tâm vẹn toàn.
Huấn Cao có cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu. Ông theo học đạo nho thì đáng lẽ phải thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng. Nhưng ông đã không trung quân mà còn chống lại triều đình để giờ đây khép vào tội “đại nghịch” và phải chịu án tử hình. Bởi vì Huấn Cao có tấm lòng nhân ái bao la; ông thương cho nhân dân vô tội nghèo khổ, làm than bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị tàn bạo thối nát. Huấn Cao rất căm ghét bọn thống trị và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân “thấp cổ bé họng”. Nếu như Huấn Cao phục tùng bọn phong kiến kia thì ông sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng không, ông Huấn đã lựa chọn con đường khác: con đường đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội. Cuộc đấu tranh không thành công ông bị bọn chúng bắt. Giờ đây phải sống trong cảnh ngục tối chờ ngày xử chém. Trước khi bị bắt vào ngục, viên quản ngục đã nghe tiếng đồn Huấn Cao có tài “bẻ khóa, vượt ngục” - điều đó chứng tỏ Huấn Cao là một người văn võ toàn tài, quả là một con người hiến có trên đời.
Tác giả miêu tả sâu sắc trạng thái tâm lý của Huấn Cao trong những ngày chờ thi hành án. Trong lúc này đây, khi mà người anh hùng “sa cơ lỡ vận” nhưng Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do, bằng hành động “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai”. Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục! Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Khi viên cai ngục hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường; “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ …”. Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội - “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Huấn Cao còn là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp. Theo ông, chỉ có “thiên lương”, bản chất tốt đẹp của con người mới là đáng quý. Thế nhưng khi biết được nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt rằng: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao cho chữ là một việc rất hiếm bởi vì “tính ông vốn khoảnh. Ta không vì vàng bạc hay uy quyền mà ép cho chữ bao giờ”. Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, biết nâng niu những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình.
Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, quả là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại. Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc. Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu trách nhiệm giam giữ mình. Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải; đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử.
Ở nhân vật Huấn Cao ánh lên vẻ đẹp của cái “tài” và cái “tâm”. Trong cái “tài” có cái “tâm” và cái “tâm” ở đây chính là nhân cách cao thượng sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song “tâm” và “tài” thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng trong văn học thẩm mỹ.
.................
Mời các bạn tải File về để xem thêm 19 mẫu phân tích nhân vật Huấn Cao