Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên là một trong những lễ hội lớn tại nước ta, ở đây chúng ta sẽ được chứng kiến những màn đua kịch tính của các chú voi nhà.
Hy vọng có thể giúp cho các bạn học sinh có thể bổ sung thêm nhiều cách viết văn thuyết minh lớp 9. Sau đây, chúng tôi xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên.
Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên - Mẫu 1
Tây Nguyên một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu quanh năm ôn hòa. Nơi đây quy tụ nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, những con người thật thà chất phác mang đậm bản sắc của núi rừng cao nguyên. Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi của những sử thi huyền thoại, là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hóa độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng. Đua voi là một trong những lễ hội cuốn hút, độc đáo nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, cứ hai năm lại có một lần lễ hội như vậy. Người ta chọn mùa xuân là mùa tổ chức lễ hội đua voi nhằm thể hiện mong muốn một khởi đầu năm mới, tốt đẹp, ấm no hạnh phúc cho người dân khắp các thôn bản, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp, làm say đắm bất kỳ những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Chúng giúp người dân kéo gỗ, chở đồ, vận chuyển hàng hoá, và đặc biệt chúng còn được huấn luyện để biểu diễn trong các lễ hội, trong các sở thú. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ rất nhanh, chính vì lẽ đó mà chúng từ lâu trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên cả trong chiến tranh và trong đời sống hàng ngày. Đây được coi là loài động vật linh thiêng và được nhân dân yêu quý, tôn kính như một biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.
Quả thật Tây Nguyên là một vùng đất có không khí thích hợp để tổ chức các lễ hội vui tươi.Lễ hội Đua Voi được tổ chức tại Đăk-Lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên. Hội Đua Voi được tổ chức cùng với các lễ hội khác như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, Lễ Ăn Trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), Văn hóa cồng chiêng... Đồng bào tin vào một năm mới tràn đầy niềm vui, mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.
Hội Đua Voi được tổ chức rất hoành tráng nhộn nhịp nhưng chỉ kéo dài trong vòng một ngày duy nhất. Tuy nhiên công việc chuẩn bị đã diễn ra từ trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ của chúng đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê đủ các loại trái cây, rau cỏ như: Đu đủ, mía,...Chúng không phải làm việc mà nghỉ ngơi để dưỡng sức thi đấu thế nên chú voi nào cũng béo tốt, tràn đầy năng lượng. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng lớn để thi tài, tại những bãi đất bằng phẳng các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sê-rê-pốk., Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội, các bộ y phục sặc sỡ màu sắc, tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt, khiến cho lễ hội thêm phần náo nhiệt, rộn rã. Ngoài ra khi du khách đến tham quan được hoà vào không khí hội, còn được thưởng thức những món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Hội Đua Voi bắt đầu bằng khi vị trọng tài thổi một tiếng tù vang vọng báo hiệu trận đua sắp bắt đầu, những chú voi thông minh, mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy dẫn dắt của các chàng trai dũng cảm, khỏe mạnh bậc nhất từng buôn làng lần lượt tiến vào vạch xuất phát, từ từ quỳ bốn chân xuống, như một lời chào thân thiện dành cho những người cổ vũ. Thông thường một đội đua gồm hai chàng trai gọi là các Man-gát, mang trên mình những bộ quần áo thổ cẩm có màu sắc sặc sỡ, có thể cột thêm một dải vải màu để phân biệt các đội. Sau khi xong thủ tục chào hỏi, trọng tài lại thổi tiếp một hồi tù khác, hồi tù này dứt khoát và mạnh mẽ hơn nhiều, để bắt đầu cuộc đua, những chú voi tiến lên phía trước trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, tiếng gõ chiêng, tiếng reo hò vang dội như tăng thêm nhuệ khí cho từng vận động viên. Đàn voi cứ thế lao đi, chàng trai ngồi đầu dẫn voi, luôn cúi rạp mình áp sát vào lưng voi để ổn định cơ thể, tránh sức cản của không khí góp phần khiến voi chạy nhanh hơn. Đôi mắt lúc nào cũng thận trọng quan sát tứ phía và điều khiển chú voi bằng một thanh sắt nhọn dài khoảng 1 mét, mỗi khi voi chạy chậm lại họ lại dùng cây sắt đâm vào mông khiến voi đau, nó liền lồng lên và chạy nhanh hơn nữa. Nhưng không chỉ chạy nhanh là được, voi còn phải chạy đúng đường của mình, đây là nhiệm vụ của người ngồi phía sau, họ sẽ dùng một cái búa gọi là búa Kốc, nện vào mông voi để voi chạy thẳng hướng, tránh lấn sang làn của đội khác, theo đúng lộ trình đã vạch ra. Càng về gần đích, tiếng hò reo cổ vũ cùng tiếng chiêng, trống hòa nhịp gõ vang, rộn ràng náo nhiệt cả một vùng lại càng to, voi thấy thế lại càng hăng, cố sức phóng về đích. Hội đua kết thúc, các chú voi trở về buôn làng trong sự tự hào, kính trọng khôn xiết của người dân nơi đây.
Hội Đua Voi kết thúc buôn làng kéo nhau quây quần cùng nhau ăn uống, vui chơi. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh quanh đống lửa sáng rực. Những cụ già say sưa trò chuyện vui vẻ. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau, khiến họ trở nên gần gũi thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hùng vĩ.
Lễ hội Đua Voi từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên vùng đất Tây nguyên đầy nắng và gió, chứa đựng màu sắc anh hùng thượng võ, lối sống mạnh mẽ của đồng bào nơi đây từ thuở xa xưa. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thỏa sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội Đua Voi không còn chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.
Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên - Mẫu 2
Tháng ba âm lịch luôn được coi là tháng đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên: trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, dọc bên các cánh rừng, khe suối, hoa đủ các màu đua nhau khoe sắc. Và đây cũng là thời điểm diễn ra lễ hội đua voi đặc sắc và hùng tráng. Ngày hội truyền thống, dân dã, chứa đựng nhiều màu sắc thể thao thượng võ này phản ánh nếp sống mạnh mẽ của người dân núi rừng Tây Nguyên.
Với đồng bào dân tộc dọc theo dãy Trường Sơn, voi là vật quý hiếm nhất, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Từ một giống vật hoang dã, khi được bắt về và thuần dưỡng, voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống hàng ngày, vận chuyển, đi lại, làm rẫy, kéo gỗ, làm thủy lợi... Voi là loài vật có thân hình to lớn, nhưng cũng là con vật thông minh nhất trong quần thể động vật hoang dã, đồng thời cũng là con vật giàu tình nghĩa. Nhìn chung, trong cả nước, voi tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắc (hơn 400 con voi nhà), trong đó huyện Ea Súp có đàn voi đông nhất. Bản Đôn thuộc huyện Ea Súp, nơi quy tụ nhiều tộc người M'Nông, Êđê, Lào... không những nổi tiếng với đàn voi nhà hàng trăm con, mà còn là xứ sở của nghề săn bắn và nuôi dạy voi từ lâu đời.
Hội đua voi thường diễn ra vào mùa Xuân, cụ thể hơn vào dịp tháng ba âm lịch, đó là tháng đẹp nhất trong năm ở đây. Người Tây Nguyên thường ví von đó là "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát rẫy, làm nương, anh đi vào rừng đặt bẫy, cài chông". Để chuẩn bị cho ngày hội, người quản tượng đưa voi đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ để chúng được ăn uống no nê. Họ còn bồi dưỡng thêm chuối chín, đu đủ chín, mía cây, bắp ngô, khoai lang và hầu như không bắt voi phải làm những việc nặng để giữ sức. Đến ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng xa gần nườm nượp kéo về buôn Đôn tập trung ở một số bãi, hoặc cánh rừng thưa ven sông Sê-rê-pốk.. Cùng với những đàn voi, dân chúng khắp nơi đổ về dự hội với những bộ áo quần màu sắc rực rỡ. Bãi đua là một dài đất tương đối bằng phẳng, bề ngang đù để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1 đến 2 km. Một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng mơ-gát lần lượt tiến vào nơi khoảng đất bằng, dàn thành hàng ngay ngắn. Theo lệnh người điều khiển, từng tốp voi đi vào đứng ở tuyến xuất phát. Con đầu đàn đứng lên phía trước, trong tư thế uy nghi, hai chân trước đứng thẳng, ngẩng cao, quay cái vòi mấy vòng rồi cúi đầu chào khán giả hai bên, xong lại lùi vào vị trí cũ. Trên mỗi con voi có hai chàng mơ-gát dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ kiểu tướng lĩnh ngày xưa đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Một tiếng tù và rúc to báo lệnh xuất phát. Những chú voi bật lên phóng về phía trước trong tiếng hò reo, la hét của khán giả cùng tiếng chiêng, tiếng ầm vang cả núi rừng. Chàng mơ gát ngồi phía trước đầu voi cúi rạp mình, ngẩng đầu quan sát và điều khiển voi bằng một thanh sắt nhọn dài độ một mét gọi là kreo (tiếng M'Nông là gậy điều khiển) dùng để đâm mạnh vào da, thúc voi tăng tốc độ, còn anh chàng mơ-gát thứ hai ngồi ở phía sau thì dùng chiếc búa gồ Kốc nện mạnh vào mông con voi để voi chạy nhanh và thẳng đường. Khi bóng chàng mơ-gát ngồi trên lưng chú voi đi đầu vừa xuất hiện từ xa trong vòng quay trở về đích, thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm.
Tiếng trống chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Khi chú voi nào về đích thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm. Tiếng trống, tiếng chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Những chú voi đạt giải được gắn hoa, mang đai đỏ cho người và voi. Voi thắng cuộc và các chàng mơ-gát được thưởng 1 con lợn và 7 ché rượu quý. Dân làng dự hội tặng cho chú voi thắng cuộc những cây mía hay uống đường. Sau cuộc đua, dân làng kéo nhau về nhà rông để ăn uống no say. Các chàng trai, cô gái ăn uống, nhảy múa trong nhịp cồng chiêng cho tới sáng.
Hội đua voi là lễ hội đặc trưng, thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tây Nguyên. Khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên càng tăng chất hùng tráng của ngày hội cổ truyền này. Cuộc đua voi kết thúc, những chú voi dự thi lần lượt trở lại các buôn làng xa xôi, mang theo tiếng hát, lời ca và không khí rộn ràng của mày hội.
Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên - Mẫu 3
Hội đua voi truyền thống của người M’nông ở Buôn Mê Thuột thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch – một trong những tháng đẹp nhất của năm ở Tây Nguyên.
Lễ hội này nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của người dân bản địa. Tuy nhiên, lễ hội không được quảng bá rộng rãi như lễ hội cồng chiêng nên rất ít du khách đến đây đúng vào thời điểm này. Điều đặc biệt của lễ hội là mang tính truyền thống cao, chưa bị thương mại hóa.
Lễ hội đua voi được tổ chức tại một khu đất trống, khá bằng phẳng, ít cây của vườn Quốc gia Y
Sau một hồi tù và vang lên báo lệnh xuất phát, đàn voi bật dậy chạy thẳng về phía trước. Đường đua thường khoảng 400-500 mét, đua đường dài khoảng 1-2km. Hai anh nài voi, tiếng địa phương gọi là mơ-gát, ngồi trước và sau điều khiển voi chạy đúng đường và giữ sức bền, tăng tốc…
Khán giả phần đông là người bản địa ăn mặc thổ cẩm sặc sỡ hoa văn đứng hai bên đường hò hét tạo nên một không khí náo nhiệt. Theo người dân địa phương, trước khi vào cuộc đua, voi được đưa đến những đồng cỏ xanh tốt và tẩm bổ thêm bằng các loại củ. Trong thời gian này, voi không làm nặng để dưỡng sức. Vì vậy, khi vào đấu trường, con voi nào cũng rất khỏe mạnh, sung sức.
Người M’nông và một số dân tộc ở Tây Nguyên rất quý voi như người Khmer ở Nam bộ quý con bò. Theo truyền thống, con voi thể hiện sức mạnh của bộ tộc, sự sung túc của gia đình. Chỉ có những gia đình giàu có mới có voi được thuần dưỡng từ voi rừng. Hiện nay, chỉ có Tây Nguyên mới còn voi, nhưng số lượng cá thể đang bị giảm sút đáng kể.
Giới trẻ ở đây trở nên xa lạ với phương thức thuần voi của cha ông ngày xưa mà chủ yếu là chăm sóc và điều khiển voi. Những người thuần voi vì thế càng trở nên hiếm hoi theo thời gian. Hiện nay, công việc này chủ yếu là người lớn tuổi, có vài chục năm kinh nghiệm.
Huyền thoại về thuần dưỡng voi rừng là N’Thu K’Nul, ông sinh năm 1828, mất khi đã thọ được 110 tuổi, ông có danh hiệu là “Vua săn voi” (khun-ju-nốp) do Hoàng gia Thái Lan ban tặng. Ông được xem là người khai sinh nghề săn bắt và thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn, một người tù trưởng đầy quyền lực và được nhiều dân tộc kính phục lúc bấy giờ. Theo người dân địa phương, trong đời ông đã thuần dưỡng khoảng 170 con voi rừng, có người lại nói ông thuần dưỡng đến hàng trăm con; trong đó, có một con bạch tượng-loài vật hiếm có. Hiện nay, khu mộ của ông được giữ gìn kỹ lưỡng. Mộ được kết hợp giữa kiến trúc của người M’Nông và người Lào-hai dân tộc chính ở địa phương vào thời điểm đó. Đó như một biểu tượng của truyền thống sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em.
Phần mộ là những chi tiết hình khối đơn giản, trang trí búp sen ở bốn góc và đỉnh. Cạnh mộ Vua săn voi là ngôi mộ hình tháp, có mái nhọn cách điệu nhà rông. Ngôi mộ này do vua Bảo Đại xây dựng cho hậu duệ của N’Thu K’Nul là R’Leo K’Nul, gọi ông bằng cậu. Người ta hay nhầm tưởng ngôi mộ hình tháp là của N’Thu K’Nul. Khu lăng mộ này được nhiều du khách đến chiêm ngưỡng để hiểu rõ hơn về những con người xuất chúng. Về sau, có một số hậu duệ khác của N’Thu K’Nul nối nghiệp, nhưng số lượng voi thuần dưỡng ít hơn và tay nghề kém hơn.
Quần thể du lịch Buôn Đôn là một không gian đặc trưng, là cái hồn của Tây Nguyên với những cánh rừng già, những con sông cuồn cuộn chảy và những hồ nước lưng chừng trời, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử hình thành vùng đất này. Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách TP Buôn Mê Thuột khoảng 42km.
Đến đây, du khách có dịp thưởng thức cồng chiêng, cưỡi voi.Cá trên sông Sê-rê-pôk và hồ Lắk là những đặc sản quý của vùng này. Ai đến đây cũng phải tìm cho bằng được các loại cá bản địa để thưởng thức vì vị ngon và lạ bởi vị trí hiểm trở của nơi chúng sinh trưởng đã tạo sự khác biệt giữa cá sông, hồ Tây Nguyên với cá sông, hồ ở đồng bằng…
Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên - Mẫu 4
Để cho mùa màng được bội thu, hạt lúa đầy nhà, mang lại ấm no cho tất cả buôn làng, người dân Bản Đôn lại bắt đầu tổ chức những phong tục lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội đua voi độc đáo.
Tháng 3, khi mà màu sắc của những bông hoa rừng lan tỏa khắp nơi và lôi cuốn những đàn ong rừng đi tìm mật, đó cũng là lúc mà các buôn làng của người dân Tây Nguyên đang chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Để cho mùa màng được bội thu, hạt lúa đầy nhà, mang lại ấm no cho tất cả buôn làng, người dân Bản Đôn lại bắt đầu tổ chức những phong tục lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội đua voi độc đáo.
Hội đua Voi diễn ra từ ngày 12/3 đến 14/3 tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn được tổ chức hai năm một lần vào tháng 3 dương lịch.
Đến Bản Đôn, du khách sẽ bắt gặp sự nhộn nhịp, náo nức của người dân diễn ra khắp các buôn làng. Những chàng quản tượng nườm nượp đưa voi đến vùng cỏ xanh để chăm sóc, trong khi đó những cô gái Bản Đôn sắm sửa lễ vật để cầu cúng cho các lễ hội truyền thống cùng diễn ra với lễ hội đua voi.
Lễ hội đua voi thường được tổ chức tại một khu đất trống, khá bằng phẳng, ít cây của vườn Quốc gia Y
Đường đua thường rộng khoảng từ 400 – 500 mét, và dài khoảng 1 – 2 km. Hai anh nài voi, tiếng địa phương gọi là mơ-gát, ngồi trước và sau điều khiển voi chạy đúng đường và giữ sức bền, tăng tốc… Khán giả phần lớn là người bản địa ăn mặc thổ cẩm sặc sỡ hoa văn đứng hai bên đường hò hét tạo nên một không khí náo nhiệt.
Theo người dân địa phương, trước khi vào cuộc đua, voi được đưa đến những đồng cỏ xanh tốt và tẩm bổ thêm bằng các loại củ. Trong thời gian này, voi không làm nặng để dưỡng sức. Vì vậy, khi vào đấu trường, con voi nào cũng rất khỏe mạnh, sung sức. Người M’nông và một số dân tộc ở Tây Nguyên rất quý voi như người Khmer ở Nam bộ quý con bò. Theo phong tuc truyền thống, con voi thể hiện sức mạnh của bộ tộc, sự sung túc của gia đình. Chỉ có những gia đình giàu có mới có voi được thuần dưỡng từ voi rừng.
Sau cuộc đua trên cạn là cuộc thi voi bơi qua sông Sê-rê-pôk, voi kéo co, voi ném xa, voi đá bóng… Đến với lễ hội đua voi, du khách sẽ bị cuốn hút trong không khí tưng bừng của ngày hội, với âm vang cồng chiêng và tận mắt chứng kiến những màn trình diễn ngoạn mục bởi các chú voi của núi rừng Buôn Đôn. Hội đua voi là sự kiện văn hóa lớn ở Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’Nông, những người dũng cảm, có truyền thống trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Hiện nay, chỉ có Tây Nguyên mới còn voi, nhưng số lượng cá thể đang bị giảm sút đáng kể. Giới trẻ ở đây trở nên xa lạ với phương thức xem thuần voi của cha ông ngày xưa mà chủ yếu là chăm sóc và điều khiển voi. Những người thuần voi vì thế càng trở nên hiếm hoi theo thời gian. Hiện nay, công việc này chủ yếu là người lớn tuổi, có vài chục năm kinh nghiệm.
Vào thời điểm này là mùa khô, nắng đẹp, đường sá đi lại dễ dàng nên rất thích hợp cho các hoạt động du lịch. Ngoài ra, đến Tây Nguyên, bạn còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc và cưỡi voi tham quan buôn làng.
Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên - Mẫu 5
Với đồng bào các tộc dọc theo dãy Trường Sơn, voi là vật quý hiếm nhất, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Từ một giống vật hoang dã, khi được bắt về và thuần dưỡng, voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống hàng ngày: vận chuyển, đi lại, làm rẫy, kéo gỗ, làm thuỷ lợi…
Nhìn chung trong cả nước, voi tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắc (hơn 400 con voi nhà), trong đó huyện Ea Súp có đàn voi đông nhất. Bản Đôn thuộc huyện Ea Súp, nơi quy tụ nhiều tộc người M'nông, Êđê, Lào… không những nổi tiếng với đàn voi nhà hàng trăm con, mà còn là xử sở của nghề săn bắt và nuôi dạy voi từ lâu đời. Voi là loài vật có thân hình to lớn, nhưng cũng là con vật thông minh và giàu tình nghĩa nhất trong quần thể động vật hoang dã. Sử sách xưa đã từng ghi lại nhiều mẩu chuyện về đức tính này của voi đối với người. Chuyện hai voi chiến của Hai Bà Trưng đã rủ nhau về bên Đông Hát, nơi hai bà tự tử, rồi nhịn ăn cho đến chết. Đền thờ Voi Phục (Hà Nội) là nơi ghi lại sự tích này. Cảm động biết bao khi giữa pháp trường, con voi không chịu dày nữ tướng Bùi Thị Xuân – người chủ của mình – đã bị Gia Long khép vào tội hình. Bà phải gọi nó, vỗ về: "Mi hãy giết ta, nếu không mi sẽ chết oan, ta tha tội cho mi". Con voi chiến cúi đầu, cong vòi, bái bà ba cái, nước mắt ràn rụa, rồi dùng vòi cuốn bà tung lên cao, đưa cạp ngà nhọn đón chủ, để bà chỉ đau một lần khi chết. Sau đó, voi tìm cách phá xích chạy vào rừng sâu. Chuyện những con voi chiến trong mũi tiến công đánh đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của đô đốc Đặng Tiến Đông năm Ất Dậu (1789); chuyện con voi già của vua Hàm Nghi phá xích chạy vào rừng nhịn ăn cho đến chết, khi vừa bị bắt v.v… là những hình ảnh đẹp về lòng trung nghĩa của con vật này.
Săn bắt voi là một nghề vô cùng lý thú, nhưng đầy gian lao nguy hiểm, đòi hỏi sự thông minh, lòng dũng cảm tuyệt vời và sự phản ứng nhanh nhạy của nghề thợ săn trong mọi tình huống.
Hội đua voi thường diễn ra vào mùa xuân, cụ thể hơn vào dịp tháng ba âm lịch, đó là tháng đẹp nhất trong năm ở đây: trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, dọc bên các bờ sông, bờ suối, các loại hoa rừng đua nhau khoe sắc, trắng, vàng, tím, hồng… Người Tây Nguyên thường ví von đó là mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước; mùa em đi phát rẫy làm nương; anh vào rừng đặt bẫy gài chông.
Để chuẩn bị cho ngày hội, từ vài tháng trước đó, những chàng trai trong buôn cũng như những mơ gát (người quản tượng) đưa voi đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ làm thức ăn cho voi để chúng được ăn uống no nê. Họ còn bồi dưỡng thêm chuối chín, đu đủ chín, mía cây, bắp ngô, khoai lang, cám gạo và hầu như không bắt voi phải làm những việc nặng nhọc để giữ sức.
Đến ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng xa gần nườm nượp kéo về buôn, tập trung ở một số bãi, hoặc cánh rừng thưa ven sông Sê-rê-pốk. Cùng với những đàn voi, dân chúng khắp nơi đổ về dự hội với những bộ áo quần màu sắc rực rỡ.
Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng bằng, ít cây to) bề ngang đủ để 10 con voi giăng hàng đi một lúc, bề dài từ 1 đến 2km.
Một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng mơ gát lần lượt tiến vào khoảng đất bằng, dàn thành hàng ngang ngay ngắn. Nhiều con trống vang, như để báo hiệu rằng chúng sắp bước vào một cuộc thi tài quan trọng. Theo lệnh điều khiển, từng tốp voi đi vào đứng ở tuyến xuất phát. Con đầu đàn bước lên phía trước, trong tư thế uy nghi, hai chân trước đứng thẳng, ngẩng cao, quay cái vòi mấy vòng rồi cúi đầu chào khán giả hai bên, xong lại lùi vào vị trí cũ. Tiếng hoan hô cùng những tràng vỗ tay cổ vũ vang dậy, trong khi tiếng chiêng, tiếng trống gióng lên từng hồi rộn rã như thúc, như giục. Không khí trường đua lúc này lặng im, căng thẳng, mọi người hồi hộp chờ đợi. Trên mỗi con voi có hai chàng mơ gát dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ kiểu tướng lĩnh ngày xưa đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Một tiếng tù và rúc to báo lệnh xuất phát. Những chiếc chân voi to như cây cột nhà, thường ngày nhấc lên từng bước ung dung, uể oải, thẳng tuột, đột nhiên bật lên như những chiếc lò xo phóng về phía trước trong tiếng hò reo, la hét của khán giả cùng tiếng chiêng, tiếng trống âm vang cả núi rừng. Chàng mơ gát ngồi phía trước đầu voi cúi rạp mình, ngẩng đầu quan sát và điều khiển voi bằng một thanh sắt nhọn dài độ một mét gọi là kreo (tiếng M'nông là gậy điều khiển) dùng để đâm mạnh vào da, thúc voi tăng tốc độ, còn anh chàng mơ gát thứ hai ngồi ở phía sau thì dùng chiếc búa gỗ nện mạnh vào mông voi để voi chạy nhanh và thẳng đường. Trên đường đua, bụi đất, lá cây khô bốc lên, tiếng gió rít, tiếng cành lá bị va quật xen lẫn với tiếng rậm rịch của những bước chân voi…
Khi bóng dáng chàng mơ gát ngồi trên lưng chú voi đi đầu vừa xuất hiện từ xa trong vòng quay trở về đích, thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm. Tiếng trống, tiếng chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người, rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy, mắt lim dim đưa vòi nhận những khúc mía màu tím hay ống đường của bà con các nơi mang đến ủng hộ.
Cuộc đua voi kết thúc, những chú voi dự thi lần lượt trở lại các buôn làng xa xôi, mang theo tiếng hát, lời ca và không khí rộn ràng của ngày hội, khi về buôn làng, lại một lần nữa được dân chúng kéo nhau ra tận đầu buôn để hân hoan chào đón, thưởng quà như những người chiến thắng. Thường thường những con voi thắng cuộc vẫn thuộc về buôn làng, một buôn của người M'nông có nhiều voi nhất và có truyền thống chăm sóc, huấn luyện voi giỏi nhất trong vùng.
Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M'nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, đã từng quen với tốc độ, từng đối diện với bao tình huống hiểm nguy căng thẳng trong những cuộc săn bắt voi rừng. Chính cái khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Tây Nguyên – nơi diễn ra cuộc đua đặc sắc – đã làm tăng lên bội phần chất hùng tráng của ngày hội cổ truyền của họ.