Đăng ký thường trú tại Công an cấp xã
Cơ quan có thẩm quyền quyết định:
Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh
Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC:
Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh
Thời hạn giải quyết:
Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định
Văn bản quy định:
- Thông tư số 06/2008/TT-BCA-C11
- Quyết định số 698/2007/QĐ-BCA-C11
Mức phí:
- Không thu lệ phí đăng ký thường trú đối với các trường hợp: bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hộ gia đình thuộc diện xoá đói, giảm nghèo; công dân thuộc xã, thị trấn vùng cao theo qui định của Uỷ ban Dân tộc.
- Không quá 15.000đ/lần đăng ký (không quá 10.000đ/lần đăng ký đối với trường hợp không cấp sổ hộ khẩu) đối với các quận của thành phố trực thuộc trung ương hoặc phường nội thành của thành phố thuộc tỉnh. Đối với các khu vực khác, mức thu tối đa bằng 50% mức thu trên. Mức thu cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Các bước thực hiện:
- Bước 1:
Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật
- Bước 2:
Công dân nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh để làm thủ tục đăng ký thường trú.
* Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.
- Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời
* Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (ngày lễ nghỉ).
- Bước 3:
Nhận Giấy chuyển hộ khẩu tại trụ sở Công an xã, thị trấn thuộc huyện:
- Người nhận đưa giấy biên nhận, cán bộ trả kết quả viết phiếu thu lệ phí (trừ trường hợp được miễn). Người nhận đem phiếu đến nộp tiền cho cán bộ thu lệ phí và nhận biên lai thu tiền. Cán bộ trả kết quả kiểm tra biên lai nộp lệ phí và yêu cầu ký nhận, trả Giấy chuyển hộ khẩu cho người đến nhận kết quả.
- Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (ngày lễ nghỉ).
Thành phần hồ sơ:
1- Quy định chung về các loại giấy tờ có trong hồ sơ:
a) Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu (mẫu HK02);
b) Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01) (đối với nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên);
c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số l07/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình):
* Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hoá giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Toà án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
* Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là các loại hợp đồng, cam kết cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (trường hợp hợp đồng, cam kết cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà của cá nhân phải có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã);
* Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú:
- Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;
- Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo.
* Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức) hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là nhà ở đó không có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.
Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ của của cá nhân hoặc được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình thì người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của mình hoặc người có sổ hộ khẩu phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
Đối với trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nêu trên để làm căn cứ ghi vào sổ hộ khẩu.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể:
Ngoài các giấy tờ chung có trong hồ sơ đăng ký thường trú nêu trên, các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:
- Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ; cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ; cha hoặc mẹ.
- Người sống độc thân được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị. Trường hợp được cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung thì cá nhân đó có văn bản đề nghị có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Văn bản đề nghị cần nêu rõ các thông tin cơ bản của từng người như sau: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú trước khi chuyển đến, địa chỉ chỗ ở hiện nay.
- Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có công chứng hoặc chứng thực).
- Người sống tại cơ sở tôn giáo khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về nước sinh sống có một trong các giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;
+ Giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, kèm theo giấy tờ chứng minh được về Việt Nam thường trú của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kèm theo giấy tờ chứng minh được về nước thường trú của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ