Khi sử dụng được một thời gian thì thiết bị của bạn sẽ bị xuống cấp, chắc chắn rồi, nhưng sẽ có những "triệu chứng" mà rất nhiều người gặp phải nhưng dễ bị bỏ qua. Nếu như thiết bị của bạn có những dấu hiệu của 1 trong những vấn đề dưới đây thì bạn nên coi chừng.
Vì đây là những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể âm thầm gây bệnh lên thiết bị của bạn mà bạn không hề hay biết, ngoài ra còn những nguyên nhân khác cũng có thể tàn phá thiết bị của bạn. Dưới đây là một số thủ thuật máy tính và thủ thuật điện thoại mà Download.vn đã tổng hợp lại. Hãy theo dõi để xác định và khắc phục bệnh mà thiết bị của mình mắc phải nhé.
Những vấn đề thường xuyên gặp phải trên máy tính và smartphone và cách khắc phục
- 1. Thiết bị hoạt động chậm bất thường
- 2. Gặp nhiều hiện tượng lạ khi sử dụng
- 3. Những email lạ
- 4. Một số lựa chọn "Cài đặt" trong máy bị vô hiệu hóa bất thường
- 5. Các cài đặt trong ứng dụng bỗng nhiên bị thay đổi
- 6. Xuất hiện nhiều các thông báo pop-up
- 7. Máy bị crash và tự động khởi động lại
- 8. Hiệu năng pin quá thấp
- 9. Ổ cứng máy tính có âm thanh lạ
- 10. Dung lượng ổ cứng tăng một cách bất thường
- 11. Lượng sử dụng dữ liệu tăng đột biến
1. Thiết bị hoạt động chậm bất thường
Nếu thiết bị của bạn bỗng nhiên có những "triệu chứng" như giật, lag và giảm hiệu năng đột ngột dù bạn mới sử dụng trong một thời gian ngắn, thì thủ phạm có thể là những ứng dụng, phần mềm chạy ngầm mà nhiều người không nghĩ đến.
Nguy hiểm hơn khi mà những ứng dụng đó bao gồm cả malware hay thậm chí là những phần mềm đào tiền mã hóa mà bạn vô tình cài đặt trong quá trình sử dụng Internet, đa số hiện tượng này chúng ta đều gặp phải trên máy tính, nhưng gần đây cũng đã xuất hiện trên Smartphone.
Cách khắc phục thì có rất nhiều, nhưng không có cách nào thực hiện đơn giản cả. Phương pháp phổ biến nhất là sử dụng các phần mềm diệt virus uy tín và hiệu quả như AVG Antivirus, Avast Antivirus, BKAV, Avira Antivirus để làm sạch hệ thống máy tính và smartphone của bạn, gỡ bỏ những chương trình không dùng đến và vô hiệu hóa những tiện ích mở rộng trên trình duyệt mà bạn mới cài đặt trên trình duyệt web của mình.
2. Gặp nhiều hiện tượng lạ khi sử dụng
Hiện tại, các hacker có thể sử dụng những ứng dụng keylogger để theo dõi thói quen sử dụng thiết bị của nạn nhân, khi đó chúng có thể chiếm quyền điều khiển hệ thống theo nhiều cách mà bạn không hề ngờ tới.
Dấu hiệu của việc xâm nhập này có thể gây ra những hiện tượng như các ứng dụng trong máy tự động đóng, mở. Hoặc các ký tự tự động lặp lại bất thường khi bạn đang gõ phím. Nếu như hiện tượng này chỉ xảy ra 1, 2 lần thì nguyên nhân có thể là do hệ thống và bạn chỉ cần khởi động lại thiết bị của mình là xong.
Nhưng nếu nó lặp lại liên tục thì lúc này bạn nên quét virus cho toàn bộ hệ thống trên thiết bị hoặc hãy khởi động lại thiết bị của mình, với Smartphone thì lỗi lặp ký tự khi gõ phím cũng có thể xảy ra do lỗi cảm ứng của màn hình. Vì thế, lúc này bạn hãy tìm đếm những cơ sở sửa chữa uy tín để khắc phục nhanh nhất có thể.
3. Những email lạ
Cái kiểu phát tán virus qua các tệp tin đính kèm trong email từ lâu đã trở thành một phương thức tấn công được nhiều hacker sử dụng. Với sự phát triển của dịch vụ thư điện tử hiện nay thì những email như trên thường được tự động di chuyển vào thư mục "Spam" để tránh việc người dùng tò mò mở ra và "dính chưởng".
4. Một số lựa chọn "Cài đặt" trong máy bị vô hiệu hóa bất thường
Malware không chỉ mã hóa những tệp tin, ứng dụng có trên máy, mà chúng còn âm thầm vô hiệu hóa một số tính năng trong phần "Cài đặt" để dễ dàng tiếp tục tung hoành. Nếu bạn phát hiện ra những tính năng nào bị vô hiệu hóa ngoài ý muốn, ngay lập tức hãy sử dụng phần mềm quét virus uy tín để phát hiện và tiêu diệt những mối hiểm họa đang tiềm ẩn trong hệ thống của bạn.
Mặt khác, các chương trình diệt virus chính là đối tượng đầu tiên mà malware muốn vô hiệu hóa để dễ hành động hơn. Thế nên hãy luôn chắc chắn rằng phần mềm của bạn luôn hoạt động ổn định. Và tốt nhất thì hãy sử dụng Microsoft Safety Scanner hay ClamWin Portable cho Windows để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Các cài đặt trong ứng dụng bỗng nhiên bị thay đổi
Cụ thể là những thay đổi trong ứng dụng khi bạn sử dụng, ví dụ như trang chủ trên trình duyệt của mình đã bị thay đổi một cách bất thường, giao diện chương trình cũng không còn như trước hay một số lựa chọn cài đặt đã tự động xóa bỏ. Nếu có dấu hiệu của những vấn đề trên thì nhiều khả năng những cài đặt trong một số ứng dụng của bạn đã bị thay đổi.
Dù đây có thể là dụng ý của nhà phát triển ứng dụng mà bạn vừa cài đặt, thế nhưng "phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh". Hãy kiểm tra lại thật kĩ toàn bộ hệ thống của mình bằng phần mềm quét virus và đặt lại các cài đặt về mặc định.
6. Xuất hiện nhiều các thông báo pop-up
Cửa sổ pop-up là một tính năng đã quá quen thuộc với bất cứ hệ điều hành hay trang web nào hiện nay. Nếu ít thì không sao, còn nhiều cửa sổ pop-up cùng hiện lên một lúc đến mức dày đặc thì đó là dấu hiệu không an toàn rồi.
Tình trạng này thường thấy ở trên trình duyệt web, nhưng cũng không loại trừ khả năng hệ thống của bạn đang gặp vấn đề mà bạn không hề biết. Khi đó, hãy gỡ bỏ những tiện ích mở rộng không cần thiết, xóa dữ liệu cache và danh sách lịch sử duyệt web.
7. Máy bị crash và tự động khởi động lại
Nếu bạn gặp phải lỗi "Màn hình xanh" thì đây được coi là "biểu tượng của sự chết chóc" với rất nhiều người sử dụng máy tính, đặc biệt là khi đã sử dụng trong thời gian dài. Nguyên nhân gây ra lỗi ngày cũng rất đa dạng mà nhiều người không biết, có thể là do phần cứng, lắp ráp linh kiện không được chặt chẽ và chính xác, hoặc là do xung đột phần mềm.
Phần cứng thì bạn có thể tháo case để kiểm tra, hoặc đem ra quán sửa chữa để kiểm tra. Phần mềm thì bạn sẽ biết ngay vì nếu bạn vừa cài đặt một phần mềm nào đó thì sẽ phát sinh lỗi này ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu nó xảy ra với tần suất cao thì nguyên nhân lúc này sẽ hướng đến là do malware gây ra chứ không phải do phần cứng, lúc này phần mềm diệt virus lại tiếp tục trở thành công cụ hữu ích cho bạn. Nhưng nếu mức độ xảy ra quá nghiêm trọng thì có thể bạn sẽ phải cài đặt lại toàn bộ hệ thống, và tệ hơn là phải thay ổ cứng của mình.
8. Hiệu năng pin quá thấp
Những vấn đề xảy ra với pin smartphone thường được thấy nhiều hơn là so với laptop. Sau khoảng 1-2 năm sử dụng, pin điện thoại của bạn sẽ không thể hoạt động bền bỉ như trước nữa với hiệu năng giảm nhẹ. Còn nếu có dấu hiệu pin cạn nhanh đến mức bất thường thì thủ phạm có thể là một trong những nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất là: pin của bạn đã bị chai trong quá trình sử dụng, lúc này bạn hãy đem máy đến những cơ sở sửa chữa uy tín chính hãng để kiểm tra và tiến hành thay thế nếu cần thiết.
Thứ hai, những ứng dụng chạy ngầm sẽ khiến thiết bị của bạn tụt pin mà bạn không biết nguyên nhân, khiến cho pin mau chóng trở nên cạn kiệt. Các smartphone hiện nay thường được trang bị tính năng cho phép người dùng quét và đóng những ứng dụng không cần thiết. Qua đó có thể giải phóng CPU cũng như bộ nhớ RAM để máy hoạt động mượt mà hơn và tiết kiệm pin hơn.
9. Ổ cứng máy tính có âm thanh lạ
Khi ổ cứng máy tính của bạn phát ra những âm thanh bất thường, khó đọc hay không chịu đọc, ghi dữ liệu, thì nhiều khả năng là chúng đã bắt đầu bước vào giai đoạn "cuối đời". Một khi đã hỏng ổ cứng, thì cách duy nhất là bạn chỉ có thể mua ổ cứng mới để thay thế tương ứng.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ sao lưu lại những dữ liệu quan trọng ngay lập tức trước khi ổ cứng của bạn bị hỏng vĩnh viễn và không thể khởi động được nữa.
10. Dung lượng ổ cứng tăng một cách bất thường
Vấn đề này người dùng thường gặp khi sử dụng trên máy tính hơn là trên điện thoại, bạn có thể bắt gặp ổ cứng của mình tăng đột biến một lượng lớn dung lượng khi sử dụng, trong khi bạn biết rõ là trước đó không có một dữ liệu nào lớn vừa tải về hoặc chuyển sang từ một thiết bị lưu trữ khác.
Lúc này bạn nên thực hiện kiểm tra dung lượng của bạn trong phân vùng vừa tăng đột biến, nếu thấy có một số file lạ hiện ra với những cái tên được đặt là ký tự thì hãy kiểm tra dung lượng của chúng, nếu chúng có dung lượng cao (tầm vài GB) thì đó 100% là virus.
Hãy sử dụng những phần mềm quét virus để quét và diệt virus, nếu không có hiệu quả thì chắc chắn bạn lại phải cài đặt lại hệ điều hành, hoặc format lại phân vùng của mình.
11. Lượng sử dụng dữ liệu tăng đột biến
Khi sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh, bạn thường kiểm tra các lượng dữ liệu mà ứng dụng, phần mềm đang sử dụng bằng Task Manager (Windows), Activity Monitor (macOS) hay Network & Internet (Android). Nếu thấy một vài ứng dụng sử dụng tài nguyên nhiều hơn bình thường, hãy kiểm tra xem chúng có yêu cầu cập nhật phần mềm hay không.
Nếu không thấy update thì hãy tạm xóa bỏ chúng ra khỏi hệ thống, đồng thời hãy quét và chạy những phần mềm tăng tốc để chắc chắn rằng không có ứng dụng nào hoạt động ngầm ngoài ý muốn.
Trên đây là một số thủ thuật xử lý vấn đề thường gặp trên máy tính và smartphone, mong rằng những thủ thuật Windows và thủ thuật smartphone này sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề mà thiết bị của mình đang gặp phải.