NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM --------------- Số: 17/2014/TT-NHNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------------------ Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI, ĐÓNG GÓI, GIAO NHẬN KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành ngân hàng.
2. Việc bảo quản, vận chuyển, kiểm tra, kiểm kê, bàn giao, xử lý thừa thiếu kim khí quý, đá quý được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), bao gồm: Cục Phát hành và Kho quỹ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan khác.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng).
3. Đơn vị gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là đơn vị gia công); doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
4. Tổ chức, cá nhân khác có giao nhận kim khí quý, đá quý với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kim khí quý bao gồm vàng, bạc, bạch kim và các loại kim loại quý khác.
2. Đá quý bao gồm kim cương (hạt xoàn), ruby (hồng ngọc), emorot (lục bảo ngọc), saphia (bích ngọc), ngọc trai (trân châu) và các loại đá quý khác.
3. Bao bì là bao được sử dụng để ép mỗi sản phẩm vàng miếng; bao bì vàng miếng được chống giả theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất vàng miếng hoặc của đơn vị gia công.
Điều 4. Nguyên tắc phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý
1. Kim khí quý, đá quý phải được phân loại, sắp xếp, đóng gói, niêm phong theo trật tự danh mục để thuận tiện khi bảo quản, xuất nhập, kiểm tra, kiểm kê. Việc phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận được thực hiện lần lượt đối với từng khách hàng, đơn vị, theo từng loại, từng phân loại; kiểm nhận, đóng gói xong phân loại, loại này mới được nhận sang phân loại, loại khác; giao nhận xong hiện vật của khách hàng, đơn vị này mới giao nhận đến hiện vật của khách hàng, đơn vị khác để tránh nhầm lẫn.
2. Nơi phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý phải thuận tiện, an toàn; trang bị các dụng cụ, phương tiện đảm bảo độ chính xác cần thiết cho công tác kiểm định, đóng gói, niêm phong.
3. Khi giao nhận kim khí quý, đá quý phải căn cứ theo các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ; số liệu trên giấy tờ phải khớp đúng với hiện vật. Quá trình giao nhận phải thực hiện đầy đủ các quy định vềphân loại, kiểm định, đóng gói và niêm phong.
4. Việc xác định số lượng, khối lượng, chất lượng và kích cỡ các loại kim khí quý, đá quý phải cụ thể và chính xác.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết