Thông tư 86/2013/TT-BTC về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/2013/TT-BTC | Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐỦ ĐIỀU KIỆN
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29/11/2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 và các văn bản quy định chi tiết Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 quy định chi tiết một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định cụ thể áp dụng chế độ ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Áp dụng chế độ ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện quy định tại Thông tư này.
2. Ngoài các ưu tiên được hưởng theo quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp còn được hưởng các ưu tiên khác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp ưu tiên) được hưởng chế độ ưu tiên quy định tại Thông tư này ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, cả trong giai đoạn làm thủ tục thông quan hàng hóa và giai đoạn kiểm tra sau thông quan.
4. Khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên thì tất cả hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp quy định tại Điều 2 dưới đây được hưởng chế độ ưu tiên tương ứng quy định tại Chương 4 Thông tư này (trừ hàng hóa do doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu ủy thác cho các doanh nghiệp khác).
Điều 2. Các loại doanh nghiệp ưu tiên
Doanh nghiệp ưu tiên gồm ba loại:
1. Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các mặt hàng, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nêu trên.
3. Doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao được ưu tiên trong nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất; xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.
Chương II
ĐIỀU KIỆN DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
Doanh nghiệp được xét chế độ ưu tiên theo quy định tại Thông tư này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện từ Điều 3 đến Điều 9 dưới đây:
Điều 3. Điều kiện về tuân thủ pháp luật
1. Thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp là 24 (hai mươi bốn) tháng trở về trước, kể từ ngày Tổng cục Hải quan nhận được văn bản của doanh nghiệp đề nghị được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.
2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp không vi phạm các pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý về một trong những hành vi dưới đây được coi là đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật:
2.1. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không đúng quy định của pháp luật.
2.2. Bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới;
2.3. Quá 3 (ba) lần bị các cơ quan hải quan, cơ quan thuế xử lý hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn với mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền mỗi lần vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng hoặc các chức danh tương đương theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2.4. Bị cơ quan hải quan xử lý hành chính về hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong kiểm tra hải quan, cung cấp thông tin, hồ sơ doanh nghiệp.
Điều 4. Điều kiện về thanh toán
Thực hiện thanh toán các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thanh toán thuế qua ngân hàng hoặc kho bạc.
Điều 5. Điều kiện về kế toán, tài chính
Áp dụng chuẩn mực kế toán được Bộ Tài chính chấp nhận. Mọi hoạt động kinh tế phải được phản ánh đầy đủ trong sổ kế toán. Báo cáo tài chính hàng năm được công ty kiểm toán đủ điều kiện chấp nhận các nội dung trọng yếu và đánh giá hoạt động kinh doanh có hiệu quả, không có khoản nợ thuế quá hạn trong 2 (hai) năm liền kề năm xem xét.
Điều 6. Điều kiện về kim ngạch
1. Đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này: kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu đạt 200 (hai trăm) triệu USD/năm.
2. Đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này: kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 50 (năm mươi) triệu USD/năm.
3. Đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này, không quy định kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 1 và 2 Điều này là kim ngạch bình quân trong 2 (hai) năm xem xét.
Điều 7. Điều kiện về thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế điện tử
1. Tại thời điểm cơ quan hải quan xem xét đánh giá, thẩm định, doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử với cơ quan hải quan, thủ tục thuế điện tử với cơ quan thuế.
2.Doanh nghiệp có hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trao đổi dữ liệu điện tử giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan.
Điều 8. Điều kiện về độ tin cậy
1. Cơ quan hải quan xác định độ tin cậy về sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí về bộ máy kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp, cơ chế kiểm soát tài chính, việc hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thuế (theo bộ tiêu chí đánh giá của Tổng cục Hải quan).
2. Đối với doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 đến Điều 7 Thông tư này, nhưng cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở để xác định độ tin cậy về sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của doanh nghiệp thì chưa công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Điều 9. Tự nguyện đề nghị được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên
1. Doanh nghiệp có yêu cầu được áp dụng chế độ ưu tiên, tự đối chiếu với các điều kiện, có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan xét, công nhận là doanh nghiệp ưu tiên và cam kết tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch, sắp xếp bộ máy, nhân sự, đầu tư phương tiện, thiết bị để đảm bảo đáp ứng đủ và duy trì được các điều kiện quy định đối với doanh nghiệp ưu tiên.
Chương III
THỦ TỤC THẨM ĐỊNH, CÔNG NHẬN, GIA HẠN, TẠM ĐÌNH CHỈ, ĐÌNH CHỈ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
Điều 10. Thẩm quyền công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền quyết định việc công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên.
2. Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong việc thẩm định điều kiện, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ và quản lý doanh nghiệp ưu tiên.
3. Các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, nhận xét, đánh giá về quá trình chấp hành pháp luật, tình hình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Điều 11. Hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên
1. Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan) là đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
2. Hồ sơ gồm:
2.1. Văn bản đề nghị: 01 bản chính (theo mẫu 01/DNUT ban hành kèm theo Thông tư này) trong đó doanh nghiệp tự xác định, đề nghị loại doanh nghiệp ưu tiên;
2.2. Báo cáo tình hình, thống kê số liệu xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trong 02 năm gần nhất: 01 bản chính;
Thời gian thống kê là trọn năm, từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm. Đối với năm đang thực hiện: nếu mới thực hiện được từ 6 tháng trở xuống thì lấy số liệu của 2 năm trở về trước; nếu đã thực hiện trên 6 tháng thì lấy số liệu các tháng đã thực hiện và dự tính số liệu cả năm (theo mẫu 02 /DNUT ban hành kèm theo Thông tư này).
2.3. Báo cáo chấp hành pháp luật 02 năm gần nhất (nếu bị xử lý vi phạm thì nêu rõ số lần, hành vi, hình thức xử phạt, mức xử phạt, cấp xử phạt, tình hình chấp hành quyết định xử phạt): Nộp 01 bản chính;
2.4. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán 02 năm gần nhất: Nộp 01 bản sao có xác nhận của doanh nghiệp;
2.5. Bản kết luận kiểm toán và thanh tra (nếu có) gần nhất (không quá 01 năm): Nộp 01 bản sao có xác nhận của doanh nghiệp, xuất trình bản chính;
2.6. Bản tự phân tích, đánh giá hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp;
2.7. Bản tự đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp; quy trình tác nghiệp nội bộ, trong đó mô tả đầy đủ quy trình tác nghiệp nghiệp vụ của tất cả các bộ phận liên quan trong chuỗi cung ứng (như bộ phận liên quan tới thủ tục xuất nhập khẩu: logistic, kế toán, mua hàng, bán hàng, quản lý chất lượng sản phẩm);
2.8. Các giấy tờ khác mà doanh nghiệp thấy cần thiết cung cấp cho cơ quan hải quan, hỗ trợ cơ quan hải quan trong quá trình thẩm định (như các giấy chứng nhận khen thưởng, chứng nhận quốc tế và quốc gia, các tiêu chuẩn quản lý áp dụng).
Điều 12. Thẩm định điều kiện doanh nghiệp ưu tiên
1. Đối tượng thẩm định: Là doanh nghiệp và các chi nhánh, công ty con hạch toán phụ thuộc.
2. Hình thức thẩm định bao gồm thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế.
2.1. Thẩm định hồ sơ được thực hiện:
- Trên cơ sở hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, tra cứu cơ sở dữ liệu và các nguồn thông tin khác về quá trình chấp hành pháp luật hải quan và kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
- Ý kiến đánh giá, nhận xét của các cơ quan liên quan bao gồm:
+ Cơ quan đánh giáviệc tuân thủ pháp luật hải quan (bao gồm cả việc chấp hành pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu) là Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, nơi doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan.
+ Cơ quan thẩm định mã số hàng hoá xuất nhập khẩu là Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Mã số các mặt hàng doanh nghiệp đã xuất khẩu, nhập khẩu (trừ mặt hàng nhập khẩu theo loại hình không thuộc diện chịu thuế như nhập chế xuất, xuất chế xuất) đã được doanh nghiệp và Cục Hải quan tỉnh, thành phố thẩm định, thống nhất là căn cứ đưa vào Bản ghi nhớ để doanh nghiệp sử dụng khai hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc.
+ Cơ quan xác nhận việc tuân thủ pháp luật về thuế nội địa và thực hiện thủ tục thuế điện tử là cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký, thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản thuế nội địa.
+ Các cơ quan đánh giá sự tuân thủ pháp luật theo đúng chức năng, thẩm quyền của mình. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Tổng cục Hải quan, các cơ quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư này thì Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời doanh nghiệp.
2.2. Thẩm định thực tế:Việc thẩm định thực tế do Cục Kiểm tra sau thông quan trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện.
Việc thẩm định thực tế thực hiện sau khi kết quả thẩm định hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định hoặc tiến hành đồng thời với quá trình thẩm định hồ sơ, nội dung gồm:
- Đánh giá sự tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp;
- Đánh giá khả năng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp;
- Kiểm tra hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, cơ quan thuế.
3. Xử lý kết quả thẩm định:
Căn cứ kết quả thẩm định; ý kiến đánh giá của các đơn vị, cơ quan trong, ngoài ngành; các kết luận kiểm toán và thanh tra (nếu có); các thông tin khác thu thập được; đối chiếu với các điều kiện doanh nghiệp ưu tiên quy định từ Điều 3 đến Điều 9, Chương II Thông tư này, Cục Kiểm tra sau thông quan lập báo cáo đánh giá, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định.
4. Thời gian xem xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Đối với các trường hợp phức tạp, doanh nghiệp lớn thì có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc. Trường hợp doanh nghiệp được đánh giá là không đáp ứng điều kiện doanh nghiệp ưu tiên thì Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo cho doanh nghiệp biết.
Điều 13. Lập bản ghi nhớ
1. Trường hợp doanh nghiệp được đánh giá là đáp ứng các điều kiện doanh nghiệp ưu tiên, được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chấp thuận thì Cục Kiểm tra sau thông quan và doanh nghiệp tiến hành lập bản ghi nhớ (mẫu 03/DNUT) trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký bản ghi nhớ (MOU).
2. Bản ghi nhớ ngoài các nội dung khác tùy theo đặc điểm, tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ, điện thoại, fax, e-mail của doanh nghiệp;
- Loại doanh nghiệp ưu tiên;
- Trách nhiệm của doanh nghiệp;
- Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan;
- Thống nhất về xác định mã số các mặt hàng doanh nghiệp đã xuất khẩu, nhập khẩu (trừ mặt hàng nhập khẩu theo loại hình không thuộc diện chịu thuế như nhập chế xuất, xuất chế xuất).
Điều 14. Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên
1. Người ký quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
2. Thời hạn ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định.
3. Mẫu Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên ban hành kèm theo Thông tư này (mẫu 04 /DNUT).
Điều 15. Đánh giá lại, gia hạn
1. Thời hạn doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu là 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp. Sau thời hạn này, Tổng cục Hải quan thực hiện đánh giá lại, nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng các điều kiện quy định thì được gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên.
2. Trước 60 (sáu mươi) ngày tính đến ngày hết hiệu lực của Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên, Tổng cục Hải quan thông báo để doanh nghiệp có đơn đề nghị gia hạn chế độ ưu tiên.
3. Thủ tục đánh giá lại:
- Thẩm định hồ sơ như quy định tại điểm 2.1 Điều 12 Thông tư này;
- Thẩm định thực tế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Thời gian xem xét, đánh giá lại không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc. Trường hợp đến ngày hết hiệu lực của Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên mà thủ tục đánh giá lại, công nhận lại chưa hoàn thành thì doanh nghiệp vẫn được áp dụng đầy đủ mọi chế độ ưu tiên.
4. Nếu kết quả đánh giá lại doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện quy định thì Tổng cục Hải quan căn cứ vào mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, ban hành quyết định gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp trong thời hạn từ 36 (ba mươi sáu) đến 60 (sáu mươi) tháng tiếp theo theo mẫu 05/DNUT ban hành kèm theo Thông tư này):
- 60 (sáu mươi) tháng đối với các doanh nghiệp không có vi phạm bị xử lý hoặc có 01 (một) vi phạm trong mỗi lĩnh vực thuế, hải quan và bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền không vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng;
- 36 (ba mươi sáu) tháng đối với các doanh nghiệp ưu tiên có nhiều hơn 01 vi phạm trong mỗi lĩnh vực thuế, hải quan và bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền mỗi lần không vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng, nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện tuân thủ pháp luật theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Điều 16. Tạm đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định tạm đình chỉ chế độ ưu tiên quy định tại chương IV Thông tư này khi xác định doanh nghiệp có một trong các vi phạm sau đây:
1.1. Doanh nghiệp vi phạm một trong các quy định tại Điều 3 Thông tư này.
1.2. Doanh nghiệp không đáp ứng quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Thời gian tạm đình chỉ từ 60 (sáu mươi) đến 180 (một trăm tám mươi) ngày. Trong trường hợp có lý do chính đáng (do nguyên nhân khách quan), hết thời hạn trên mà doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục xong sai sót thì được gia hạn thời hạn tạm đình chỉ một lần nhưng không quá 60 (sáu mươi) ngày.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá vi phạm của Cục hải quan tỉnh, thành phố liên quan, báo cáo làm rõ của doanh nghiệp (nêu rõ biện pháp cải tiến, cách thức thực hiện các khuyến nghị của cơ quan hải quan), nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện doanh nghiệp ưu tiên hoặc sau khi các cơ quan chức năng liên quan đánh giá hành vi vi phạm của doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật theo quy định tại Điều 3 Thông tư này thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét quyết định huỷ Quyết định tạm đình chỉ.
3. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan nếu phát hiện doanh nghiệp có vi phạm thì báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan) để xem xét, quyết định tạm đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên (mẫu 06/DNUT), Quyết định hủy Quyết định tạm đình chỉ (mẫu 07/DNUT ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 17. Đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định đình chỉ chế độ ưu tiên quy định tại Chương IV Thông tư này (mẫu 08/DNUT) trong các trường hợp sau đây:
1.1. Doanh nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện về doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Thông tư này.
1.2. Doanh nghiệp không khắc phục được các sai sót, vi phạm đã được cơ quan hải quan thông báo; hết thời hạn tạm đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên mà doanh nghiệp không khắc phục được sai sót, khiếm khuyết.
1.3. Doanh nghiệp xin rút khỏi chế độ ưu tiên; hoặc hết thời hạn công nhận mà doanh nghiệp không đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã bị đình chỉ chế độ ưu tiên thì trong 02 (hai) năm tiếp theo không được Tổng cục Hải quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết