Từ ngày 10/03/2021, Thông tư 20/2020/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, quy định về đội ngũ giảng viên của cơ sở được thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Có đủ giảng viên để giảng dạy, trong đó số giảng viên cơ hữu phải đảm bảo giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
- Đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy phải: có trình độ thạc sĩ trở lên; có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng hoặc tương đương;
- Có tối thiểu 30% giảng viên cơ hữu trở lên có chuyên môn đào tạo về sư phạm hoặc giáo dục học hoặc quản lý giáo dục hoặc tâm lý học giáo dục.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2020/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
THÔNG TƯ 20/2020/TT-BLĐTBXH
QUY ĐỊNH CƠ SỞ THỰC HIỆN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định các cơ sở được thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.
2. Thông tư này áp dụng đối với các học viện, viện nghiên cứu, đại học, trường đại học, trường cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Chương trình bồi dưỡng
1. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.
2. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng; mẫu và quy chế quản lý, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng.
Chương II
QUY ĐỊNH CƠ SỞ ĐƯỢC THỰC HIỆN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Điều 3. Quy định về năng lực và kinh nghiệm của cơ sở thực hiện bồi dưỡng
1. Có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
2. Có chương trình, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng, thẩm định và ban hành trên cơ sở chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 2 Thông tư này.
3. Có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 2 Thông tư này.
4. Có đội ngũ giảng viên đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này.
5. Có ít nhất 5 năm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Điều 4. Quy định về đội ngũ giảng viên
1. Có đủ giảng viên để giảng dạy, trong đó số giảng viên cơ hữu phải đảm bảo giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
2. Đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm liên tục trực tiếp giảng dạy trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học trở lên.
3. Có tối thiểu 30% giảng viên cơ hữu trở lên có chuyên môn đào tạo về sư phạm hoặc giáo dục học hoặc quản lý giáo dục hoặc tâm lý học giáo dục.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
1. Tổng hợp danh sách các học viện, viện nghiên cứu, đại học, trường đại học, trường cao đẳng có nhu cầu tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Chương II Thông tư này trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định giao thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
2. Công bố công khai danh sách cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) theo quy định.
3. Hằng năm, tổng hợp kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của các cơ sở được giao thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn và hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở thực hiện bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư này.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
1. Xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm quy định tại Điều 2 Thông tư này đảm bảo phù hợp với từng đối tượng bồi dưỡng; cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.
2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cho từng đối tượng tham gia bồi dưỡng, đảm bảo đúng quy định hiện hành.
3. Quyết định danh sách học viên nhập học; ban hành quy định về quy trình quản lý quá trình học tập, tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên.
4. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng; cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
5. Tổng hợp và gửi báo cáo kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trước ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề.
Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ thí điểm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2021.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |