Thông tư 12/2022/TT-BCT - thuviensachvn.com

Thông tư 12/2022/TT-BCT

Thời gian làm việc của lao động vận hành các công trình khí

Ngày 25/7/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 12/2022/TT-BCT về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.

Theo đó quy định rõ phiên làm việc theo thời gian như sau:

  • Ca làm việc không quá 12 giờ/ngày.
  • Phiên làm việc tối đa là 07 ngày.

Về thời gian làm thêm giờ, Điều 5 Thông tư này hướng dẫn:

  • Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian người lao động làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc quy định.
  • Tổng số giờ làm của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; Số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2022

THÔNG TƯ 12/2022/TT-BCT

QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC VẬN HÀNH, BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA HỆ THỐNG ĐƯỜNG ỐNG PHÂN PHỐI KHÍ VÀ CÁC CÔNG TRÌNH KHÍ

Căn cứ Điều 116 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Điều 68 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng:

a. Người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân sử dụng lao động hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình dầu khí trên đất liền;

b. Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí tại các cơ sở sản xuất của người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản này.

2. Thông tư này không áp dụng đối với người lao động gián tiếp làm việc tại các cơ sở sản xuất của người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động bao gồm: thời giờ làm việc tại địa điểm làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ làm việc.

2. Phiên làm việc là tổng số ngày làm việc liên tục của người lao động theo một ca làm việc từ khi có mặt đến khi rời khỏi cơ sở sản xuất, không bao gồm thời gian đi đường.

3. Thời giờ làm việc tại địa điểm làm việc của người lao động bao gồm thời gian làm việc trực tiếp và thời gian nghỉ giải lao trong giờ làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Lao động.

Chương II

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 4. Thời giờ làm việc

Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc, cụ thể như sau:

1. Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày.

2. Phiên làm việc tối đa là 07 ngày.

Điều 5. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm.

3. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.

4. Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.

Điều 6. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động.

2. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

Điều 7. Nghỉ chuyển ca; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Nghỉ chuyển ca; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tuân thủ quy định tại Điều 110, Điều 112 và Điều 115 Bộ luật lao động.

2. Nghỉ hàng năm tuân thủ quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật lao động. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ chuyển phiên.

Điều 8. Nghỉ chuyển phiên

Sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc theo phiên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày nghỉ bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể ca làm việc và phiên làm việc của người lao động trong Nội quy lao động và thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

2. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01 báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện Thông tư này và báo cáo đột xuất trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2022.

2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TCCB, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đặng Hoàng An

Liên kết tải về

pdf Thông tư 12/2022/TT-BCT
doc Thông tư 12/2022/TT-BCT 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK