Ngày 18/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu điezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Vậy sau đây là nội dung chi tiết Thông tư, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/2021/TT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021 |
THÔNG TƯ 103/2021/TT-BTC
HƯỚNG DẪN PHƯƠNG THỨC TRÍCH LẬP, CHI SỬ DỤNG, QUẢN LÝ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi chung là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Điều 2. Lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Thông tư này và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản; thực hiện các nghiệp vụ trích lập, chi sử dụng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu; công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội. Trường hợp có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu lớn hơn ba trăm tỷ đồng (300 tỷ đồng), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được mở thêm tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng khác.
3. Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương và hướng dẫn tại Thông tư này; Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đúng mục đích theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư này; không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.
2. Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra đầu tiên tính trên một lít, kg xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định.
3. Tại kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, trường hợp tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng bảy nghìn tỷ đồng (≥ 7.000 tỷ đồng), Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Điều 4. Phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là ba trăm đồng/lít (300 đồng/lít) đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và ba trăm đồng/kg (300 đồng/kg) đối với các loại dầu madút ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
2. Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu như sau:
a) Điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Trường hợp cần thiết, điều chỉnh tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố giảm trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu.
b) Bộ Công Thương căn cứ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu, diễn biến giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Bộ Tài chính để quyết định mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng.
3. Tổng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân (x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Điều 5. Phương thức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá xăng dầu quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
2. Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế và số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm điều hành giá xăng dầu như sau:
a) Không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng dưới bảy phần trăm (<7%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
b) Trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng từ bảy phần trăm (≥ 7%) đến mười phần trăm (≤10%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng.
c) Trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bô tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
3. Tổng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân (x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Điều 6. Hạch toán, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm hạch toán đầy đủ, chính xác khoản trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào giá vốn hàng bán; khi chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán giảm giá vốn hàng bán.
2. Trong thời gian năm ngày (05 ngày) kể từ ngày kết thúc một (01) kỳ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm hạch toán, đối trừ số tiền đã trích lập, chi sử dụng (số tạm tính) Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ trước liền kề, và hoàn trả (đối với trường hợp Quỹ bình ổn giá tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đang bị âm) hoặc chuyển nộp ngay vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu (đối với trường hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dương) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
3. Số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng dầu được tính lãi suất theo mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mở tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong cùng thời kỳ. Phần lãi phát sinh trên tài khoản số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương tại ngân hàng được ghi tăng vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
4. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương, nhưng tại thời điểm đó số dư của tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn (số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng bằng không (0)), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được vay hoặc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (phần số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm); cụ thể như sau:
a) Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay ngân hàng để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, sẽ được tính lãi suất theo mức lãi suất thỏa thuận thấp nhất tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn.
Trong thời gian năm ngày (05 ngày) kể từ ngày kết thúc một (01) kỳ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm hạch toán, đối trừ số tiền đã thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ trước liền kề. Thời điểm bắt đầu tính lãi suất đối với số tiền thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn ngân hàng để bù đắp Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị âm trong kỳ trước liền kề được xác định từ ngày ngân hàng cấp vốn để thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (phần số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm).
b) Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, sẽ được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán thấp nhất của một (01) trong các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trong thời gian năm ngày (05 ngày) kể từ ngày kết thúc một (01) kỳ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm hạch toán, đối trừ số tiền đã thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ trước liền kề. Thời điểm bắt đầu tính lãi suất đối với số tiền thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (phần số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm) được xác định từ ngày thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ trước liền kề.
c) Khoản tiền thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay ngân hàng hoặc sử dụng nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho việc chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (phần số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm) sẽ được hoàn trả khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có số dư dương, theo nguyên tắc phần tài chính huy động để bù đắp cho việc chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá xăng dầu kỳ trước được hoàn trả trước.
5. Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ bằng (=) Số dư Quỹ bình ổn giá đầu kỳ cộng (+) tổng mức trích lập Quỹ bình ổn giá trong kỳ trừ (-) tổng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ cộng (+) phần lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương phát sinh trong kỳ trừ (-) phần lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu phát sinh âm phát sinh trong kỳ (nếu có).
Trước ngày 20 tháng 01 của năm tài chính kế tiếp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước): số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; Tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; Tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; Tổng số tiền chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; Tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ báo cáo; Quỹ bình ổn giá xăng dầu có kết dư, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kết chuyển sang năm sau.
6. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện hạch toán kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán. Báo cáo tài chính năm của Quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) trong thời hạn chín mươi ngày (90 ngày) kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm để theo dõi, giám sát.
7. Trường hợp doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ chuyển, nộp toàn bộ số dư Quỹ bình ổn giá vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; cụ thể như sau:
a) Trường hợp phá sản, giải thể doanh nghiệp: Trước khi thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm quyết toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu và gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước); Đồng thời, chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
b) Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngay khi có quyết định hoặc thông báo của Bộ Công Thương, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
c) Trường hợp khi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hạn phải làm thủ tục xin gia hạn theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, trước ít nhất ba mươi (30) ngày làm việc, trước khi Giấy xác nhận hết hiệu lực, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chốt số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu và gửi báo cáo kèm theo sao kê tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
Khi có quyết định hoặc thông báo của Bộ Công Thương về việc doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chuyển nộp ngay toàn bộ tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
d) Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo một trong các phương thức: Nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại bằng phương thức chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước mở tại ngân hàng thương mại; hoặc nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng. Về thông tin hạch toán khoản thu ngân sách trung ương:
- Về Chương nộp: Theo chương của đơn vị quản lý doanh nghiệp;
- Về nội dung khoản nộp: Tiểu mục 4949 - “Các khoản thu khác” thuộc mục 4900 - “Các khoản thu khác”.
Trên cơ sở báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, báo cáo kiểm toán về Quỹ bình ổn giá xăng dầu (nếu có), Liên Bộ Công Thương - Tài chính rà soát, đối chiếu số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực tế tại doanh nghiệp với số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã báo cáo, chuyển nộp vào ngân sách trung ương để yêu cầu đơn vị điều chỉnh nếu có chênh lệch về số liệu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với việc thực hiện trích lập, chi sử dụng, báo cáo và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
8. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh, chia, tách doanh nghiệp, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ kết chuyển sang số dư của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là doanh nghiệp nhận sáp nhập (trường hợp sáp nhập doanh nghiệp), doanh nghiệp mua lại (trong trường hợp mua lại doanh nghiệp) và doanh nghiệp mới (trong trường hợp hợp nhất, liên doanh, chia, tách doanh nghiệp). Trên cơ sở báo cáo kiểm toán về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Công khai, báo cáo Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) trước mỗi lần thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương; Đồng thời, công bố công khai tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh trên số dư tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề (trước ngày 15 hàng tháng).
2. Định kỳ, trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) và Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề, bao gồm: số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; Tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; Tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; Tổng số tiền chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; Tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ báo cáo; Đồng thời, có trách nhiệm gửi kèm bản sao kê tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
Việc gửi báo cáo được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Gửi qua Fax hoặc thư điện tử (bản scan) theo địa chỉ:
- Địa chỉ tiếp nhận báo cáo qua thư điện tử của Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) là: [email protected];
- Địa chỉ tiếp nhận báo cáo qua thư điện tử của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) là: [email protected];
Trên cơ sở thông tin báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hàng quý, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổng hợp, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về số trích lập, số chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Điều 8. Kiểm tra, giám sát thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Phương thức kiểm tra, giám sát thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện thông qua các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; hoặc qua làm việc, trao đổi trực tiếp với đơn vị. Trường hợp cần xác minh làm rõ số liệu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) yêu cầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo bổ sung. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu quản lý nhà nước hoặc theo kế hoạch nắm bắt thông tin hàng năm, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tổ chức làm việc, trao đổi, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
2. Kết quả kiểm tra, giám sát được thông báo để thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cập nhật, điều chỉnh số liệu kịp thời. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được nghiên cứu xem xét, xử lý để tạo thuận lợi cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện; Trường hợp phát hiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định thì xem xét, xử lý theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Điều 9. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2022.
Bãi bỏ Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Khoản 4 Điều 1 Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này.
2. Giao Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) chủ trì phối hợp với các đơn vị khác có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện Thông tư này theo quy định.
3. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện và tổng hợp số liệu thực tế tại đơn vị, công khai, báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) theo đúng quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
................
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Thông tư